Hạt dẻ Trùng Khánh - sản vật trăm năm chật vật chỗ đứng trên sân nhà

2015-12-09 08:47:13 0 Bình luận
Hạt dẻ đã có thương hiệu nhưng chưa có các giải pháp để bảo vệ và phát huy thương hiệu. Không có tổ chức nào đứng ra đại diện thu mua để tiêu thụ, bảo vệ thương hiệu nên hạt dẻ Trùng Khánh bị các thương lái trà trộn với hạt dẻ Trung Quốc...........

Đến thăm vườn cây dẻ cổ thụ 40 - 100 năm tại xã Đình Minh (Trùng Khánh), đồng chí Trần Long Giang, Phó Bí thư Đảng ủy xã - hộ trồng cây dẻ lâu năm tâm huyết nói: Từ lâu đời, cây hạt dẻ trồng trên đất Trùng Khánh được các cụ già dặn con cháu chăm sóc như cây quý vì cho hạt lòng vàng óng, bở, thơm, ngọt…, hiếm nơi nào sánh bằng. Thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng từ lâu nhưng khi chúng tôi tìm hiểu thị trường thấy sản vật nổi tiếng lâu năm chật vật chỗ đứng “sân nhà”.

    Theo như chị Hương, chủ quầy bán hạt dẻ chợ Xanh Thành phố, hạt dẻ Trùng Khánh và các huyện khác không đủ cung ứng thị trường nên hầu hết tư thương chợ Xanh nhập hạt dẻ Trung Quốc về bán và ghi “hạt dẻ Trùng Khánh” - “hạt dẻ Cao Bằng”.

    THỊ TRƯỜNG - “SÂN ĐẤU” QUYẾT LIỆT VỀ CUNG CẦU - CHẤT LƯỢNG - GIÁ

    Người dân xóm Khưa Khảo, xã Đình Minh (Trùng Khánh) thu hoạch hạt dẻ

    Qua tìm hiểu nhu cầu hạt dẻ trên thị trường, chúng tôi đều nhận được câu trả lời chung của các chủ bán hạt dẻ tại chợ Xanh: Mùa thu, hạt dẻ Trùng Khánh và các huyện là sản vật quý của Cao Bằng nên người trong tỉnh, khách ngoài tỉnh mua ăn, làm quà biếu rất nhiều. Mỗi vụ bán được rất nhiều nhưng số lượng hạt dẻ Trùng Khánh và các huyện khác không nhiều. Hạt dẻ Trung Quốc giá thấp chỉ 50.000 - 70.000 đồng/kg hoặc 100 hạt đã tách vỏ, sấy khô ăn ngay, còn hạt dẻ Trùng Khánh và các huyện khác giá cao 80.000 - 100.000 đồng/100 hạt hoặc 1 kg (chưa qua sơ chế). Khách hàng người Cao Bằng sành ăn có nhu cầu mua hạt dẻ Trùng Khánh thì phải đặt trước 2 - 4 ngày thì mới mua được. 

    Để khách quan hơn, chúng tôi gặp chị Hằng, phố Kim Đồng, chị Mai, phường Sông Bằng (Thành phố), khách hàng thường xuyên mua hạt dẻ của chị Hương nhận xét về hạt dẻ tại thị trường Cao Bằng. Hai chị cho biết: Về hình thức, hạt dẻ Cao Bằng hạt không to đẹp nhưng thơm, bở, ngọt hơn hạt dẻ Trung Quốc. Hạt dẻ Trùng Khánh có thương hiệu nhưng không đủ cung ứng thị trường, các tư thương nhập hạt dẻ Trung Quốc về bán đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh… 

    Đem những vấn đề trên trao đổi với ông Hoàng Thái, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Thái bày tỏ quan điểm: Bất kỳ loại sản phẩm nào thành hàng hóa ra thị trường phải chấp nhận vào “sân đấu” quyết liệt về cung cầu - chất lượng - giá. Huyện Trùng Khánh quan tâm xây dựng thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh tất yếu chấp nhận quy luật chung thị trường thì mới giữ được thương hiệu. Thực trạng thị trường nhập hạt dẻ Trung Quốc về bán với số lượng lớn, giá cả phải chăng, chất lượng gần tương đương đó là “cảnh tỉnh” cho hộ trồng dẻ huyện Trùng Khánh và các huyện khác trong tỉnh phải xem lại năng suất - chất lượng - giá để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Về chất lượng hạt dẻ Trùng Khánh so với huyện khác, tôi đã thử luộc, rang 3 loại hạt dẻ Trùng Khánh, Thạch An, vùng ven Thành phố và Hòa An cho mọi người ăn để nhận xét. Kết quả hạt dẻ Trùng Khánh có trội hơn vùng khác về thơm, ngon, bở nhưng không đáng kể. Về an toàn thực phẩm, hạt dẻ có ưu thế là loại cây hạt vỏ ngoài khô cứng, bảo ôn có thể để lâu ngày, không cần chất bảo quản nhưng khi chế biến rồi phải ăn ngay. Chúng ta cần quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hạt dẻ Trung Quốc.

    CÂY THẾ MẠNH NHƯNG YẾU CƠ CHẾ, THIẾU SỰ VÀO CUỘC ĐỒNG BỘ

    Tìm hiểu thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh - sản vật 100 năm không đủ cung ứng ra thị trường, chúng tôi đến các xã Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Đình Minh..., các xã trồng nhiều cây dẻ. Hộ trồng hạt dẻ đều khẳng định cây dẻ hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, nhiều hộ thu nhập 20 - 40 triệu đồng/vụ. Xã Đình Minh có trên 60% hộ trồng cây hạt dẻ thu nhập từ trên 5 - 30 triệu đồng/vụ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các xã (có lợi thế trồng nhiều cây dẻ), Nghị quyết HĐND huyện từ năm 2005 đến nay xác định cây dẻ là cây thế mạnh trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn - cây chủ lực giảm nghèo cho hộ nông dân. Tuy vậy, diện  tích trồng cây dẻ không tăng mà chỉ dừng lại gần 250 ha/6 xã (Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê, Phong Châu, Đình Minh) và rải rác một số xã khác. 

    Nguyên nhân không tăng diện tích trồng cây dẻ, đồng chí Hoàng Văn Tiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh cho biết: Những năm trước, để tập trung nguồn lực phát triển cây dẻ, các cấp, ngành lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nông dân trồng dẻ từ Chương trình 327, Dự án 5 triệu ha rừng, Chương trình 135, Dự án EU, Dự án chỉ dẫn địa lý..., kinh phí hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, người dân chưa thật sự vào cuộc nên trồng, chăm sóc cây các dự án không đạt hiệu quả, sau đó dẫn tới chặt bỏ... Diện tích trồng dẻ không tăng nên không tăng thêm sản lượng. Bên cạnh đó, do đặc thù hạt dẻ là cây giao phấn có nhiều hình dạng và màu sắc, việc áp dụng kỹ thuật chưa tốt, chủ yếu trồng quảng canh, năng suất bình quân 7 - 8 tạ/ha, gần 250 ha trồng cây dẻ chỉ cho sản lượng 180 - 200 tấn/vụ/năm, chưa đáp ứng thị trường.

    Hạt dẻ đã có thương hiệu nhưng chưa có các giải pháp để bảo vệ và phát huy thương hiệu. Không có tổ chức nào đứng ra đại diện thu mua để tiêu thụ, bảo vệ thương hiệu nên hạt dẻ Trùng Khánh bị các thương lái trà trộn với hạt dẻ Trung Quốc đem bán ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh. Ngoài ra, các sản phẩm chế biến từ hạt dẻ còn ít, chưa phong phú. Hiện nay, huyện chỉ có 1 cơ sở sản xuất rượu hạt dẻ nhưng hoạt động cũng kém hiệu quả. 

    Vì sao hộ nông dân tiếp nhận dự án mà trồng cây dẻ không đạt hiệu quả? Đồng chí Trần Long Giang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đình Minh (đại diện cho một trong những hộ trồng dẻ) dẫn chúng tôi đến hộ Hoàng Văn Sài, Trưởng xóm Khưa Khảo (Đình Minh) tìm hiểu. Bà con có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đều tập trung vào những vấn đề sau: Hộ có đất trồng mới cây dẻ không muốn trồng mới vì giá bán hạt dẻ không ổn định, được mùa thì bị ép giá, mất giá, chưa tạo động lực cho hộ trồng dẻ; hộ nghèo được hỗ trợ muốn trồng mới cây hạt dẻ nhưng không có đất; chưa có dự án nào nghiên cứu trồng cây dẻ phát triển tốt kháng bệnh, cho nhiều quả nên trước đây bà con trồng dẻ, cây mới chưa cho quả đã có bệnh nên phải chặt đi; cây dẻ trồng mất nhiều diện tích, 1 ha trồng 250 cây, trong khi đó 5 - 8 năm mới cho 1 - 2 kg quả/vụ, tiếp theo mấy năm sau mới cho nhiều hạt. Cây dẻ là cây lâu năm, mức hỗ trợ 250.000 đồng/ha quá thấp không đủ trang trải cho cuộc sống nên bà con chỉ muốn trồng cây ngắn ngày 2 vụ/năm để sinh kế. Cũng vì vậy mà tiềm năng đất trồng dẻ có thể mở rộng trên 380 ha để nâng tổng diện tích trồng dẻ toàn huyện 630 ha vẫn còn dang dở cần có lời giải ở phía trước.

    CƠ HỘI BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU ĐỂ CẠNH TRANH LÂU DÀI

    Vấn đề quan ngại của bà con trồng dẻ và người tiêu dùng là thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh đang bị “lập lờ đánh lận con đen” trên thị trường từ thiếu cơ chế quản lý kinh doanh và tư lợi trước mắt của nông dân. Thực tế lâu nay, đến vụ hạt dẻ nhưng không có tổ chức, đơn vị nào đứng ra thu mua hạt dẻ làm một đại lý riêng, dán tem nhãn đảm bảo thương hiệu “Hạt dẻ Trùng Khánh” để cùng cạnh tranh lành mạnh với hạt dẻ Trung Quốc.

    Vườn dẻ xóm Khưa Khảo, xã Đình Minh (Trùng Khánh).

    Nhiều hộ nông dân trồng dẻ bán hàng đảm bảo chất lượng rất bức xúc thương hiệu bị “mượn”, thật giả lẫn lộn. Hiện nay, ngay cả một số hộ trồng dẻ do hám lợi đã mua hạt dẻ Trung Quốc giá rẻ hơn trộn vào hạt dẻ nhà trồng được để bán giá cao, có lãi. Tại chợ huyện Trùng Khánh - “thủ phủ của hạt dẻ”, thương lái cũng đem trộn hạt dẻ Trung Quốc và hạt dẻ Trùng Khánh bán ra thị trường. Ông Hoàng Văn Sài, hộ trồng dẻ Khưa Khảo, (Đình Minh) phản ánh: Những hộ có hạt dẻ đến vụ không kịp đem ra chợ bán, tư thương, người quen thị trấn đặt mua tại vườn giá 80 - 100.000 đồng/kg. Hạt dẻ Trùng Khánh hạt vừa phải (không to), vỏ nâu tươi, nhiều lông, còn sống bóc vỏ trong lòng vàng rộm khác với hạt dẻ Trung Quốc vỏ ít lông, hạt to vỏ màu nâu sẫm, lòng trong vàng trắng. Tôi mong các cấp, ngành quan tâm bảo vệ thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh đem lại thu nhập ổn định lâu dài.

    Liệu thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh có cơ hội cạnh tranh lâu dài trên thị trường? Theo đồng chí Hoàng Thái, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu để tình trạng thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh “bị mượn” trên sân nhà lâu dài thì sẽ mai một dần. Vì không phải 1 - 2 năm nguồn cung hạt dẻ tỉnh ta đáp ứng ngay thị trường mà nhiều năm sau mới có nếu có chiến lược phù hợp.

    Mặc dù yếu thế nhưng hạt dẻ Trùng Khánh vẫn có ưu thế cạnh tranh bởi vẫn có nhiều người tìm mua tuy giá cao hơn của Trung Quốc. Hạt dẻ trên địa bàn tỉnh thu hoạch không mất thời gian để lâu, vận chuyển xa như hạt dẻ Trung Quốc nên chất lượng hạt tốt hơn, kết hợp với chế biến ngay, đúng kỹ thuật sẽ có hạt dẻ ngon hơn. Vườn cây dẻ có cảnh quan rất đẹp, thơ mộng, những xã trồng cây hạt dẻ nằm trên trục đường đi tham quan thác Bản Giốc có thể kết hợp với du lịch,  cho khách du lịch đi qua dừng lại thăm vườn dẻ để giới thiệu, quảng bá và mua hạt dẻ tại vườn. Vậy nên, huyện, các ngành hữu quan có thể xúc tiến kêu gọi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm, chế biến thành nhiều sản phẩm phong phú, chất lượng và tiếp thị mở rộng thị trường…, có tem nhãn đảm bảo thương hiệu, chất lượng.

    Việc giữ thương hiệu là vấn đề “sống còn” từ cách thức tổ chức thu mua đến bao tiêu sản phẩm. Hộ trồng dẻ ý thức giữ thương hiệu, nghiêm túc bán hàng chất lượng. Đồng thời phải hiểu, chấp nhận quy luật thị trường cung cầu - chất lượng - giá; số lượng sản phẩm ngày càng nhiều, giá không thể tăng trừ sản phẩm đặc biệt, lợi thế tuyệt đối.

    Huyện Trùng Khánh có khoảng 630 ha có khả năng trồng cây hạt dẻ/46.693,37 ha đất tự nhiên. Hiện nay, trồng 242,73 ha cây dẻ có thể mở rộng là 387,47 ha. Huyện đang xây dựng Đề án Khuyến khích phát triển cây dẻ ăn quả giai đoạn 2015 - 2020. Phấn đấu trồng thêm 6.000 cây dẻ/60 ha (5.000 cây ươm từ hạt, 1.000 cây dẻ ghép), tổng ngân sách chi 550 triệu đồng, tập trung tại 6 xã: Chí Viễn, Phong Châu, Đình Minh, Khâm Thành, Ngọc Khê, Đình Phong.

    Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

    Ý kiến độc giả

    0

    Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

    Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
    2024-04-19 17:55:22

    Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

    Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
    2024-04-19 11:24:44

    Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

    Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
    2024-04-19 09:57:41

    Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

    Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
    2024-04-19 09:47:51

    Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

    Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
    2024-04-19 09:42:00

    Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

    UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
    2024-04-19 08:15:51
    Đang tải...