Yên Bái: Hồ Thác Bà tiềm năng phát triển du lịch còn đang bị bỏ ngỏ!

2019-09-11 14:09:39 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Hồ Thác Bà là một hệ thống quần thể sinh thái đa dạng, rộng lớn với nhiều màu sắc và không phải ngẫu nhiên mà hồ Thác Bà - hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam được nhiều người gọi bằng những cái tên mỹ miều như “Hạ Long trên núi” hay “viên ngọc giữa đại ngàn Tây Bắc”.

Hồ Thác Bà – hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam




Hình ảnh hồ Thác Bà được ví như “Hạ Long trên núi” hay “viên ngọc giữa đại ngàn Tây Bắc.


Hồ Thác Bà thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình (Yên Bái), cách Hà Nội chừng 150 km di chuyển theo hướng cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Là một hồ nước rộng mênh mông tạo nên một khung cảnh thiên nhiên đẹp và hùng vĩ. Trong lòng hồ có đến 1334 đồi đảo lớn, nhỏ tạo thành nhiều hang động với cảnh đẹp hữu tình, thơ mộng. Hồ được ví von như vịnh Hạ Long trên núi cao miền Tây Bắc.

Hồ Thác Bà được khởi công xây dựng từ năm 1962 và hoàn thành năm 1970 với mục đích làm nghẽn dòng sông Chảy, để tạo ra hồ nước phục vụ cho công trình nhà máy thủy điện Thác Bà (là đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam). Với chiều dài 80 km, chiều rộng nơi lớn nhất 30 km, diện tích 23.400 ha, trong đó diện tích mặt nước là 19.050 ha, hồ có sức chứa khổng lồ với 3 – 3,9 tỉ mét khối nước, đã góp phần rất lớn trong việc cải tạo và điều hòa môi trường, làm giảm nhiệt mùa hè, tăng độ ẩm vào mùa khô và với lượng nước mưa khoảng 1700 – 2000 mm, tạo điều kiện cho một thảm thực vật xanh tốt quanh năm.

Nguyên trước khi đắp đập làm hồ, trong khu vực hồ Thác Bà đã từng tồn tại hai thác nước liên hoàn với dòng nước chảy xiết, được người ta gọi là “thác Ông”, “thác Bà”. Sau này khi hình thành hồ thủy điện thì cả hai thác này đều bị vùi sâu trong lòng hồ. Và để lưu danh những thác nước đã gắn với niềm tin thánh tín của con người nơi đây nay chỉ còn trong ký ức, hồ đã được đặt tên là “Thác Bà”, cái tên “Thác Ông” cũng được đặt cho một cây cầu xây gần đó.

Hồ Thác Bà có một hệ thống hang động lớn, trong đó phải kể đến động Thủy Tiên nằm sâu trong lòng núi khoảng 100m, với những nhũ đá lấp lánh tạo ra muôn hình vạn trạng mỗi khi có ánh sáng chiếu vào. Du khách đến đây đều được thả hồn vào những kiệt tác của tự nhiên với hệ thống nhũ đá đa sắc màu, với nhiều hang động gắn với những truyền thuyết, những câu chuyện lịch sử hào hùng.

Nhắc đến những câu chuyện lịch sử của “viên ngọc nơi đại ngàn Tây Bắc” này, người địa phương thường kể với du khách rằng, tại đây vào năm 1285 đã diễn ra trận Thu Vật do Trần Nhật Duật chỉ huy đánh tan một đạo quân Nguyên-Mông hùng mạnh; hay ở vùng thượng hồ còn là nơi hoạt động của một số cơ quan trung ương thời kỳ kháng Pháp; giữa hồ Thác Bà còn có động Mông Sơn – nơi Tỉnh ủy Yên Bái làm việc trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ… Tại khu vực hồ thuộc huyện Lục Yên có nhiều di tích lịch sử như đền Đại Cại, hang Ma Mút, chùa São, núi Vua Áo Đen… Các nhà khảo cổ đã phát hiện tại đây những dấu vết của người Việt cổ.

Với những giá trị độc đáo cả về cảnh quan và lịch sử, hồ Thác Bà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia theo quyết định số 2410/QĐ-VH ngày 27-9-1996.

Hồ Thác Bà – một trung tâm du lịch sinh thái đầy tiềm năng


Hồ Thác Bà là một hệ thống quần thể sinh thái đa dạng, rộng lớn với nhiều màu sắc


Điểm làm nên giá trị cho hồ Thác Bà là cảnh quan với nét đẹp hùng vĩ mà vẫn gợi nét thanh thoát, tĩnh tại. Hồ thác bà mang đến hơi thở của một cuộc sống say mê, đắm chìm với thiên nhiên cho bất kỳ du khách nào đặt chân đến, ngày nay, hồ Thác Bà được biết đến như một trung tâm du lịch sinh thái đầy tiềm năng.

Đến với hồ Thác Bà, du khách có thể dong thuyền lênh đênh trên sóng nước và cảm nhận bầu không khí mát mẻ trong lành. Sau khi mãn nhãn với điệp trùng núi đảo giữa mênh mông trời nước, du khách có thể ghé thăm động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà…, khám phá những cánh rừng nguyên sinh hoặc ngược dòng sông Chảy đến với đất Ngọc Lục Yên thăm hang chùa São, bình nguyên xanh Khai Trung, đền Đại Cại.. mang nét văn hóa của người Tày, người Dao…

Dòng sông Chảy cùng hệ thống các ngòi lớn như ngòi Hành, ngòi Cát… đã hào phóng bồi đắp phù sa nuôi dưỡng những bản làng trù phú ven hồ. Quanh khu vực hồ Thác Bà có đến 13 dân tộc khác nhau sinh sống, các cư dân vẫn giữ được những bản sắc văn hóa độc đáo, với những tập tục, lễ hội mang giá trị nhân văn sâu sắc. Du khách tới thăm sẽ cảm nhận được cái chất trữ tình trong từng làn điệu dân ca, dân vũ của con người nơi đây.

Thăm quan hồ Thác Bà, du khách không thể không ghé thăm công trình đập thủy điện cao hàng trăm mét sừng sững vươn từ dãy núi Chàng Rễ sang tận chân núi Cao Biền, là niềm tự hào của người dân Yên Bái. Ngay phía trên đập là ngôi đền Thác Bà hay còn gọi Mẫu Thác Bà dựa vào lưng núi Hoàng Thi. Đứng từ sân đền, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát đập thủy điện và cả một vùng trời nước mênh mông với thiên nhiên hùng vĩ của vùng đất giao thoa giữa miền Tây Bắc và Trung du Bắc bộ…

Hồ Thác Bà không chỉ mang nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, hồ còn có nguồn thủy lợi thủy sản to lớn với hàng ngàn tấn cá, tôm thu hoạch được mỗi năm. Du khách tới đây ngoài được mãn nhãn bởi cảnh đẹp, mà sẽ còn lưu luyến không quên bởi văn hóa ẩm thực lòng hồ với nhiều món ngon dân dã mà tinh tế như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, nộm tôm, gà nấu măng chua, gỏi cá… Những món đặc sản được chế biến từ các loài thủy sản đặc trưng như cá Lăng, cá Quả, Ba Ba, cá Tầm cũng khiến du khách không thể nào quên!

Những tiềm năng chưa được khai phá, những hạn chế vẫn còn hiện diện!


Hình ảnh những dãy núi đá đang bị khai thác, tiềm ẩn lớn nguy cơ hủy hoại môi trường và làm mất mỹ quan trong lòng du khách khi tới đây tham quan.


Hồ Thác Bà tự bản thân nó vẫn là một khu du lịch hấp dẫn mang tầm quốc tế, cảnh quan nơi đây vẫn đẹp, vẫn nguyên vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Tuy vậy, khu du lịch sinh thái này vẫn chưa được tỉnh Yên Bái quan tâm triệt để, cho xứng với những tiềm năng vốn có của nó. Không thể phủ nhận các hoạt động du lịch, tham quan, dịch vụ tại hồ Thác Bà rất hấp dẫn du khách, nhưng không phải khu vực nào nơi đây đều phát triển, thực tế vẫn còn nhiều nơi chưa thể hiện nét nổi bật và còn hạn chế về các loại hình dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng. Các dịch vụ khai thác du lịch hiện nay còn nhỏ lẻ không đồng bộ, tổ chức tour không chuyên, thiếu nơi vui chơi, lưu trú…
  
Phải chăng đây là sự lãng quên, hay do cơ chế, chính sách chưa mạnh dạn đầu tư để khai thác hiệu quả các hoạt động du lịch sinh thái? Ngoài ra, tại đây lại xuất hiện các dịch vụ “ăn theo” thu lợi cho một số cá nhân, làm mất mỹ quan trong lòng du khách.

Không những thiếu quan tâm, điều đáng quan ngại hơn là chính những hoạt động làm ăn của một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang ngày càng “tàn nhẫn” với vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình” của khu du lịch sinh thái này. Trong một thời gian dài, các đơn vị doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng nhà máy đã xâm phạm nghiêm trọng lòng hồ.

Cụ thể, một số doanh nghiệp khi triển khai các dự án xây dựng công trình, nhà xưởng đã tự ý đổ đất, san gạt trực tiếp xuống lòng hồ, làm hẹp diện tích mặt nước, gây ảnh hưởng đến dung tích của hồ Thác Bà và vi phạm nghiệm trọng an toàn hồ chứa – hồ thủy điện Thác Bà. Tài nguyên nước hiện nay cũng đang bị khai thác khiến mực nước ngày một giảm, dẫn đến nhiều hoạt động vốn có trên hồ bị đảo lộn.

Bên cạnh đó, tình trạng đánh cá bằng xung điện và việc cấp phép khai thác các núi đá xung quanh cũng vô tình tạo nên nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường. Một số doanh nghiệp đang khai thác núi đá khu vực quanh hồ Thác Bà như: Công ty V.Star; Nhà máy nghiền Cacbonat Can xi của Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Mỏ đá Mông Sơn của Công ty Liên doanh Canxi Cacbonat YBB…

Hồ Thác Bà – cần lắm sự quan tâm của UBND tỉnh Yên Bái và các nhà đầu tư

Nhận rõ những vấn đề cần thiết, năm 2019 tỉnh Yên Bái cũng đã duyệt ‘siêu’ dự án gần 5000 tỉ đồng cho Tập đoàn Alphanam đầu tư xây dựng khai thác du lịch hồ Thác Bà. Dự án này có quy mô hơn 2.594 ha, bao gồm các hạng mục chính như khu resort nghỉ dưỡng; tổ hợp thương mại dịch vụ; khu khách sạn; khu vui chơi giải trí; thể thao; khu công viên; làng văn hóa…

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần quan tâm hơn tới các tiềm năng chưa được khai phá hết tại hồ Thác Bà, như mở rộng khu du lịch sinh thái Tân Hương, khu du lịch cộng đồng Ngòi Tu xã Vũ Linh, Đát Ô Đồ, thôn Đồng Tý xã Phúc An; Trùng tu và bảo tồn các di sản văn hóa tín ngưỡng như Đình Khã Lĩnh (xã Đại Minh), đền Mẫu Thác Bà, đền Phúc Hòa (xã Hán Đà), đền chùa Thác Ô Đồ (xã Phúc An) và các khu di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch nơi đây…

Mặt khác, rất mong các nhà đầu tư tiếp tục có những nghiên cứu sâu về lịch sử, văn hóa của địa phương để có những bổ trợ cần thiết cho các dự án. Thêm vào đó, dự án phải đảm bảo được tính kết nối vùng hồ Thác Bà với thành phố Yên Bái và các địa phương lân cận để hình thành tour, tuyến du lịch với quy mô rộng lớn hơn.

Về phía tỉnh Yên Bái, cũng cần lưu ý khi nhà đầu tư triển khai dự án cần có đánh giá cụ thể về những tác động tích cực cũng như tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, những thuận lợi và khó khăn khi triển khai dự án.

Hy vọng chúng ta không phải đợi quá lâu, để được tận mắt thấy những tiềm năng vốn có của hồ Thác Bà được khai thác mạnh mẽ nhất, thấy những tác nhân đang hủy hoại hồ Thác Bà không còn hiện diện nữa. Để hồ Thác Bà sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn mang tầm quốc tế, thu hút được nguồn ngoại tệ cho tỉnh nhà, đáp ứng niềm kỳ vọng của những du khách yêu cái đẹp. Để hồ Thác Bà trở lại với những tên gọi mỹ miều mà nhiều người đã ban tặng, như “Hạ Long trên núi”, như “viên ngọc giữa đại ngàn Tây Bắc”.


Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Đại hội MTTQ thành phố Hạ Long: Đoàn kết, kỷ cương, dân chủ, đổi mới, phát triển

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố Hạ Long lần thứ XX, nhiệm kỳ 2024 - 2029 được tổ chức trong 2 ngày 19 và 20/4 đã thành công tốt đẹp. Đây là đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh với khát vọng: Xây dựng thành phố Hạ Long kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
2024-04-20 19:27:03

Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ thành kinh đô du lịch mạo hiểm châu Á

Trên 200 km chiều dài của hệ thống hơn 425 hang động lớn nhỏ và các dòng sông ngầm đã tạo cho Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành một trong những hệ sinh thái Karst trên núi đá vôi nổi bật nhất trên thế giới.
2024-04-20 16:00:00

Quảng Ninh: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Sau một ngày (19/4) làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 18 theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
2024-04-20 13:28:10

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Khai mạc hoạt động Giữ nghề xưa giữa lòng Phố cổ

Ban Quàn lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp một số tổ chức, cá nhân vừa tổ chức Khai mạc hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".
2024-04-20 08:01:45
Đang tải...