Tri ân đồng đội: Tiếng nói người trong cuộc

2019-07-30 09:15:42 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Đúng theo lời hứa với anh H. thương binh nặng đặc biệt (cụt cả 2 chân), ăn vội bát cơm tối, tôi qua nhà anh luôn. Vừa bước chân qua cổng nhà anh, tôi đã thấy 2 chiếc xe lăn và chiếc gậy dò đường đang để ở sân, trên hiên là 3 chàng “ngự lâm” (đều là thương binh nặng đặc biệt) đang hàn huyên quanh ấm trà. Bụng bảo dạ, chắc lại có chuyện gì chẳng lành đây, nên mới bị “triệu tập” gấp…?

Thương binh tàn nhưng không phế 


Tôi vừa cất tiếng chào ba anh, thì anh H. đã làm luôn một câu: Nhà báo biết tháng này là tháng gì? Thật thà tôi đáp “tháng 7”. Anh tiếp luôn, thế nhà báo không tri ân anh em chúng tôi à. Tôi chưa kịp đáp thì anh T. (bị hỏng cả hai mắt) đã lên tiếng. Ông này hay thật, ai lại bắt thằng cùng cảnh ngộ tri ân. Đợi tôi yên vị trên chiếc chiếu, cùng các anh nâng chén trà, lúc này anh H. mới lớn tiếng. Anh H. đã được anh em thương binh ở Trung tâm điều dưỡng Thương binh nặng Quang Trung – Kiến Xương – Thái Bình mệnh danh là Trương Phi (tính nóng như hổ lửa, nói thẳng, nói thật, không ngán một ai…). Anh H. nói: Ông ngu bỏ mẹ đi, đúng là thằng nhìn ban ngày cũng nói ban đêm nên chẳng hiểu gì hết. Ông tưởng tôi không biết thằng này à. Ngày tôi về đây điều dưỡng (năm 1973), nó đang ở chiến trường miền Nam. Sáng nào tôi cũng qua cửa hàng ông già nó để 2 ông con đàm đạo nhân tình thế thái, thời sự trong nước, quốc tế nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sau đó tôi xây dựng gia đình, làm rể làng này, nên tôi rất hiểu nó. Nhìn sang bên phía Anh T. Anh H. nói tiếp: Nếu cứ hiểu theo cách nghĩ của thằng T. tri ân chỉ là cân đường, hộp sữa, là cái phong bì… thì tao cần đếch cái thằng nhà báo này. Cứ nói cho nó vuông, thu nhập của anh em chúng mình còn cao hơn nó. Anh H. nói tiếp: Chúng mình ở quê còn có đất, có ruộng nuôi con gà, trồng hạt lúa, luống rau. Què quặt, mù lòa lại ít phải đi xa, hắt hơi, xổ mùi đã có nhà nước lo… Thu nhiều, chí ít nên đời sống không đến nỗi nào. Tuy không giàu như các “quan” thành phố, nhưng cũng đủ lo cho các cháu ăn học, không phải vay mượn. Nên cái chúng tớ cần nhà báo tri ân, đó là những lời nói thật.

“Trúng khẩu đồng từ”, lúc này anh S. (tuy chỉ mất 1 cẳng chân, 1 cánh tay, nhưng phải nhập viện nhiều vì phổi anh vẫn còn mảnh đạn) mới lên tiếng. Anh S. nói: Tôi không hiểu cán bộ mình thực thi chính sách người có công (NCC) với cách mạng theo kiểu gì đó. Không phải khoe với nhà báo, không tin nhà báo cứ hỏi đồng đội tôi thì rõ. Tôi là người chịu đọc sách báo và nghe thời sự nhất Trung tâm. Không hiểu sao tôi lại rất thích đọc văn bản luật liên quan tới NCC, các bài báo viết về đồng đội đi đòi quyền lợi, vì thế nên tôi mới biết tới hoanhap.vn và biết đến nhà báo.

Thấy mọi người chú ý lắng nghe, anh S. càng say sưa nói. Anh chia sẻ: Trong khi Đảng, Quốc hội, Chính phủ và một số bộ, như Lao động – Thương binh – xã hội (LĐTBXH), Quốc phòng, Công an… tích cực bổ sung, hoàn thiện dần các văn bản luật để làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thì cán bộ thực thi chính sách NCC ở cấp địa phương, cơ sở lại “thích hành với tỏi”, gây khó dễ với người được thụ hưởng chính sách. Nhiều nơi đã lợi dụng những chính sách ưu đãi NCC với cách mạng để “cá kiếm”. Không “cá kiếm được” thì họ lại biến chính sách Đền ơn đáp nghĩa thành “Ban ơn”. Không nói đâu xa, ngay dưới xã Bình Định (cách mình chỉ có 3-4 km), chuyện cụ Trần Văn Căn sinh năm 1927, nhập ngũ 1952, hy sinh 1953 cũng do mất giấy tờ mà cháu dâu cụ là Phạm Thị Thạch (Nụ), đã phải chạy ngược, chạy xuôi hơn 10 năm trời tốn bao chi phí để thay mặt dòng họ đi tìm các nhân chứng sống biết về sự hy sinh của cụ để làm chứng. Song, nhân chứng thì đã gặp, chứng nhận thì đã có và đã lập hồ sơ gửi đi theo chỉ dẫn của cơ quan chức năng có thẩm quyền, song cụ Trần Văn Căn hy sinh đã 66 năm vẫn chưa được suy tôn là liệt sỹ.


Từ trái qua phải, ông Vũ Đình Hoa 88 tuổi; ngồi giữa là cựu du kích Nguyễn Hữu Toàn 85 tuổi; bên phải là đại tá Hoàng Ngọc Thành 84 tuổi cùng tham gia đánh bốt Cầu Vật tháng 11/1953


Tương tự như chuyện cụ Căn, ở bên thôn Dương Liễu, xã Minh Tân, cũng cách mình ngồi chỉ có 5-6 km chuyện ông Đại cũng thế. Quân nhân Hoàng Văn Đại, sinh năm 1944, nhập ngũ 1964, chiến đấu ở chiến trường miền Nam bị thương năm 1969, được điều chuyển ra Bắc điều dưỡng, do bị thương nặng và bị suy kiệt thể trạng đã lên cơn sốt rét ác tính và hy sinh vào ngày 14/04/1969 trên đường chuyển đến viện Quân y 7, Giấy báo tử ký ngày 25/8/1969. Mọi thông tin đó đều được thể hiện rõ trong một Quyết định của Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình ký năm 1969. Quyết định này hiện đang được bà Phan Thị Được chị dâu của quân nhân Hoàng Văn Đại, quê ở xã Vũ Bình lưu giữ. Dựa vào chứng cứ này và người làm chứng là bà Nguyễn Thị Bắc, nguyên là xã đội phó xã Minh Tân từ năm 1963 đến năm 1969, gia đình đã nhiều lần “gõ cửa” các cơ quan chức năng để đề nghị công nhận là liệt sỹ cho quân nhân Hoàng Văn Đại, song đến nay vẫn chưa được.


Bà Nguyễn Thị Bắc (ngồi giữa) nguyên là xã đội phó xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình người trực tiếp nhận giấy báo tử quân nhân Hoàng Văn Đại


Ngồi nghe từ tối đến giờ, Anh T. giờ mới lên tiếng. Đó chỉ là chuyện đi đòi quyền lợi cho người đã mất, họ chết nên không biết gì, chứ việc đi đòi quyền lợi cho chính mình mới chua xót và bức xúc hơn nhiều.

Như chuyện em họ thằng bạn tôi ở bên xã Hải Phong, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nghe mà buồn lòng. Đó là chuyện của ông Nguyễn Văn Kỳ, sinh năm 1959, nhập ngũ tháng 5/1978, đi B tháng 7/1978 thuộc C3 -E64 - F320 - quân đoàn 3 đóng tại TP. Biên hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau đó, ông Kỳ cùng đơn vị đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia.

Tháng 4/1979 trong một trận chiến đấu ông Kỳ bị thương ở Ta Keo, tỉnh Phnom Penh, Campuchia. Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện dã chiến, thì được máy bay trực thăng trở về bệnh viện 121A Cần Thơ để điều trị. Sau một thời gian điều trị vết thương, ăn dưỡng rồi cùng đơn vị cũ ra Bắc.

Tháng 12/1979, ông Kỳ được sư đoàn gọi giám định thương tật và được xác định tỷ lệ thương tật 31%.

Tháng 8/1983, ông Kỳ nhận quyết định phục viên về địa phương. Trước khi ra về Trợ lý chính sách Trung đoàn 64 còn dặn: “Đồng chí cứ về đi rồi chúng tôi sẽ gửi giấy chứng nhận thương binh bằng đường công văn về sau”…

Từ đó đến nay, ông Kỳ vẫn không nhận được bất cứ công văn nào trả chế độ thương binh cho ông.

Được biết, từ cuối năm 2015 đến nay ông đã phải chạy qua bao nhiêu cửa ải. Hết vào đơn vị ở Biển Hồ - Gia Lai gặp Ban Chính sách của sư đoàn 320. May cho ông Kỳ là sổ lưu trữ về bản thân ông vẫn còn đầy đủ các tài liệu lên vẫn có cái mà sao lưu, như Bản sao sổ thương binh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Biên bản kiểm tra danh sách lưu trữ tại đơn vị về trường hợp bị thương; Giấy chứng nhận bị thương. Ngoài ra, sư đoàn 320 còn cẩn thận làm cho ông cái công văn gửi Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định về việc cung cấp danh sách quân nhân bị thương.

Tưởng rằng, với hồ sơ đầy đủ trên, ông Kỳ sẽ sớm được thụ hưởng chính sách thương binh của Nhà nước, nào ngờ đến nay ông Kỳ vẫn chỉ là anh CCB không có chế độ gì hết và lại còn phải tốn công, tốn của chạy hết cửa này đến cửa khác để hoàn thiện hồ sơ – Thật là tội nghiệp..!

Nhấp thêm một ngụm trà, anh T. hạ giọng nói tiếp, khi có chiến tranh, Đảng gọi, Tổ quốc cần, anh em mình ra đi chiến đấu sao nhẹ nhàng đến thế, vậy mà khi trở về, Đảng và Nhà nước có chính sách rõ ràng để bù đắp những mất mát mà anh em mình đã cống hiến, thế vậy muốn được thụ hưởng sao nó lại khó đến vậy. 

Đành rằng, những người lính như anh em mình tham gia trận mạc tuổi bây giờ cũng đã cao, toàn thất, thập cả rồi, đơn vị cũ thì di chuyển tứ tung, thậm chí còn giải tán, chuyện lưu giữ chứng từ trong lúc loạn lạc thì thủ công, giấy, mực thì toàn loại thấp cấp nên mới xảy ra những chuyện chéo kheo như vậy. 

Nào ngờ, ở bên ngành công an, nơi được mệnh danh là trang thiết bị hiện đại, cán bộ văn phòng thì mẫn cán, được học hành bài bản, cũng vẫn để xảy ra tình trạng cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ chống tội phạm để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, chẳng may bị thương tích, muốn làm thủ tục công nhận là thương binh cũng không dễ chút nào. Điển hình như chuyện của điều tra viên Trần Hậu Kiêm, thuộc CSĐT Công an tỉnh Đăk Nông.

Trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” theo quyết định phân công của cơ quan CSĐT tỉnh Đắk Nông, khi đi qua địa bàn xã Nam Bình, huyện Đăk Song thì Trần Hậu Kiêm bị một số đối tượng lạ mặt chặn đường ném đá vào đầu gây chấn thương sọ não, hư mắt trái, gẫy xương gò má trái, trán trái. Kết quả giám định pháp y năm 2008 của Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Đăk Nông kết luận: Ông Trần Hậu Kiêm bị thương tật tổn hại 55% sức khỏe. Kết quả giám định Y khoa tỉnh Đăk Nông năm 2009 kết luận: Ông Trần Hậu Kiêm bị thương 41% tổn hại sức khỏe.

Ngày 14/4/2009, CA tỉnh Đăk Nông đã có công văn kết luận: Đồng chí Trần Hậu Kim đang thực hiện điều tra vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” bị chặn đường ném đá gây tỷ lệ thương tật 41% (có kết luận giám định y khoa kèm theo) là đúng thực tế kèm theo hồ sơ tài liệu có nội dung phản ánh bị thương trong lúc đấu tranh chống tội phạm được chuyển đến Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ CA. Song, Bảo hiểm Bộ CA không ra quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh cho đ/c Kiêm mà ra quyết định trợ cấp tai nạn lao động, do đó đ/c Kiêm không đồng ý và quyết tâm đi đòi quyền và lợi ích chính đáng của mình đúng theo quy định của Nhà nước ban hành.

Mặc dù, đến nay Trần Hậu Kiêm đã mang cấp hàm Trung tá, song cuộc chiến đơn thư hơn 10 năm nay vẫn chưa có hồi kết. Nguyên nhân là hồ sơ vụ án “cố ý gây thương tích” mà CA huyện Đăk Song khởi tố năm 2008, bị hại là Trần Hậu Kiêm đã không cánh mà bay…

Anh T. vừa ngắt lời, anh H. nói đế luôn. Các ông xem, cái thằng T. này bị trời lấy đi đôi mắt, song bù lại cho nó cái tính “thù lâu-nhớ dai”. Châm chọc anh T. xong, anh H. lại quay sang phía tôi. 

Ơ hay, cái thằng nhà báo này, anh em chúng tớ “triệu” sang đây đâu phải để tiêu thụ nước chè và lấy thông tin. Cái chính là nghe nhà báo nói chuyện cho mở mang kiến thức.

Tôi đáp lại, bây giờ đã là chín giờ đêm rồi, em về để các bác còn đi nghỉ, mai ốm bác gái lại đổ tại em sang chơi khuya. Với lại cái tính em nói ít không chịu được, nói nhiều có nước lại thâu đêm. 

Lúc này, ba chàng “ngự lâm” đều đồng tình phản đối cái lý do thoái thác không chính đáng của tôi, buộc tôi phải lên tiếng.

Là những người đã từng vào sinh ra tử, các anh đều biết hài cốt liệt sĩ là cái gì đó rất linh thiêng. Chính vì thế mà từ trước tới nay, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ hay về địa phương đã trở thành một công việc tri ân vô cùng lớn lao và có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Thế mà trong thực tế, không ít kẻ táng tận lương tâm, chỉ vì ích lợi nhỏ và tính vô trách nhiệm của mình đã làm cho bao gia đình đau thương.

Đặc trưng cho sự vô trách nhiệm đó, phải kể tới vụ chuyển hàng ngàn ngôi mộ từ nghĩa trang tạm sang Nghĩa trang Liệt sĩ Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.


Đau xót ngắm nhìn cả ngàn ngôi mộ “Liệt sĩ chưa biết tên” và bia không tên trong Nghĩa trang Liệt sĩ Long Khánh.

Ông Lê Văn Thách (sinh năm 1937), người “quản trang” nghĩa địa tạm năm xưa, từng tự tay chôn cất nhiều liệt sĩ kể rằng: Năm 1978 ở nghĩa trang tạm có hơn 2.000 mộ (nay là trụ sở Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc, vốn là khu đất chúng tôi mượn của một bà tên Hương). Đây là nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất tỉnh Bà Rịa - Long Khánh bấy giờ. Thế nhưng 2.000 ngôi mộ sau khi di chuyển sang nghĩa trang mới (Nghĩa trang Liệt sĩ Long Khánh), chỉ cắm bia mộ một số, còn lại xấp xỉ 1.000 ngôi không cắm bia, bây giờ hầu hết ghi “Liệt sĩ chưa biết tên”, hoặc không ghi gì. 

Theo ông Thách, nguyên nhân chính của vụ việc này là do cán bộ phòng Thương binh - Xã hội huyện thời bấy giờ quan liêu, tắc trách, khoán trắng cho bọn vô lương tâm, hám lợi. Chúng đã cố tình bỏ lại hài cốt, thậm chí một số ngôi mộ chúng trộn hài cốt này với hài cốt nọ mang đi chôn. 

Song, chuyện còn hài hước hơn khi Tòa án mang vụ này ra xét xử (khoảng năm 1994 - 1995), những người phát hiện ra sự việc như ông Phan Ngọc Mậu, Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc và tôi là người đi quy tập, chôn cất và trông coi nghĩa trang tạm, rồi đi khiếu kiện cũng không được tòa mời lấy lời khai và tham dự phiên tòa này. Tòa chỉ mời một cựu binh điếc tai làm “nhân chứng”..!

Tôi đưa tiếp ra 2 vụ việc đều có liên quan tới gia đình, doanh nghiệp của thương binh để các anh nghe và cho tôi lời giải đáp câu hỏi: Tại sao những vụ việc có liên quan tới thân nhân, doanh nghiệp NCC đều bị “ngâm tôm”, nếu có giải quyết thì phần thua chắc là nghiêng về phía họ.

Anh S. tiếp lời, nhà báo cứ dẫn chứng đi, phần giải đáp câu hỏi đó tôi sẽ thay mặt anh em trả lời.

Được lời như mở tấm lòng, tôi đưa ra 2 minh chứng.

Chuyện thứ nhất, đó là vụ khiếu kiện hơn 2ha đất suốt gần 30 năm của gia đình Thương binh ¼ Diệp Kim Long liên quan tới ông “Vua địa chính” Nguyễn Văn Cương ở thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh (nay thuộc địa bàn 2 phường An Lạc và An Lạc A, quận Bình Tân). Vụ khiếu kiện này kéo dài từ năm 2005, đã có hàng chục bài báo lên tiếng; Văn phòng Chính phủ cũng đã có tới 5 Văn bản gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính (TCĐC) sau này là gửi Bộ trưởng Bộ TNMT để giải quyết theo thẩm quyền; 10 đoàn thanh, kiểm tra vào cuộc, song đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Người đứng đơn khiếu kiện vụ việc này là Cụ Mai Thị Hoàng (mẹ thương binh ¼ Diệp Kim Long) đứng đơn khiếu kiện đã mất tháng 5/2014. Tiếp theo chân mẹ, vác đơn đi đòi công lý là ông Diệp Ngọc Thạch (con trai cụ Hoàng). 


Cụ Mai Thị Hoàng (mẹ TB ¼ Diệp Kim Thạch) bên chồng hồ sơ khiếu kiện, đã qua đời tháng 5/2014, song đến nay vụ việc vẫn chưa có kết quả. 

Chuyện thứ hai, là chuyện xảy ra ở Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh - Hải Phòng (thuộc Hiệp hội DN của thương binh và người khuyết tật Việt Nam). Đó là chuyện gần 10 năm đi đòi quyền lợi chính đáng cho 69 thương binh của Xí nghiệp bị UBND Quảng Ninh thu hồi 31,9 ha đất nuôi trồng thủy sản tại phường Đại Yên (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) để xây dựng Trung tâm thể thao vùng Đông Bắc năm 2010. Mặc dù đất thì đã giao, trong số 69 thương binh giao đất đã có một số người đã ra đi vĩnh viễn, nhưng tiền đền bù thì chưa nhận được. Họ chỉ nhận được những lời hứa, những phương án, những yêu cầu cung cấp tài liệu, rồi đến những phiên chờ họp, chờ và chờ. Mặc dù, luật pháp đã có, bộ quản lý chức năng về đất đai cũng đã có hướng dẫn, song quả bóng đền bù cứ chuyền từ cơ quan này sang cơ quan khác…


Các thương binh của Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh ngồi chờ làm việc với lãnh đạo UBND TP. Hạ Long hôm 20/5/2019 

Thực hiện lời hứa với mọi người, anh S. liền nói: Theo tôi có 2 nguyên nhân chính: Một là, anh em thương binh trước lúc đi bộ đội học lực yếu, về xuất ngũ, phục viên thì thương tật hoành hành, tiền trợ cấp thì lo vào thuốc men nên ít được học hành, trình độ kém, dễ bị bắt nạt. Hai là, anh em thương binh không có tiền để bôi trơn lên sự vận hành theo quy chế là hơi bị khó.

Chưa đợi anh S. ngắt lời, anh T. đã lên tiếng. Hai nguyên nhân trên chỉ đúng về mặt hình thức, chứ bản chất không đúng. Tôi giải thích cho các ông nghe nhé. Như nguyên nhân thứ nhất, là thằng bác nó “lú”, thằng chú nó “khôn”. Tức là anh em thương binh mình tuy có kém về trình độ thì vẫn còn con cháu mình, đồng đội mình, rồi đội ngũ trợ giúp pháp lý miễn phí của Sở Tư pháp địa phương nữa chứ… Nguyên nhân thứ hai, như anh S. đưa ra cũng thế. Mình thiếu tiền, đồng đội mình có tiền và sẵn sàng giúp đỡ. Theo tôi, anh em chúng ta dù có chết đói cũng không bao giờ thí một đồng nào cho bọn quan tham. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cỗ máy hành chính chạy không đúng như quy trình lập sẵn.

Lúc này tiếng chuông đồng hồ quả lắc nhà anh H. cũng vừa điểm 0h. Chúng tôi tạm biệt nhau và không quên hẹn ngày tái ngộ để nói lên những lời thẳng thắn nhằm tri ân đồng đội./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...