Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: Tìm giải pháp truyền thông về chính sách
Diễn đàn xoay quanh vấn đề làm thế nào để báo chí phát huy sức mạnh là kênh chủ lực của truyền thông chính sách.
"Diễn đàn Tổng Biên tập 2023" xoay quanh vấn đề làm thế nào để truyền thông chính sách thực sự là nguồn lực cho phát triển, để báo chí phát huy hết vai trò trong công tác truyền thông chính sách.
Chiều 29/9, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra “Diễn đàn Tổng Biên tập 2023” với chủ đề “Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí”. Chương trình nằm trong khuôn khổ Gala Báo chí lần thứ 5, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND các tỉnh Quảng Ninh và Hà Nam tổ chức.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh; ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, tham dự cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí Trung ương và các địa phương.
Với 2 phiên: Báo chí - cánh tay nối dài của truyền thông chính sách; Cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách, Diễn đàn Tổng Biên tập 2023 đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các cơ quan chức năng và báo chí, để báo chí thực sự là cánh tay nối dài của công tác truyền thông chính sách.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: Với mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đảm bảo người dân được thụ hưởng tiến bộ và công bằng xã hội mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, những năm gần đây, công tác truyền thông chính sách ngày càng được chú trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng.
Tuy nhiên có một thực tế là cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Một số địa phương, bộ, ban, ngành còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và cơ quan bộ, ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.
Trong đó, nhiều cơ quan, bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương còn thiếu chủ động trong cung cấp thông tin nguồn cho báo chí, hậu quả đã để xảy ra một số sự cố truyền thông làm ảnh hưởng đến việc phổ biến, tuyên truyền và triển khai chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Diễn đàn Tổng Biên tập” với chủ đề “Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” là cơ hội để các nhà báo, nhà quản lý báo chí trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp trong công tác truyền thông chính sách. Với 2 phiên, phiên 1 “Báo chí - Cánh tay nối dài của truyền thông chính sách” và phiên 2 “Cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách”, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã có nhiều ý kiến tâm huyết, cởi mở, thẳng thắn, thống nhất một số giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thực hiện truyền thông chính sách của báo chí, để truyền thông thực sự là nguồn lực quan trọng, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.
Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách, các ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, trước hết báo chí tự thân phải đổi mới. Chuyển đổi số là con đường nhanh nhất để báo chí tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với công chúng báo chí, hướng tới mục tiêu là có trải nghiệm nội dung tốt hơn, từ đó truyền thông chính sách sẽ hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, cần hệ thống hóa thông tin chính sách, biến thông tin chính sách trở thành dữ liệu lớn, cùng với thuật toán, dữ liệu lớn tạo ra giá trị để phát triển nền kinh tế tri thức; Phải có cách tiếp cận đa dạng hơn về các sản phẩm báo chí trong quá trình tham gia truyền thông chính sách. Ngoài việc tạo ra các sản phẩm mang tính thông tin chính sách tới người dân và phản ánh thực tiễn xã hội tới các cơ quan hoạch định chính sách; với đặc thù bám sát công chúng, báo chí cần chủ động tham gia sâu hơn và tạo ra những sản phẩm mang tính dự báo và đo lường tác động truyền thông đến từ sự tương tác của dư luận, cử tri với chính sách. Đồng thời, báo chí cần được tham gia chủ động hơn trong việc đề xuất các phương án truyền thông chính sách đối với các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách trên cơ sở tôn chỉ, mục đích và đặc thù của mình.
Đối với truyền thông về chính sách kinh tế, các cơ quan liên quan, trực tiếp là các cơ quan ban hành chính sách và các đơn vị báo chí cần đổi mới nhận thức, có nhiều hơn chương trình hành động cụ thể để nâng cao chất lượng truyền thông. Các cơ quan báo chí cần có cơ chế về tài chính đặc thù để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, xem xét có ưu đãi hoặc miễn thuế thu nhập với cơ quan báo chí.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.