PV: Tập đoàn Truyền thông và Giải trí ODE (ODE Group) được biết đến với vai trò đồng hành cùng các chiến lược thương hiệu và “tổng thầu” của hàng trăm chiến dịch PR - Marketing của các Tập đoàn Bất động sản, Tài chính, Công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện nay như Sunshine Group, SCG Group, KSFinance Group, Unicloud Group… Đặc biệt, đầu năm 2022, ODE Group vừa có bước ngoặt lớn với chiến lược đại chúng hóa thành công, trở thành một trong số “hiếm hoi” các doanh nghiệp truyền thông hoạt động trên sàn chứng khoán. Bí quyết nào khiến ODE Group có thể vượt qua được cơn “sóng thần” Covid-19 và tạo nên những dấu mốc ấn tượng này, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Mỹ Bình: Cảm ơn sự ghi nhận của bạn đối với những nỗ lực của ODE Group trong thời gian qua. Đặc biệt, 2020 - 2021 quả thực là một thời kỳ “lịch sử” khó quên, không chỉ đối với các doanh nghiệp và các nền kinh tế, khi bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải đối mặt với “sóng dữ” ập tới do tác động sâu rộng của dịch bệnh kéo dài. Nhưng với sự tin tưởng, đồng hành của khách hàng và các đối tác chiến lược, đây cũng chính là giai đoạn bứt phá mạnh mẽ của chúng tôi với những dấu ấn như bạn vừa nêu.

Trong một thị trường mặc định có sự cạnh tranh khốc liệt như Truyền thông - Giải trí, muốn tồn tại và phát triển khỏe khoắn, doanh nghiệp buộc phải có “chất” riêng. Đối với ODE Group, đó là năng lực kiến thiết nội dung được bổ trợ bởi các nền tảng công nghệ đòn bẩy, mang lại hiệu quả khai thác tối ưu cùng khả năng triển khai thần tốc, tạo giá trị gia tăng vượt trội cho đối tác và hệ thống khách hàng. Gọi là “bí quyết” cũng được, nhưng theo tôi, đúng hơn thì đó là một nội lực được tạo dựng một cách bền bỉ, có quá trình.

PV: Được đánh giá là một Tập đoàn Truyền thông - Giải trí giàu kinh nghiệm thực chiến với những sản phẩm chỉn chu trong từng chi tiết, hẳn là ODE Group có một “kim chỉ nam” xuyên suốt để giữ vững được phong độ này, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Mỹ Bình: Cá tính thương hiệu được tạo dựng bởi những câu chuyện riêng, mà truyền thông chính là người kể chuyện, biến chúng trở thành trải nghiệm độc nhất của mỗi người nghe chuyện. Lựa chọn cách thức này đồng nghĩa với việc hướng đến một tinh thần duy mỹ, một tư duy triệt để. Trên hành trình nỗ lực tìm kiếm vẻ đẹp của sáng tạo không giới hạn, bạn không thể nửa vời. Đặc biệt, “người dùng cuối” (end - user) các sản phẩm của ODE không phải là khách hàng trực tiếp trả chi phí cho chúng tôi, mà là cộng đồng công chúng. Họ yêu thích, tín nhiệm hay không một thương hiệu thông qua việc đội ngũ truyền thông “kể” về thương hiệu ấy như thế nào. Như vậy, sự chỉn chu là cách chúng tôi giữ chữ “Tín” cho khách hàng và cho chính mình, với công chúng, với thị trường.

Cùng với đó, là một quan điểm tổ chức, triển khai công việc từ lâu đã trở thành “văn hóa truyền thống” của ODE, trước hết tại Ban Điều hành và các phòng ban, bộ phận trọng điểm, đặc thù: Chúng tôi mặc định cài đặt chế độ “On” 24/7 và sẵn sàng Brainstorm bất kỳ lúc nào, không quan trọng các thành viên đang ở đâu, làm gì, khi có yêu cầu công việc. Từ “thực chiến” mà bạn dùng rất thú vị, và tôi thấy nó khá chính xác khi dùng để nói về ODE Group. Đối với người làm sáng tạo, sự nhanh, nhạy và có sức bật tốt là vô cùng quan trọng. Để có thể “thực chiến”, nhất là khi đã xác định làm sản phẩm bằng tinh thần duy mỹ, thì chắc chắn đội ngũ của bạn phải thiện chiến, có nội lực và sẵn sàng cống hiến. Ở ODE, cá nhân tôi và tập thể đều ghét sự nửa vời (cười).

PV: Tôi rất ấn tượng với quan điểm “Ghét sự nửa vời”. Nhưng liệu đó có phải là biểu hiện của một sự quá cầu toàn không, đặc biệt khi Truyền thông, Giải trí, Nghệ thuật vốn rất khó định tính, định lượng…, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Mỹ Bình: Câu hỏi của bạn rất thú vị. Nó làm tôi nhớ đến phát ngôn gần đây của một đơn vị thầu khá nổi tiếng trên thị trường, và tôi cũng đánh giá rất cao năng lực của họ thông qua quá trình hợp tác, rằng dự án làm cho ODE là một Job “thực sự khốc liệt, lịch sử nhất trong những năm làm nghề”. Ở những trường hợp khác, cũng có không ít người nhận xét tôi quá khó tính, quá cầu toàn trong yêu cầu về chất lượng sản phẩm, về quá trình triển khai…

Cá nhân tôi thì không cho đó là cầu toàn, mà đơn giản chỉ là “làm hết khả năng có thể”. Tôi không chấp nhận một sản phẩm nửa vời, được tạo ra bởi tư duy nửa vời kiểu “thế cũng được rồi”... Còn tất nhiên, cái gì thuộc lý do bất khả kháng, thì mình chấp nhận sự không hoàn hảo.

Mặc dù trong ngành cũng có khá nhiều tiêu chí đánh giá thông qua hệ thống chỉ số chuyên môn, không hẳn là quá khó để định tính, định lượng, nhưng tất nhiên, sản phẩm hay tác phẩm khi đã ra mắt, thì quyền đánh giá hoàn toàn thuộc về công chúng. Khi đó, sự tín nhiệm và hài lòng của khách hàng, công chúng là những thước đo khắc nghiệt nhưng giá trị nhất để chúng tôi hiểu nỗ lực của mình đã trọn vẹn hay chưa.

Có một điều tôi cũng muốn chia sẻ với bạn, ở ODE, chúng tôi luôn có cảm giác không hài lòng khi nhìn lại các sản phẩm cũ, dù trước đó chúng đều nhận được sự tán thưởng. Tính chất đặc trưng của người làm truyền thông là luôn luôn “không thỏa mãn”, bởi chúng tôi hiểu rõ sứ mệnh phải luôn làm mới mình, bắt kịp xu hướng chung của thời đại để mang đến những sản phẩm chất lượng nhất, không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của công chúng, khách hàng, mà còn đảm nhiệm luôn vai trò định hình phong cách và những giá trị mới.

PV: Lĩnh vực Truyền thông - Marketing luôn được xem là đấu trường vô cùng khốc liệt. Đầu tư trọng điểm vào ba trụ cột Truyền thông số - Giải trí số - Truyền hình số, ODE Group sẽ mang đến những sản phẩm như thế nào để cạnh tranh và chinh phục thị trường?

Bà Hoàng Thị Mỹ Bình: Truyền thông - Giải trí - Truyền hình là mô hình “kiềng ba chân” đã ít nhiều mang lại cho ODE Group những thành công nhất định, và sẽ tiếp tục là địa hạt phát triển lâu dài của chúng tôi trong thời gian tới. Vận dụng công nghệ số, ODE đang nghiên cứu để đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cùng Metaverse (xu hướng đang được dự báo sẽ thống lĩnh toàn cầu trong thời gian tới) vào các chiến lược phát triển sản phẩm của mình, tối ưu yếu tố cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng và công chúng mục tiêu.

Ở mảng Truyền thông số, chúng tôi đang xây dựng các đề án sử dụng 4 công nghệ cốt lõi của thế giới ảo như VR - AR - MR - XR nhằm đa dạng hóa nội dung, hấp dẫn khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động Truyền thông - Marketing. Khách hàng của ODE Group sẽ được trải nghiệm những sản phẩm hoàn toàn mới như: Meta Saleskit by ODE; Công nghệ 360 VR Tour; Sa bàn ảo; Nhà mẫu ảo… Những sản phẩm này cho phép người dùng tiếp cận, tương tác có chọn lọc với những nội dung mới lạ, trải nghiệm nghe - nhìn bằng công nghệ âm thanh, hình ảnh tân tiến, góp phần tăng hiệu quả truyền thông cho nhãn hàng.

Đối với hoạt động Giải trí - Truyền hình số, ODE Group đang nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống các App Giải trí, Mạng xã hội ảo hay thế giới Game Metaverse mang đậm bản sắc Việt Nam... Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu và ứng dụng các Meta Trend vào việc xây dựng các phim trường ảo kết hợp với giải trí trải nghiệm, dùng để sản xuất hình ảnh cho các phim điện ảnh hay Virtual Event, Liveshow ảo...

Bên cạnh đó, ODE Group đang tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động sang Cho thuê bất động sản; Hợp tác quản lý vận hành Hotels & Resort… Và tất nhiên, những “mảng miếng” mới này sẽ không nằm ngoài chiến lược phát triển chung là triệt để ứng dụng công nghệ, kết hợp với nghiên cứu có chiều sâu các yếu tố về văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, chúng tôi cũng đang trong quá trình xúc tiến thành lập một dự án lớn liên quan đến kiến trúc di sản với mục tiêu lưu giữ, bảo tồn và đưa vào ứng dụng thực tế quỹ di sản kiến trúc Việt Nam trên cơ sở của nền tảng công nghệ.

PV: “Công nghệ”, “Số hóa”, “Metaverse”..., những từ khóa hiện đang khá phổ biến nhưng không hề đơn giản để ứng dụng vào thực tế. Bà có lường trước được những khó khăn sắp tới của ODE Group?

Bà Hoàng Thị Mỹ Bình: Những thương hiệu có tầm nhìn xa thường sẽ chọn cho mình một giá trị để đại diện. Với ODE Group, đó là việc ứng dụng công nghệ để đổi mới và nâng tầm hoạt động Truyền thông - Marketing, một xu hướng đã rất thịnh hành trên thế giới, mang lại những giá trị to lớn nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Và việc ứng dụng những cái mới, đồng thời tùy biến để phù hợp với môi trường tại Việt Nam là tầm nhìn cũng như định hướng dài hạn của tập đoàn.

Rào cản lớn nhất chúng tôi phải đối mặt ở đây không phải vấn đề công nghệ mà là việc các doanh nghiệp khách hàng liệu có dám chuyển mình để thích nghi với cái mới? Trong khi cách thức truyền thống là cái luôn luôn có sẵn, đã và đang hiện hữu để khách hàng có thể đối chiếu thì các giải pháp mới theo hướng triệt để tập trung vào công nghệ, tiệm cận xu hướng Metaverse lại chưa có nhiều “case study” thực tế để tham khảo. Do đó, các doanh nghiệp đi đầu như ODE sẽ cần có thời gian thiết lập thói quen, tâm lý mới cho khách hàng, thúc đẩy họ tiếp cận với cái mới, trong những chiều không gian chưa bao giờ quen thuộc, để đạt được sự đột phá hoàn toàn mới trong hành trình ghi dấu ấn thương hiệu.

PV: Tôi đang hình dung ra một ODE Group mạnh mẽ với những chiến lược phát triển táo bạo, đi kèm với khối lượng công việc có thể nói là “khổng lồ”. Đồng thời, bà còn tham gia điều hành một số công ty, tổ chức khác ngoài ODE Group. Bà có thể chia sẻ bí quyết quản lý thời gian để có thể bao quát hết được công việc, trong khi như tôi được biết, bà vẫn thường xuyên tham gia xử lý chuyên môn trực tiếp cùng các nhóm làm việc?

Bà Hoàng Thị Mỹ Bình: Cộng sự của tôi ở công ty đều biết tôi có thói quen làm việc đêm, kéo dài trong nhiều ngày vào những thời kỳ cao điểm, vì phần lớn ban ngày là thời gian dành cho các cuộc họp, di chuyển công tác theo kế hoạch. Tuy nhiên, tôi không cho đó là một “bí quyết”, bởi lâu dài không tốt cho sức khỏe, cần cân chỉnh lại. Chúng tôi gần như luôn đầy ắp các dự án kèm các deadline gấp, “cày đêm” chỉ là một giải pháp mang tính chất tình thế.

Nếu gọi là bí quyết, thì tôi nghĩ đó là sự tập trung cao độ, tại bất cứ công đoạn nào trong quy trình làm ra sản phẩm. Nhất là gần như 100% sản phẩm của ODE đều mang tính sáng tạo đặc thù. Và như ở trên có nói, tôi ghét sự nửa vời. Vậy thì bắt buộc phải thực sự tập trung, không còn cách nào khác. Đồng thời, cần có sự ưu tiên trong trình tự xử lý trước - sau, vì chúng ta chỉ có 24 giờ trong một ngày, để giải quyết tất cả các nhu cầu của cuộc sống, công việc.

Cũng không thể thiếu sự trợ giúp của công nghệ, tất nhiên rồi, tôi làm truyền thông số, giải trí số mà (cười). Ngoài các công cụ, phương tiện làm việc có tốc độ xử lý dữ liệu nhanh nhất có thể, tôi sử dụng khá nhiều phần mềm về quản lý thời gian, quản lý tài chính, phân loại các Task công việc, giúp mình không bị quên, sót, cũng như vào lúc nào thì cần tập trung toàn lực cho nhóm việc gì. Bên cạnh các “trợ lý ảo” đó, tôi may mắn có được một đội ngũ cộng sự khá ăn ý và nhiệt huyết, chuyên nghiệp.

PV: Bà vừa nhắc đến các cộng sự, bà có thể chia sẻ thêm về quan điểm quản trị nhân sự ở vai trò người điều hành?

Bà Hoàng Thị Mỹ Bình: Tôi gọi họ là các “cộng sự”, không phải “nhân viên”. Ở ODE không tồn tại khái niệm “làm công, ăn lương”, chúng tôi cùng nhau làm việc, cống hiến vì một mục tiêu chung là chất lượng sản phẩm khi ra mắt công chúng và uy tín, thương hiệu của tập thể ODE Group. Trao quyền nhưng không bỏ mặc, khích lệ nhưng không dễ dãi, và đặc biệt, lãnh đạo ở vị trí càng cao càng không được phép xa rời chuyên môn. Đây là nguyên tắc tôi đặt ra cho Ban Điều hành và các cấp quản lý, mọi thành viên ODE Group đều hiểu rất rõ. Điều này giúp cho các cấp quản lý của ODE có tính chủ động trong công tác điều phối, không bị “ngợp” trước khối lượng công việc, bạn hình dung đúng, nó rất khổng lồ. Và giúp cho vị trí lãnh đạo không bị lệ thuộc vào bất cứ mắt xích nào trong hệ thống, mặc dù tiểu tiết nào cũng rất quan trọng. Bạn biết đấy, CEO là người luôn phải tính trước các phương án dự phòng, tránh rủi ro cho công ty. Quản trị kinh doanh hay quản trị nguồn nhân lực, đều cần phải như vậy.

Cảm ơn bà về những chia sẻ rất thú vị và xin chúc ODE Group không ngừng phát triển để bứt phá mạnh mẽ trong những chặng đường tiếp theo!