Câu chuyện tình đẹp như cổ tích của cặp đôi 'vàng' trong làng thể thao người khuyết tật
Mảnh ghép của “cặp mắt” và “đôi chân”
Chúng tôi không bất ngờ trước căn nhà 3 tầng khang trang của anh chị ở ngõ 38 trên phố Xuân La. Bởi, với sự nỗ lực không mệt mỏi, anh chị có thể làm được điều kỳ diệu và trong tương lai sẽ còn nhiều hơn thế.
Rót chén nước mời khách, chị Vũ Hoài Thanh bắt đầu câu chuyện bằng việc trải lòng về khoảng thời gian bất hạnh. Chị sinh ra và lớn lên là một thiếu nữ hiền lành, duyên dáng, nhưng vụ tai nạn khủng khiếp năm 16 tuổi đã lấy đi của chị một phần chân phải. Ở độ tuổi trăng tròn, cái tuổi đẹp nhất của đời con gái, mất mát khiến chị đối diện với niềm đau, nỗi buồn đến tận cùng.
Vượt qua nhiều thử thách, năm 2006, anh Hán – chị Thanh cùng “về chung một nhà”.
Trong khi đó, anh Tạ Đình Hán lại phải chịu đựng kiếm khuyết từ bé. “Bắt đầu đi học cũng là lúc đôi mắt của anh Hán có biểu hiệu không bình thường. Mắt anh mờ dần và rồi không nhìn thấy khi bước vào tuổi thứ 10”, chị Thanh chia sẻ.
Số phận đã lấy đi của họ thứ quý giá, nhưng không thể ngăn cản họ nỗ lực ghi dấu ấn trong cuộc đời. Không đầu hàng số phận chính là điều giúp họ làm nên điều kỳ diệu.
Vừa tháo chân giả, chị Thanh vừa chia sẻ: “Sau biến cố thảm khốc đó, mọi người khuyên tôi nên làm những công việc “bàn giấy” nhàn hạ. Rồi tôi học chuyên ngành kế toán ở trường cao đẳng Quản trị kinh doanh và ra trường đi làm công nhân”. Thế nhưng, chị Thanh lại là một con người năng động nên không thể ngồi im một chỗ. Chị tìm đến thể thao và tham gia câu lạc bộ sinh viên khuyết tật. Từ đó, chị trở thành vận động viên cầu lông của câu lạc bộ Thể thao Khuyết tật Hà Nội. Tại đó, chị Thanh gặp được anh Hán, một vận động viên điền kinh. Năm 2003, anh chị cùng thi đấu ở giải Paragames và được nhận Bằng khen nhờ đạt được những thành tích xuất sắc”.
Ngay lần đầu tiên gặp nhau, chị Thanh đã cảm nhận được sự ấm áp từ anh Hán và đem lòng cảm mến anh. Cách anh đối xử với mọi người cũng như nghị lực vươn lên của người đàn ông này khiến chị cảm động. Tình yêu của anh chị từ đó bắt đầu chớm nở. “Thời gian đầu, chúng tôi chỉ là bạn thân. Nhưng, theo thời gian, chúng tôi yêu nhau hồi nào không biết. Mọi thứ đến tự nhiên lắm, thậm chí còn chẳng có lời tỏ tình. Hồi yêu, anh rất lãng mạn, thường hay đưa chị đi nghe ca nhạc, rồi tự tay đan những chiếc vòng, chiếc nhẫn bằng cỏ tặng chị”.
Vợ chồng anh Hán – chị Thanh hạnh phúc bên các con.
Tình yêu vượt qua định kiến
Được người yêu đón đi chơi là điều rất bình thường của các cô gái đang yêu, nhưng chị Thanh lại không được như vậy. Chị luôn là người đi xe đến nhà đón anh trong những buổi hẹn hò. Điều ngược nho nhỏ này chẳng khiến tình yêu ấy bớt mặn nồng. Thậm chí, tình yêu lớn giữa 2 con người ấy chính là động lực giúp họ vượt qua những rào cản.
Gia đình chị, dù vô cùng yêu quý anh Hán nhưng vì yêu con gái, muốn con gái có một chỗ dựa vững vàng nên họ phản đối chuyện tình yêu của 2 người. Chị bộc bạch: “Vì thương con gái, nên ông bà phản đối. Ông bà nghĩ, con mình đã khiếm khuyết thì phải tìm một người khỏe mạnh để làm chỗ dựa. Một người cụt chân lấy một người khiếm thị, cuộc sống tương lai sẽ rất khó khăn”.
Đã có những lúc, bố mẹ ngăn cản gay gắt đến mức mắng chửi, nhưng anh chị vẫn quyết tâm bên nhau. Sau gần chục lần tưởng như cuộc tình chấm dứt, chữ tình vẫn đưa họ trở lại bên nhau. Tình yêu của anh Hán như một điều kỳ diệu với chị Thanh Chị tâm sự: “Tôi xác định đi vào con đường chông gai, vất vả. Tôi không yêu anh vì anh là con trai phố cổ, mà chỉ nghĩ chọn một con người có tâm có đức”.
Trước tình cảm sâu đậm của anh chị, bố mẹ hai bên cũng xuôi lòng. Sau gần 4 năm, một đám cưới nhỏ đã được diễn ra trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè.
“Hạn chế nhận, cho nhiều hơn”
Như một giấc mơ, những đứa con lần lượt chào đời, xinh xắn, lành lặn, khỏe mạnh như thiên thần. Niềm hạnh phúc ấy đã tô điểm giúp cuộc sống của anh chị trở nên trọn vẹn. Sau khi về chung một nhà, anh Hán trở thành bờ vai vững chắc để chị Thanh tin tưởng. Chị bộc bạch: “Tuy anh không nhìn thấy nhưng vẫn luôn là trụ cột của gia đình. Có lúc anh dùng khoan chảy máu tay nhưng lại băng vào làm tiếp. Đến giờ phút này anh vẫn chịu khó như thế, cái gì có thể làm thì tự làm không bao giờ ỷ lại”.
Hiện tại, anh chị đang sở hữu 3 cơ sở tẩm quất. Các cơ sở tẩm quất của anh chị không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm cho gần 30 khiếm thị khác. Anh chị luôn tâm niệm, “sẽ là người cho đi chứ không nhận nữa”. Trước đây, anh chị đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ xã hội nên hiện tại họ cũng muốn làm điều đó. Hai con người nghị lực ấy đã nỗ lực để giúp được nhiều nhất những người khó khăn.
Bên cạnh đó, anh chị vẫn duy trì vai trò vận động viên của đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam. mang về nhiều thành tích lớn nhỏ cả trong và ngoài nước. Chị luôn tự hào với con, “mẹ vẫn là tay cầu lông khuyết tật số 1 ở độ tuổi 40 và cũng là số 1 Việt Nam”.
Chị luôn khát khao đóng góp, đem câu chuyện của mình, nghị lực của mình để giúp cho xã hội, những người khi gặp khó khăn để họ không cảm thấy mình quá đau khổ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.