Bản tin Hoà Nhập ngày 11/9/2021: Thí điểm Phú Quốc mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế
Sản phụ đến khám, đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: TTXVN
Khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm phòng Covid - 19
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ trên Báo Tin Tức cho biết: Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phụ nữ có thai cũng có nguy cơ mắc COVID-19 như những nhóm người khác. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai lại là đối tượng dễ bị diễn biến nặng khi mắc COVID-19 bởi trong quá trình mang thai, phụ nữ cũng có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định - đây chính là yếu tố nguy cơ. Khi có thai do phải nuôi một đứa trẻ trong bụng nên tử cung của thai phụ sẽ to hơn, đẩy cơ hoành lên cao, đẩy dung tích phổi giảm xuống cản trở hô hấp. Vì thế nhu cầu oxy của phụ nữ mang thai cao hơn người bình thường.
Bản thân phụ nữ trong quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Vì thế, khi mắc COVID-19 nguy cơ thể nặng tăng nhanh. Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai có bệnh nền hoặc các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, bệnh mạn tính ở phổi… hoặc trên 35 tuổi mới mang thai… sẽ khiến dễ gây ra biến chứng trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai mắc COVID-19 khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, ecmo… với tỷ lệ cao, thậm chí có thể gây tử vong mẹ, nguy cơ cho thai nhi.
Theo các chuyên gia Y tế nhận định; việc chăm sóc thai kỳ, đề phòng nguy cơ cho phụ nữ mang thai trước đại dịch COVID-19 bằng vaccine là cần thiết. Phụ nữ mang thai từ 13 tuần nên tiêm vaccine phòng COVID-19, khám sàng lọc kỹ càng; không cần lựa chọn loại vaccine, chỉ cần loại trừ loại vaccine nhà sản xuất đã chống chỉ định.
Thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc
Sẽ thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc
Ngày 10/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phúc Quốc.
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan về việc triển khai Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, Kiên Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Bộ Chính trị đã có chủ trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang. Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan, đơn vị liên quan, có văn bản lấy ý kiến các tổ chức, đoàn thể xã hội đại diện cho nhân dân Phú Quốc, các hiệp hội, các doanh nghiệp liên quan để xây dựng, ban hành Kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện vào thời điểm phù hợp; bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch COVID-19, an ninh, an dân, trật tự an toàn xã hội và hạn chế tối đa các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19; ưu tiên phân bổ vắc xin để kịp thời tổ chức tiêm cho nhân dân đang sống và lao động tại thành phố Phú Quốc, phù hợp với Kế hoạch và thời điểm thực hiện.
Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, chủ động phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang thực hiện Kế hoạch.
Trước đó, Tổng cục Du lịch cho biết, kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi tới các bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến. Theo đó, Phú Quốc sẽ được thí điểm đón khách quốc tế trong thời gian 6 tháng, dự kiến từ tháng 10/2021, nếu cần, sẽ điều chỉnh thời gian thực hiện hợp lý, tùy vào tình hình thực tế.
Đối tượng được thực hiện thí điểm là khách du lịch quốc tế có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh. Có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận.
Thiết bị giúp người khuyết tật sáng tạo nghệ thuật
Thiết bị công nghệ giúp người khuyết tật sáng tạo nghệ thuật
Mới đây, một nhóm kỹ sư tại Anh đã giới thiệu thiết bị giúp những người bị liệt có thể vẽ tranh, sáng tạo nghệ thuật.
Thiết bị này là một cánh tay điện tử, có thể được kẹp vào xe lăn hoặc gắn vào cánh tay, từ đó giúp người dùng vẽ trên sàn hoặc trên bàn.
Thiết bị này có thể giữ bất kỳ dụng cụ nghệ thuật nào có đường kính từ 4 - 40 mm. Thiết bị hỗ trợ điều khiển từ xa bằng Bluetooth, cho phép người dùng dù bị liệt toàn thân vẫn có khả năng sáng tạo nghệ thuật.
Các kỹ sư mong muốn thiết bị này sẽ giúp thay đổi các định kiến về người khuyết tật và nhất là các nghệ sỹ khuyết tật.
Sẽ ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến
Hiện trường vụ một học sinh ở Hà Nội tử vong do dùng kéo chọc vào ổ điện (Ảnh: Người dân cung cấp)
Chia sẻ với Báo Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), cho rằng vụ tai nạn thương tâm ngày 10/9, một bé trai 9 tuổi ở TP Hà Nội đã tử vong do dùng kéo chọc vào ổ điện là cảnh báo đau xót với nguy cơ tai nạn trẻ phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh dạy và học trực tuyến hiện nay.
"Nếu không có giải pháp để phòng ngừa, có thể tái diễn các vụ việc tương tự trong tương lai", ông Nam lo ngại.
Việc trẻ em phải đối mặt nhiều nguy cơ tai nạn không mong muốn khi học online do phải sử dụng các thiết bị điện, điện tử như máy tính, điện thoại thông minh. Ngoài nguy cơ về điện giật, trẻ phải đối mặt những nguy cơ khác như cháy nổ thiết bị, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần do căng thẳng, hạn chế giao lưu với bạn bè... Đặc biệt, các em chưa được trang bị kỹ năng phòng tránh cũng như xử lý tình huống khẩn cấp.
Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ: "Các bậc phụ huynh phải tìm hiểu kiến thức về thiết bị điện, các giải pháp phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ. Chẳng hạn, chỉ cần lắp thêm 1 thiết bị tự ngắt dòng điện khi có sự cố gây chập cháy và cùng học, cùng đồng hành với các em trong các tiết học trực tuyến. Bên cạnh đó, các thầy cô cần trang bị thêm kiến thức về điện, điện tử để hướng dẫn, cảnh báo các em trước mỗi giờ học".
Ông Nam dẫn chứng có nghiên cứu chỉ rõ, có tới 50-60% tai nạn thương tích với trẻ xảy ra trong nhà như điện giật, cháy, bỏng, bị vật sắc nhọn đâm, ngã từ tầng cao, ngộ độc hóa chất...
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) khuyến cáo phụ huynh, giáo viên giảng dạy nên dành thời gian kiểm tra các thiết bị quanh trẻ trong giờ học trực tuyến và hướng dẫn trẻ tự bảo vệ bản thân. Sắp tới, Bộ Lao động, thương binh và xã hội sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến.
Covid-19: nhiều biến thể mới
Theo Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết biến thể Mu có thể là biến thể đáng lo ngại mặc dù đến nay chưa có dữ liệu nào cho thấy biến thể này có thể vượt biến thể Delta, vốn là nguyên nhân chủ yếu gây ra làn sóng COVID-19 hiện nay trên thế giới.
Phát biểu tại một cuộc họp báo vừa qua, người phụ trách chiến lược vaccine của EMA Marco Cavaleri cho biết EMA đang tập trung chủ yếu vào biến thể Delta, song cũng lưu ý tìm hiểu các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 như biến thể Lambda được phát hiện ở Peru và gần đây là biến thể Mu. Ông nhận định: “Biến thể Mu có thể đáng lo ngại hơn bởi có khả năng cao tránh được miễn dịch”. Ông cho biết thêm EMA sẽ thảo luận với các hãng bào chế vaccine ngừa COVID-19 về tính hiệu quả của các loại vaccine hiện nay trong phòng chống biến thể Mu.
Đầu tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại biến thể Mu là “biến thể đáng quan tâm”. Theo WHO, biến thể Mu chứa các đột biến có khả năng kháng vaccine, do đó cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn. Mu lần đầu tiên được phát hiện ở Colombia vào tháng 1 và được biết tới là biến thể B.1.621. Tất cả các virus, gồm cả virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đều biến đổi theo thời gian và hầu hết các đột biến không ảnh hưởng hoặc chỉ ảnh hưởng rất ít đến các đặc tính của virus. Tuy nhiên, một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, khả năng kháng vaccine và thuốc điều trị.
Hiện WHO phân loại 4 biến thể của virus SARS-CoV-2 ở mức “đáng lo ngại,” trong đó có biến thể Alpha xuất hiện ở 193 quốc gia, vùng lãnh thổ và biến thể Delta xuất hiện ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa xác nhận 18 ca nhiễm biến thể Eta của virus SARS-CoV-2. Đây là những ca đầu tiên nhiễm biến thể Eta được ghi nhận ở nước này.
Ngoài các trường hợp nhiễm biến thể Eta, theo MHLW, cho đến ngày 3/9, Nhật Bản đã có 19 ca nhiễm biến thể Kappa, trong đó có một trường hợp ở tỉnh Mie ngoài khu vực cách ly vào tháng 6. Hai biến thể này đã được WHO đưa vào danh sách “biến thể cần quan tâm”. Tháng trước, Nhật Bản cũng phát hiện các ca đầu tiên nhiễm biến thể Lambda.
Trong khi đó, biến thể C.1.2, phát hiện đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 5 vừa qua hiện đã lây lan sang 10 quốc gia, trong đó có 5 nước châu Phi. Các chuyên gia xác nhận đây là biến thể có nhiều đột biến hơn mọi biến thể đã được phát hiện từ trước đến nay trên toàn thế giới. Cụ thể, C.1.2 có 41,8 đột biến mỗi năm và tốc độ lây nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2.
Hiện chỉ 3% dân số châu Phi được tiêm vaccine. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trên diện rộng với sự xuất hiện của các biến thể mới.
Theo trang thống kê worldometers.info, số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi hiện đã vượt 8 triệu ca, trong đó có 201.535 ca tử vong. Khu vực Nam Phi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.