Cuộc sống ở xóm đường tàu nguy hiểm nhất Thủ đô qua ảnh
Mọi hoạt động sinh hoạt, kinh doanh của người dân sát bên đường tàu trên phố Khâm Thiên, Hà Nội
Theo quan sát của phóng viên, nhiều hộ dân xây nhà, chồng tầng, lấn chiếm hành lang nên khoảng cách từ đường tàu đến nhà dân rất hẹp, chỉ đủ lối đi cho một chiếc xe máy hay hai người đi bộ, rất nguy hiểm khi có tàu chạy qua. Ô tô không thể đi vào được nên người dân ở đây còn gọi vui đây là "phố đi bộ".
Theo ông Nguyễn Văn Hà (60 tuổi) cắt tóc ở ngay đoạn đường tàu phố Khâm Thiên, đường tàu nằm trong khu dân cư Khâm Thiên đã hình thành từ hàng chục năm nay. Đoạn đường tàu này do Pháp xây dựng. Lúc đầu chỉ có một số cán bộ, công nhân viên đường sắt được ở trong khu hành lang an toàn. Từ năm 2000 đến nay, nhiều hộ dân thi nhau lấn chiếm đất, xây nhà, chồng tầng, lấn chiếm hành lang nên khoảng cách đường tàu đến nhà các hộ dân co hẹp lại, có nơi chỉ còn khoảng 1m.
Anh Nguyễn Đăng Vinh, một người dân sinh sống tại đây cho biết, dù biết nguy hiểm nhưng người dân ở đây đã quá quen thuộc tàu giờ chạy. Khi tàu đến, mọi người tránh sang một bên. Tàu đi, họ trở lại vị trí cũ.
"Hầu hết mọi người tỏ ra rất chủ quan. Họ chơi đùa, kinh doanh sát đường tàu, thậm chí ngay trên đường ray. Vào tháng gần Tết, một số chuyến tàu được tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tăng cường tàu, người dân ở đây cũng không nắm rõ giờ tàu chạy qua nên rất nguy hiểm", anh Vinh lo ngại nói.
Ông Nguyễn Văn Thông (quê Nam Định), làm nghề chạy xe ôm, vì muốn xe của mình nổi bật để dễ bắt khách, ông dựng hẳn xe trên đường ray. “Tôi chạy xe ôm gần hai chục năm rồi, vẫn dựng xe thế này có sao đâu. Xóm này mọi người đều quen hết với tàu rồi, sao mà có chuyện gì được cơ chứ” - ông nói.
Cuộc sống của người dân sống hai bên đường sắt đoạn qua phố Khâm Thiên, Hà Nội:
Tuyến đường sắt Bắc - Nam xuất phát từ Ga Hà Nội có nhiều đoạn chạy len lỏi qua các khu dân cư với hàng trăm hộ dân sống ở hai bên đường ray. Trong ảnh: Đoạn "phố đường tàu" ở khu vực Khâm Thiên dài khoảng 500m.
Hằng ngày, trên tuyến đường sắt này có khoảng hơn 10 chuyến tàu qua lại. Nguy hiểm hơn nữa có những chuyến tàu tăng cường vào dịp gần Tết, người dân không biết thời gian chính xác khi nào tàu chạy qua nên vào dịp này họ luôn sống trong tâm trạng bất an.
Hành lang nhỏ cũng bị người dân chiếm dụng để kinh doanh. Đã xảy ra những vụ tai nạn tàu cuốn xe máy của người dân để sát bên đường ray.
Dù đã quá quen thuộc với tiếng tàu, tiếng còi, tuy nhiên một số người dân vẫn rùng mình khi đứng sát đoàn tàu đang lao nhanh, ầm ầm...
Khi tàu chạy qua, mọi sinh hoạt nhanh chóng trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Văn Hà (60 tuổi, cắt tóc ở ngay đoạn đường tàu phố Khâm Thiên) cho biết, ở đây, ngoài những người dân định cư còn có nhà trọ. Nhiều căn nhà ở đây được người lao động như phụ hồ, xây dựng, buôn ve chai... thuê ở chung.
Anh Nguyễn Văn Hưng, làm việc tại một cơ sở sát đường tàu chia sẻ: "Không muốn làm việc trên đường tàu nhưng vì không gian chật hẹp nên đành phải vậy. Biết là nguy hiểm, nhưng làm việc ở đây lâu năm nên chúng tôi cũng quen với lịch trình tàu chạy".
Một gia đình đang tháo dỡ những tấm tôn nhà đặt ngay giữa lòng đường sắt.
Từ nhiều năm nay, người dân nơi đây dường như đã quen sống giữa không gian náo nhiệt ồn ào do tiếng tàu chạy và họ luôn phải đối mặt với những hiểm nguy, không rào chắn, không biển báo nguy hiểm.
Khói bụi và tiếng ồn là những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống của người dân nơi đây, nhất là người già, trẻ nhỏ.
Những người lao động nghèo thuê nhà ở đây để sống. Và hành lang sát đường ray cũng là nơi họ tập kết hàng hóa.
Năm 2013, thành phố có quyết định di dời "phố đường tàu" nhưng đến nay nhiều hộ dân vẫn đang mong chờ quyết định đó. Nhiều hộ dân không dám sửa sang nhà cửa, họ đành chấp nhập sống như hiện nay. Trong khi, một số hộ khác lại cho thuê nhà với giá rẻ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.