Phòng, chống dịch COVID-19: Chuyển trạng thái từ phòng ngự sang chủ động tấn công

Phòng, chống dịch COVID-19: Chuyển trạng thái từ phòng ngự sang chủ động tấn công

Sau 34 ngày Việt Nam không ghi nhận có ca mắc mới trong cộng đồng, ngày 29/4, Hà Nam đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên và ngay sau đó, một loạt ca bệnh mới đã được phát hiện.

Các lực lượng chức năng đang chuyển trạng thái phòng chống dịch “từ phòng ngự sang chủ động tấn công” nhưng vẫn “hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

QUYẾT LIỆT DẬP DỊCH Ở BÊN TRONG, CHẶN NGUY CƠ XÂM NHẬP DỊCH TỪ BÊN NGOÀI

Tính đến 6h ngày 7/5, Việt Nam có tổng cộng 1.691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 121 ca.

Liên quan đến ổ dịch Hà Nam ghi nhận 20 ca, ổ dịch Vĩnh Phúc ghi nhận 26 ca, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh ghi nhận 38 ca, Bắc Ninh ghi nhận 12 ca, Hà Nội 9 ca, số ca bệnh còn lại ghi nhận tại nhiều, tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, Đồng Nai, Yên Bái, Lạng Sơn và Quảng Ngãi.

Hơn lúc nào hết, lúc này, cần tuân thủ triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: thần tốc truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly ngay, điều trị tích cực và dập dịch triệt để, sớm ổn định tình hình và tâm lý cho nhân dân; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng.

Liên quan đến ổ dịch tại quán bar Sunny, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các xã, phường khẩn trương truy vết các trường hợp liên quan. Theo đó có 439 trường hợp F1 đã thực hiện cách ly tập trung, gần 1.000 trường hợp F2 và F3 thực hiện cách ly tại nhà. Khu Đô thị Đồng Sơn được cách ly y tế và tất cả người dân sinh sống tại đây được lấy mẫu để xét nghiệm để sàng lọc virus SARS-CoV-2. 

Thực tế, các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trong thời gian vừa qua cho thấy, dù đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống nhưng vẫn có lỗ hổng trong khâu quản lý sau cách ly y tế tập trung và ý thức của một số cá nhân còn rất kém dẫn đến lây nhiễm hàng loạt trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc để lọt những người nhập cảnh trái phép cũng là nguy cơ lớn có thể dẫn đến bùng phát dịch. Ở thời điểm này, chúng ta vừa phải khẩn trương, quyết liệt dập dịch ở bên trong, vừa phải chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài.

Liên quan đến vấn đề cách ly, Bộ Y tế quyết định sẽ kéo dài thời gian cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Trước mắt thời gian cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam sẽ kéo dài 21 ngày thay vì 14 ngày so với trước đây.

Trong khi đó, để đối phó với nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường ngăn chặn, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép và người tổ chức, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép. Bộ đội Biên phòng duy trì trên 1.600 tổ chốt chặn với hơn 7.500 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với 3.000 người của các lực lượng chức năng khác. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, xử lý gần 14.000 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Lai Châu: Đồn Biên Phòng Huổi Luông tăng cường các biện pháp ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép

Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố, vẫn có những trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào cư trú tại địa phương rồi mới bị phát hiện. Gần đây nhất, đêm 3/5, Công an thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) phối hợp cùng Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện 39 người Trung Quốc, nghi nhập cảnh trái phép sau đó đến cư trú tại thành phố Vĩnh Yên.

Trước đó, ngày 2/5, các lực lượng chức năng quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã phát hiện 46 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, thuê chung cư sống trên địa bàn quận. Cũng trong ngày 2/5, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) phối hợp UBND phường Trung Hòa và các đơn vị liên quan điều tra phát hiện 4 trường hợp nhập cảnh trái phép lưu trú tại phường Trung Hòa.

Thực tế này đòi hỏi các lực lượng chức năng phải quyết liệt hơn nữa nhằm ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép. Cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, việc người dân (nhất là người dân các tỉnh biên giới) tham gia tích cực, phát hiện người nhập cảnh trái phép cũng góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan.

CHUYỂN TRẠNG THÁI PHÒNG DỊCH TỪ PHÒNG NGỰ SANG CHỦ ĐỘNG TẤN CÔNG

Trước diễn biến mới, phức tạp hơn của dịch COVID-19, ngày 2/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về phòng chống COVID-19.

Cuộc họp nhằm tiếp tục đánh giá lại tình hình tổ chức thực hiện việc phòng chống dịch thời gian qua, trong đó nêu rõ nguyên nhân chủ quan và xem xét trách nhiệm cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân đã lơ là, chủ quan, làm chưa nghiêm các quy định về phòng chống dịch; bởi nếu không xử lý nghiêm minh, sẽ tiếp tục dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, cuộc họp thảo luận các giải pháp hiệu quả tiếp theo cần tập trung thực hiện để đẩy lùi, ngăn ngừa dịch bệnh tốt hơn.

Lưu ý các cấp ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm ý kiến của Chủ tịch nước ngày 30/4, trong đó đặc biệt phải kích hoạt mọi phương án phòng chống dịch, để sẵn sàng phát hiện nhanh, thần tốc khoanh vùng và bao vây dập dịch… theo Thủ tướng, tinh thần là phân cấp triệt để cho các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo, phát huy hết năng lực, sở trường cũng như điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phòng chống dịch và khắc phục hậu quả một cách hiệu quả nhất; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường phân cấp, giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng.

Thủ tướng cũng nêu rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt cần biểu dương, khen thưởng kịp thời; còn ở đâu, khâu nào, cá nhân nào chưa làm đúng thì cần xử lý nghiêm theo quy định. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Hà Nam, Yên Bái rà soát lại, căn cứ vào hậu quả xảy ra để tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự.

“Có bệnh thì được chăm lo, điều trị kịp thời, cứu người là chính, bảo đảm nhân văn nhưng cũng cần xem xét, xử lý nghiêm minh trách nhiệm theo quy định,” Thủ tướng nói.

Sau đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 vào ngày 5/5, trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất.”

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo, nhắc nhở của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19. Thủ tướng cho rằng, phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống đựa trên thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng, trong đó, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm (như có nguy cơ, nguy cơ cao, thấp…) trong cộng đồng, đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình cụ thể, từ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Y tế, chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.

CÁC GIẢI PHÁP NGÀY CÀNG HOÀN THIỆN

Qua các đợt dịch, các giải pháp ngày càng được hoàn chỉnh, hoàn thiện, triển khai bài bản hơn trong thực tế. Có chiến lược đúng đắn, giải pháp phù hợp chưa đủ, một “bí quyết” của Việt Nam là triển khai quyết liệt, nhất quán, đồng bộ chiến lược, giải pháp đó khi xảy ra tình huống dịch.

Nhìn lại những chỉ đạo liên tiếp gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, có thể khẳng định, tình hình dịch bệnh hiện nay là tình huống đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự kiến, trong bối cảnh làn sóng COVID-9 đang hoành hành dữ dội ở nhiều nước láng giềng và trong khu vực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẵn sàng ở mức cao nhất để phòng chống dịch theo tinh thần bất luận tình huống nào cũng sẵn sàng các kế hoạch để ứng phó.

Tại tất cả các cuộc họp với các bộ, cơ quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhắc tới yêu cầu nâng cao cảnh giác, quyết liệt triển khai giải pháp phòng chống dịch. Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp kiểm tra công tác chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia đã yêu cầu các bộ, cơ quan sẵn sàng đáp ứng tình huống dịch bùng phát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người mắc bệnh…

Trước đó, trong 1 tháng qua, Ban Bí thư đã có Công điện chỉ đạo; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã luôn tập trung lãnh đạo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác phòng chống dịch COVID-19…

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng đề nghị các bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân khai báo y tế điện tử thông qua mã QRCode, sử dụng một trong các phần mềm: tờ khai y tế; NCOVI; Bluezone…

Nhiều địa phương đã nâng cao tinh thần cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở mức cao nhất, tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu, cho học sinh tạm dừng đến trường… để đảm bảo an toàn.

Cùng với chiến lược vaccine đang được Chính phủ tích cực triển khai với quyết tâm cao nhất, mỗi người trong gần 100 triệu đồng bào cần gác lại những thói quen bình thường trong điều kiện cũ nhưng không còn phù hợp trong bối cảnh mới, mà trước hết là hạn chế tụ tập đông người, thực hiện nghiêm túc 5K…

Kinh nghiệm một năm rưỡi kiên cường phòng chống dịch của Việt Nam cho thấy càng về sau, các đợt dịch càng khó khăn, phức tạp hơn, thời gian khống chế lâu hơn, song chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng Việt Nam vẫn có thể xử lý tốt tình hình và sớm đẩy lùi dịch bệnh./.