Coteccons trượt dốc, ai thật sự muốn “bóp phanh”?
Theo cuộc khảo sát mới đây của chúng tôi, đa phần các chuyên gia tài chính đều thừa nhận và lo ngại chảy máu chất xám, mâu thuẫn nội bộ, lạm dụng thương hiệu diễn ra tại nhà thầu nhất nhì Coteccons, dù “thân chủ vẫn chối”. Nếu không chấm dứt được diễn biến này, hệ thống quản trị của CTD chỉ còn là mô hình và thực chất nó đã bị phá vỡ từ bên trong. Cổ phiếu CTD sẽ còn mất giá trị trong dài hạn.
Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Conteccons - Nguồn: Internet |
Như hai bài trước chúng tôi đề cập đến mối liên hệ giữa việc CTD bị bào mòn bởi đối thủ chính là “người từng trong cuộc” và việc giá cổ phiếu CTD trượt giảm không phanh “như ma làm”. Ai có thể đưa ra được một lý do nhận định trên là sai trong bối cảnh CTD liên tiếp công bố nhận được những gói thầu lớn của chủ đầu tư uy tín, kết quả kinh doanh vẫn có lãi, thị trường chứng khoán có biến động nhưng không về đáy,... mà giá cổ phiếu mất 1/3?
Những nghi ngại chúng tôi đề cập đến chính là băn khoăn lớn nhất của các cổ đông CTD, tất nhiên kể cả những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này đã thừa nhận điều đó. Tại đại hội cổ đông vừa qua, cổ đông nhỏ đặt vấn đề Ricons tăng trưởng 30%, trong khi kết quả kinh doanh dự kiến của CTD đi xuống. Cổ đông nghi ngại việc ông Nguyễn Bá Dương có hoàn toàn tâm huyết với CTD hay không khi mà chính vị chủ tịch này từng chia sẻ 5-10 năm nữa sẽ nhường lại vị trí cho đội ngũ kế cận.
Còn cổ đông lớn - đại diện Dragon Capital không hài lòng với một công ty có nhiều công ty con. Do đó, họ đề nghị Coteccons nên sáp nhập các công ty con vào thành một thể thống nhất.
Phía ban lãnh đạo CTD đang mâu thuẫn trong chính lời nói và hành động. Tại đại hội, CTD đã để cổ đông lớn Kustocem Pte. Ltd (Kustocem Pte. Ltd sở hữu gần 18%) lên tiếng phủ nhận về việc bán tháo cổ phiếu. Điều này CTD muốn bớt một tin đồn trên thị trường khiến giá cổ phiếu CTD trượt giảm.
Mặc dù cho rằng hệ thống quản trị của công ty đang rất tốt (từ ban kiểm soát đến các công ty vệ tinh) nhưng ban lãnh đạo CTD lại nhún nhường cổ đông một nước tại đại hội diễn ra hồi tháng 5 khi mà trước đó ông Nguyễn Bá Dương khét tiếng trên thị trường về “độ chảnh”. CTD đồng ý tăng cổ tức thêm 20% lên 50%, tăng kế hoạch lợi nhuận và đặc biệt xem xét kế hoạch sáp nhập Ricons.
Tất nhiên, lãnh đạo CTD vẫn không quên nhắc rằng có thể cổ đông lớn chưa sẵn sàng. Đương nhiên, đó sẽ là một trong vô số những lý do cản trở cho những cuộc sáp nhập doanh nghiệp. Bản thân CTD cũng không đưa ra thời gian cụ thể cho kế hoạch này bởi để một cá nhân sẵn sàng đưa lợi ích của mình cho cộng đồng nhà đầu tư khác là điều khó có thể xảy ra. Hoặc nếu sáp nhập được thì người trong cuộc vẫn có thể sắp xếp để doanh nghiệp đó sáp nhập cái vỏ bọc.
Trong bối cảnh đó, xung đột lợi ích cổ đông lớn bắt đầu lộ rõ mà khởi nguồn là việc Coteccons có đến 4 công ty thành viên không nắm quyền chi phối bị nghi ngờ là “sân sau” của gia đình chủ tịch, thiếu minh bạch…
Những tin đồn về mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa các cổ đông đã bắt đầu bộc lộ từ năm 2017. Khi miếng bánh thị phần có chừng ấy, người ăn bánh càng đẻ ra nhiều thì lợi nhuận của CTD cũng nhỏ đi, chưa kể nếu CTD còn được công ty sân sau lấy danh nghĩa đi nhận thầu thì chuyện gì xảy ra. Chính vì thế CTD đã hướng đến các mảng mới là bất động sản và đầu tư hạ tầng (điển hình là dự án BOT Phủ Lý). Nhưng cả hai mảng này nếu xét về độ vững bền chưa chắc đã bằng mảng “ăn chắc mặc bền” như mảng thầu.
Quay lại câu chuyện công ty thành viên, ngoài Ricons và Dcons, CTD còn có một đối thủ đáng gờm nữa là Central Cons. CTCP Xây dựng Central - Central Cons thành lập vào tháng 7/2017. Chủ tịch HĐQT của Central Cons là ông Trần Quang Tuấn - nguyên Phó tổng giám đốc và cũng là một trong những cổ đông sáng lập Coteccons.
Không cần phải bình luận nhiều về việc Central Cons dù mới tham gia thị trường nhưng lại trúng thầu nhiều hợp đồng lớn. Website của công ty cho biết chỉ sau 10 tháng hoạt động công ty đã ký được các hợp đồng thi công có tổng trị giá lên đến 5.000 tỷ đồng với 22 dự án đã và đang thi công. Dễ nhận thấy, đa phần trong số này là khách hàng truyền thống của Conteccons như Vingroup, SSG Group, Phát Đạt...
Vậy nên sẽ không còn một CTD như xưa, kể cả đặt một ví dụ ông Dương sẽ đứng ra lèo lái. Bởi bản chất nội bộ cơm không lành canh không ngọt mà để hợp lại thành một thể thống nhất là một điều vô cùng khó. Chưa kể tâm huyết của ông Nguyễn Bá Dương còn dành bao nhiêu cho CTD. Mà dẫu ông Dương có cố sức để đưa CTD trở lại như xưa, e là khó.
Đã bao nhiêu bài học để lại mâu thuẫn nội bộ chính là kẻ thù lớn nhất cho một doanh nghiệp vững mạnh. CTD đang bị ăn mòn dần và những đối thủ đã tường tận đường đi lối về của Coteccons. Ngoài việc kế thừa sẵn hết những ưu việt kinh nghiệm nhiều năm của CTD, họ có một thế mạnh lớn hơn chính là một thể thống nhất.
Do đó, đến thời điểm này, nhà đầu tư cần thận trong với mỗi quyết định mua bán, tránh những thiệt hại không còn thiết. Bởi có lẽ với những người sáng suốt, không ai dại gì muốn dính vào doanh nghiệp tồn tại những mâu thuẫn từ bên trong.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.