Hà Nội những ngày giãn cách, không còi xe, không khói bụi, không cả những tiếng cãi vã thường nhật. Nhưng mạch sống vẫn tuôn chảy mạnh mẽ nhờ những con người đang làm những công việc cao cả, thầm lặng.

Họ là những chiến sĩ cảnh sát giao thông cắm chốt, mà có người đã 4 tháng rồi chưa được gặp mặt con. Họ là những người lao công cần mẫn đi từng con phố, dọn sạch rác thải, và cả mầm bệnh, mà trong số đó, có người đã đối mặt với trộm cướp. Và phải kể tới những người shipper, mà như ví von của nhiều người thì họ chính là mạch máu, giúp nuôi dưỡng cả xã hội trong những ngày “ai ở đâu ở nguyên nơi đó.”

Phóng viên VietnamPlus đã đi tìm những con người thầm lặng đó, rồi cả những người lao động ngoại tỉnh mắc kẹt lại trong thành phố, để phác họa bức tranh dù chưa đầy đủ, nhưng cũng cần phải có trong những ngày giãn cách lịch sử. Để tô đậm hai chữ “Sẻ chia.”


{ 1 }

Nỗi niềm những “lá chắn sống” ở cửa ngõ Thủ đô

Thời điểm giãn cách xã hội cũng là lúc Hà Nội rơi vào những ngày thời tiết thất thường: Khi thì nắng chang chang, lúc thì lại đổ những cơn mưa lớn, gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, trong đó có cảnh sát giao thông.

Họ chính là những “lá chắn sống” giúp hạn chế và ngăn chặn nguồn lây bệnh cho người dân.

Thế nhưng, những vất vả về thời tiết hay những thách thức trong nghiệp vụ… không thể so sánh với những khó khăn đến từ nỗi nhớ gia đình, nhớ vợ con của các chiến sĩ áo vàng. 

Xuyên đêm những ngày này, những chiến sỹ áo vàng vẫn túc trực tại các điểm chốt cửa ngõ ra vào Thủ đô để bảo đảm an ninh cho thành phố.

Từ ngày 14/7 đến nay, 23 chốt kiểm soát phương tiện tại các cửa ngõ lớn ra, vào Thủ đô do Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng lực lượng chức năng triển khai nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi chốt kiểm soát có 11 cán bộ tham gia ứng trực, trong đó có hai cán bộ Cảnh sát Giao thông và một Cảnh sát Cơ động; ngoài ra là thanh tra giao thông, cán bộ y tế, cán bộ Quân đội và cán bộ tư pháp của địa phương.

“Khi tôi đi chống dịch con tôi mới 8 tháng, chưa biết nói, chưa biết đi. Đến giờ gọi điện về, cháu biết gọi bố ơi rồi. Mỗi lần như vậy, tôi chỉ muốn khóc…”

[Video] Nỗi niềm những “lá chắn dịch bệnh sống” chốt chặn các cửa ngõ Thủ đô

Đó là chia sẻ của một chiến sỹ cảnh sát giao thông sau hơn 4 tháng rời quê nhà Nghệ An tới làm nhiệm vụ ở một chốt kiểm dịch tại cửa ngõ Thủ đô.


{ 2 }

Đêm cô đơn của những lao công mùa dịch

2h sáng, những âm thanh của xe rác hay ánh sáng của những chiếc đèn rọi cũng lẻ loi trên từng con phố như chính công việc của những người công nhân vệ sinh môi trường.

Họ vẫn thường trêu nhau rằng: “Công việc sẽ bắt đầu từ lúc những chiếc xe rác con rỗng bụng, cho chúng ăn no rồi đưa về gặp xe rác mẹ là xong.”

Nghe thì có vẻ thú vị, nhưng thực chất công việc đó diễn ra trong khoảng 5 tiếng đồng hồ xuyên màn đêm liên tục không ngơi nghỉ. Vào thời điểm giãn cách xã hội như thế này, công việc đó còn vất vả hơn. 

Ngày không mưa mùa hè thì nóng nực, mùa đông thì lạnh thấu xương, ngày mưa thì vừa ướt, vừa bẩn, mà trọng lượng của rác thì nặng lên gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi. 

Có mặt tại một điểm tập kết rác thải, nơi những âm thanh ầm ầm hối hả của xe cộ kết hợp với mùi nồng nặc khó chịu của rác làm cho nỗi vất vả của những công nhân môi trường có thể được cảm nhận bằng tất cả các giác quan. 

[Video] Đêm cô đơn của những lao công mùa dịch

Với mức lương khoảng gần 6 triệu đồng một tháng, chắc chắn, đây không phải là lý do chính để giữ những người công nhân ở lại với công việc này.

Có lẽ, trong số họ, mỗi người sẽ có những lý do riêng. Tuy nhiên, họ đã gặp nhau ở một điểm chung, đó là niềm tin vào những đóng góp thầm lặng của mình cho xã hội và niềm vui khi làm sạch, làm đẹp cho cuộc đời. 


{ 3 }

Những người lao động tự do mắc kẹt lại Thủ đô

Căn phòng cho thuê tại khu dân cư La Dương, Dương Nội, Hà Đông chỉ rộng khoảng gần 50 mét vuông nhưng lại là chỗ ở của 22 người.

Kể từ sau khi Hà Nội áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, công trường buộc phải tạm dừng, giao thông qua các cửa ngõ được kiểm soát chặt chẽ, về quê thì không được, ở lại thì không có việc làm, cuộc sống của cả 22 con người trong suốt 24 giờ một ngày gắn chặt với căn phòng này.

Cách đó không xa, một số công nhân xây dựng khác kém may mắn hơn khi không có nhà kiên cố để ở, phải sinh hoạt tại những căn chòi dựng tạm lụp xụp.

Hiện tại họ đang sống cầm cự bằng tài sản tích lũy ít ỏi của mình.

[Video] Những người lao động tự do mắc kẹt tại Thủ đô

Dường như tất cả đều có chung 1 băn khoăn, đó là nếu dịch cứ diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài, cuộc sống của họ rồi sẽ ra sao? 


{ 4 }

Tâm sự của shipper mùa dịch: Những mảng màu đối lập

“Shipper” – những người làm nghề vận chuyển hàng, trong nhiều năm nay đã trở thành một ngành nghề quen thuộc với người Việt. 

Căn cứ vào tính chất công việc, người ta chia Shipper thành nhiều loại: Shipper truyền thống, Shipper công nghệ, Shipper hàng, Shipper giấy tờ, thậm chí là Shipper đồ ăn… 

Tuy nhiên, trong thời dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương phải thực hiện gắt gao các chỉ thị giãn cách xã hội, Shipper chỉ còn 2 loại, được người trong nghề gọi vui là: Những Shipper được ship và những Shipper không được ship.

Thời điểm này, nhiều địa phương phải thực hiện gắt gao các biện pháp giãn cách xã hội, vì thế, những “người vận chuyển” này đã trở thành sợi dây gắn kết sự giao thương của hàng hoá, duy trì vận động của xã hội và cuộc sống của người dân.

[Video] Tâm sự của các shipper mùa dịch: Những mảng màu đối lập

{ 5 }

Những chiếc loa phường cũ kỹ ‘ hồi sinh’

Giữa “mùa COVID” cam go, những chiếc loa phường cũ kỹ bỗng “hồi sinh” để trở thành một công cụ đắc lực trong công tác phòng chống dịch.

Các cụm loa đã và đang phát huy mạnh mẽ tính địa phương của mình, bởi bên cạnh những yêu cầu chống dịch của chung cho cả nước, loa phường còn báo ngày-giờ lấy mẫu xét nghiệm của các hộ dân, giờ đi tiêm của phường hay thông báo khẩn nếu có F0 di chuyển trong địa bàn…

Tuy nhiên, ít ai để ý tới những giọng đọc phía sau chiếc loa phường.

Không mấy ai biết rằng hàng ngày, những cán bộ đọc loa vẫn liên tục di chuyển giữa phòng thu với các điểm chốt phòng kiểm soát dịch và các điểm tiêm chủng… hay cũng chính họ là người gọi điện hỏi thăm sức khỏe từng cư dân trên địa bàn, miệt mài tiếp thu và xử lý phản ánh của người dân và xử lý hàng ngàn đầu việc không tên khác.

Đó là chị Dương Thị Thu Huyền – phát thanh viên, công chức văn hóa, xã hội của phường Nguyễn Trung Trực và chị An Thanh Thảo – giọng phát thanh, công chức văn hóa thông tin của phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội.

Là một mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống dịch của địa phương nên ngày nào, họ cũng hết mình, năng nổ để đóng góp cho công việc chung.

[Video] Điều ít biết phía sau những tiếng loa phường

Thế nhưng, đằng sau những nhiệt tình và năng lượng tích cực ấy còn có nước mắt, những tâm sự và động lực lớn lao giúp họ vững bước mỗi ngày.

{ 6 }

Chốt kiểm soát dịch vùng cách ly: Trăm thứ việc không tên

“Chốt kiểm soát dịch bệnh” trong những giày giãn cách xã hội đã trở thành những khái niệm, những hình ảnh quen thuộc với người dân Thủ Đô.

Đặc biệt với các chốt tại khu vực phong toả, những nơi xuất hiện bệnh nhân dương tính với COVID-19, lực lượng chức năng ngày đêm phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn, vất vả và đôi khi là cả sự nguy hiểm.

Ngoài lực lượng công an, họ còn là đội ngũ dân phòng, lực lượng y tế và cả các cán bộ hành chính cấp xã, phường… những người trước kia vốn quen với công việc văn phòng 8 tiếng.

Thế nhưng trong gần một tháng qua, ngày làm việc của họ sẽ kéo dài cho tới khi hết việc. Và các đầu công việc thì cũng không hề cụ thể cụ thể.

Đôi khi là trực chốt, khử khuẩn…

Có lúc lại là kiểm tra, rà soát nhân khẩu…

Ngoài ra còn có hàng trăm thứ việc không tên khác.

Những chuyện chưa kể tại các chốt kiểm dịch khu vực cách ly.

“Khó khăn”, “vất vả” có lẽ là những tính từ chưa đủ để người ta hình dung ra công việc mỗi ngày của những người thầm lặng nơi chốt kiểm dịch vùng cách ly./.

Thực hiện: Phan Hải Tùng Lâm, Hoàng Đạt, Hoàng Mạnh Thắng, Minh Anh
Thực hiện: Phan Hải Tùng Lâm, Hoàng Đạt, Hoàng Mạnh Thắng, Minh Anh