Tin tức Miền Tây ngày 10/2/2022: Miền Tây đồng loạt mở cửa đón khách du Xuân Nhâm Dần

2022-02-10 11:00:00 0 Bình luận
Bước sang năm 2022, việc mở cửa đón khách quốc tế cùng lượng khách nội địa du Xuân tại Miền Tây tăng cao ngay từ những tháng đầu năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Nhiều điểm tham quan tại Trà Vinh thu hút du khách dịp Tết Nguyên đán

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, địa phương đón gần 100.000 lượt khách trong và ngoài nước, với tổng doanh thu gần 40 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là tín hiệu vui báo hiệu sự phục hồi của ngành du lịch Trà Vinh sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

 

Chùa Nodol - Chùa Cò tại xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Ái Vy

Chùa Nodol - Chùa Cò tại xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Ái Vy

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết, tỉnh có nhiều điểm tham quan thu hút khách du lịch dịp Tết Nguyên đán năm nay như Đền thờ Bác Hồ, Danh thắng Ao Bà Om, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer (thành phố Trà Vinh), Cồn Chim (huyện Châu Thành), Cồn Hô (huyện Càng Long)… Đặc biệt, 5 công trình điện gió trên địa bàn thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải vừa hoàn thành hòa vào lưới điện quốc gia, với những trụ tua bin gió khổng lồ, sừng sững ở vùng ven biển Trà Vinh, tạo sự mới lạ và thích thú, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tham quan.

Năm 2021, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch Trà Vinh, toàn tỉnh chỉ đón trên 453.000 lượt khách, đạt 41% so với kế hoạch.

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã từng bước khôi phục hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ Tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch đối với hoạt động du lịch trên địa bàn.

Tỉnh bố trí gần 13 tỷ đồng thực hiện Chương trình xúc tiến du lịch nhằm đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2025 và cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh thực hiện nhiều hoạt động, giải pháp để phát triển ngành du lịch như: Xây dựng sản phẩm du lịch; liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch, kết nối tuyến điểm du lịch; nâng cao năng lực xúc tiến, quảng bá du lịch; sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm, quà tặng du lịch; phát triển thương hiệu du lịch Trà Vinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển thị trường du lịch; hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch; xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch.

Cuối năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kí kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác toàn diện phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ tỉnh xây dựng thương hiệu du lịch “Trà Vinh - Miền đất thuận thiên”, kết nối hành trình “Từ sông ra biển”, ra mắt thêm mô hình, sản phẩm du lịch độc đáo, đặc biệt là các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng cư dân bản địa…

Tỉnh đặt mục tiêu năm 2022 đón 550.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 9.300 lượt, khách lưu trú 220.000 lượt, phấn đấu tổng doanh thu đạt 190 tỷ đồng. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu sẽ đón 2,5 triệu lượt khách và đến năm 2030 đón 3,6 triệu lượt khách.

Tín hiệu vui từ ngành công nghiệp không khói xứ Dừa

Sau hai năm bị ảnh hưởng COVID-19, ngành Du lịch Bến Tre nói riêng, Việt Nam nói chung đã phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực, mọi hoạt động gần như "tê liệt". Bước sang năm 2022, việc mở cửa đón khách quốc tế cùng lượng khách nội địa du Xuân tại xứ Dừa tăng cao ngay từ những tháng đầu năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần được xem là những tín hiệu tích cực, thắp lên hy vọng ngành Du lịch sẽ sớm được phục hồi.

Du khách tham quan kênh rạch bằng đò chèo. Ảnh tư liệu: Công Trí/TTXVN

Khác với mọi năm, do tình hình dịch bệnh, gia đình anh Lê Quang Trung ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành không đi du lịch ngoài tỉnh, anh cho các con du Xuân ngay tại Bến Tre. Điểm đến mà cả gia đình anh Trung đã chọn chính là Khu Du lịch Cồn Phụng. Anh Trung cho hay, vì đây là cù lao nằm trong hệ thống Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng trên con sông Tiền nên đặt chân lên mảnh đất Cồn Phụng mang đến một cảm giác bình yên, thoải mái, vừa thú vị, vừa độc đáo.

Theo anh Trung, nơi đây thu hút du khách gần xa vì vẫn còn lưu giữ nguyên bản nhiều kiến trúc độc đáo như: sân Chín Rồng, tháp Hòa Bình,... đã hơn 50 năm xây dựng. Ngoài ra, các con anh là dân xứ Dừa nhưng các bé lần đầu cũng "mở rộng tầm mắt" khi được bước vào "mê cung dừa", có cơ hội được hiểu thêm về con người, cuộc sống và văn hóa xứ dừa tại Bảo tàng Dừa - một ngôi nhà được làm hoàn toàn từ thân cây dừa và cũng là nơi trưng bày rất nhiều sản phẩm làm từ dừa, đẹp - bắt mắt. Đặc biệt, hào hứng nhất là khi cả gia đình ngồi thuyền tham quan những bãi cồn lớn, nghe hát đờn ca tài tử và thưởng thức các món ăn đặc sản miền Tây làm từ những quả bần chua.

Từ Lâm Đồng, lần đầu tiên đến Khu Du lịch Lan Vương tại thành phố Bến Tre, khoác lên mình bộ đồ bà ba nâu sòng dân dã đặc trưng, nhóm bạn trẻ của Huỳnh Trần Thảo Mi "hóa thân" thành người miền Tây chính hiệu và cùng nhau bơi xuồng, tát mương bắt cá, thi bắt vịt,.... Tuyệt vời nhất với Thảo Mi và các bạn là giữa không gian mát mẻ, với cái nắng dịu nhẹ của miền Tây được trải nghiệm các hoạt động mang đậm tính dân gian như đi cầu dừa, đạp xe qua cầu khỉ, đu dây giăng, đi cầu lắc,… Hồi hộp nhưng thích thú và cực kỳ vui nhộn – Thảo Mi chia sẻ.

Đại diện quản lý Khu Du lịch Lan Vương Trần Bá Thoại cho biết, là một trong những điểm đã đạt các tiêu chí an toàn phòng dịch, Khu du lịch tự tin mở cửa với những bước đi linh hoạt, thích ứng nhanh với trạng thái "bình thường mới". Cụ thể, để đảm bảo các quy định phòng, chống dịch, đơn vị trang bị đầy đủ máy rửa tay sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế, thông tin tiêm chủng trước khi đến tham quan, vui chơi. Song song đó, Khu Du lịch Lan Vương đã chỉnh trang lại cơ sở vật chất, bày trí lại cảnh quan, chuẩn bị các hoạt động Tết cổ truyền và bổ sung các hạng mục đậm chất miền Tây, nhất là các món ăn đặc sản, món ăn dân dã cũng được đưa vào để níu chân du khách.

Du lịch Đồng Tháp thích ứng an toàn, hiệu quả trong dịp Tết Nhâm Dần

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phấn khởi khi lượng khách du lịch tăng cao so với Tết năm ngoái, mỗi điểm đón từ 1.500 - 2.000 khách/ngày. Nổi lên là Khu du lịch Làng hoa kiểng thành phố Sa Đéc, các điểm du lịch vườn quýt hồng Lai Vung, Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam ở huyện Lấp Vò...

Tạo điều kiện để hoạt động du lịch diễn ra thuận lợi, tỉnh đã ưu tiên phân bổ nguồn vaccine cho ngành Du lịch, ban hành hướng dẫn tạm thời các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch. Thực hiện chủ trương thí điểm của tỉnh về mở cửa, đón du khách trong trạng thái “bình thường mới”, các cơ sở du lịch đều có sự chuẩn bị chu đáo, đầu tư nhiều tiểu cảnh khá hấp dẫn. Đặc biệt, các cơ sở đều quan tâm thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch, trong đó khuyến cáo du khách thực hiện 5K khi đến tham quan để đảm bảo an toàn.

Nông dân xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp chăm sóc hoa Tết Nhâm Dần 2022.

Nổi bật nhất là thành phố Sa Đéc có trên 16.000 lượt du khách đến tham quan, việc phục hồi hoạt động du lịch thành phố hoa Sa Đéc được xem là  cơ hội cho các khu, điểm du lịch kinh doanh dịch vụ cũng như quảng bá hình ảnh, khẳng định thương hiệu du lịch Sa Đéc sau thời gian “ngủ đông” vì dịch bệnh. Các khu, điểm du lịch thu hút đông đảo khách phải kể đến Cánh đồng hoa hồng, Đài ngắm hoa Ngọc Lan, Happyland Hùng Thy ở phường Tân Quy Đông, Nhà úp ngược, Vùng đất sắc màu, Pink house ở xã Tân Khánh Đông, Đường hoa xuân Sa Đéc tại Công viên Sa Đéc...

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, chủ Khu du lịch Happy Land Hùng Thy cho biết: Mở cửa du lịch trong điều kiện đặc biệt, chúng tôi cũng chuẩn bị các điều kiện an toàn mới đón khách. Khu du lịch trang bị đầy đủ máy rửa tay sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, thông tin du khách để tiện theo dõi và truy xuất nếu có tình huống dịch bệnh xảy ra. Năm nay, khu du lịch chú trọng đầu tư các tiểu cảnh để du khách có nơi check-in lý tưởng như: cây tình yêu, cánh chim thiên thần, giếng lộc trời, cầu trạng nguyên, cầu tình yêu...

Khu du lịch Cánh đồng Hoa Hồng mở cửa đón khách từ ngày 1/1/2022 trong tâm thế chủ động, an toàn và hiệu quả. Khu du lịch đầu tư mới thêm các sản phẩm như dòng sông hoa, trồng 5.000m2 giàn mướp để khách bơi xuồng ngắm hoa quả, nhằm tạo không gian trong lành, thoáng đãng để du khách nghỉ ngơi sau những ngày dài mệt mỏi...

Để thu hút khách trong dịp Tết, anh Phạm Thanh Tâm, chủ Khu du lịch Cánh đồng hoa hồng ở khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc cho biết, Tết này, ngoài khu 2,5ha trồng hoa, làm tiểu cảnh, anh đầu tư mở rộng thêm gần 5.000m2 để trồng bầu, bí. Khu vườn được thiết kế hai giàn trên bờ và một giàn dưới nước phục vụ khách tham quan bơi xuồng chụp ảnh bên ruộng rẫy. Ngoài thu hoạch trái để bán, anh Tâm trồng bổ sung để duy trì lượng trái phục Tết cho khách tham quan. Với không gian mát mẻ, đưa du khách trở về với khung cảnh thôn quê miền sông nước và mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến tham quan, chụp ảnh.

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khu du lịch Văn hóa Phương Nam ở xã Long Hưng A (huyện Lấp Vò), chương trình mừng Xuân năm nay là đòn bánh tét từng đạt kỷ lục Việt Nam năm 2020 tiếp tục được Khu du lịch thực hiện. Đòn bánh tét với chiều dài 6m, đường kính 2m, bên trong đòn bánh tét lớn chứa 2.022 đòn bánh tét nhỏ, được gói từ các nguyên liệu truyền thống như lá chuối, nếp, đậu, chuối chín. Đòn bánh tét được mở ra trong không khí hân hoan mừng Xuân mới của du khách thập phương đến tham quan Khu du lịch Văn hóa Phương Nam. Tất cả bánh tét đều được gửi tặng đến người dân, du khách dịp Tết. Trong dịp này, Khu du lịch còn có cây may mắn để du khách hái lộc đầu xuân với 1.500 bao lì xì; con đường trúc rộng 4 mét, dài 1.000 mét được ra mắt khách tham quan.

Về hoạt động đón khách du lịch trong dịp Tết tại một số điểm tham quan Làng hoa Sa Đéc, ông Trần Thanh Hùng - Chủ nhiệm Hội quán Cùng nhau làm du lịch, chủ Homestay Ngôi nhà hoa ếch cho biết, các anh em trong Hội quán đồng tình với phương châm của tỉnh về việc mở cửa lại ngành du lịch là “An toàn mới mở cửa - Mở cửa phải an toàn”. An toàn cả cho người kinh doanh du lịch và cả du khách.

Vùng quýt hồng đặc sản ở huyện Lai Vung có 6 vườn mở cửa đón khách du lịch trong dịp Tết. Các điểm đón hàng ngàn khách đến tham quan mỗi ngày, giá vé từ 50.000 đồng/người lớn và 30.000 đồng trẻ em. Du khách không được tự ý hái quýt và có thể liên hệ chủ vườn để mua quýt với giá 50.000 đồng/kg.

Lên vùng biên giới huyện Hồng Ngự, bà con nơi đây làm du lịch nông nghiệp khá hấp dẫn trong dịp Tết, đó là Vườn nho Ba Tuấn ở xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự với giá vé 10 ngàn đồng/người. Nho cho quả sum sê, bên cạnh tham quan chụp ảnh, du khách còn được thưởng thức nho tươi tại vườn với giá 150 ngàn đồng/kg, trải nghiệm thú vui câu cá, ăn các món ăn miệt vườn bên chòi lá. Anh Nguyễn Thanh Tuấn - chủ vườn nho cho biết, trong dịp Tết, mỗi ngày vườn nho tiếp đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan chụp ảnh, lượng nho bán ra trong ngày lên hơn 400kg.

Theo ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, để khách du lịch có thể an tâm đến Đồng Tháp, địa phương thực hiện theo phương châm “An toàn mới mở cửa - Mở cửa phải an toàn”. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận chuyển, khu di tích, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được tổ chức lại các hoạt động đón tiếp và phục vụ khách du lịch phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Theo đó, mở cửa đón khách du lịch, các khu điểm kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các tiêu chí như “điểm đến xanh”, “nguồn nhân lực xanh” và “khách du lịch xanh”.

* Thông tin được tổng hợp từ TTXVN

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...