Tính đến nay đã qua 68 năm. Thực hiện lời căn dặn đó của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội vẫn đang tiếp tục chặng đường làm sao để “Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Quan tâm đến sự phát triển của Thủ đô, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã có Nghị quyết số 15/TƯ đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cần nhấn mạnh rằng trước đó Trung ương Đảng cũng đã có những nghị quyết định hướng phát triển Thủ đô theo từng giai đoạn. Bộ Chính trị đưa ra nghị quyết mới này với mong muốn dựa vào sự phát triển vũ bão của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng của Việt Nam, cộng với “hào khí ngày giải phóng Thủ đô”, ý chí, khát vọng phát triển Thủ đô của người Hà Nội và cả nước sẽ tạo nên bước phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô.
Với Nghị quyết 15, Hà Nội đã xác định đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; từ đó xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước...
Hà Nội cũng sẽ tập trung phát triển văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa. Phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị . Tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo. Chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”- sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam...
Về nông nghiệp, Hà Nội tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; rà soát quy hoạch đất đai và bố trí lại các vùng, các xã trọng điểm sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn... Hà Nội phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2025 đạt 70%; năm 2030 đạt 80%.
Thành phố cũng chỉ rõ nhiệm vụ củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tổ chức tín dụng và hệ thống quỹ tài chính. Cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường theo hướng cổ phần hóa, bán vốn của doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc không giữ quyền chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Tập trung xử lý dứt điểm các tổng công ty Nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Với những định hướng nhiệm vụ chiến lược đó, Hà Nội thực sự sẽ là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Cũng như cả nước, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Tuy vậy, theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, kinh tế - xã hội Hà Nội 9 tháng năm 2022 đạt được kết quả tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, kinh tế đều đạt mức tăng trưởng khá; thu ngân sách Nhà nước tăng 13,7%. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thủ đô tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 4,1%). Tính riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,2%; khai khoáng giảm 5,7%.
Hiện nay Hà Nội đang có Chương trình 03 về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025" sẽ giúp Hà Nội phát triển toàn diện hơn. Chương trình số 08 về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025" mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cụ thể hóa tinh thần đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi chủ trương, đường lối.
Trong đợt kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô năm nay, nhiều chương trình hoạt động văn hóa và thể thao sẽ được tổ chức nhằm tạo khí thế sôi nổi cho Thủ đô và một số công trình xây dựng sẽ được Thành phố công nhận là công trình chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Theo ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục như tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Đặc biệt, Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới.
Việc mở rộng không gian phát triển, phát triển đô thị vệ tinh, hạ tầng giao thông, quy hoạch, triển khai các dự án lớn, khơi thông nguồn lực, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu. Các vấn đề úng ngập, ùn tắc giao thông, xử lý môi trường còn chưa được giải quyết triệt để. Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi nội thành còn chậm…
Nhìn nhận những hạn chế đó, người Hà Nội tin tưởng rằng với hào khí Thăng Long đã được hun đúc qua từng chặng đường lịch sử, Hà Nội sẽ xứng đáng trở thành Thủ đô "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại" vào năm 2030.