TOÀN CẢNH ĐẠI ÁN KINH TẾ
VẠN THỊNH PHÁT

"Bí quyết" làm giàu của đại gia Trương Mỹ Lan

Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Trương Mỹ Lan là chủ của Tập đoàn VTP, bao gồm một tập hợp các Công ty con, Công ty liên kết như: Công ty Cổ phần Tập đoàn VTP, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư VTP, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản, Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square...

Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động nguồn vốn khổng lồ đáp ứng nhu cầu kinh doanh của Tập đoàn và các Công ty kể trên, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn cổ phần của các ngân hàng này để thao túng hoạt động của các ngân hàng này phục vụ cho mục đích cá nhân.

Trong đó, từ tháng 12/2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, Trương Mỹ Lan đã nắm giữ 81,43% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên của 32 cổ đông; 98,74% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa dưới tên của 36 cổ đông và 80,46% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông.

Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 01/01/2012 với tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên Cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 01/01/2018.

Tính đến tháng 10/2022, Ngân hàng SCB có vốn điều lệ trên 15.231 tỷ đồng (tương ứng 1.523.168.810 cổ phần) với tổng số 4.129 cổ đông, được NHNN công nhận; trong đó, Trương Mỹ Lan đã chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp; trong khi bản thân bà Lan chỉ trực tiếp đứng tên sở hữu 4,982% vốn điều lệ.

Tài liệu điều tra xác định, các cá nhân và đại diện các tổ chức này (trừ các pháp nhân nước ngoài đã liên hệ nhưng không đến làm việc) đều khai đứng tên Cổ phần cho Trương Mỹ Lan.

Với việc sở hữu/nắm quyền chi phối số cổ phần Ngân hàng SCB nêu trên, Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân Lan tin tưởng, thân tín, đều là những người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Lan vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB, trả mức lương cao cho họ từ 200-500 triệu/tháng, như: Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các Chi nhánh lớn, Trưởng Ban kiểm soát để sử dụng những người này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.

Thực tế, các lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB đều do Trương Mỹ Lan tuyển chọn và giao nhiệm vụ, hoặc trước đó là nhân viên dưới quyền của Lan.

Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành hoạt động thông qua các đối tượng chủ chốt tại SCB, Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng này như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức, huy động vốn từ các nguồn khác quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trong hoạt động cho vay, Ngân hàng SCB lại chủ yếu phục vụ cho mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.

Trương Mỹ Lan - Từng được coi là nữ doanh nhân thành đạt nức tiếng

MA TRẬN VẠN THỊNH PHÁT TẠI NGÂN HÀNG SCB

Vạn Thịnh Phát hoạt động theo mô hình công ty cổ phần tập đoàn, xây dựng hệ sinh thái với hơn 1.000 công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều lớp.

Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam, gồm: Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú; trong đó SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam: Phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn...; có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên.

Bao gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng)...

Nhóm các công ty được gọi là "công ty ma" tại Việt Nam: Được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công...

Mạng lưới công ty tại nước ngoài. Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế" phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "nhà đầu tư nước ngoài" đầu tư vào Việt Nam, có nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.

Vạn Thịnh Phát có hai công trình lớn là Khách sạn Thương mại An Đông - Windsor Plaza Hotel, cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence. 

Tại TP.HCM, bà Trương Mỹ Lan được mệnh danh là "bà trùm" của những dự án bất động sản "khủng" nằm tại nhiều vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn như Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton, Union Square...

Bên cạnh đó, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza; nhà hàng cà phê Central Nguyễn Huệ, nhà hàng Hữu Nghị và nhà hàng Đức Bảo, đều nằm ở trung tâm Quận 1, TP.HCM.

Trong một thời gian dài, Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những công ty gia đình lớn và bí ẩn nhất Việt Nam. Tin tức về lãnh đạo doanh nghiệp này rất ít và gần như không tiếp xúc với truyền thông.

Thông tin về Vạn Thịnh Phát được biết đến nhiều hơn sau đám cưới giữa Trương Huệ Vân - doanh nhân thế hệ thứ tư của Trương gia tộc - với ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi hồi cuối năm 2013.

Trong năm 2022, Vạn Thịnh Phát được nhắc tên nhiều trên báo chí với vai trò có liên quan đến 2 công ty trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm.
Alice

Cụ thể là CTCP Sheen Mega trúng đấu giá lô 3-8 với mức giá 4.000 tỷ đồng và CTCP Dream Republic mua lô 3-5 với giá 3.820 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai công ty này cũng "nối gót" Tân Hoàng Minh bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất Thủ Thiêm.

Các pháp nhân liên quan đến vụ án

CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có vốn điều lệ: 13.000 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc (cháu bị can Trương Mỹ Lan).

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm 4 cổ đông: Bà Trương Mỹ Lan sở hữu 60%; bà Elizabeth Chu Yuet Han (Chu Duyệt Hằng) - con Trương Mỹ Lan chiếm 10%; bà Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn) - con gái Trương Mỹ Lan chiếm 10%; CTCP Emerald, đại diện là bà Trương Huệ Vân nắm 20%.

HĐQT gồm 6 thành viên: Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT; Ngô Thanh Nhã - Phó Chủ tịch HĐQT; 4 thành viên HĐQT là bà Chu Duyệt Hằng, bà Chu Duyệt Phấn, ông Trương Lập Hưng (cháu bà Trương Mỹ Lan) và bà Trương Huệ Vân.

Ban điều hành qua các thời kỳ gồm: Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc; 6 Phó Tồng Giám đốc: Ông Trương Lập Hưng, ông Trần Danh Hùng, bà Tống Thị Thanh Hoàng, ông Trương Mễ, bà Lâm Thị Hòa, bà Tô Thị Anh Đào. Kế toán trưởng là bà Phạm Thanh Thảo.

Các dự án đầu tư do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư: Dự Án Khu dân cư Bonville thuộc Lô số 6 - Khu chức năng 9A+B Đô thị mới Nam thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM với diện tích là 56.293,4 m2 và nhiều dự án, hợp đồng khác.

CTCP Tập đoàn Đầu Tư Vạn Thịnh Phát

CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát có trụ sở tại số 193 - 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP HCM; được thành lập năm 2007. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; dịch vụ lưu trú ngắn ngày; bán buôn thực phẩm; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động. Vốn điều lệ là 12.800 tỷ đồng.

Người đại diện theo pháp luật: Ngô Thanh Nhã, Tổng Giám đốc (em dâu bà Trương Mỹ Lan).

Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát gồm 4 cổ đông: Tập đoàn VTP sở hữu 49%, bà Chu Duyệt Hằng sở hữu 15,5%, bà Chu Duyệt Phấn nắm 15,5% và CTCP Emerald, đại diện là bà Trương Huệ Vân chiếm 20%.

HĐQT gồm 3 thành viên: ông Trương Chí Trung (em bà Trương Mỹ Lan) - Chủ tịch HĐQT; ông Trương Lập Hưng và bà Trương Huệ Vân là thành viên HĐQT.

Ban điều hành qua các thời kỳ gồm: Ngô Thanh Nhã, Tổng Giám đốc; 4 Phó Tổng Giám đốc: bà Trương Huệ Vân, bà Tô Thị Anh Đào, bà Tống Thị Thanh Hoàng, ông Trần Danh Hùng. Kế toán trưởng là Lương Thị Hồng Nhung.

Các dự án đầu tư do Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư là Dự án Khu dân cư Sterling Residence thuộc Khu II - Khu 6A thuộc Khu chức năng số 6A - Đô thị mới Nam Thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với quy mô 264.633 m2 và nhiều dự án, hợp đồng khác.

CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula

CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula cũng có trụ sở tại số 193 - 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP HCM; được thành lập năm 2003.

Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông gồm: 10 cổ đông cá nhân và 21 cổ đông pháp nhân.

Người đại diện pháp luật: Nguyễn Ngọc Dương, Tổng giám đốc (đã chết). HĐQT gồm: Trương Vincent Kinh, Chủ tịch và 2 thành viên Kwok Hakman Oliver và bà Nguyễn Phương Anh.

Dự án sở hữu gồm Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở Đô Thị tại phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM với quy mô dự án là gần 117,8 ha. Dự án đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư, chưa được phê duyệt dự án, chưa được giao đất.

CTCP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú

CTCP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú có trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Công ty được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 2.868 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn quản lý và Tạ Chiêu Trung - Tổng Giám đốc làm đại diện pháp luật.

Cổ đông gồm bà Trương Huệ Vân sở hữu 50,5% vốn điều lệ; Công ty Prosperity Asia Capital Limited - quốc tịch British Virgin Islands nắm 19,5%; Công ty Lionyear International Limited - quốc tịch British Virgin Islands sở hữu 15%; Công ty Magic Luck Group Limited - quốc tịch British Virgin Islands nắm 15% vốn.

Ngoài ra còn có một số công ty có hoạt động kinh doanh, tạo doanh thu cho nhóm Vạn Thịnh Phát gồm: CTCP Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông, CTCP Đầu tư Times Square Việt Nam, CTCP Xuất nhập khẩu Hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc, Công ty TNHH Vinametric, CTCP Bông Sen, Công ty TNHH Quản Lý Sài Gòn Artisans, Công ty TNHH Sài Gòn Atelier, Công ty TNHH Coco & May, CTCP Dấu Ắn V, CTCP Dấu Ấn Việt Nam, CTCP Eurasia Concept, CTCP Tư vấn Đầu tư Quốc tế Promana, Công ty TNHH The Recipe, CTCP The Signature, Công ty LaviFood...

KÊ BIÊN TÀI SẢN TRƯƠNG MỸ LAN

BẤT ĐỘNG SẢN

  • 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng;
  • 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
  • 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng...

Bất động sản liên quan

  • 1.237 bất động sản tại các công ty liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan
  • 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng
  • 61 bất động sản và giao dịch 8 bất động sản của các bị can hoặc cá nhân đứng tên hộ các bị can

TIỀN MẶT

953 tỷ đồng tiền mặt (589 ty và 15 triệu USD)

43 tài khoản ngân hàng ( gần 1.900 tỉ và 8,5 triệu USD)

789 tỷ trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của Công ty CP Sài Gòn Kim Cương

Du thuyền, siêu xe

Gồm 22 tài sản

(Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên)

  • 1 Du thuyền
  • 2 tàu
  • 19 siêu xe

HÀNG LOẠT BÊ BỐI

Ngoài tiếng tăm trong kinh doanh, nữ doanh nhân này không ít lần bị nhắc tên trong các vụ bê bối.

Năm 2014: Lời khai lót tay triệu đô

Bà Trương Mỹ Lan được ông Dương Chí Dũng nêu tên tại phiên tòa xét xử ông Dương Tự Trọng. Tại phiên tòa Dương Chí Dũng đưa ra thông tin đã nhận 1 triệu đô la từ tay bà Trương Mỹ Lan, nhằm hối lộ để lót tay cho việc chuyển đổi công năng mục đích sử dụng khu đất Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội (quận 4, TP.HCM) sau khi Cảng Sài Gòn di dời.

Năm 2016: Hồ sơ Panama

"Hồ sơ Panama" là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài từ năm 1977 tới cuối tháng 12/2015.
Theo dữ liệu được công bố, cả 2 thể nhân là Chu Nap Ekee Eric và Truong My Lan đều là người thụ hưởng của EurAsia ID Concept Group Limited - công ty có địa chỉ đăng ký tại thiên đường thuế British Virgin Islands và có liên quan tới Multi-Check Limited.

Năm 2017: Xin thôi quốc tịch Việt Nam

Cái tên Trương Mỹ Lan tiếp tục gây xôn xao với thông tin bà cùng 9 thành viên khác trong gia đình nộp hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, bà cùng người thân đều rút hồ sơ và được trả lại. Trong năm này, bà cũng từng là bị đơn trong một vụ kiện đòi nợ của một Việt kiều Hong Kong.

Năm 20122: Vạn Thịnh Phát bị Thanh tra Chính phủ nêu tên có sai phạm trong các dự án chuyển đổi nhà, đất tại TP.HCM.

Hồi tháng 10/2022, nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong hai năm 2018-2019

Trong khoảng thời gian này, một số công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát như CTCP Thiết kế và trang trí nội thất Norah và CTCP Tập đoàn đầu tư An Đông (chủ đầu tư của Khách sạn Thương mại An Đông) đã huy động trái phiếu trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng (tương đương cả tỷ USD) một cách âm thầm lặng lẽ. Nhiều trái phiếu được tư vấn phát hành bởi CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), được bảo lãnh thanh toán bởi Ngân hàng SCB. Một số không có bảo lãnh, không có tài sản đảm bảo.

Nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có người Hoa đứng đầu/từng đứng đầu như Norah, Đầu tư Sài Gòn Pearl...

Vạn Thịnh Phát cũng được cho là liên quan tới nhóm cổ đông bí ẩn gốc Hoa có hoạt động thâu tóm đất vàng tại TP.HCM, như trường hợp 6.000m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM) sau khi bị lộ ra từ một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Sabeco.

Khi chiếc phong bì không còn chứa đủ tiền hối lộ

Vào năm 2014, trong vụ đại án Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng khai nhận 20 tỉ đồng (1 triệu USD) để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.Sài Gòn) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.

Tại tòa, Dương Chí Dũng đã khai nhận như sau: "Chị Lan nhờ chuyển cho một người khác. Khi chị Lan điện thoại cho tôi, chị Lan bảo là: Sẽ có người ở Hà Nội chuyển cho anh, khi gặp người đó thì anh đừng trao đổi số tiền này để đưa cho ai, hoặc làm gì. Chị còn dặn tôi như thế. Và anh Tiệp là người đưa cho tôi. Tức là có 2 người biết việc, chứ không phải mình tôi".

Đến những chiếc thùng xốp nhét đầy 5 triệu đô
Để hối lộ cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Ngân hàng SCB đựng cả triệu USD vào trong thùng xốp, mang đi biếu.

Tại cơ quan điều tra, bà Đỗ Thị Nhàn thừa nhận trong thời gian thanh tra, với tư cách là trưởng đoàn, đã nhiều lần nhận tiền từ SCB thông qua ông Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT), ông Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc) và ông Nguyễn Nam Tuấn (lái xe của ông Văn). Tổng số tiền đã nhận lên tới 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỉ đồng.

Trong đó, khoảng tháng 3.2018, ông Thành và ông Văn ra Hà Nội, lên phòng làm việc của Nhàn ở trụ sở cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, đưa cho bà Nhàn là một túi quả cherry và một túi đựng 200.000 USD. Bà Nhàn nhận, mang tiền về cất ở nhà.

Từ tháng 10 - tháng 12.2018, là giai đoạn dự thảo kết luận thanh tra, xin ý kiến các bộ, ngành và sau đó ban hành kết luận thanh tra tại SCB, ông Văn và lái xe Tuấn 3 lần mang các thùng xốp đựng tiền USD để đưa cho bà Nhàn.

Trong đó, 1 lần thùng xốp đựng 1 triệu USD và 2 lần thùng xốp đựng 2 triệu USD. Tổng cộng 3 lần là 5 triệu USD.

Sau mỗi lần đưa tiền tại nhà riêng, bà Nhàn hỏi thì được cho biết tiền này là của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cảm ơn bà Nhàn, vì đã giúp và hỗ trợ cho SCB trong quá trình thanh tra.

Nhận tiền, bà Nhàn cho vào thùng khác, cất giấu trong phòng ngủ. Sau khi vụ án bị khởi tố, khoảng tháng 12.2022, bà Nhàn chia số tiền thành 2 phần, mang 2,6 triệu USD gửi nhờ tại nhà họ hàng ở TP.Nam Định (tỉnh Nam Định).

Số tiền còn lại, bà Nhàn cho vào thùng sắt, khóa lại, mang sang nhà em trai cùng cha khác mẹ cất vào trong tủ của phòng ngủ. Bà Nhàn khóa tủ và cầm chìa khóa.

Ngoài việc đưa tiền hối lộ cho Đỗ Thị Nhàn, bị can Văn còn trực tiếp đưa tổng số 390.000 USD cho ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước vào các dịp lễ tết (từ tháng 4.2016 đến tháng 9.2018).

Bị can Văn còn trực tiếp và chỉ đạo nhân viên tại SCB đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên Đoàn Thanh tra. Trong đó đưa cho bà Nguyễn Thị Phụng - Phó Trưởng đoàn từ 100-200 triệu đồng hoặc từ 5.000 USD - 10.000 USD/lần)...

86 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ Vạn Thịnh Phát

4 bị can bị đề nghị truy tố tội "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng"

1

Đinh Văn Thành

Cựu Chủ tịch HĐQT SCB

2

Bùi Anh Dũng

Cựu Chủ tịch HĐQT SCB

3

Tạ Chiêu Trung

Tổng Giám đốc Công ty CP tài chính Việt Vĩnh Phú, cựu Thành viên HĐQT SCB

4

Võ Tấn Hoàng Văn

Cựu Tổng giám đốc SCB

7 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Tham ô tài sản"

1. Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng Giám đốc SCB

2. Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng giám đốc SCB

3. Hồ Bửu Phương - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt, cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

4. Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula

5. Đặng Phương Hoài Tâm, Phó trưởng Văn phòng HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

6. Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor

7. Trương Tấn Phước, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt

53 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng"

1. Nguyễn Thị Thu Sương, cựu Chủ tịch HĐQT SCB

2. Uông Văn Ngọc Ẩn - cựu Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT SCB

3. Chiêm Minh Dũng, cựu Phó Tổng giám đốc SCB

4. Nguyễn Văn Thanh Hải, cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB

5. Nguyễn Thị Phương Loan, Thành viên HĐQT SCB

6. Võ Thành Hùng, cựu Thành viên HĐQT SCB

7. Trầm Thích Tồn, Thành viên HĐQT SCB

8. Trần Thuận Hòa, Thành viên HĐQT SCB

9. Lê Khánh Hiền, cựu Tổng Giám đốc SCB

10. Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng giám đốc SCB

11. Bùi Nhân, cựu Phó Tổng giám đốc SCB

12. Diệp Bảo Châu, Phó Tổng giám đốc SCB

13. Phạm Văn Phi, cựu Phó Tổng giám đốc SCB

14. Nguyễn Anh Phước, Phó Tổng giám đốc SCB

15. Nguyễn Cửu Tính, cựu Phó Tổng giám đốc SCB

16. Đỗ Phú Huy, Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh và đầu tư SCB

17. Võ Văn Tường, cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB

18. Khổng Minh Thế, cựu Phó Giám đốc Khối phê duyệt tín dụng SCB

19. Trần Hoàng Giang, Phó giám đốc Khối Phê duyệt tín dụng SCB

20. Từ Văn Tuấn, Phó Giám đốc Khối Doanh nghiệp SCB

21. Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB

22. Nguyễn Huỳnh Lan Chi, cựu Trưởng phòng Tái thẩm định SCB

23. Mai Hồng Chín, cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB

24. Mai Văn Sáu Nhở, cựu Trưởng phòng Tái thẩm định SCB

25. Lương Thị Hồng Quế, Giám đốc Phòng Phê duyệt tín dụng khách hàng doanh nghiệp SCB

26. Lê Anh Phương, cựu Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn SCB

27. Phan Tấn Khôi, Giám đốc Chi nhánh Đông Sài Gòn SCB

28. Lưu Chấn Nguyên, Giám đốc Phòng Giao dịch Bảy Hiền SCB

29. Hồ Bảo Ngọc, Giám đốc Vùng 2 SCB

30. Nguyễn Anh Thép, cựu Phó Giám đốc SCB Chi nhánh Cống Quỳnh, cựu Giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn

31. Võ Triệu Lân, Giám đốc Chi nhánh Chợ Lớn SCB

32. Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc SCB Chi nhánh Cống Quỳnh

33. Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB

34. Phạm Thế Quảng, cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB

35. Huỳnh Thiên Văn, Giám đốc Kinh doanh khách hàng doanh nghiệp SCB

36. Bùi Đức Khoa, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Natural Land

37. Nguyễn Thị Khánh Vân, cựu nhân viên Công ty CP Natural Land

38. Trần Thị Kim Chi, cựu nhân viên Công ty CP Natural Land

39. Nguyễn Phi Long, nhân viên tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

40. Đặng Quang Nguyên, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lavifood

41. Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric, Hồng Kông), Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư quảng trường thời đại Times Square

42. Cao Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt

43. Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đông Phương

44. Đào Chí Kiên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dầu khí Đông Phương

45. Lê Văn Chánh, Giám đốc Khối Hỗ trợ kinh doanh SCB

46. Bùi Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB

47. Lê Huy Khánh, Giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá Tầm Nhìn Mới

48. Hồ Bình Minh, Phó giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá MHD

49. Trần Thị Kim Ngân, Tổng Giám đốc Công ty CP thẩm định giá Thiên Phú

50. Trần Tuấn Hải, nhân viên thẩm định giá Công ty CP thẩm định giá Thiên Phú

51. Trần Văn Nhị, Phó Giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC

52. Đỗ Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn dịch vụ bất động sản DATC

53. Lê Kiều Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP thẩm định giá EXIM

16 bị can bị đề nghị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:

1. Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước)

2. Nguyễn Thị Phụng, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II

3. Bùi Tuấn Khoa, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II

4. Vương Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Thanh tra thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II

5. Trần Văn Tuấn, thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (thuộc Thanh tra Chính phủ)

6. Lê Thanh Hà, Phó chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước, cựu Trưởng phòng Kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII

7. Nguyễn Văn Thùy, cựu Phó Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

8. Nguyễn Tuấn Anh, cựu công chức Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong nước (thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước)

9. Vũ Khánh Linh, Phó trưởng phòng Thanh tra ngân hàng thương mại cổ phần (thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước)

10. Trương Việt Hưng, thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (thuộc Thanh tra Chính phủ)

11. Nguyễn Duy Phương, thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp

12. Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM

13. Nguyễn Thị Phi Loan, cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM

14. Phan Tấn Trung, Phó chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM

15. Võ Văn Thuần, Phó chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM

16. Nguyễn Tín, cựu Phó trưởng phòng Thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước

3 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"

1. Phạm Thu Phong, cựu Trưởng Ban Kiểm soát SCB

2. Lưu Quốc Thắng, Trưởng ban Kiểm soát SCB

3. Nguyễn Văn Du, cựu quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước

Ngoài những bị can bị xử lý hình sự nêu trên, Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết trong vụ án còn một số cá nhân có hành vi vi phạm, liên quan ở các mức độ khác nhau; có cá nhân có hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự, chưa đến mức truy cứu hình sự hay miễn trách nhiệm hình sự.