Cám cảnh phận đời người dân ở xóm chạy thận, nhịn cơm dành tiền mua thuốc
Ông Hoàng Văn Tuấn (SN 1974, quê Nam Định) là cư dân của xóm chạy thận ở Lê Thanh Nghị đã nhiều năm. 48 tuổi, 20 năm nay cứ 3 ngày ông phải đến Khoa chạy thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu một lần, chu kỳ cứ lặp đi lặp lại liên tục như vậy.
Chi phí điều trị cho căn bệnh nhà giàu này rất tốn kém, nhất là những người tỉnh lẻ đến thuê nhà ở Thủ đô. Hôm nay đơn thuốc của ông Tuấn hết 460 nghìn đồng, bằng 15 đơn hàng đi ship cho những vị khách quen.
Ngày trước, ông Tuấn làm nghề chạy xe ôm trước cổng Bệnh viện Tai-Mũi-Họng, mỗi ngày thu nhập của ông được 300-400 nghìn đồng. Từ năm ngoái đến nay, khi số ca nhiễm ở Hà Nội liên tiếp tăng, ông phải tạm dừng công việc của mình, phần vì lo lắng cho sức khỏe khi bản thân có nhiều bệnh nền, phần vì lượng khách cũng sụt giảm hơn hẳn. Hiện tại vài vị khách quen nhờ ship hàng trong nội thành ông cũng tranh thủ đi kiếm chút tiền về còn mua thuốc. Tuy nhiên số tiền từ việc ship hàng hằng ngày cũng chỉ đủ để ông uống thuốc 1 tuần. Tết năm nay không có tiền nên ông cũng chẳng dám về quê.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Tuấn là bà Phan Thị Tảo (63 tuổi, quê Hưng Yên). Ngoài chạy thận, bà Tảo còn phải điều trị bệnh thoái hoá xương khớp. Trước đây bà đi bán nước, nhưng kể từ khi số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội gia tăng, bà chẳng còn đi bán nữa.
Hay vợ chồng ông Hùng, bà Sáu. Tính đến nay, bà Sáu đã đi theo chăm ông 12 năm, ông Hùng đã bị teo hết hai quả thận, cộng thêm di chứng sau mổ tim nên hầu như không thể tự chăm sóc bản thân được. Trước bà đi nhặt ve chai ở quanh xóm, có hôm nhặt cả trong Bệnh viện Bạch Mai. Bây giờ dịch bệnh căng thẳng bà cũng đành nghỉ ở nhà, nhỡ đi về mang bệnh lây cho ông thì khổ, xong lại chẳng ai chăm ai.
Mỗi tháng con cái biếu ông bà 3 triệu, ông Hùng được trợ cấp thương binh 1,5 triệu đồng. Thuê nhà, điện nước hết 1,5 triệu, tiền ăn cả hai ông bà hết 3 triệu, thay quả lọc mỗi tháng cho ông hết 930 nghìn đồng, chạy siêu lọc tháng 2 lần 720 nghìn đồng; truyền thuốc chống phù nề tích nước 800 nghìn đồng mỗi chai (1 tháng 4 chai), thuốc huyết áp, thuốc trợ tim, trợ não... Từng khoản chi tiêu bà Sáu nắm rõ hàng chục năm nay.
Người phụ nữ gần 70 tuổi chọn cách ăn ít hơn, nhường những miếng ngon lại cho chồng, chấp nhận mình tắm lạnh hơn để nhường nước ấm cho chồng tắm. Ròng rã suốt một tháng trời bà vẫn chưa đủ tiền mua cái “kim truyền không đau” cho ông. Đến bữa ăn, đôi vợ chồng già cứ gắp qua gắp lại thức ăn cho nhau và luôn miệng nói “Tôi no rồi”.
Bà Sáu chia sẻ: “Giờ thu nhập chẳng có thì lại càng phải tiết kiệm. Con cái còn cuộc sống riêng của chúng nó. Tôi nhiều khi nhịn, ăn đói hơn để phần cho ông còn đi viện. Giờ cứ thứ 3, 5, 7 là xách túi ra viện thôi”.
Người dân ở xóm chạy thận này mỗi người đến từ một nơi khác nhau, họ sinh ra và lớn lên trong các hoàn cảnh khác nhau nhưng lại phải gánh chung một số phận, phải chạy thận hằng tuần để tiếp tục sự sống.
Đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn bao giờ hết. Nỗi lo bệnh tật, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực.
Hiện tại, bên trong "xóm chạy thận" này đang có 132 bệnh nhân bị suy thận ở nhiều tỉnh thành trên cả nước tá túc để tiện cho việc chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.