Khai thác tiềm năng du lịch đêm | baotintuc.vn

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút khách. Du lịch đêm được kỳ vọng sẽ làm tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Đặc biệt, các hoạt động văn hóa, lễ hội, giải trí về đêm sẽ góp phần quảng bá và bảo tồn văn hóa truyền thống Việt Nam, tạo không gian độc đáo, ấn tượng cho du khách, nhất là khách quốc tế. 

Trên thực tế, nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở những trọng điểm du lịch đã bước đầu khai thác sản phẩm du lịch đêm. Mỗi nơi lại có mô hình cụ thể, phát huy chính nguồn lực, thế mạnh của địa phương.

Ở Hà Nội, tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" đã trình làng từ tháng 4/2022, dành cho khách nội địa dịp cuối tuần và nhanh chóng được đón nhận. Đây cũng là sản phẩm du lịch về đêm thứ hai của Hà Nội, sau tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. 

Tour đêm Hỏa Lò “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân".
Tour đêm Hỏa Lò “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân". 

Kéo dài khoảng 1,5 giờ, tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" đưa du khách tham quan khu Đoan Môn, xem biểu diễn nghệ thuật trên sàn kính tại hố khảo cổ Đoan Môn, tham quan phòng trưng bày "Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất", dâng hương tưởng nhớ 52 vị tiên đế tại điện Kính Thiên, trải nghiệm giải mã hiện vật Hoàng thành Thăng Long bằng ánh sáng laser trên dòng sông cổ... 

Nhiều khu vực Hoàng thành Thăng Long được thắp sáng, làm nổi bật vẻ đẹp trường tồn cùng thời gian. Đặc biệt, du khách còn được tặng vật phẩm có in ấn Sắc mệnh chi bảo sau khi làm lễ tại điện Kính Thiên, lấy nước từ giếng cổ thời Trần...

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội: Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" là hướng đi sáng tạo để xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn dựa trên di tích, di vật tưởng chừng như đã rất quen thuộc với du khách. Với mong muốn tạo sản phẩm mới, độc đáo cho du lịch Thủ đô, tour hướng đến các giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của Hoàng thành Thăng Long, đem đến cho du khách trải nghiệm khác biệt và hấp dẫn, làm nổi bật những di tích, di vật độc đáo của Khu Di sản.

Trải nhiệm tour đêm Hoàng thành Thăng Long dành cho khách nước ngoài mang tên “Đêm Hoàng cung Thăng Long - Một cảm nhận độc đáo”.
Trải ngiệm tour đêm Hoàng thành Thăng Long dành cho khách nước ngoài mang tên “Đêm Hoàng cung Thăng Long - Một cảm nhận độc đáo”.

Tiếp nối thành công này, tháng 1/2023, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với một số đơn vị cho ra mắt tour "Đêm Hoàng cung Thăng Long - Một cảm nhận độc đáo" dành cho du khách quốc tế. Tour diễn ra lúc 18 giờ thứ Ba, thứ Năm mỗi tuần với mức giá 1 triệu đồng/người...

Giám đốc Công ty Du lịch bền vững S.T.I.D Phùng Quang Thắng cho hay, các tour đêm về Hoàng thành Thăng Long sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá di sản cũng như khai thác du lịch của Di sản văn hóa thế giới do UNESCO ghi danh. Tuy vậy, điều khó là phải xây dựng câu chuyện văn hóa để du khách tiếp nhận kiến thức lịch sử qua hiện vật cổ nhưng cũng phải có yếu tố giải trí để tạo hứng thú cho du khách.

Trải nhiệm tour đêm Hoàng thành Thăng Long dành cho khách nước ngoài mang tên “Đêm Hoàng cung Thăng Long - Một cảm nhận độc đáo”.
Du thuyền trên vịnh Hạ Long.

Quảng Ninh cũng là một địa phương đi đầu khai thác sản phẩm du lịch đêm. Giám đốc Sở Du lịch Phạm Ngọc Thủy chia sẻ: Du lịch về đêm tại Quảng Ninh hiện nay đang phát triển tập trung tại Hạ Long và Móng Cái với du thuyền nhà hàng, nghe nhạc trên vịnh, tuyến phố đêm. Các hoạt động cung cấp cho du khách gồm ẩm thực hoạt động đến 24 giờ, dịch vụ vui chơi giải trí ở Sungroup, mua sắm đặc sản địa phương, hoạt động văn hóa nghệ thuật về đêm ở Tuần Châu… Nhờ đó, Quảng Ninh đã đón 8,86 triệu lượt khách, tổng doanh thu ước đạt 16.600 tỷ đồng. Quảng Ninh đứng thứ ba cả nước, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về doanh thu du lịch nửa đầu năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp bắt nhịp sớm với xu hướng du lịch đêm và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Quảng Ninh. Từ tháng 4/2023, Tập đoàn Paradise Vietnam vận hành du thuyền nhà hàng 5 sao Paradise Delight. Với hải trình 4 tiếng ven bờ Vịnh Hạ Long, du khách có thể thưởng thức ẩm thực cao cấp, xem show nghệ thuật đa phương tiện "Vũ điệu biển khơi", truyền tải câu chuyện huyền thoại Vịnh Hạ Long; chiêm ngưỡng núi Bài Thơ, Sun Wheel, cầu Bãi Cháy, Bảo tàng Quảng Ninh...

Rất nhiều địa phương khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Cần Thơ... đều đã tìm tòi, khai thác thế mạnh sẵn có để phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm thu hút du khách.

Đà Nẵng phát triển mô hình kinh tế đêm:

Bà Nguyễn Hải Đường, Giám đốc Sales & Marketing Tập đoàn Paradise Vietnam đánh giá: Du lịch đêm tạo ra trải nghiệm mới mẻ và độc đáo cho du khách. Ban đêm, cảnh quan và không gian thay đổi hoàn toàn, tạo ra không khí thú vị và lãng mạn cho du khách. Du lịch đêm cho phép du khách tận hưởng văn hóa địa phương độc đáo và trải nghiệm các hoạt động truyền thống như hội chợ đêm, biểu diễn nghệ thuật dân gian hay thưởng thức ẩm thực đặc sản. Sản phẩm du lịch đêm giúp phân tán lượng du khách trong ngày, giảm tải cho các điểm du lịch chính vào giờ cao điểm, tăng cường tính bền vững. Điều quan trọng là sản phẩm du lịch đêm giúp tạo ra nhiều công việc mới cho người dân địa phương như hướng dẫn viên du lịch, quản lý nơi lưu trú, các hoạt động văn hóa, thúc đẩy kinh tế địa phương. Sản phẩm du lịch đêm mang đến sự đa dạng, phong phú lựa chọn của khách hàng, tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch, thu hút du khách trong nước, quốc tế. 

Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng.
Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng.

Chính vì những lợi ích trên, các nước có ngành du lịch phát triển mạnh đều tăng cường đầu tư vào sản phẩm du lịch đêm. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Du lịch đêm là một phần quan trọng của ngành du lịch Pháp. Năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 133,3 tỉ EUR (tương đương 157 tỷ USD), chiếm khoảng 20% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp 9,7% vào GDP của Pháp. Đối với Nhật Bản, năm 2018, du lịch đêm đã đóng góp khoảng 1,1% vào GDP của đất nước, tương đương với 2,3 nghìn tỉ JPY (tương đương 21 tỉ USD). Với Thái Lan - một thị trường cạnh tranh của Việt Nam, du lịch đêm có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 1,9 nghìn tỉ Baht (tương đương 63 tỉ USD), chiếm khoảng 11% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp khoảng 2% vào GDP của Thái Lan. Du lịch đêm cũng là một ngành công nghiệp phát triển ở Malaysia. Năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 82,2 tỉ Ringgit (tương đương 20 tỉ USD), chiếm khoảng 20% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp hơn 5% vào GDP của Malaysia.

Theo nhiều chuyên gia du lịch, thực tế cho thấy, việc đa dạng các hoạt động giải trí về đêm giúp tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch quốc gia. Chẳng hạn Singapore nổi tiếng về các sản phẩm du lịch đêm như Sentosa Island, Marina Bay Sands và khu vực quầy bar Clarke Quay, đã trở thành những điểm thu hút du khách quốc tế và đóng góp nhiều vào doanh thu du lịch của Singapore. Cuộc khảo sát vào tháng 3/2023 của Tripoto - cổng tìm kiếm lớn nhất thế giới về nội dung du lịch do người dùng tạo ra cho thấy, hoạt động giải trí về đêm cùng du thuyền đã đưa Singapore trở thành điểm đến yêu thích với du khách sinh từ năm 1981 đến 1996.

Đèn lồng được treo và bày bán trên các tuyến phố cổ ở thành phố Hội An.
Đèn lồng được treo và bày bán trên các tuyến phố cổ ở thành phố Hội An.

Qua đó, có thể thấy, sản phẩm ban đêm góp phần phát triển nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Du lịch đêm cũng tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Với nhiều quốc gia, du lịch đêm không chỉ được xem là hướng đi giúp tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo dấu ấn, hình ảnh, thương hiệu, bản sắc riêng cho điểm đến.

Dù mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút du khách nhưng du lịch ban đêm vẫn là vấn đề còn mới mẻ ở Việt Nam. Cùng với việc sáng tạo sản phẩm, còn nhiều vấn đề liên quan cần giải pháp tháo gỡ thiết thực để du lịch ban đêm ở nước ta phát triển bền vững.

Cuối năm 2022, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã tiến hành "Nghiên cứu phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Việt Nam". Đơn vị đã tiến hành khảo sát thực tế tại Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt (Lâm Đồng). Đây là các địa phương phát triển du lịch, đã có hoạt động dịch vụ đêm và đang thí điểm áp dụng kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ đến 6 giờ hôm sau. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã đánh giá thực trạng phát triển và các dịch vụ, sản phẩm du lịch, nhất là thực trạng, dịch vụ về đêm và dịch vụ có khả năng khai thác về đêm ở những địa phương này.

Phố cổ Hội An đẹp lung linh về đêm.
Phố cổ Hội An đẹp lung linh về đêm.

Qua khảo sát, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đánh giá, nhìn chung, dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại các địa phương nêu trên hiện mới chỉ dừng lại ở hoạt động, dịch vụ văn hóa, vui chơi chủ yếu tại các khu vui chơi giải trí quy mô lớn; trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; chợ đêm (mua sắm, ẩm thực…); dịch vụ chăm sóc sức khỏe cùng một số dịch vụ khác (quán bar, quán cà phê có biểu diễn âm nhạc, biểu diễn nhạc nước…). Thời gian khai thác hầu hết đến 22 giờ, một số điểm cung cấp dịch vụ muộn nhất là 24 giờ. 

Từ thực tiễn hoạt động, đại diện các địa phương đã thẳng thắn nêu lên khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác tổ chức, quản lý, phá triển dịch vụ đêm. Ví dụ như Hội An nhận thấy rằng sản phẩm, dịch vụ còn sơ sài, chủ yếu khách chỉ đến tham quan, ít lưu trú. Nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động, dịch vụ đêm còn hạn chế, do nếp sống và quan niệm sống của người dân chưa phù hợp với các hoạt động đêm. Người dân Hội An thường thích cuộc sống bình yên, không xô bồ. Thêm vào đó, Hội An là đô thị cổ, di sản văn hóa thế giới nên cần có quy hoạch phù hợp khi phát triển dịch vụ đêm.

Đà Lạt đang trong quá trình xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm. Các hoạt động về đêm chủ yếu gồm chợ đêm, phố đi bộ (chỉ mở vào cuối tuần đến 21 giờ). Nhưng cơ sở hạ tầng, quy hoạch chưa đáp ứng lưu thông cho các phương tiện, đảm bảo đi bộ; chất lượng dịch vụ chưa thực sự chuyên nghiệp; cùng với đó là ô nhiễm môi trường, tiếng ồn…

Phố Tây Bùi Viện, sản phẩm du lịch thu hút khách quốc tế khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh.
Phố Tây Bùi Viện, sản phẩm du lịch thu hút khách quốc tế khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động về đêm tại Quận 1 diễn ra mạnh mẽ nhất, chủ yếu khu vực chợ đêm Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ đêm khá lớn của khách du lịch. Tuy nhiên, các khu vực triển khai vẫn riêng lẻ, nhiều hoạt động còn mang tính tự phát, chưa thống nhất trong chủ trương và tổng thể chung. Vấn đề về quản lý, ô nhiễm môi trường cần quan tâm khi phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch.

Các địa phương khác cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy nêu: Quảng Ninh đang gặp phải vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn, nhất là ở khu vực Bãi Cháy gây ảnh hưởng đến khu dân cư và mâu thuẫn giữa các nhóm khách du lịch. Thêm vào đó, nguồn nhân lực phục vụ ban đêm (cán bộ trật tự, công nhân vệ sinh…); hạ tầng giao thông về đêm còn hạn chế…

Hà Nội có một số khó khăn, hạn chế trong quản lý hoạt động dịch vụ đêm. Đó là thiếu nhân lực tham gia quản lý hoạt động về đêm; chưa có cơ chế khuyến khích các hộ dân mở rộng hoạt động kinh doanh; thiếu quy hoạch rõ ràng về không gian và thời gian của các dịch vụ đêm. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của dịch vụ đêm...

Đông đảo người dân đến vui chơi trên tuyến phố đi bộ (Hà Nội).
Đông đảo người dân đến vui chơi trên tuyến phố đi bộ (Hà Nội).

Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Lê Quang Đăng và bà Nguyễn Thị Phương Linh (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch), thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý về phát triển kinh tế ban đêm và phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch chưa đầy đủ; thiếu các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, hỗ trợ cơ sở kinh doanh phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, đặc biệt là các dịch vụ như bar, pub, club, karaoke, vũ trường, vui chơi có thưởng, giải trí, biểu diễn nghệ thuật đường phố,… thủ tục đầu tư, kinh doanh còn phức tạp, chưa có chính sách đặc thù...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm tăng cường thu hút, chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch có lượng khách du lịch cao được yêu cầu phát triển đồng bộ, để hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.

Thành phố lễ hội “không ngủ” Grand World tái hiện một “Venice thu nhỏ” lộng lẫy về đêm.
Thành phố lễ hội “không ngủ” Grand World (Phú Quốc) tái hiện một “Venice thu nhỏ” lộng lẫy về đêm.

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Riêng Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất 1 đêm.

Đến năm 2030, các trung tâm du lịch lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt; phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng du khách tập trung đông; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.

Sông Hương và cầu Tràng Tiền với những chiếc thuyền ca Huế lúc chiều tà.
Sông Hương và cầu Tràng Tiền với những chiếc thuyền ca Huế lúc chiều tà.

Đề án nêu 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm đi kèm các dịch vụ đặc trưng và dịch vụ bổ trợ. Đó là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Những lợi ích thiết thực cũng như doanh thu của các nước trên thế giới khiến chúng ta có thêm động lực để phát triển du lịch đêm. Việc ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm chính là một bước đi cụ thể hóa việc phát triển du lịch bền vững, tăng doanh thu. Tuy nhiên, cần lường trước rằng, việc triển khai đề án này sẽ gặp những khó khăn, không chỉ liên quan đến các quy định của pháp luật, mà ngay cả thói quen kinh doanh, phục vụ du lịch của người Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng: Sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đêm không chỉ mang đến trải nghiệm mới mẻ, đầy kỳ vọng cho du khách mà còn nâng tầm vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa của đất nước. Từ những cung đường mòn đèn lồng lung linh, đến dạo chơi phố phường trong ánh đèn và nhịp sống vui nhộn, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ khi bình minh len lỏi, mà còn khi đêm buông xuống.

Biểu diễn văn nghệ tại ngã tư phố Đinh Liệt và Gia Ngư (Hà Nội) thu hút đông đảo người dân và khách du lịch.
Biểu diễn văn nghệ tại ngã tư phố Đinh Liệt và Gia Ngư (Hà Nội) thu hút đông đảo người dân và khách du lịch.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn phân tích: Để triển khai thành công du lịch đêm, mang lại hiệu quả về kinh tế, cần đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng như chiếu sáng đường phố, tiện ích công cộng, giao thông công cộng để đảm bảo thuận lợi, an toàn cho du khách. Điều này có thể đòi hỏi đầu tư tài chính và công sức đáng kể của các địa phương, cộng đồng và đơn vị du lịch lữ hành.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của du lịch đêm, cần đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân lực du lịch, từ nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên du lịch đến các dịch vụ liên quan khác. Chúng ta cần đưa ra quy định và chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đêm, nhưng phải chú ý an toàn, bảo vệ môi trường và quyền lợi của cộng đồng địa phương.

Sản phẩm du lịch đêm có thể gây ra tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng. Thêm vào đó, phát triển du lịch đêm có thể dẫn đến một lượng lớn du khách đổ về các điểm đến vào buổi tối, gây tắc nghẽn giao thông, quá tải các điểm du lịch, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng trải nghiệm du lịch của du khách, căng thẳng cho cộng đồng địa phương... Đây cũng là những thách thức mà các địa phương cần phương án giải quyết hữu hiệu.

Thành phố lễ hội “không ngủ” Grand World tái hiện một “Venice thu nhỏ” lộng lẫy về đêm.
1.653 thiết bị bay trình diễn ánh sáng đêm khai mạc Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa lần thứ 10.

Hiện nay, nhiều địa phương đã phê duyệt đề phát triển kinh tế ban đêm và đi vào khai thác. Gần đây nhất, Khánh Hòa phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2030, tập trung vào 4 lĩnh vực hoạt động dịch vụ là văn hóa - vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và du lịch. Tỉnh hướng đến tổ chức hoạt động văn hóa vui chơi giải trí về đêm tại khu vực Nha Trang, bãi Dài Cam Ranh, biển Nhũ Tiên, Dốc Lết, các khu tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm riêng biệt... Tuy vậy, đề án nêu rõ: Tùy theo tính chất, khu vực của từng hoạt động, dịch vụ sẽ được xác định khung thời gian hoạt động cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho xã hội. Khánh Hòa cũng không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm đại trà mà tập trung phát triển kinh tế đêm sau 22 giờ (đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành) tại khu vực mang tính biểu tượng, điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

Có thể thấy, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm ở các địa phương trọng điểm du lịch là cần thiết và nhiều địa phương đã triển khai. Tuy vậy, để khai thác, phát triển du lịch đêm mang lại hiệu quả thiết thực vẫn cần có sự chung tay vào cuộc của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả người dân.

Đà Lạt tìm hướng phát triển kinh tế đêm:

THEO: TTXVN