Ý KIẾN: Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản pháp quy liên quan tới hoạt động của QTDND

2019-11-17 17:28:45 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là mô hình hợp tác xã, hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, hàng năm đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước như tất cả các doanh nghiệp khác, đầy đủ và ổn định. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động đã gặp không ít khó khăn do bất cập về cơ chế, chính sách ban hành với hệ thống QTDND. Việc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, gây tổn hại đến nền kinh tế.

Để có một cái nhìn chính xác, khách quan, khoa học về Hệ thống QTDND trên toàn quốc, cũng như ở tỉnh Thái Bình, từ đó có kế hoạch định hướng phát triển lâu dài. Tôi xin làm rõ một số nội dung sau: 

Theo báo cáo của Hiệp hội QTDND Việt Nam tính đến 31/12/2018, toàn hệ thống QTDND có 1.183 quỹ, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố. Số thành viên tham gia QTDND là gần 1.550.936 thành viên, bình quân 1.311 thành viên/quỹ. Tổng nguồn vốn của các QTDND thời điểm cuối tháng 11/2018, đạt gần 112.546,4 tỷ đồng; Tổng dư nợ cấp tín dụng gần 89.055,8 tỷ đồng (chiếm 79,1% tổng nguồn vốn); Nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,07% - thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống TCTD.

Còn ở tỉnh Thái Bình, hiện tại có 85 Quỹ thì cả 85 Quỹ đều hoạt động ổn định và có lãi. Một tỉnh có số Quỹ lớn thứ 2 của cả nước mà đạt được như vậy là một minh chứng khẳng định sự thành công lớn của Thái Bình và của cả hệ thống. Tuy có một số Quỹ gặp khó khăn nhưng vẫn đứng vững. Đó là sự vào cuộc của NHNN chi nhánh tỉnh Thái Bình và sự điều hòa vốn của Ngân hàng HTX chi nhánh tỉnh.

Bên cạnh sự thành công của Hệ thống, đáng tiếc trong nhận thức và hành động thực tiễn vẫn còn có những cán bộ, những nhà quản lý, những người hoạch định chính sách, biên soạn và ban hành cố tình phủ nhận thành quả của QTDND, chưa thấy hết vai trò của Hệ thống QTDND. Từ đó đã cho ra đời những chính sách chưa phù hợp, chưa đưa ra được những giải pháp thích hợp để phát triển Hệ thống. 


Doanh nhân CCB VN về dự Đại hội Đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2018 - 2023 (Trung tá Nguyễn Quang Vĩnh, Trưởng chi hội Hội doanh nhân CCB huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình - người đứng thứ tư từ phải sang)

 Với tinh thần tâm huyết và thẳng thắn, tôi có một số đóng góp ý kiến sau:

Thứ nhất, nhiều Thông tư, Văn bản, có những điều, những nội dung áp dụng đối với Hệ thống QTDND không thể chấp nhận được. Không ít Thông tư, Văn bản ban hành mà Hệ thống QTDND trên toàn Quốc không chấp thuận, có ý kiến đóng góp song ban soạn thảo vẫn bỏ qua, coi thường QTDND, thiếu tính dân chủ. Từ đó làm mất tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của QTDND, ảnh hưởng đến sự an toàn phát triển của cả Hệ thống. Thậm chí thờ ơ vô cảm với những ý kiến từ cơ sở và trước những khó khăn vướng mắc của QTDND. Không hiểu sao đến bây giờ vẫn còn những cán bộ vô cảm đến như thế? Hình như, họ không nghĩ đến dân, không nghĩ đến sự phát triển kinh tế của đất nước, không nghĩ đến an sinh xã hội. Người dân cần vốn như thế nào? Người dân vùng sâu, vùng xa đi lại tiếp cận vốn vay khó khăn như thế nào? Chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra làm sao? Tín dụng đen hoành hành như thế nào?

Thứ hai, trước khi soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các đồng chí hãy dành một ít thời gian ra nghĩa trang liệt sỹ thắp hương các anh hùng liệt sỹ cho tĩnh tâm rồi về làm việc. Với bao nhiêu xương máu của nhiều thế hệ đã đổ ra để hôm nay chúng ta sống và ngồi làm việc. Nếu chúng ta sống và làm việc không vì mục đích chung, không nghĩ đến dân, không vì sự phát triển kinh tế của đất nước mà thiếu trách nhiệm là tội lỗi. Điều đau lòng là có đồng chí đã không học được gì từ những lời căn dặn trong di chúc của Bác.

Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt nội dung văn bản đối xử không công bằng, mất bình đẳng với hệ thống QTDND. Cố tình gây khó khăn cho Hệ thống QTDND, cố tình không cho Hệ thống QTDND phát triển, chèn ép và né tránh, coi thường tiếng nói từ cơ sở, không chịu nghe đối thoại, không thực hiện chỉ thị của Đảng về phát triển Hệ thống QTDND. Ví dụ:

• Thông tư 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/03/2014 (sau đây gọi tắt là Thông tư 03).

Thông tư này ra đời, Liên minh HTX và các QTD cho rằng: Thông tư 03 ra đời “chui”!. Bởi Thông tư này không được đưa ra lấy ý kiến theo Thông tư 30/2013/TT - NHNN, ngày 12/09/2013 của chính bản thân NHNN Việt Nam ban hành quy định về: “Quy định trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Thông tư 30). Cụ thể, đã vi phạm điểm b, khoản 1; khoản 3, Điều 16 Thông tư 30.

Điều đáng nói, chính các đồng chí là những người xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì lại vi phạm pháp luật và đẩy các Quỹ vào hoạt động sai luật. Với tác phong làm việc của người bề trên, không cần nghe ai, coi thường cơ sở, thiếu kiến thức thực tiễn. Đây là cách xây dựng thông tư theo kiểu đưa lợi ích nhóm lên hàng đầu, dễ làm khó bỏ, không làm được thì cấm, đã tác động xấu đến người thực hiện, tạo cảm giác ngang trái, bất lực, nản chí và cho qua.

Thậm chí, có những nội dung xin ý kiến thì hôm trước nhận được công văn, hôm sau hết hạn. Cần loại bỏ ngay tư duy kiểu này, vì chính đây là rào cản cho sự phát triển của Hệ thống QTDND. Trong khi đó, Thủ tướng chính phủ đã nhiều lần kêu gọi bãi bỏ những Thông tư, Nghị định, cơ chế chính sách không phù hợp làm thui chột những tài năng, làm rào cản đến sự phát triển kinh tế.

Những bất cập trên, vô hình chung đã tạo nên luồng tư tưởng không ổn định trong đội ngũ cán bộ nhân viên QTDND, gây thiệt hại cho cả Hệ thống QTDND và người dân nghèo vay vốn phát triển SXKD. Đây chính là nguyên nhân làm cho một số QTDND hoạt động yếu kém, một số cán bộ vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy trong xây dựng luật phải có chế tài đối với việc soạn thảo ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng áp đặt mang tính cục bộ, chủ quan, lợi ích riêng làm trái luật. Đặc biệt với loại hình chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như QTDND ( Luật NH, Luật CTCTD, Luật HTX, Luật DN ). Theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư từ 01/7/2016 chỉ có 3 cơ quan gồm Quốc hội, UB thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc có tới 3299 điều kiện kinh doanh tại các Thông tư, Quyết định của các Bộ, Ngành đã ban hành sẽ bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành.

NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CẦN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

1. Về địa bàn hoạt động của QTDND


Điều 8 Thông tư 04 quy định:
   
1. QTDND động trong địa bàn một xã, một phường, một thị trấn (sau đây gọi chung là xã).

2. Địa bàn hoạt động liên xã của QTDND phải là các xã liền kề với xã nơi QTDND đặt trụ sở chính thuộc phạm vi trong cùng một quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Điều này trái với luật HTX.

Không hiểu vì lý do gì mà các đồng chí sáng tác ra cụm từ “liền kề” chẳng khác nào ngăn sông cấm chợ như thời bao cấp trước đây. Địa bàn liền kề hay không liền kề không liên quan đến an toàn của Quỹ. Việc mở rộng địa bàn hoạt động không ảnh hưởng gì đến mục tiêu tôn chỉ hoạt động của Quỹ. Cần phải xóa luôn và ngay cụm từ “liền kề” để QTDND phủ kín địa bàn toàn quốc. Vì thực tế đây chỉ là những giấy phép con nhằm giới hạn và thu hẹp địa bàn của QTDND, thiếu bình đẳng so với các NHTM và trái pháp luật. Thực tế có rất nhiều QTD trong cả nước đang hoạt động trên địa bàn nhiều xã, phường, thị trấn thậm chí có QTDND hoạt động trên nhiều Huyện, thị xã, thành phố (An Giang, Đắc Lắc, Đắc Nông, Thái Bình…) mà nhiều năm nay vẫn hoạt động an toàn hiệu quả, phát huy được thế mạnh gần dân và hiểu dân. Hiện nay, đang tồn tại một tình trạng rất đáng buồn là nhiều xã, nhiều địa phương Đảng ủy, HĐND, UBND có Nghị quyết thiết tha đề nghị mở rộng địa bàn để phục vụ nhân dân. Ngân hàng không chấp nhận, nhưng cũng không có văn bản trả lời các địa phương đó. Như vậy là thiếu trách nhiệm đối với Đảng bộ và chính quyền địa phương. Tạo ra mối quan hệ xấu giữa Đảng ủy, Chính quyền với QTDND. Các QTDND hoạt động không an toàn đâu phải do quy mô, đâu phải do địa bàn, đâu phải do trình độ học vấn, do bằng cấp không có, thực tế các quỹ hoạt động không an toàn, mà ngay cả các đại án của ngành Ngân hàng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và đội ngũ cán bộ không thiếu gì bằng cấp. Đây là rủi ro về đạo đức chứ không rủi ro về địa bàn và bằng cấp.

Theo tôi, phát triển hệ thống QTDND mở rộng địa bàn hoạt động QTDND, phủ kín địa bàn toàn quốc là việc làm của người cộng sản.

2. Quy định về bằng cấp QTD

(Điều 20, Điều 23, Điều 24)

Là người đã nhiều năm làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Thông tin liên lạc Trường sỹ quan thông tin. Tôi thấu hiểu sự thiếu kiến thức trong thực hành công việc, nhưng chúng ta lại có truyền thống hiếu học. Ngay từ xa xưa khi đói cơm rách áo chúng ta vẫn lớn lên trong cảnh cơ hàn và vẫn bám trường, bám lớp. Bởi vì không có kiến thức là khoảng trống trong tim óc không gì bù đắp được. Vì vậy quy định bằng cấp là đúng. Nhưng thực tế đất nước ta nhiều năm qua do quá nặng nề về bằng cấp trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ nên đã sinh ra méo mó về công tác cán bộ. Hiện tượng chạy bằng, mua bằng, bán bằng và học hành không đến nơi đến chốn, thiếu thực chất đã xảy ra. Thực tế chi phí cho đào tạo quá tốn kém mà không hiệu quả. Chúng ta đã chứng kiến cảnh sinh viên tốt nghiệp Đại học bằng đỏ mà đọc bản vẽ thiết kế để phân tích đánh giá kết luận, tham mưu cho giám đốc không bằng một người có bằng trung cấp. Hằng năm chúng ta có bao nhiêu sinh viên ra trường, có bao nhiêu tiến sỹ, bao nhiêu nhà sáng chế? Quá nhiều thầy, nhưng sáng chế ra máy gặt lúa, tuốt lúa, máy cấy, máy gieo hạt, máy phun thuốc vv… lại là những người nông dân hỳ hục nghĩ ra! Vấn đề ở đây là hiệu quả công việc.

QTDND là mô hình HTX, là tổ chức kinh tế tập thể và cũng là loại hình doanh nghiệp, chúng ta cần quy định cán bộ QTDND bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo về QTDND. Phải có bằng trung cấp ngân hàng trở lên hoặc có bằng cao đẳng, đại học chuyên ngành khác. Vì bằng cấp, học hàm, học vị nào cũng là kiến thức của cuộc sống và đều có tác dụng tư duy hành động thực tiễn. Như vậy là vừa có chuyên môn vừa có bằng cấp “Tại cộng hòa liên bang Đức người ta tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học luật vào làm việc tại QTDND”. Thế giới đã phải thừa nhận thành công của con người là 10 điểm thì bằng đại học được 1 điểm, tự học trường đời 4 điểm, làm cái mình biết 2 điểm, lời khuyên 3 điểm. Các đồng chí có dám khẳng định cứ có bằng đại học ngân hàng là QTDND hoạt động an toàn hiệu quả không?

+ Công tác cán bộ, quản lý và điều hành QTDND

Sự can thiệp vào đội ngũ cán bộ của QTDND mà không tính đến phương án tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và sự quản lý của lãnh đạo, chính quyền cơ sở là một đại họa và không thực hiện được (bài học từ cán bộ của QTDND Hồng Phong).

Quỹ tín dụng đi lên từ hai bàn tay trắng do công sức của các thành viên sáng lập do đó công tác cán bộ không chú ý gây đảo lộn, mất đoàn kết nội bộ.

Hoạt động tiền tệ đối với mô hình QTD phải là những cán bộ làm việc có trách nhiệm, cẩn thận, hiệu quả, chí công vô tư. Đã có những bài học thực tiễn về trẻ hóa cán bộ đã dẫn tới thiếu kinh nghiệm thực tiễn, làm liều, phớt lờ dư luận, bất chấp tất cả.

3. Về nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị và ban kiểm soát

Chúng ta đều biết thời kỳ HTX tín dụng ở Việt Nam đổ vỡ là thời kỳ khó khăn nhất, nó liên quan đến sự phát triển kinh tế và vận mệnh của đất nước. Trước những khó khăn thách thức đó Thủ tướng Chính Phủ ra Quyết định 390/TTg ngày 23/7/1993 về việc thí điểm thành lập QTDND ở Việt Nam. Chủ trương của Đảng và Chính Phủ thời kỳ đó là lựa chọn những đồng chí có uy tín trong dân, có khả năng vận động quần chúng, không có sai phạm gì về kinh tế, tập trung vào lực lượng Cựu chiến binh đứng ra gánh vác nhiệm vụ và là thành viên sáng lập Quỹ. Thực tế ở nhiều xã, nhiều nơi có Nghị quyết thành lập và cử cán bộ đi tập huấn để về thành lập Quỹ, song khi tập huấn về nhiều đồng chí không dám đảm nhận vì quá khó khăn. Để thành lập được QTD lúc đó phải là những người rất cố gắng mới dám đứng ra đảm nhiệm. Vì vậy công tác cán bộ phải tính đến những nội dung trên . Bởi vì khi khó khăn thì có nghị quyết mời ra làm việc, khi ổn định thì đẩy về là thiếu đạo lý. Trong khi chúng ta không thiếu gì cách để thay đổi nhân sự vừa hợp tình vừa hợp lý.

4. Một số nội dung về nghiệp vụ cần sửa đổi

Việc quy định: Quỹ bảo toàn đạt 1,5 lần tổng tài sản có mới dừng thu phí là điều vô lý. “Số tiền trích nộp” Quỹ bảo toàn được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân.

Đây là khoản tiền là vốn góp của thành viên và tiền huy động của các quỹ, do đó các quỹ phải trả tiền cả gốc lẫn lãi và chia cổ tức cho thành viên, nhưng khi chuyển về Ngân hàng hợp tác lại hạch toán vào chi phí tức là các QTDND bị mất không khoản tiền này. Ngược lại, nếu chẳng may gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả mà vay của Ngân hàng hợp tác thì phải vượt qua “bốn cửa ải” mới được hỗ trợ cho vay.

Đề nghị số tiền trích nộp Quỹ bảo toàn hạch toán vào tài sản có của Quỹ để theo dõi.

Việc quy định giao cho Ngân hàng HTX quyền thanh tra giám sát hoạt động của Hệ thống QTDND là điều không tưởng. Nó thể hiện lợi ích cục bộ. Bởi vì Ngân hàng HTX và QTDND là hai pháp nhân độc lập, chức năng của NHHT là điều hòa vốn và hỗ trợ kinh doanh. Ngân hàng HTX không phải là cấp trên của QTDND. Việc giao nhiệm vụ thanh tra giám sát QTDND cho Ngân hàng HTX thì đương nhiên Ngân hàng HTX là cấp trên, là cơ quan quản lý QTDND. Trong khi đó Ngân hàng HTX là đơn vị cùng kinh doanh. Vậy khi nào làm nhiệm vụ kinh doanh? Khi nào làm nhiệm vụ quản lý. Đây là quan điểm rất mập mờ và không trong sáng.

Việc quy định: Tổng tài sản của một QTD giới hạn tối đa không quá 500 tỷ đồng, đã tạo ra rào cản hạn chế sự phát triển của Quỹ.

Hay việc chỉ quy định: QTDND chỉ cho vay tối đa một món vay là 500 triệu đồng còn trên 500 triệu đồng phải cho vay hợp vốn với Ngân hàng HTX là trái với Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Việc không cho phép QTD gửi tiền tại các Ngân hàng thương mại sẽ tước đi quyền lợi của QTD và mang tính chất ép buộc. Do vậy theo tôi, Khoản 6 Điều 41 của Thông tư cần được sửa lại như sau: “QTDND phải gửi vốn điều hòa tại ngân hàng HTX với một tỷ lệ nhất định (từ 30-50% số dư tiền gửi chưa sử dụng), ngoài ra được gửi tại các tổ chức tín dụng khác phù hợp với địa bàn hoạt động”.

Chủ thích ảnh:
Ảnh 3: Doanh nhân CCB VN về dự Đại hội Đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2018 – 2023 (Trung tá Nguyễn Quang Vĩnh, Trưởng chi hội Hội doanh nhân CCB huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình - người đứng thứ tư từ phải sang)

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14
Đang tải...