Nữ thạc sĩ tật nguyền vượt qua mặc cảm, mang phép màu với những người cùng cảnh
Chị Lê Thị Nhật (SN 1983), tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp Đại học Công đoàn và học cao học ngành nghiên cứu phát triển tại Đại học Melbourne, Australia. Chị cho biết, năm 2 tuổi trong trận ốm nặng, chị bị bại liệt một chân. Những năm tháng học tiểu học, bố chị làm đôi chân đưa con đến lớp mỗi ngày.
3 năm đầu, do lớp học nằm ở tầng 3 của tòa nhà, những hoạt động thể chất Nhật đều không thể tham gia, nhà trường cũng không có phương án nào dành cho học sinh khuyết tật lúc đó. Cô bé chỉ biết ngồi nhìn bạn bè chơi đùa trong sự khát khao. Không chỉ có thế, những lời trêu ghẹo của bạn học đối với Nhật là không đếm nổi.
Chị Nhật - Quản lý dự án Chương trình Phục hồi chức năng vận động của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)
Những khó khăn này khiến Nhật thiếu tự tin vào bản thân, đến lúc tốt nghiệp đại học đi xin việc, chị còn không đủ tự tin vào năng lực bản thân. Thế rồi, cơ duyên đến với chị khi Hội Chữ thập đỏ tuyển dụng nhân sự. Chị đã nộp hồ sơ ứng tuyển và cũng từ đây, chị được Chính phủ Australia trao cơ hội học tập. Đó là một bước ngoặt lớn của cuộc đời chị, bởi học lên Thạc sĩ vốn chỉ là trong mơ đối với một cô gái khuyết tật như chị.
Học tập tại Australia , cuộc sống của Nhật như bước sang trang mới bởi trải nghiệm được sống như một người bình thường. Chia sẻ về cảm giác lúc đó, chị cho biết: "Khi đi lại bằng nẹp đeo chân trên đường phố, tôi không hề gặp phải ánh nhìn thắc mắc của mọi người chứ đừng nói những từ thiếu thiện cảm mà bạn bè trước đây từng gọi... Khi sử dụng phương tiện công cộng, mọi người đối xử với tôi bình đẳng như những người bình thường khác. Họ chỉ giúp khi tôi mở lời nhờ. Ban đầu, tôi thật sự bất ngờ với cư đối xử như vậy. Sau đó, tôi đã quen dần và nhận ra rằng, tôi có đủ khả năng làm mọi việc từ đi lại, đi học, đi chơi, đi chợ mua đồ… Tôi không còn tự ti vì mình là người khuyết tật như trước kia nữa".
2 năm học tập ở Australia, chị hoàn toàn sống độc lập và có thể đi bộ nhiều cây số hoặc đi bằng phương tiện giao thông công cộng. Đến bây giờ, nẹp chân là một thiết bị bất ly thân của chị. Nhật cho rằng, người khuyết tật nên biết tới phục hồi chức năng (PHCN) vận động càng sớm càng tốt.
Chia sẻ về công việc hiện tại, chị cho biết, chị muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân và kể cả người khuyết tật về vấn đề khuyết tật. Người có khiếm khuyết chức năng khi không có rào cản về vật lý, thái độ, môi trường, quyền… thì hoàn toàn sinh hoạt, sinh sống như những người bình thường. Người khuyết tật nỗ lực rất nhiều để sống độc lập.
Cũng giống chị Nhật, chị Đào Thu Hương (36 tuổi, Hà Nội) là người khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam làm việc cho Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Đào Thu Hương bị khiếm thị từ nhỏ, song từ những năm cấp II, cấp II chị vẫn chọn vào học trường học lớp hòa nhập với các bạn sáng mắt. Chị cho rằng, đây là một điều may mắn. Khi một đứa trẻ khuyết tật được giáo dục trong môi trường hòa nhập sẽ có lợi rất nhiều cho sự phát triển của trẻ, giúp trẻ hòa nhập xã hội và môi trường làm việc sau này.
Cô gái khếm thị cũng tự tin cho biết, mình cảm thấy may mắn khi được sinh ra ở thời đại công nghệ phát triển, người khiếm thị phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ để có thể "bù" cho đôi mắt của mình. Đôi mắt là nơi tiếp nhận 80% lượng thông tin xung quanh, nhưng với người khiếm thị chỉ tiếp nhận bằng thính giác thôi, đó là đôi tai để nghe.
Có công nghệ giúp chị đọc được thông tin trên máy tính, không lái được xe thì đặt xe ôm công nghệ, dùng công nghệ để nhận biết mệnh giá tiền hoặc sử dụng ứng dụng kết nối người khiếm thị với tình nguyện viên.
Chị từng được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2010. Nhiều năm qua, Thu Hương đã nỗ lực không ngừng thúc đẩy quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, dù đứng trước thách thức của đại dịch Covid-19.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.