Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 100 gia đình kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam đóng góp đến 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 96,5% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Trong số các doanh nghiệp tư nhân, 70% là doanh nghiệp gia đình. Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã tổng hợp thông tin và dữ liệu để giới thiệu 10 gia đình kinh doanh nổi tiếng tại Việt Nam, những gia đình này có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hoặc sản phẩm, dịch vụ của họ đã đứng vững trên thị trường.

Các gia đình kinh doanh trong danh sách này thường có những điểm chung như: nhiều thành viên của của gia đình tham gia vào hoạt động kinh doanh, họ hỗ trợ lẫn nhau trong công việc; nhiều thế hệ trong một gia đình đóng góp tích cực và có vai trò lớn vào thành công tổng thể; các công ty mà họ điều hành thường có quy mô tương đối lớn. Danh sách này không tuân theo một thứ tự cụ thể và số thành viên là số lượng tham gia vào hoạt động điều hành kinh doanh gia đình.

GIA ĐÌNH ĐẶNG VĂN THÀNH

  • Tập đoàn TTC
  • Lĩnh vực: Nông nghiệp, năng lượng, du lịch và bất động sản
  • Số lượng thành viên: 9

Tiền thân của Tập đoàn TTC là cơ sở sản xuất cồn được thành lập bởi hai nhà sáng lập Ông Đặng Văn Thành và Bà Huỳnh Bích Ngọc thành lập năm 1979. Tại thời điểm đó, với vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên, Thành Thành Công là một trong những cơ sở sản xuất cồn có quy mô lớn nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau hơn 40 năm phát triển, TTC Group trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, du lịch…

Hiện TTC Sugar nắm giữ 46% thị phần ngành đường theo các thông tin tự bạch, là nhà sản xuất và phân phối lớn nhất tại Việt Nam, sở hữu nhiều công ty tên tuổi trong ngành đường thông qua chiến lược M&A. Ở mảng năng lượng, TTC Energy vận hành các nhà máy điện với các loại hình thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối có tổng công suất 600MW. Ở mảng kinh doanh du lịch, TTC sở hữu 12 khách sạn – resort từ ba đến năm sao có gần 1.300 phòng. Ở mảng bất động sản, TTC Land là nhà phát triển một số dự án bất động sản dân dụng và thương mại.

Ông Đặng Văn Thành là người dẫn dắt hoạt động của TTC Group trên cương vị chủ tịch TTC. Bà Huỳnh Bích Ngọc, phó chủ tịch TTC Group, là chủ tịch TTC Sugar và TTC Land. Ông Thành có ba con đang sát cánh kinh doanh cùng gia đình. Đặng Hồng Anh, con trai cả, phó chủ tịch TTC Group, phó chủ tịch TTC Land. Con thứ Đặng Huỳnh Ức My, phó chủ tịch TTC Group phụ trách các hoạt động nông nghiệp và đầu tư. Hai người còn lại Đặng Huỳnh Anh Tuấn và Đặng Huỳnh Thái Sơn sau khi du học đã gia nhập tập đoàn.

GIA ĐÌNH LÊ VĂN QUANG

  • Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
  • Lĩnh vực: Nông nghiệp, năng lượng, du lịch và bất động sản
  • Số lượng thành viên: 8
  • Tiền thân của Công Ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là Doanh nghiệp Tư nhân Minh Phú, được thành lập ngày 14 tháng 12 năm 1992 do Kỹ sư thủy sản Lê Văn Quang và vợ, bà Chu Thị Bình từ một cơ sở thu mua thủy sản tư nhân xuất khẩu cho nước ngoài. Sau ba mươi năm không ngừng phát triển, đến nay Minh Phú trở thành một Tập đoàn Thủy sản có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước và có tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hằng năm của công ty đạt 500–600 triệu đô la Mỹ, tạo công việc cho hàng chục ngàn lao động. Các thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Hiện tại nhiều thành viên gia đình này cùng tham gia kinh doanh. Ông Quang và bà Bình thay phiên nhau giữ vị trí chủ tịch và tổng giám đốc Minh Phú. Con gái Lê Thị Dịu Minh giữ ghế phó tổng giám đốc từ năm 2015. Các con gái thứ Minh Phú, Minh Quý và hai con rể cũng dần được cha mẹ cho tham gia vào công ty gia đình với các vị trí phụ trợ. Em trai ông Quang, ông Lê Văn Điệp giữ chức phó tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, gắn bó với công ty hơn 20 năm.

    Trong hoạt động của Minh Phú, ông Quang hoạch định chiến lược, tổ chức sản xuất và ký kết đơn hàng, phát triển thị trường nước ngoài. Trong khi đó bà Bình quản lý tài chính và điều hành nội bộ. Giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, bà Bình đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa Minh Phú quay lại ngành sản xuất cốt lõi sau khi công ty lấn sân sang các lĩnh vực không có sở trường như đầu tư tài chính, bất động sản và không thành công. Ông Quang và gia đình đang kiểm soát hơn 50% cổ phần Minh Phú

    GIA ĐÌNH ĐOÀN QUỐC VIỆT

  • Tập đoàn BIM Group
  • Lĩnh vực: Bất động sản; Nông nghiệp và Thực phẩm; Năng lượng Tái tạo và Dịch vụ Tiêu dùng.
  • Số lượng thành viên: 6
  • Thành lập năm 1994, bởi Tiến sĩ vật lý Đoàn Quốc Việt, bắt đầu bằng việc xây dựng khách sạn Hạ Long Plaza, sau đó mở rộng ra lĩnh vực thủy sản, bất động sản và năng lượng tái tạo. Ông Việt là cựu du học sinh Đông Âu, cùng vợ kinh doanh khởi nghiệp tại Ba Lan trước khi quay về đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

    Trong lĩnh vực bất động sản, BIM Group là một trong mười nhà phát triển dự án lớn nhất thị trường, xét theo số lượng sản phẩm đưa ra thị trường. Ngoài các dự án bất động sản dân dụng, BIM Group cũng đóng góp đáng kể cho hạ tầng du lịch Việt Nam khi đưa vào khai thác nhiều sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp như Holiday Inn Vientiane (Lào), Park Hyatt Phú Quốc, Regent Phú Quốc, InterContinental Phú Quốc, Fraser Suites Hà Nội, Sailing Club Hạ Long. Từ năm 2006, BIM Group sản xuất muối theo mô hình công nghiệp trên cánh đồng rộng 2.500 héc ta tại Ninh Thuận, chiếm 60–70% sản lượng muối công nghiệp của Việt Nam. Tại cánh đồng muối, BIM Group xây dựng tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió quy mô công suất 500MW đã đưa vào khai thác thương mại từ cuối năm 2021. BIM Group cũng sở hữu diện tích nuôi tôm 1.600 héc ta tại Kiên Giang, cung cấp 3 ngàn tấn tôm nguyên liệu mỗi năm cho các công ty chế biến xuất khẩu.

    Sát cánh kinh doanh bên ông Việt những năm qua là bà Khổng Thị Hiền, người bạn đời, phó chủ tịch tập đoàn. Trong khi đó con trai Đoàn Quốc Huy là phó chủ tịch BIM Group phụ trách mảng kinh doanh bất động sản, năng lượng và hoạt động đầu tư tài chính. Con gái Đoàn Thanh Mai phụ trách hoạt động du lịch, dịch vụ thương mại và tiếp thị.

    GIA ĐÌNH LÝ NGỌC MINH

  • Công ty TNHH Minh Long I
  • Lĩnh vực: Sản xuất gốm sư
  • Số lượng thành viên: 6
  • Minh Long I là công ty tách ra từ doanh nghiệp Minh Long do ông Lý Ngọc Minh và người bạn Dương Văn Long sáng lập từ 1970, và kinh doanh các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ. Ông Minh đã đưa Minh Long I thành thương hiệu gốm sứ cao cấp, tập trung vào thị trường nội địa thay vì xuất khẩu phần lớn như trước đây.

    Với hơn 50 năm hình thành và phát triển, gốm sứ Minh Long đã nhiều lần nhận được sự tôn vinh ở các giải thưởng trong và ngoài nước. Trong năm 2022, Minh Long vinh dự là doanh nghiệp 8 lần liên tiếp đạt Thuơng hiệu Quốc gia Việt Nam, qua đó khẳng định vị thế của một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ. Không chỉ dẫn đầu thị trường nội địa, sản phẩm Minh Long còn được dùng để giới thiệu đến bạn bè thế giới về một Việt Nam có các sản phẩm gốm sứ uy tín, sáng tạo nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

    Minh Long I hiện có nhiều dòng sản phẩm, từ dòng dùng cho gia đình, dòng chuyên dùng cho nhà hàng, khách sạn (Ly’s Horeca), dòng sản phẩm dưỡng sinh (HealthyCook) đến sứ mỹ thuật trang trí, trang sức…

    Nhiều thành viên gia đình ông Minh cùng tham gia công ty Minh Long I. Ông Minh vừa chính thức rời vị trí tổng giám đốc từ giữa 2022, chuyển giao cho con trai lớn Lý Huy Sáng, giữ chức danh chủ tịch. Vợ ông, bà Lý Ngọc Dung nhiều năm làm phó tổng giám đốc. Ba người con còn lại là Lý Kha Trân, Lý Huy Đạt và Lý Huy Bửu giữ các trọng trách về tài chính, thiết kế và sản xuất.

    Ông Trần Kim Thành (bên trái) và ông Trần Lệ Nguyên (bên phải)

    Ông Trần Kim Thành (bên trái) và ông Trần Lệ Nguyên (bên phải)

    Ông Trần Kim Thành (bên trái) và ông Trần Lệ Nguyên (bên phải)

    TRẦN KIM THÀNH & TRẦN LỆ NGUYÊN

  • Tập đoàn KIDO
  • Lĩnh vực: Hàng tiêu dùng
  • Số lượng thành viên: 6
  • KIDO có tiền thân là công ty TNHH Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô, do hai anh em Trần Kim Thành (sinh năm 1960) và Trần Lệ Nguyên (sinh năm 1968) thành lập từ năm 1993. Doanh nghiệp này đổi tên thành KIDO sau khi bán mảng bánh kẹo cho Mondelez International vào năm 2015 và tập trung vào mảng kem, dầu ăn và thực phẩm thiết yếu.

    Ông Trần Kim Thành (bên trái) và ông Trần Lệ Nguyên (bên phải)

    Theo số liệu nội bộ, KIDO giữ vị trí thứ hai toàn ngành dầu ăn nội địa với thị phần theo tỉ lệ sở hữu và chi phối ở mức 39% và nắm hơn 74% thị phần ngành bơ thực vật thông qua việc sở hữu các thương hiệu như Vocarimex, Tường An (theo số liệu nghiên cứu thị trường từ Euromonitor năm 2022). Với ngành kem, KIDO chiếm hơn 44,5% thị phần; trong đó thương hiệu Merino chiếm hơn 24% và Celano chiếm hơn 19%. Sau sáu năm bán mảng bánh kẹo, KIDO quay lại ngành kinh doanh cốt lõi này từ giữa năm 2021.

    Mặc dù đã niêm yết gần 7 năm trên sàn chứng khoán nhưng Kinh Đô vẫn mang dáng dấp một công ty gia đình.

    Hội đồng quản trị có 8 người thì có 5 người là họ hàng của nhau gồm 3 anh em Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên, Trần Quốc Nguyên; vợ của ông Trần Kim Thành - bà Vương Bửu Linh và vợ của ông Trần Lệ Nguyên - bà Vương Ngọc Xiềm.

    ĐỖ GIA

    Đại gia đình nổi tiếng 3 đời làm doanh nhân

  • Tập đoàn Doji, TPBank
  • Lĩnh vực: Tài chính, trang sức, bất động sản, bán lẻ
  • Số lượng thành viên: 5
  • Thế hệ thứ nhất: 73 tuổi thành lập, hơn 90 tuổi vẫn điều hành công ty

    Cụ Đỗ Thế Sử (sinh năm 1923), vốn là tổng biên tập báo Sơn Tây những năm 1955-1958 nhưng hoàn cảnh gia đình đông con cùng với niềm đam mê kinh doanh khiến cụ nghỉ chức tổng biên tập ra thành lập hợp tác xã Tiến Hưng.

    Cụ Đỗ Thế Sử có 11 người con là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, doanh nhân nổi tiếng. Con cả của cụ Sử là đại tá, kỹ sư Đỗ Thái Tùng. Con thứ 2 của cụ là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường, cựu phó giám đốc bệnh viện 103, phó TGĐ CTCP bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec. Con thứ 3 của cụ Sử là Đỗ Minh Phú, người gây dựng nên tập đoàn DOJI.

    Thế hệ thứ 2 với 11 người con thành công

    Những người con tiếp theo của cụ Sử có thể kể đến là Đỗ Anh Tú là em trai thứ 6 hiện là TGĐ Diana và Phó chủ tịch HĐQT của TPBank. Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Ông Đỗ Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Lò hơi và các thiết bị nhiệt; Ông Đỗ Khôi Nguyên - Tiến sĩ Luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ. Bà Đỗ Xuân Mai - Điều hành công ty Green Global. Bà Đỗ Kim Dung - Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa.

    Doanh nhân Đỗ Minh Phú đang dẫn dắt gia đình họ Đỗ kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gồm tài chính, trang sức, F&B, thương mại, bất động sản và văn phòng cho thuê. Ông Phú hiện là chủ tịch TPBank, ngân hàng tư nhân phát triển năng động trong những năm gần đây, đặc biệt thành công trong việc chuyển đổi số dù cách đây mười năm nằm trong nhóm tám ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu. Tại ngân hàng này, ông Đỗ Anh Tú, em trai ông Phú là phó chủ tịch thường trực thứ nhất. Ông Tú cũng là tổng giám đốc Diana Unicharm, công ty sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này. Tiền thân của Diana Unicharm là công ty sản xuất băng vệ sinh do hai anh em lập ra năm 1997, sau đó bán lại 95% cổ phần cho Unicharm năm 2011 với định giá công ty 250 triệu đô la Mỹ.

    Thế hệ thứ 3: Những người kế nghiệp

    Thế hệ thứ 3 kế thừa sự nghiệp kinh doanh của gia đình ông Phú là hai con Đỗ Vũ Phương Anh (năm năm 1980) và Đỗ Minh Đức (sinh năm 1983). Cả hai người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có bằng thạc sỹ nước ngoài về quả trị kinh doanh và marketing.

    Bà Đỗ Vũ Phương Anh, hiện là Tổng giám đốc tập đoàn Doji, là con cả Chủ tịch Tập đoàn DOJI Đỗ Minh Phú và từng được biết đến với vai trò là Phó Tổng giám đốc Nguồn nhân lực và cải cách hệ thống của Công ty CP Diana, Phó Tổng giám đốc Nguồn Nhân lực – Vận hành Tập đoàn DOJI. Ngoài công tác ở Tập đoàn DOJI, bà Phương Anh còn nắm giữ vị trí Ủy viên HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội, Phó Tổng giám đốc phụ trách chiến lược cải cách hệ thống CTCP Diana, giám đốc công ty TNHH đầu tư thương mại DOJI và giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

    Ông Đỗ Minh Đức được biết đến là người kế nghiệp sáng giá của DOJI và hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn DOJI.

    Ông Đỗ Minh Đức và bà Đỗ Vũ Phương Anh hiện cũng hiện cũng là các cổ đông nắm giữ cổ phần tại TPbank.

    Đỗ Gia là một đình thành đạt. Nhiều người cũng tham gia kinh doanh, đứng tên, sở hữu cổ phần tại các công ty thành viên khác của gia đình.

    GIA ĐÌNH VƯU KHẢI THÀNH

    Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s)
    Lĩnh vực: Giày dép
    Số lượng thành viên: 5

    Biti’s được hình thành từ một cơ sở sản xuất nhỏ do ông Vưu Khải Thành và vợ, bà Lai Khiêm, thành lập năm 1982 tại quận 6, TP.HCM. Khi mới thành lập, đơn vị này tập trung vào sản xuất dép cao su, với gần 20 công nhân. Vào đầu thập niên 2000, sản phẩm Biti’s gắn liền với slogan: “Nâng niu bàn chân Việt.” Ngoài thị trường nội địa với thương hiệu có mức độ nhận biết rất cao, sản phẩm Biti’s còn xuất khẩu đi 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biti’s hiện có hệ thống phân phối gồm sáu trung tâm chi nhánh, 204 cửa hàng tiếp thị và hơn 1.500 cửa hàng đại lý, tạo công ăn việc làm cho gần 10 ngàn lao động. Mỗi năm, có hơn 25 triệu đôi giày dép thương hiệu Biti’s được đưa ra thị trường với đa dạng mẫu mã từ giày thể thao đến giày thời trang, dép xốp.

    Nhiều thành viên gia đình họ Vưu đang tham gia điều hành công ty. Vưu Lệ Quyên, sinh năm 1980, trở thành tổng giám đốc Biti’s từ cuối năm 2018. Quyên được tham gia các hoạt động sản xuất của công ty vào các kỳ nghỉ hè từ khi còn đi học. Em gái là Vưu Lệ Minh tham gia Biti’s từ năm 2008, hiện là phó tổng giám đốc phụ trách nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Em trai út Vưu Tuấn Kiệt sinh năm 1994, đam mê âm nhạc từ nhỏ, hiện có nghệ danh là Kiey, từng học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại nước ngoài đang quản lý mảng kinh doanh bất động sản của gia đình.

    Khác với thế hệ sáng lập kinh doanh theo con đường truyền thống, thế hệ kế nghiệp của Biti’s tạo thêm sức sống cho thương hiệu giày dép quốc dân này bằng cách làm mới qua các hoạt động tiếp thị và quảng cáo trên kênh digital. Trong năm năm qua, Biti’s đồng hành cùng các nghệ sĩ trẻ như Sơn Tùng MTP, Soobin Hoàng Sơn quảng bá cho dòng sản phẩm ăn khách Biti’s Hunter, tạo tiếng vang, mang đến sự thành công vượt kỳ vọng.

    Sau hơn năm năm vào vị trí tổng giám đốc Biti’s, Vưu Lệ Quyên càng nhận ra, con người là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Vì thế, việc quản lý, đào tạo và phát triển con người vượt trội đem lại lợi thế lớn mạnh, bền vững cho doanh nghiệp.

    GIA ĐÌNH HỒ HÙNG ANH

  • Techcombank, Masterise Group
  • Lĩnh vực: Tài chính, bất động sản
  • Số lượng thành viên: 4
  • Ông Hồ Hùng Anh có mặt trong danh sách tỉ phú thế giới của Forbes từ năm 2019 và liên tục có mặt từ đó tới nay. Ông là chủ tịch Techcombank, ngân hàng tư nhân tốp đầu, hiện đứng thứ hai trong hệ thống về lợi nhuận, chỉ xếp sau Vietcombank. Năm 2022, lần đầu tiên lợi nhuận nhà băng này đạt 25.600 tỉ đồng, vượt 1 tỉ đô la Mỹ – cột mốc mới chỉ hai ngân hàng Việt Nam đạt được là Vietcombank và Techcombank.

    Ông Hồ Hùng Anh, sinh năm 1970, có bằng kỹ sư Điện kỹ thuật đại học Bách khoa Kiev (Ukraine), là đồng sáng lập Masan Group, tập đoàn tư nhân đa ngành hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng – bán lẻ – nông nghiệp – khai khoáng. Ông Hùng Anh đầu tư cổ phần và trở thành thành viên hội đồng quản trị Techcombank từ năm 2004. Năm 2008, ông trở thành chủ tịch Techcombank và giữ vị trí này cho tới nay. Em trai ông Hùng Anh, ông Hồ Anh Ngọc là phó chủ tịch Techcombank từ năm 2021 sau quá trình làm việc lâu năm, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo của Techcombank khu vực phía Nam.

    Hồ Hùng Anh khởi nghiệp từ mì gói và tương ớt bên Đông Âu

    Hồ Hùng Anh khởi nghiệp từ mì gói và tương ớt bên Đông Âu

    Hồ Hùng Anh khởi nghiệp từ mì gói và tương ớt bên Đông Âu

    Ở cương vị dẫn dắt Techcombank, ông Hùng Anh đã hoạch định chiến lược đưa nhà băng này trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu. Trong khi đó ông Hồ Anh Ngọc dẫn dắt Masterise Group – nhà phát triển dự án năng động – mở rộng quy mô nhanh chóng trong những năm qua. Năm 2013, Masterise chào bán ra thị trường dự án Masterise Thảo Điền và sau đó là các dự án chung cư thuộc phân khúc cao cấp Masteri Millennium; M-One Sài Gòn; M-One Gia Định. Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt của Masterise khi phát triển các sản phẩm hạng sang như Grand Marina Saigon, Global City với giá bán có thể lên tới 500 triệu đồng/m2. Ngoài em trai, bà Nguyễn Hương Liên, em dâu ông Hùng Anh cũng tham gia điều hành Masterise Group. Con trai ông Hùng Anh, Hồ Anh Minh cũng tham gia kinh doanh, phụ trách việc phân phối bán hàng khu vực phía Bắc cho Masterise.

    Hồ Hùng Anh có vợ là Nguyễn Thị Thanh Thủy cùng ba người con là: Hồ Anh Minh, Hồ Minh Anh và Hồ Thủy Anh. Bên cạnh đó còn có mẹ là Nguyễn Thị Thanh Tâm và em trai là Hồ Ngọc Anh. Tất cả đều là cổ đông lớn ngân hàng Techcombank.

    GIA ĐÌNH PHẠM NHẬT VƯỢNG

  • Tập đoàn VINGROUP
  • Lĩnh vực: Bất động sản, du lịch, công nghiệp
  • Số lượng thành viên: 4
  • Tiền thân của Vingroup là Tập đoàn Technocom, thành lập năm 1993 tại Ucraina. Đầu những năm 2000, Technocom trở về Việt Nam, tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản với hai thương hiệu chiến lược ban đầu là Vinpearl và Vincom. Đến tháng 1/2012, công ty CP Vincom và Công ty CP Vinpearl sáp nhập, chính thức hoạt động dưới mô hình Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup – Công ty CP.

    Chủ tịch tập đoàn Vingroup được Forbes (Mỹ) công nhận tỉ phú từ năm 2013. Trong 10 năm qua, ông Vượng liên tục giữ vị trí người giàu nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng tỉ phú thế giới. Hiện tại, ông Vượng và gia đình sở hữu trực tiếp và gián tiếp gần 60% cổ phần Vingroup. Thành lập năm 2002, Vingroup là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, hoạt động đa ngành trải rộng trên nhiều lĩnh vực: bất động sản dân dụng và thương mại, du lịch nghỉ dưỡng, sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực phi lợi nhuận như giáo dục, y tế.

    Ông Vượng và vợ khởi nghiệp kinh doanh nhà hàng và mì gói tại Ukraine vào đầu những năm 1990. Sau đó, giữa thập niên 2000, ông Vượng đẩy mạnh đầu tư kinh doanh về Việt Nam, bắt đầu với hoạt động du lịch và kế tiếp là bất động sản. Năm 2017, tập đoàn tư nhân này gây chú ý tại thị trường nội địa lẫn truyền thông quốc tế khi thành lập hãng xe VinFast, nuôi tham vọng chinh phục thị trường thế giới và thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

    Trong các lĩnh vực Vingroup tham gia, tập đoàn này đều thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường. Trong mảng bất động sản, Vinhomes, thành viên của Vingroup, là nhà phát triển lớn nhất thị trường, ước tính đã bàn giao khoảng 100 ngàn sản phẩm tới người mua nhà. Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Vinpearl sở hữu hệ thống 18,5 ngàn phòng khách sạn trải dài tại các địa danh du lịch trọng điểm của Việt Nam. 2022 là năm bản lề quan trọng với VinFast, thương hiệu xe năm năm tuổi, khi chuyển hướng chiến lược phát triển theo định hướng công ty xe điện 100%. Cuối năm 2022, lô hàng đầu tiên 999 chiếc xe VinFast đã cập bến thị trường Hoa Kỳ. Trong nước, VinFast đã bàn giao dòng xe điện VF e34 và VF8 cho những khách hàng đầu tiên.

    Cuối năm 2021, Vingroup công bố giải thưởng VinFuture lần thứ nhất, lần đầu tiên bà Phạm Thu Hương phu nhân ông Vượng lộ diện trước công chúng. Bà Hương hiện là phó chủ tịch Vingroup, phụ trách nhánh hoạt động kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng. Bà Phạm Thúy Hằng, em gái bà Hương là phó chủ tịch Vingroup. Con trai ông Vượng, Phạm Nhật Anh Quân, sinh năm 1993 đầu quân cho Vingroup từ năm 2015 đến nay, được điều chuyển qua nhiều bộ phận kinh doanh của tập đoàn từ bất động sản, du lịch tới sản xuất công nghiệp.

    GIA ĐÌNH LÊ VĂN KIỂM

  • K&N Invest
  • Lĩnh vực: Bất động sản, du lịch, năng lượng
  • Số lượng thành viên: 4
  • Gia đình doanh nhân Lê Văn Kiểm – Trần Thị Cẩm Nhung thuộc thế hệ kinh doanh gạo cội, những người đầu tiên khởi nghiệp sau năm 1975 hiện vẫn còn kinh doanh trên thương trường. Hiện tại, hoạt động kinh doanh của gia đình ông Kiểm tập trung trong lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, năng lượng, khai khoáng… Một số dự án công ty tư nhân này để lại dấu ấn như sân golf Long Thành, khách sạn KN Paradise (Cam Ranh), dự án điện mặt trời KN Cam Lâm Solar và một số dự án bất động sản hợp tác phát triển với Keppel Land.

    Trong giai đoạn kinh tế bao cấp, ông Kiểm và bà Nhung đã năng động mở cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất sơn và sau đó là cơ sở gia công hàng dệt may có quy mô lớn vào cuối những năm 1980 đầu thập niên 1990. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ông Kiểm bị phá sản, đối diện với tình trạng lao lý nhưng sau đó phục hồi kinh doanh. Sau biến cố này, các hoạt động kinh doanh của ông Kiểm được tái cấu trúc theo hướng ổn định và bền vững hơn.

    Gia đình ông Kiểm có hai con là Lê Huy Hoàng và Lê Nữ Thùy Dương, trong đó Thùy Dương đóng vai trò hạt nhân điều hành hoạt động kinh doanh của gia đình. Ngoài kinh doanh, ông Kiểm nổi tiếng tại Việt Nam về các hoạt động từ thiện. Trong đợt đóng góp quỹ Vaccine vào tháng 6.2021, ông Kiểm và gia đình đã tặng 500 tỉ đồng, một trong các khoản ủng hộ lớn nhất từ một cá nhân. Ông Kiểm và bà Nhung hai lần được tặng Huân chương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

    Ngày xuất bản: 13/10/2023

    Chỉ đạo sản xuất: Thành Đoàn
    Nội dung và trình bày: Đinh Hoàng

    Nguồn tư liệu: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), các trang website của các tập đoàn và công ty