Tọa đàm “Bản sắc Việt trong trang phục dân gian”: Văn hóa sẽ khiến cho con người dịu dàng hơn

2018-06-09 22:30:00 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Sau một tuần nắng nóng oi bức, cơn mưa rào mùa đổ xuống đúng lúc như ly nước mát xua tan cái nóng nực của những ngày hạ. Buổi tọa đàm “Bản sắc Việt trong trang phục dân gian” được tổ chức trong khuôn viên Phố sách 19 tháng 12 thoáng đáng, mát mẻ.

Diễn giả Nguyễn Đức Bình chia sẻ tại sự kiện.


16h14
: Công tác chuẩn bị trước buổi tọa đàm đang được gấp rút hoàn thiện. Hơn 50 khán giả đã ngồi kín các hàng ghế, rất nhiều người khoác lên mình những bộ trang phục mang màu sắc truyền thống như áo dài, nhật bình, trang phục thời Lê Sơ….




Các nghệ nhân của Giáo phường Đình Làng Việt chuẩn bị cho buổi biểu diễn.


16h27: Tiếng trống dồn dập cùng tiếng sênh tiền kêu lanh canh bắt đầu vang lên, mở đầu cho buổi tọa đàm. Trên sân khấu, hai nghệ sĩ biểu diễn bài chèo “Thi nhịp vỡ nước” mang ý tứ như một lời chào, lời chúc phúc, chúc sức khỏe cho tất cả mọi người.


Bài chèo “Thi vị vỡ nước” mở đầu cho buổi tọa đàm.


16h35: Đại diện cho đơn vị xuất bản Thaihabooks, bà Trần Thị Phương Thảo phát biểu khai mạc. Bà chia sẻ “Cảm ơn tất cả mọi người đã dành thời gian tới không gian văn hóa phố sách Hà Nội ngày hôm nay, để cùng trao đổi với nhau về bản sắc Việt trong trang phục dân gian xoay quanh cuốn sách “Nét cũ duyên xưa”.

“Nét cũ duyên xưa” của tác giả Bùi Quang Thắng là một ấn phẩm văn hóa mang đậm tinh thần Việt, thông qua cuốn sách này tôi cũng muốn truyền đi một thông điệp “Văn hóa sẽ khiến cho con người chúng ta dịu dàng hơn”.


Bà Trần Thị Phương Thảo - đại diện cho Thaihabooks phát biểu khai mạc.


16h40
: Tràng pháo tay vang lên giòn giã chào đón sự xuất hiện của Lê Xuân Khoa - tác giả trẻ nổi tiếng chuyên viết về đề tài bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam giữ vai trò MC và sự tham gia của các diễn giả: nhà nghiên cứu “Bùi Quang Thắng - tác giả cuốn sách “Nét cũ duyên xưa”; họa sĩ - nhà phê bình Nguyễn Đức Bình - trưởng nhóm Đình Làng Việt và chủ tịch hội đồng quản trị công ty Ỷ Vân Hiên - Nguyễn Đức Lộc.


Sự kiện thu hút đông đảo giới báo chí và công chúng tham gia.


Nón thúng - Thứ trang nhã nhất trong trang phục dân gian


16h42: Lý do viết sách “Nét cũ duyên xưa”

Tác giả Bùi Quang Thắng gửi lời cảm ơn chân thành tới Thahabooks đã thiết kế và in ấn cuốn sách “Nét cũ duyên xưa” tâm huyết của mình một cách đẹp và chuyên nghiệp.

Đồng thời, tác giả chia sẻ 2 lý do viết cuốn sách “Nét cũ duyên xưa”. Lý do đầu tiên là nhận thấy quốc gia khác có một loại trang phục truyền thống và vô cùng hãnh diện khi mặc trang phục truyền thống của đất nước mình, “vậy còn phụ nữ Việt Nam, ngoài áo dài ra thì còn trang phục nào có thể đưa ra thế giới để khẳng định bản sắc không?”. Lý do thứ 2 lựa chọn trang phục dân gian vì trang phục dân gian mang đậm hồn cốt của người Việt.


Cuốn sách “Nét cũ duyên xưa” chứa đựng câu chuyện về giá trị bản sắc văn hóa Việt.


16h51: Phải chọn trang phục dân gian để nghiên cứu bản sắc.

Với vai trò là người làm công tác bảo tồn những di sản thuần Việt, nhà phê bình Nguyễn Đức Bình bày tỏ sự đồng ý hoàn toàn khi nghiên cứu về trang phục là phải nghiên cứu về trang phục dân gian chứ không phải trang phục cung đình. Trang phục cung đình mang tính chất quy ước triệt để và chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Hoa.


MC cùng 3 diễn giả trong buổi tọa đàm.

 
16h55: “Ngày em đi tình em đội nón thúng quai thao, mà có ngày về tình em đội nón xứ Nghệ, mà để ước ao cả cái nón ba tầm”

Làn điệu chèo “Nón thúng quai thao” do Giáo phường Đình làng Việt biểu diễn đã gợi mở câu hỏi: Tại sao trong bài hát, nón thúng quai thao được sản sinh ra từ xứ Nghệ, trong khi hầu hết mọi người khi nhắc đến Nón thúng quai thao đều nghĩ tới quê hương quan họ Bắc Ninh.

Tác giả Bùi Quang Thắng chia sẻ: “Trong làn điệu chèo các bạn vừa nghe có nhắc đến 3 loại nón: nón thúng quai thao, nón Nghệ, nón 3 tầm. Tất cả đều là nón thúng, do vùng miền mà có tên gọi khác nhau.

Tác giả khẳng định nguồn gốc nón thúng quai thao ở làng Yên Đồng - La Sơn - xứ Nghệ ngày xưa (nay là huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh). Điều này cũng đã được khẳng định trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí”.

17h05: Vẻ đẹp nón thúng.

Nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng chia sẻ: Ngày xưa, thường dân không được sử dụng trang phục đẹp như gấm, vóc,… và thêu thùa vốn chỉ dành cho quý tộc, bởi quan niệm “cái nết đánh chết cái đẹp”. Tuy nhiên, nón thúng nằm ngoài phạm vi đó.

Nón thúng vốn mang vẻ đẹp tự thân, với bán kính từ 40 - 80 cm. Mặt trong được đan một lớp mê rất công phu và thêu họa tiết trang trí. Kỹ thuật đan, thêu rất phức tạp và yêu cầu rất khắt khe, đan mê nón mất 3 ngày. Quai nón quai thao được chăm chút rất đẹp, chị em Bắc Bộ để võng xuống thắt lưng, trong khi chị em Nam Bộ buộc dưới cằm rồi thả xuống.


Hình ảnh nón thúng với họa tiết thêu rất công phu ở mặt trong.


17h28: Khôi phục đội nón thúng.

Chia sẻ quan điểm về phong trào để khôi phục văn hóa, ví dụ như phong trào đội nón thúng trở lại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình bày tỏ: Nón là thứ đi liền với trang phục. Tuy nhiên, để vận động các chị em đội nón chóp ra đường đã là rất khó chứ chưa nói đến đội nón thúng. “Tôi nghĩ có những thứ chúng ta vẫn có thể khôi phục được nhưng có những thứ chúng ta phải cho vào bảo tàng”.

17h30: Cốt lõi bản sắc văn hóa trong trang phục Việt. 

Nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng cho rằng: “Tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất của tôi chính là không nằm trong cái bóng của dân tộc khác.Cốt lõi trong trang phục nằm ở trong những phần trang phục đặc trưng của người Việt, ví dụ như chiếc nón thúng, hay chiếc yếm đào”.



Áo dài – Nét son tô đậm bản sắc Việt

17h36: Không mặc áo dài vì tư tưởng bài phong kiến. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình tiết lộ: Áo dài nam truyền thống bị gán cho biểu tượng của chính trị, của cường hào, ác bá phong kiến ngày xưa cho nên ngày nay nhiều bác nam giới lăn tăn khi mặc áo dài vì ảnh hưởng về văn hóa. Có quan điểm áo dài nam là dành cho những người lên đồng. Đó chính là chúng ta đang chối bỏ văn hóa của chính mình.


Diễn giả Nguyễn Đức Bình chia sẻ tại sự kiện.


17h41: Sự xung đột văn hóa trong tà áo dài. 

Trích đoạn: “Tuần ti Đào Huế” của vở chèo cổ “Chu Mãi Thần” được biểu diễn bởi giáo phường Đình làng Việt đã dẫn dắt câu chuyện lịch sử và sự biến đổi của tà áo dài. Cô đào Huế mặc trang phục đặc biệt nhất của sân khấu chèo. Đó là chiếc áo dài tím có khuy cổ áo đóng và mặc quần trắng - đại diện nền văn hóa của vương triều Nguyễn. Cô gái Bắc Kỳ mặc áo dài năm thân không cài nếp cổ, thắt lưng bên ngoài áo. Đó đồng thời thể hiện xung đột của 2 nền văn hóa đàng Trong với văn hóa Bắc Kỳ.


Trích đoạn chèo “Tuần ti đào Huế” gợi mở nội dung phần 2 về tà áo dài.


17h57: “Tháng Tám có chiếu vua ban/ Cấm quần không đáy mà nghe hãi hùng”.

Diễn giả Nguyễn Đức Lộc chia sẻ lịch sử hình thành của chiếc áo dài. Theo người Việt xưa có các loại áo dài như: giao lĩnh tức (cổ áo hai cổ cài vào nhau); viên lĩnh (cổ tròn); trực lĩnh (cổ đứng); khúc lĩnh (cổ vuông),… Lịch sử văn hóa của chúng ta có rất nhiều áo dài, nhưng do sự đứt gãy văn hóa mà bị biến mất.


Diễn giả Nguyễn Đức Lộc chia sẻ tại tọa đàm.


Năm 1835 - trong tuyến tuần du ra Bắc Hà, vua Minh Mạng nhìn thấy lối ăn vận phụ nữ Bắc Hà mặc yếm, váy đụp nên đã áp dụng cách cứng rắn rộng rãi ra toàn quốc phải mặc áo dài năm thân, cổ đứng khuy cài.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người pháp đặt chân đến VN đem văn hóa người phương Tây đến VN, trang phục người phụ nữ ảnh hưởng về kỹ thuật dệt, may mặc, hình dáng của phong trào Âu hóa. Áo dài cách tân ngày nay, chị em phụ nữ đang mặc có tuổi đời 100 năm.



18h11: Nam giới hiện giờ đều đang mặc trang phục sân khấu.

Diễn giả Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh các trang phục áo dài nam đều bị ảnh hưởng từ trang phục sân khấu cách tân. Nam giới hiện giờ đều đang mặc trang phục sân khấu chứ không phải là trang phục dân gian vốn có. Bản sắc của áo dài nam nằm ở cách mặc, ở cái thẩm mỹ của chiếc áo chứ không ở chất liệu và các họa tiết thuê thùa như nhiều nhà thiết kế đang hiểu.


Hình ảnh của trang phục áo dài nam truyền thống.


Về vấn đề cách tân áo dài nam thì không thể bỏ đi cái sự kín đáo truyền thống của người đàn ông Việt. Khi mặc áo là không được mặc tùy tiện, phải mặc hai lớp như người xưa. Áo may không được chiết eo, không được thêu rồng phượng trước vạt áo. Để phù hợp với cuộc sống hiện giờ thì có thể không nhất thiết phải đi guốc mộc, giày hài mà có thể thay bằng giày đen. Tay áo có thể may nhỏ lại để khỏi vướng, hay vải may không nhất thiết phải may bằng vải đắt tiền như ngày xưa.

18h23: Áo dài buộc phải cách tân.

Diễn giả Nguyễn Đức Lộc cho rằng theo dòng chảy của thời đại, áo dài bắt buộc phải cách tân. Chúng ta không thể mặc y nguyên như các cụ 200 năm trước được nữa. Vấn đề chúng ta cần quan tâm là làm sao để khi đàn ông Việt mặc áo dài nam, người nước ngoài họ phải nhận ra ngay: Đó là người Việt Nam. Còn về việc cách tân như thế nào, tiểu tiết áo ra sao thì còn phải tùy thuộc vào ứng dụng trong đời sống.

18h32: “Tôi viết sách muốn góp phần giúp mọi người có thêm kiến thức về trang phục cổ”.

Tác giả Bùi Quang Thắng nhấn mạnh: “Tôi viết cuốn sách “Nét cũ duyên xưa” để tôn vinh nét đẹp dân tộc chứ không phải để các chị em đọc xong cứ phải đội nón thúng ra đường, các anh em cứ phải mặc áo ngũ thân dù muốn hay không”.

Việc cách tân hay mặc y nguyên trang phục cổ đều có ý nghĩa riêng của nó. Chúng ta mặc thế nào không quan trọng, quan trọng là cái phông văn hóa của chúng ta phải đủ mạnh, đủ dày để lựa chọn trang phục sao cho hợp lý.


Khán giả chăm chú theo dõi buổi tọa đàm.


18h37: Trải nghiệm mặc áo dài cổ.

Đó là trò chơi đã khuấy động bầu không khí dành cho khán giả sau hơn 2 tiếng lắng nghe các vị khách mời chia sẻ. Hàng loạt cánh tay giơ lên ngay lập tức dù MC chưa phổ biến cách chơi. Hai bạn nam và một bạn nữ với ánh mắt mong chờ cùng nụ cười háo hức được mời lên sân khấu để tự mình trải nghiệm cách mặc trang phục cổ xưa của người Việt. Sự lúng túng của những bạn trẻ 9x khi phải tự mình mặc những bộ trang phục có tuổi đời cả trăm năm đã mang lại những nụ cười không ngớt cho khán giả cũng như khách mời.


Ba bạn trẻ tham gia trải nghiệm mặc áo dài cổ.


18h50: “Chính bản thân em sẽ là người mang bản sắc Việt đến với thế giới.”

Buổi tọa đàm kết thúc trong tràng pháo tay vang lên giòn giã. Các vị khán giả ra về trong lòng ai nấy đều hân hoan, phấn khởi.

Chia sẻ với phóng viên, bạn Kim Oanh - 1 trong 3 người tham gia trò chơi trải nghiệm tự mặc áo dài cổ cho biết: “Lần đầu được mặc áo tứ thân, em cảm thấy rất tự hào về đất nước Việt Nam mình. Cảm ơn Thaiha Book, cảm ơn buổi tọa đàm ngày hôm nay đã cho em những hiểu biết và những cảm xúc tuyệt vời. Em nhất định sẽ ghi nhớ để khi có cơ hội, chính bản thân em sẽ là người mang bản sắc Việt đến với thế giới.”

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...