Có thể khẳng định rằng, phía sau những mốc son chói lọi này của dân tộc là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập, giáo dục, rèn luyện.

90 năm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam là 90 năm kế thừa và tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, luôn biết tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam luôn gắn với vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trước các nhiệm vụ lịch sử, Đảng và Bác Hồ đã kịp thời xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Mùa xuân này tròn 90 mùa xuân của Đảng. Điểm lại những dấu mốc trọng đại của đất nước trong 90 năm qua sẽ thấy hiển hiện hành trình 90 năm đầy trí tuệ và bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Bác Hồ.

 
 

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là một mốc son lịch sử đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, đưa cuộc đấu tranh của dân tộc vào thời kỳ phát triển mới.

Trước đó, tất cả các cuộc vận động cứu nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp của các sĩ phu theo cách thức phong kiến và các cuộc vận động cách mạng theo xu hướng tư sản đương thời đều lần lượt thất bại.

Nguyễn Tất Thành sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường giải phóng cho dân tộc mình, bằng trí tuệ sáng suốt và khát vọng cháy bỏng cứu dân cứu nước đã tìm được chân lý cách mạng: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

Từ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội) năm 1925 do Nguyễn Ái Quốc lập ra - một tổ chức "quá độ" đặt cơ sở cho một Đảng Cộng sản về sau - ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng - Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của các tổ chức quần chúng, như Công hội, Nông hội, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... Tất cả những văn kiện này đều do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam mang tầm vóc lịch sử của một Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930 là một mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta trong những năm 20 của thế kỷ XX.

Đây cũng là một mốc son lịch sử đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, đưa cuộc đấu tranh của dân tộc vào thời kỳ phát triển mới. Đảng trở thành lẽ sống của nhiều thanh niên ưu tú giữa đêm trường tăm tối của dân tộc lúc bấy giờ.

 

Sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc rời Trung Quốc về nước.

Mùa xuân năm ấy, băng qua biên giới Việt - Trung lạnh lẽo, đến cột mốc 108 thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng - Cao Bằng), Nguyễn Ái Quốc dừng lại hồi lâu, xúc động. Người cúi đọc những chữ Hán và chữ Pháp được khắc ở cả hai mặt cột mốc, rồi đứng lặng nhìn về phía Tổ quốc mà bấy lâu Người phải tạm rời xa.

Giữa núi rừng Pắc Bó - Cao Bằng, "Già Thu”, "Cụ Thu Sơn” (bí danh của Nguyễn Ái Quốc), đã trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các đoàn thể Cứu quốc ở Cao Bằng, và chuẩn bị cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà Người vững tin rằng nó không còn xa nữa.

 
 

15 năm sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đuổi đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do. Để người người hát vang khúc hát “Trời xanh đây là của chúng ta / Núi rừng đây là của chúng ta / Những cánh đồng thơm mát / Những ngả đường bát ngát / Những dòng sông đỏ nặng phù sa…”

Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo đầu tiên và duy nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa trên thế giới ở thế kỷ XX, một cuộc cách mạng “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

 

 
 

Đó là mùa hè năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, chiến thắng Điện Biên Phủ đến với nước Việt hào hùng như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa đế quốc.

Bài viết Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trong cuốn Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam (tập 3) nhận định, chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới, ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam.

"Điện Biên Phủ là trận Valmy của các dân tộc da màu”. "Trên thế giới, trận Waterloo cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra những nỗi kinh hoàng ghê gớm, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn đang âm vang”... Đây là những đánh giá mà các học giả quốc tế đã dành cho chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.

Từ chiến thắng này, vào ngày thu tháng Mười năm ấy, Hà Nội hoan ca đón “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về... Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”

 
 

21 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Đảng Cộng sản Việt Nam lại cùng nhân dân của mình đón một chiến thắng lừng lẫy khác, chiến thắng đưa “đất nước trọn niềm vui”.

Đó là mùa Xuân 1975. Chiến thắng 30-4-1975 là kết quả cuối cùng của cả một quá trình kháng chiến lâu dài, bền bỉ, quyết chiến, quyết thắng của quân và dân trên cả hai miền Nam - Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm từng bước đánh bại chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Các nhà sử học đánh giá đây là thắng lợi của bản lĩnh Việt Nam, văn hoá Việt Nam; thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự tiên tiến vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cách mạng và chiến tranh Việt Nam; thắng lợi của sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, của chế độ xã hội mới được xây dựng trên miền Bắc và ở vùng giải phóng miền Nam, của tình đoàn kết chiến đấu, gắn bó keo sơn, bền chặt giữa nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

 

Giữa “muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay” trong ngày “hội toàn thắng náo nức đất nước”, bao người con nước Việt đã những muốn bay lên “say ngắm sông núi hiên ngang” của đất nước mình; muốn ôm lấy biển trời quê hương chỉ vừa thoát khỏi điêu tàn giặc giã nhờ ý chí kiên cường của cả dân tộc. Và người người nắm tay nhau hát khúc ca rộn ràng: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Về chiến thắng này, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12-1976 khẳng định: Thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nó kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, đội tiền phong dày dạn của giai cấp công nhân Việt Nam, người đại biểu trung thành và đầy đủ những lợi ích sống còn, những nguyện vọng sâu xa và chính đáng của nhân dân Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam.

 
 

Nhân tố quyết định thắng lợi quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng ta với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo. Đó là đường lối giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng quan hệ chặt chẽ với nhau: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, hoàn thành thống nhất nước nhà, tạo điều kiện để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

 
 

Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất, Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhưng bước vào giữa những năm 1980, trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, Đảng ta đã chủ động khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới đất nước, bắt đầu với Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986. Đây là một quyết định rất mạnh bạo và dũng cảm của Đảng khi tự đổi mới, hoàn thiện mình để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng vai trò của Đảng cầm quyền trước Tổ quốc và nhân dân.

Đó là những năm tháng đầy thử thách đối với Đảng và nhân dân ta. Tuy nhân dân đã phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, giành những thắng lợi to lớn trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, nhưng đất nước lại phải đối mặt với tình hình kinh tế - xã hội đang có những khó khăn gay gắt; sản xuất đình trệ; phân phối lưu thông có nhiều rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp; đời sống nhân dân lao động lâm vào thế ngặt nghèo bởi thiếu thốn…

Đảng đã dũng cảm xác định nguyên nhân của những khủng hoảng này là do trong những năm qua việc nhìn nhận, đánh giá tình hình cụ thể về các mặt kinh tế, xã hội của đất nước đã có nhiều thiếu sót. Do vậy đã dẫn đến nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế.

Đại hội Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 thẳng thắn cho rằng: “Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”, đặc biệt là bệnh chủ quan duy ý chí, lạc hậu về nhận thức lý luận.

 
 

Từ việc can đảm nhìn thẳng vào sai lầm, khuyết điểm, nghiêm túc tự phê bình, Đại hội đã nêu rõ quyết tâm đổi mới đất nước và chỉ ra những bài học quan trọng trong lãnh đạo cách mạng: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”; Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan; phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới; chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm với một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội VI cũng đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế; thực hiện ba chương trình kinh tế bao gồm chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu; xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế.