Xúc động cô giáo phải chống nạng vẫn vượt biển đi dạy học
![]() |
Nữ giáo viên tiểu học Nguyễn Thị Huyền chống nạng chờ chuyến đò qua đảo để đến trường |
Thời gian gần đây, nhiều người dân ở đảo Trí Nguyên gần như quen thuộc với hình ảnh nữ giáo viên tiểu học Nguyễn Thị Huyền phải đi nạng để đến trường dạy học. Khoảng 7h hàng ngày, em gái cô Huyền chở cô bằng xe máy đến bến tàu Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) để cô đi đò qua đảo Trí Nguyên dạy học.
Đến bến đò, các giáo viên đồng nghiệp đỡ cô xuống bậc thang và dìu cô lên một con đò nhỏ. Hình ảnh đó khiến không ít người xúc động về sự nỗ lực vượt khó của một giáo viên điểm đảo.
Đến nay cô Huyền đã có 10 năm giảng dạy tại trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3, cách đất liền gần 1 hải lý.
![]() |
Một số giáo viên đồng nghiệp đã giúp đỡ, dìu cô Huyền lên đò để đến trường dạy học |
![]() |
Cô Huyền bị thoái hóa khớp háng nặng nhưng vẫn cố gắng vượt biển qua đảo dạy học |
Nữ giáo viên tâm sự, cô phát hiện bị thoái hóa hai khớp háng 5 năm trước. Khi đó cô đi chữa bệnh tại các bệnh viện y học cổ truyền tại tỉnh Khánh Hòa và TPHCM nhưng tình hình không mấy khả quan, bệnh tật ngày càng trở nặng. Đến tháng 7 năm nay, nhiều cơn đau dữ dội ở khớp háng ập tới, khiến cô phải đi lại rất khó khăn.
Dù bị bệnh nặng, đi lại đau nhức nhưng cô Huyền vẫn cố gắng qua đảo để dạy học bất kể nắng mưa. Năm nay do bệnh nặng hơn nên cô đã xin nghỉ phép tới 3 lần, một điều mà cô không hề mong muốn trong sự nghiệp dạy học của mình.
“Lúc đầu nó cũng đau nhẹ nên em tưởng là viêm khớp. Ai ngờ mấy năm sau càng lúc càng tăng nặng. Bác sỹ bảo bệnh của em nếu có điều kiện thì thay khớp háng”, nữ giáo viên buồn bã chia sẻ.
![]() |
Hình ảnh vượt khó đến trường của cô Huyền gần đây không còn xa lạ với người dân đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang |
Nữ giáo viên cho biết tháng tới sẽ vào TPHCM tái khám và có thể sẽ tiến hành thay khớp háng.
Chia sẻ về việc “bén duyên” với nghề giáo của mình, cô Huyền kể: “Chuyên môn của em là giáo viên Âm nhạc. Ngày trước em học trung cấp tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Du lịch Nha Trang, tốt nghiệp năm 2006. Những năm sau đó em học lên đại học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở lớp tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 2 ở Khánh Hòa”.
Cô nói dù chân đau lắm nhưng phải cố gắng đi dạy vì “sợ các em học sinh mất bài, mất vở, thiếu kiến thức”.
Theo cô, âm nhạc có ý nghĩa giúp cho học sinh giảm căng thẳng trong học tập, lồng ghép các kỹ năng sống cho học sinh, cũng như giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước...
![]() |
Cô Huyền cho biết tháng tới sẽ vào TPHCM tái khám và có thể sẽ tiến hành thay khớp háng. |
Vào các dịp lễ kỷ niệm trong năm, cô Huyền thường “cố vấn” âm nhạc cho lớp mình cũng như nhiều lớp khác trong trường. Những tiết mục âm nhạc có sự đóng góp của cô đã đạt giải cao, trong đó điển hình là giải Ba cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” cấp thành phố...
Trao đổi với PV Dân trí, cô Võ Thị Hương Trang, hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3 (TP Nha Trang), cho biết, hàng năm khi có các chương trình hỗ trợ từ các đoàn cho giáo viên khó khăn, bệnh tật thì nhà trường đều ưu tiên dành suất cho cô Huyền. Thời gian gần đây, vào những đợt trời mưa lớn, biển động hoặc nhà trường có những hoạt động không quan trọng thì thường linh động cho phép cô Huyền được nghỉ ở nhà.
Theo cô Trang, trong hoàn cảnh hiện tại thì trường hợp cô Huyền rất đáng cảm thông. Hiện cô Huyền đang nuôi 2 con nhỏ sau khi vợ chồng ly hôn gần đây.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc.