TTO - Một tuần sau khi ra đời, "ATM gạo" dành cho người nghèo, khó khăn do dịch COVID-19 ở TP.HCM đã tạo thành làn sóng mạnh mẽ, lan tỏa khắp cả nước. Những mô hình tương tự đã nhân bản ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên…
Liên tục nhận được đề nghị phối hợp đặt máy ở các địa phương, liên tục những yêu cầu kỹ thuật phát sinh cần cải tiến, dòng người xếp hàng nhận gạo rồi dòng người chở gạo đến tiếp tế ngày càng tăng... Hoàng Tuấn Anh, chủ dự án "ATM gạo", chưa bao giờ bận như vậy.
* Nhìn những người phụ nữ, đàn ông dáng vẻ lam lũ "tập" xếp hàng giữ khoảng cách an toàn trước máy ATM gạo, chúng tôi muốn hỏi Tuấn Anh vì sao lại là 1,5kg gạo một lần bấm máy?
- Anh Hoàng Tuấn Anh: Khoảng 1,5 - 2kg gạo chảy ra sau một lần nhấn nút. Tôi chọn lượng gạo ấy vì nghĩ ngần đó là đủ cho một gia đình bốn người nấu cơm hai bữa/ngày. Chúng ta giúp được ngặt chứ không ai giúp được nghèo. Trong lúc ngặt này, giúp duy trì nồi cơm là điều tối thiểu chúng tôi có thể làm.
Bên cạnh đó, số gạo ấy không đủ kích thích lòng tham của ai đó muốn lợi dụng. Máy tự động áp dụng kỹ thuật 4.0 nhưng vẫn có nhân viên điều khiển bên trong khi cần thiết, vì vậy mấy ngày qua đã có những người bấm nhưng gạo không chảy ra vì bị nhận diện không phải người thích hợp hay đã quay lại nhiều lần trong ngày.
Ấm lòng máy "ATM gạo" cho người nghèo vượt qua khó khăn mùa dịch - Video: TVO
* Không chỉ gây ấn tượng mạnh vì áp dụng kỹ thuật hiện đại, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, "ATM gạo" còn cho thấy cái tâm, cái tầm của người sáng tạo. Vì sao một người trẻ, sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả, có nhiều thuận lợi lại quan tâm đến cơn đói của người nghèo và nghĩ đến việc giúp họ "duy trì nồi cơm" như vậy?
- Tôi tự hào mình đã học được nhiều đức tính từ cha mẹ: sự mềm mại, dịu dàng, quan tâm, tinh tế của mẹ; sự quyết đoán, cứng rắn của cha. Dung hòa giữa hai người tạo nên tôi ngày hôm nay.
Sau chiến tranh, gia đình tôi cũng đã có thời gian rất khó khăn. Khi tôi được sinh ra, gia đình đã ổn định, khá giả, nhưng cha mẹ tôi vẫn luôn dạy anh em chúng tôi giá trị của lao động.
Ngay điểm phát gạo này khi xưa là trang trại của gia đình. Cứ cuối tuần tôi lại theo ba từ nhà ở quận 5 đến đây làm việc: tắm bò, cho bò ăn, vắt sữa, dọn chuồng...
Tôi hiểu những giọt mồ hôi từ ngày ấy, cũng biết quan tâm đến những nỗi niềm, tâm trạng của người lao động từ đấy.
* Ở góc độ của người kinh doanh, anh nhìn những tác động của cơn đại dịch này đến kinh tế và đến người lao động như thế nào?
- Tôi được gia đình đưa sang Úc du học và tập tành kinh doanh từ năm 15 tuổi. Tính đến nay đã 20 năm trong ngành kinh doanh, đã trải qua ba lần khủng hoảng kinh tế thế giới, chưa kể những lần thất bại, trắng tay của riêng mình. Thế nhưng chưa lần nào tôi cảm được sự tác động khủng khiếp như bệnh dịch lần này.
Các mảng kinh doanh của tôi và gia đình đều bị ngưng trệ, không thể lấy cái này đỡ cái kia như những lần trước. Nhìn ra xã hội cũng vậy, không có ai, không có lĩnh vực nào thoát khỏi khủng hoảng, và lại là khủng hoảng toàn thế giới.
Đau đầu vì chuyện kinh doanh của công ty, lo lắng cho việc làm của đội ngũ nhân viên nhưng tôi nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn những người lao động làm bữa hôm ăn bữa mai nhiều lắm. Mọi ngày họ không bán vé số thì còn có thể phụ giúp quán ăn, cà phê... Nay mọi dịch vụ ngưng lại, việc làm nào cho họ để kiếm sống?
Đói ăn có thể khiến người ta quẫn trí. Nghĩ đến việc còn nhiều bất ổn do dịch bệnh kéo dài, lượng người thất nghiệp đông. Nghĩ đến ai đó vì thiếu một bữa ăn mà thấy mình vào đường cùng đến phải tự tử, phải sa ngã, phạm tội tôi nghĩ mình phải đưa một bàn tay cho họ nắm, và phải ngay lập tức.
* Và thế là ATM gạo ra đời?
- Ban đầu tôi nghĩ sẽ mua mấy tấn gạo, đóng túi 2kg để tặng. Nhưng theo dõi thấy những điểm phát quà từ thiện khác trở thành nơi tập trung đông người, xảy ra lộn xộn, phức tạp. Vốn chuyên môn kỹ thuật, tôi nghĩ cách khắc phục: chuyền gạo tự động bằng ống và đảm bảo khoảng cách 2m/người như quy định.
Đội ngũ kỹ thuật công ty xúm vào tìm giải pháp. Sau một ngày làm việc, máy "ATM gạo" đầu tiên được thiết kế bằng các vật liệu có sẵn. Ngày chủ nhật, không mua kịp, tôi tháo luôn môtơ bạc tỉ trong máy test khóa của công ty để lắp tạm.
Lượng sức mình, ban đầu tôi dự định phát 500kg gạo mỗi ngày cho tới cuối tháng, khi ấy hi vọng dịch đã qua, nhịp sống sẽ trở lại bình thường. Tôi còn định nhờ mấy người quen biết rao lên giúp để mọi người biết "ATM gạo" mà đến nhận, nên sự phát triển của dự án mấy ngày qua hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của mọi người.
* Dự án tự lớn lên và có đời sống của nó. Vậy là anh và những người tham gia phải "cuốn theo chiều gió"?
- Trước hết là lượng người đến nhiều ngoài dự kiến, khiến máy hoạt động cả ngày lẫn đêm, các nhân viên của tôi phải chia ba ca trực điều hành máy, giữ trật tự, an toàn.
Lượng gạo dự trữ mang ra phát tiếp, những tưởng phải dừng sớm hơn dự kiến, nhưng không, tin tức loan đi, cùng với dòng người đến xếp hàng nhận gạo là những chiếc xe chở gạo đến. Người 50kg, người 100kg, lại có đến cả tấn.
Người nhận gạo đến từ khắp nơi, người góp gạo cũng đến từ khắp nơi, chỉ kịp cười với nhau qua chiếc khẩu trang rồi đi. Việc phát gạo với chúng tôi không còn chỉ là tấm lòng của mình nữa, mà thành một gánh trách nhiệm.
Phải cấp tốc tăng cơ giới cho khâu di chuyển - nâng - đổ gạo vào bồn chứa, dọn dẹp mặt bằng để đặt pallet chứa gạo, tìm thêm điểm đặt ATM mới để giảm tải… Hàng núi công việc bỗng chốc ập đến, cuốn mọi người đi.
Cây "ATM gạo" nghĩa tình tại Hà Nội - Video: H.THANH - M.THƯƠNG
* Chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm nặng nề của người làm công tác xã hội. Điều gì làm anh lo lắng nhất lúc này? Niềm vui của sự cho - nhận có bù đắp lại được chăng?
- Giờ tôi không lo thiếu gạo nữa mà lo làm sao để những ATM gạo 2, 3, 4, 5 hoạt động tốt, an ninh về trật tự, an toàn về y tế, bởi chỉ cần có một sự cố xảy ra thôi, tất cả sẽ phải dừng lại.
Các "ATM gạo" sau này tôi sẽ thiết kế trong một chiếc container để dễ di chuyển. Những chiếc "ATM gạo" di chuyển được này sẽ còn được sử dụng sau này khi dịch qua đi và những cơn lũ lụt miền Trung lại đến chẳng hạn.
Còn niềm vui? Thật sự rất vui, nhưng hiện đang bận và mệt quá, đến không có thời gian vui.
* Anh có dự kiến "ATM gạo" phát triển thế nào và khi nào dừng lại không?
- Với sự ủng hộ lớn lao và nhu cầu rộng rãi ở các địa phương, tôi mong sẽ tặng hoặc chuyển giao công nghệ để có 100 "ATM gạo" khắp mọi nơi. Khi ấy, người nhận gạo không phải tìm kiếm quá xa, người ủng hộ cũng bớt phần vất vả.
Tôi biết người nghèo còn nhiều và cuộc khủng hoảng này còn ảnh hưởng kinh tế lâu dài. Với điểm phát gạo đặt ngay công ty, chúng tôi sẽ nỗ lực để duy trì đến hết dịch, và có thể khoảng thời gian ngắn hạn sau đó nữa: 3 tháng, 6 tháng hoặc thậm chí 1 năm.
"ATM gạo" của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk - Video: TRUNG TÂN