Sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động 9 quân đoàn với 600.000 quân xâm nhập biên giới Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Xin lưu ý: Trước ngày 17/2/1979, Việt Nam không đe dọa Trung Quốc, không có bất cứ hành động nào khiêu khích Trung Quốc, không xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Quân Trung Quốc đã chia làm 2 cánh tràn vào Việt Nam: Cánh quân phía Quảng Tây do Hứa Thế Hữu chỉ huy gồm các quân đoàn số 41, 42, 43 và 53. Cánh quân Vân Nam do Dương Đắc Chí chỉ huy gồm các quân đoàn 11, 13, 14 và Trung đoàn 149 cùng lực lượng biên phòng, dân binh.

Từ tháng 2 đến giữa tháng 3/1979, quân Trung Quốc đã sử dụng 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 nghìn tấn đạn, 55 triệu viên đạn nhọn, sát hại hàng chục nghìn người Việt Nam và đốt sạch, phá sạch.

Chỉ giai đoạn 17/2 đến 18/3/1979, tức 1 tháng 1 ngày, quân Trung Quốc đã phá hủy hoàn toàn thị xã Lạng Sơn, thị xã Cao Bằng, Lào Cai, Cam Đường; phá hủy 330 làng bản, 735 trường học, 428 bệnh viện và trạm xá, 41 nông trường, 38 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ, 80.000 ha lương thực và hoa màu. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc mất nhà cửa; hàng nghìn người, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em bị chết, bị thương. Ngoài ra còn nhiều công trình văn hóa, lịch sử, bảo tàng ở các địa phương bị quân Trung Quốc phá hủy.

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược này của quân và dân Việt Nam, đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể anh hùng, những người con ưu tú của dân tộc đã tỏa sáng trong thời khắc ngặt nghèo và để lại những nốt son trong lịch sử oai hùng của dân tộc.

Tại điểm cầu Bản Sảy thuộc xã Bế Triều gần Bệnh viện Hòa An, hàng trăm đồng bào, chiến sỹ đã tạo thành lũy thép tử thủ ngăn bước tiến của quân xâm lược Trung Quốc. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là một dòng chảy liên tục hơn 2.000 năm nay. Tinh thần bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và tiếp tục tỏa sáng trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc ngày 17/2/1979.

Cuộc chiến tranh chống quân xâm lược tháng 2 năm 1979 không khác gì so với các trận quyết chiến chiến lược nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam: trận Bạch Đằng năm 938, trận Như Nguyệt năm 1077, 3 lần thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng năm 1258, 1285, 1288, trận Tốt Động – Chúc Động năm 1426, trận Chi Lăng – Xương Giang năm 1427, trận Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785, trận Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cuộc Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972, tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 – chiến dịch Hồ Chí Minh…

Tất cả những trận quyết chiến chiến lược trên đã được tổng kết, đánh giá và đưa vào sách giáo khoa các cấp học phổ thông, giáo dục đại học; đã có hàng chục nghìn bài viết, công trình chuyên khảo và sách viết về các chiến công hiển hách nói trên và được phổ biến rộng rãi. Cũng đã có hàng nghìn luận văn thạc sỹ, hàng trăm luận án tiến sỹ trực tiếp, gián tiếp nghiên cứu về các trận quyết chiến chiến lược nói trên…

Việc nghiên cứu về những chiến công hiển hách của dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm vẫn là đề tài hấp dẫn, lôi cuốn các học giả, cán bộ nghiên cứu cần tiếp tục khai thác ngày một sâu sắc hơn.

Chúng ta cần phải hiểu rõ lịch sử để không ngộ nhận và bị động trong tương lai.

Để trả lại sự công bằng cho lịch sử, cho các thế hệ con cháu mai sau hiểu đúng cuộc chiến tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Trung Quốc tháng 2/1979, chúng ta cần tổ chức nghiên cứu sâu sắc, toàn diện về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979.

 

Từ cuộc chiến tranh vào tháng 2/1979 có thể rút ra một số vấn đề mà hiện nay và sắp tới chúng ta phải tiếp tục. Đầu tiên, chúng ta phải tiếp tục củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc. Trước đây, chúng ta hay nói Việt Nam và Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông”, hiện nay còn “biển liền biển” nữa. Láng giềng là vĩnh cửu, 1 triệu năm nữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn là láng giềng.

Tôi lưu ý rằng, sau sự kiện Formosa cách đây vài năm, đâu đấy trên mạng đưa ra quan điểm “thoát Trung”, “thoát Cộng”, đấy là luận điệu phản động, phản khoa học, nhằm kích động, chia rẽ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, làm giảm lòng tin của người dân đối với Đảng. Với 4.500 đảng viên, những người cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo 25 triệu người Việt Nam thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, giành lại độc lập sau 86 năm bị Pháp đô hộ. Với 50.000 đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam đánh Pháp từ năm 1946 – 1954, quét sạch thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi. Với gần 1 triệu đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo 35 triệu người Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ từ năm 1954 – 1975. Những người Cộng sản của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành lại độc lập cho Tổ quốc. Trong những giai đoạn lịch sử khó khăn nhất như giai đoạn năm 1986 – 1991 trong nước thì khủng hoảng kinh tế – xã hội, ngoài nước thì Liên Xô sụp đổ, Việt Nam bị Trung Quốc phối hợp với Mỹ bao vây, cấm vậy, tình thế dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã tiến hành công cuộc Đổi mới, thành công vượt qua điểm hiểm nghèo lịch sử. Đến bây giờ, chưa bao giờ cơ đồ của nước ta vững mạnh như hiện nay, tất cả là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng đã động viên được nhân dân. Chính nơi đây ý Đảng và lòng dân gặp nhau đã tạo nên một sức mạnh quật cường, vô địch, đè bẹp mọi kẻ thù trong và ngoài nước. Vì thế, không thể nói “thoát Cộng” được.

Còn “thoát Trung”? Chúng ta có biên giới đất liền với Trung Quốc 1.450 km. Trung Quốc có dân số 1 tỷ 450 triệu người, một thị trường khổng lồ hết sức thuận lợi cho Việt Nam hợp tác kinh tế, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là thị trường rộng lớn, lại là biên giới, chúng ta rất tiện lợi đường thủy, đường không, đường bộ với Trung Quốc. Đây là những thuận lợi rất lớn đối với phát triển kinh tế của Việt Nam. Nên vấn đề là phải tiếp tục mở rộng, thúc đẩy hợp tác thương mại với Trung Quốc. Nên “thoát Trung” cũng hoàn toàn sai lầm, đó là âm mưu chia rẽ quan hệ Việt – Trung.

Tóm lại, từ cuộc chiến tranh tháng 2/1979, tôi nghĩ rằng việc đầu tiên cần phải tiếp tục củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc, trên nguyên tắc bảo đảm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không được xâm phạm chủ quyền của nhau. Thứ hai, về đối ngoại chúng ta phải củng cố mối quan hệ với cộng đồng quốc tế; trước hết làm sâu sắc hơn các mối quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ, với Liên bang Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN, Australia, châu Âu… Khi các mối quan hệ này được củng cố sâu rộng, vững chắc, đấy là điều kiện quan trọng nhất để chúng ta kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ ba, từ sau Đại hội XIII của Đảng, theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội, ở trong nước phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với dân, củng cố lòng tin của dân đối với Đảng. Trong nhiệm kỳ trước chúng ta đã làm rất tốt việc này, nhiệm kỳ này phải tiếp tục làm tốt hơn, tạo sự đồng thuận thống nhất, trên dưới đồng lòng, Đảng gắn với dân, kinh tế phát triển, dân chủ được mở rộng, đời sống được nâng cao, kết hợp với sức mạnh từ sự ủng hộ của quốc tế, tạo sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện thế giới hỗn loạn, biến đổi bất thường và khó lường./.

Ảnh minh họa: Trần Mạnh Thường – TTXVN – Tư liệu