Triển khai chủ động và tích cực CPTPP với vai trò của nước đi đầu

2019-11-13 14:04:14 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Việt Nam là một trong những nước đầu tiên sáng lập CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) cũng như hội nhập quốc tế chủ động và tích cực. Việc phê chuẩn, thông qua và triển khai CPTPP từ 1/1/2019 tạo ra hàng loạt cam kết toàn diện và tiến bộ hơn Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Thời điểm có hiệu lực CPTPP cũng là thời điểm thực hiện đầy đủ cam kết WTO cho nên thực hiện nhanh cam kết CPTPP bảo đảm tính liên tục mở cửa thị trường phù hợp xu hướng tự do hóa thương mại đang diễn ra nhanh chóng theo chiều sâu. Càng chủ động và tích cực triển khai hiệp định với vai trò nước đi đầu càng phát huy tính toàn diện và tiến bộ, mang lại lợi ích lớn, thịnh vượng cao và văn minh đầy đủ tất cả thành viên.

Cam kết toàn diện và tiến bộ tác động tích cực, sâu rộng và lâu dài

Sau 12 năm thực hiện cam kết WTO, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với 163 thành viên khác đã gần như bình thường. Tính chất toàn diện và tiến bộ của CPTPP là một bước tiến cao hơn so với WTO thể hiện ở mức thuế giảm sâu hơn, diện giảm thuế rộng hơn, các quy định khác đều cao hơn về hàng rào phi thuế, hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, mua sắm công, thương mại điện tử. Các đối xử đặc biệt và khác biệt được thu hẹp. Thời hạn thực hiện cam kết ngắn hơn, chủ yếu tối đa khoảng 7 năm so với 10 năm trước đây. Thương mại số hóa là tương lai của thương mại toàn cầu đã được đưa vào trong CPTPP.

Để lợi ích tăng lên tương xứng với tính toàn diện và tiến bộ cam kết cần khai thác triệt để tác động tích cực và giảm thiểu tiêu cực. Thực hiện đầy đủ cam kết làm tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên 1,32% trong vòng 12 năm (Trung tâm dự báo kinh tế - xã hội quốc gia). Thị trường mở rộng là cơ hội để phát triển các ngành có lợi thế so sánh cao song phương hoặc đa phương, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện và thu hút đầu tư nước ngoài gia tăng đáng kể ngay trong những tháng đầu CPTPP có hiệu lực.

Tuy nhiên, nguồn thu từ thuế nhập khẩu có thể bị giảm xuống do giảm thuế sâu đến 0%, ảnh hưởng đến sự bền vững tài khóa. Để bù vào khoản thuế giảm sâu đó, cần có các công cụ gián tiếp như thuế nội địa và các loại phí khác cũng như các loại công cụ mang lại nguồn thu ngân sách một cách hợp lý. Thị trường xuất khẩu mở rộng và nhập khẩu gia tăng đang tạo cơ hội để tăng tổng kim ngạch thương mại cả nước. Nếu tăng trưởng xuất - nhập khẩu trung bình 15-20%/năm và con số này có thể có lực đẩy CPTPP, Việt Nam có khả năng có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào khoảng 650-700 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Con số này sẽ cao hơn Malaysia và tương đương với Thái Lan, ngang với Singapore năm 2017. CPTPP có tác động lâu dài đến cơ cấu kinh tế là nền tảng để Việt Nam hướng tới mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1.000 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Đây sẽ là một kỷ lục mới trong sự phát triển chưa từng có trong lịch sử!


Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn. Hình ảnh cho thấy hoạt động XNK sôi động ở cảng Hải Phòng


Chủ động từ cơ quan quản lý các cấp

Việt Nam là một trong 11 thành viên sáng lập CPTPP và đây là lần đầu tiên đóng vai trò nước sáng lập, tạo khung khổ thể chế CPTPP. Việt Nam trưởng thành đáng kể về năng lực hoạch định khung khổ cam kết quốc tế, đàm phán, ký kết và thông qua hiệp định. CPTPP sau khi được phê chuẩn trở thành mục tiêu khá hấp dẫn cho các nước khác xin gia nhập như Thái Lan, Anh. Lợi thế người đi đầu CPTPP cần được khai thác nhất là hàng loạt cơ hội xuất hiện ngay khi CPTPP chưa có nhiều đối tác tham gia.

Tính chất chủ động và tích cực được thể hiện trong giai đoạn đàm phán, ký kết với kết quả hiệp định được ký kết và thông qua. Vai trò nước đi đầu được khẳng định. Tiếp theo, tính chủ động và tích cực còn được thể hiện ở Chính phủ, 17 bộ và cơ quan ngang bộ, 48 tỉnh đã công bố kế hoạch thực hiện hợp định ngay trong 4 tháng đầu hiệp định có hiệu lực. Sự sẵn sàng và có sẵn của kế hoạch hành động cho thấy tính chủ động và tích cực rất cao trong giai đoạn chuyển hóa cam kết thành kế hoạch hành động.

Tính chủ động và vai trò nước dẫn đầu cần được truyền dẫn kịp thời đến doanh nghiệp là chủ thể thực hiện. Các kế hoạch hành động cần có bước đi cụ thể hơn với sự tham gia doanh nghiệp và đối tượng hữu quan để bảo đảm tính tiến bộ và toàn diện. Các chương trình cần được phổ biến và thảo luận triệt để, hình thành nhận thức trực tiếp và hành động quyết liệt để tránh bỏ lỡ cơ hội. Thông tin chi tiết về hiệp định và kế hoạch hành động cần được phổ biến rộng rãi để thuận tiện tiếp cận, khai thác nhiều nhất và quyết định được đưa ra chính xác nhất vào thời điểm cần thiết. nguồn lực phục vụ thực hiện hiệp định nhất là nhân lực có khả năng ngoại ngữ của các nước trong CPTPP cần được đào tạo gấp rút với chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao cùng với việc trang bị kiến thức pháp luật, hiểu biết văn hóa, phong tục, tập quán, chính sách và các quy định cụ thể của các nước thành viên.

Tích cực chuyển động từ doanh nghiệp

Mỗi quốc gia là một thị trường rộng lớn và cơ hội mở ra đa dạng cho nên cần có chiến lược đầu tư phát triển lâu dài. Cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng đóng vai trò chủ động, tích cực khai thác tác động cam kết, cụ thể như cần tăng cường nghiên cứu khảo sát để tìm hiểu cơ hội kinh doanh, đầu tư xây dựng mặt hàng xuất nhập khẩu hiệu quả và phát triển dự án đầu tư trong nước để xuất khẩu hoặc đầu tư ra các nước CPTPP. Cần nhanh chóng tìm kiếm đối tác, tìm hiểu chính sách, tăng cường kết nối và mở rộng khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị CPTPP. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có phương thức đổi mới công nghệ, cải tiến quản trị, chuyển đổi số quyết liệt, kết nối tích cực và bền vững với đối tác trong và ngoài nước.

Các ngành hàng có lợi thế đối với từng quốc gia thành viên cần được coi trong khai thác và phát huy. Sự khác biệt văn hóa, lối sống, khoảng cách địa lý đòi hỏi giải pháp thông minh và những tính toán kỹ lưỡng để lợi ích đạt được tối đa. Lợi thế so sánh cần gắn với lợi thế cạnh tranh để lợi ích được tạo ra không bị hạn chế về quy mô. Quy mô lớn, cạnh tranh quyết liệt phải là động lực phát triển bền vững doanh nghiệp. Thông tin thị trường đối với các doanh nghiệp về CPTPP cần cung cấp đầy đủ hơn và có những gợi ý phù hợp từ chuyên gia, đội ngũ khoa học, nhà quản lý để tăng sự quan tâm của doanh nghiệp. Vai trò kết nối doanh nghiệp giữa các nước thành viên cần được ưu tiên thỏa đáng và cần có kế hoạch đầu tư thỏa đáng cho công việc này.

Thu hút sự tham gia đối tượng hữu quan khác

Các đối tượng hữu quan khác cũng cần chủ động và tích cực tham gia thực hiện cam kết hiệp định để thu lợi ích. Các đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam ở các nước thành viên, hộ gia đình, cá nhân, hội, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm thông tin, cộng đồng mạng, tổ chức, đơn vị cần tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào CPTPP như tham gia diễn đàn, khóa huấn luyện, hội thảo, trao đổi, kết nối để tìm thông tin, ủng hộ ý tưởng kinh doanh cho các doanh nghiệp, tham gia chiến dịch khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo và phát triển các mô hình kinh doanh số hóa để tận dụng triệt để cơ hội kinh doanh. Hệ thống mạng xã hội và các phương tiện điện tử khác là công cụ để các đối tượng hữu quan đưa ra các ý kiến, trong đổi thông tin về hoàn thiện chính sách và gợi ý phát triển doanh nghiệp.

Các đối tượng hữu quan cũng cần được kết nối rộng rãi không chỉ trong nước mà trong tất cả thành viên CPTPP để hình thành mạng lưới ủng hộ tính toàn diện và tiến bộ của hiệp định. Đây là một hệ thống cam kết mang lại nhiều lợi ích cần được quan tâm rộng rãi. Việc phát triển dịch vụ khai thác thông tin, tư vấn phát triển doanh nghiệp và hoàn thiện thể chế nên được thực hiện có hiệu quả bởi các đối tác hữu quan.

Hành động phối hợp dứt khoát hơn

Tính quyết liệt thực hiện cam kết là cần thiết và cần mạnh dạn khai thác cam kết để tăng tốc giao dịch thương mại và đầu tư. Trước hết, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh trong nước để nuôi dưỡng thế hệ doanh nghiệp và doanh nhân mới. Các ngành cần hình thành định hướng củng cố thị trường nội địa và mở thị trường ra bên ngoài. Các lợi thế mới cần được phát hiện và khai thác nhằm không ngừng đưa ra các giải pháp phù hợp. Sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước và doanh nghiệp là cần thiết. Nhà nước các cấp cần có bộ phận tư vấn chính sách và hướng dẫn thực hiện chính sách, cam kết trong CPTPP. Cấp địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động đến các cấp sâu hơn thậm chí cấp huyện và cấp thấp hơn. Các doanh nghiệp dựa vào định hướng và khung khổ chính sách để phát triển thông qua khai thác cơ hội và vượt qua thách thức. Công tác truyền thông cần quyết liệt hơn để tác động của CPTPP được truyền dẫn nhanh chóng và kịp thời đến doanh nghiệp và đối tượng hữu quan. Các doanh nghiệp lớn, ngân hàng mạnh, tổ chức hỗ trợ có tiềm lực cần là lực lượng dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nhân cần phối hợp chặt chẽ để đưa ra được các phản ứng chiến lược hiệu quả, tận dụng cơ hội và không lùi bước trước thách thức.

Chặng đường tiếp theo thôi thúc

CPTPP đang trở thành ưu tiên hàng đầu vào thời điểm hiện tại song vẫn còn các cam kết khác đang mở ra trước mắt là Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) cho nên việc triển khai thực hiện CPTPP cần được coi là nền tảng trực tiếp để chuẩn bị tiếp cận sáng tạo với nền tảng cam kết cao hơn, rộng hơn và sâu hơn đối với các bên tham gia. Các bên tham gia sẽ không ngần ngại khai thác, tích hợp lợi thế và cạnh tranh quyết liệt hơn. Các cam kết đang xét và thậm chí khác biệt nhau cần được khai thác và điều đó cho thấy cần có tầm nhìn xa, trông rộng và không bỏ lỡ cơ hội cả ngắn hạn và dài hạn. Do đó, các cấp, ngành và doanh nghiệp cần tranh thủ cơ hội ngắn hạn và đầu tư dài hạn về đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, phát triển cá mô hình kinh doanh mới, đào tạo nhân lực, đón đầu xu hướng phát triển thị trường và cải thiện liên tục năng lực cạnh tranh để thành công.

Tài liệu tham khảo

1. Các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản ASEAN, https://data.aseanstats.org/indicator/AST.STC.TBL.1

2. CPTPP và kế hoạch hành động của Chính phủ, 17 Bộ và cơ quan ngang bộ, 48 tỉnh, http://cptpp.moit.gov.vn/.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...