Hướng tín dụng vào cho vay sản xuất, lĩnh vực ưu tiên
Trong bối cảnh ngày càng nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính. Cụ thể, NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông,...).
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng VietinBank |
Theo thống kê của NHNN trong 6 tháng đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản tiếp tục ổn định với lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Bên cạnh đó, tín dụng cũng duy trì mức tăng trưởng phù hợp với bối cảnh thị trường và chủ trương điều hành, cụ thể đến ngày 10/6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018.
Số liệu được NHNN công bố cho thấy, từ đầu năm đến nay tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá. Cụ thể: tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,04%, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 5%, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,11%... Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở xã hội... cũng được các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.
Tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tiếp tục các ngân hàng chú trọng. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), để hỗ trợ tiêu thụ lúa vụ đông xuân năm 2019 tại khu vực ĐBSCL, bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm, thì các ngân hàng đã giải ngân được khoảng 10.719 tỷ đồng. Không chỉ vậy, NHNN cũng kịp thời có giải pháp tháo gỡ cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Từ tháng 2/2019 đến nay, các TCTD đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại tại các tỉnh, thành phố đang có dịch số tiền 357 tỷ đồng (thông qua các biện pháp: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 68 tỷ đồng, miễn, giảm lãi vay 13 tỷ đồng; cho vay mới là 275 tỷ đồng). Tương tự như vậy, ngành Ngân hàng cũng hỗ trợ 6.450 khách hàng trồng hồ tiêu gặp khó khăn tại tỉnh Gia Lai, với số tiền gần 1.900 tỷ đồng thông qua các biện pháp cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cho vay mới khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng.
Đến nay dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 195.581 tỷ đồng với gần 6,7 triệu hộ còn dư nợ. Đặc biệt, từ khi áp dụng mức vay mới (nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay, kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng, từ ngày 1/3/2019), doanh số cho vay hộ nghèo đến cuối tháng 5/2019 đạt 4.016 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo đạt 31.234 tỷ đồng (chiếm 15,97% tổng dư nợ); cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 31.154 tỷ đồng (chiếm 15,93% tổng dư nợ).
Về tín dụng bất động sản, tính đến cuối năm 2018, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm kinh doanh và mua bất động sản để ở) tăng trưởng 31,76%. Đây là mức tăng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, định hướng của NHNN là kiểm soát chặt chẽ tín dụng kinh doanh bất động sản và hướng tín dụng vào các dự án hiệu quả, dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ và nhu cầu thực của người dân. Theo ông Hùng đây cũng là một trong các mục tiêu mà dự thảo thay thế Thông tư số 36/2014/TT-NHNN đang được NHNN lấy ý kiến rộng rãi có quy định khoản vay mua bất động sản có số dư nợ trên 3 tỷ đồng, áp dụng hệ số rủi ro 150%, từ 1,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng áp dụng hệ số 100%, dưới 1,5 tỷ đồng, các khoản vay mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các dự án, chương trình hỗ trợ của Chính phủ áp dụng hệ số rủi ro 50%, nhằm hướng tín dụng bất động sản vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội (phân khúc đang thiếu nguồn cung).
Còn 3 tháng đầu năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 3,29% so với cuối năm 2018. Theo ông Hùng, mức tăng này vẫn cao hơn mức tăng trưởng chung (quý I/2019) của nền kinh tế, nên nhận định việc siết nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là không chính xác, “NHNN định hướng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhưng định hướng tín dụng phục vụ nhu cầu thực của người dân”, ông Hùng nhấn mạnh.
Về định hướng điều hành tín dụng 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục hướng tới kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra. Đặc biệt, NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đặc biệt, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn, đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay, đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra; triển khai các chương trình giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức tài chính ngân hàng, tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giúp người dân tránh xa các luồng tín dụng phi chính thức.
Ngoài ra, NHNN khuyến khích ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác; xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay “tín dụng đen”./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.