Chủ tịch Giovanni Nguyễn Trọng Phi và giấc mơ thời trang Việt vươn tầm châu lục
Phía sau ánh sáng thành công hào nhoáng của thương hiệu thời trang cận xa xỉ, đẳng cấp Giovanni, có không ít chuyện thú vị về cuộc đời kinh doanh được doanh nhân Nguyễn Trọng Phi trải lòng nhân dịp năm mới.
12 năm thương hiệu Giovanni có mặt ở Việt Nam, điều tự hào nhất của ông về Giovanni là gì thưa ông?
Trải nghiệm của khách hàng là câu chuyện chúng tôi tự hào nhất! Chúng tôi tin rằng ở mảng kinh doanh, ở phân khúc khách hàng mà mình đang phục vụ, Giovanni là một cái tên đã khẳng định được vị trí của mình. Chúng tôi tự hào khi Giovanni mang tới cho khách hàng những sản phẩm đẳng cấp, đến từ những nhà sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu nổi tiếng trên thế giới.
Chúng tôi là đơn vị có thể nói là duy nhất ở Việt Nam trở thành nhà phân phối của các hãng vải lớn như Loro Piana, Zegna, hay Thomas Mason… Họ có những đòi hỏi rất cao, điều kiện rất khắt khe để lựa chọn đơn vị được họ cung ứng. Chúng tôi cũng là doanh nghiệp (DN) thời trang Việt Nam duy nhất đặt hàng nguyên phụ liệu của những nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho các thương hiệu thời trang danh tiếng như Gucci, Hugo Boss...
Chúng tôi cũng là DN Việt duy nhất được sản xuất sản phẩm tại các nhà máy sản xuất lớn nhất trên thế giới. Trước Giovanni, chưa công ty thời trang nào của Việt Nam làm được điều này.
Với quy mô và tốc độ phát triển như hiện tại, định hướng kinh doanh và đầu tư tiếp theo của Giovanni như thế nào thưa ông?
Hướng đầu tư tiếp theo của chúng tôi tập trung vào 3 hướng chính.
Chúng tôi đang chuyển dịch đầu tư dần từ bán lẻ sang sản xuất.
Hiện tại, Giovanni Group đang sở hữu nguyên một chuỗi giá trị từ khâu thiết kế từ ý tưởng, xu hướng sáng tạo cho tới khâu nguyên phụ liệu tới tổ chức sản xuất, gia nhận, vận tải cho tới phân phối tiêu thụ và chăm sóc sau bán. Chuỗi giá trị tại khâu sản xuất là cái khó nhất, mang lại giá trị gia tăng thấp nhất nhưng lại là mắt xích quan trọng giúp chúng tôi kiểm soát được 100% chất lượng sản phẩm với quy trình kiểm tra chất lượng ít nhất 5 khâu.
Tôi cũng đặt mục tiêu đưa Giovanni vươn tầm mở rộng hệ thống phân phối ra khu vực Đông Nam Á và Châu Á.
Hiện tại chúng tôi đang sở hữu hệ thống phân phối nằm trong top 2 thương hiệu lớn nhất Việt Nam trong phân khúc cao cấp, cận xa xỉ.
Với việc phát triển chuyên sâu hơn ở từng phân khúc, chúng tôi kì vọng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam tới năm 2020 và sau đó là phát triển ra khu vực Đông Nam Á vào 2021, tiếp đó là châu Á vào 2024.
Hiện tại chúng tôi đang làm việc với một vài quỹ đầu tư để đưa thương hiệu Giovanni ra các thành phố lớn của khu vực như Singapore, Bangkok, Hongkong, Thẩm Quyến, Tokyo.
Chúng tôi cũng đang hoàn thành nốt các thủ tục để đưa thương hiệu Giovanni giới thiệu và bán tại các cửa hàng bán nhiều nhãn hiệu ở Milano thông qua các đối tác chiến lược của chúng tôi tại Ý.
Cuối cùng, Giovanni cũng đang định hướng đầu tư vào cung cấp trải nghiệm mua sắm tuyệt vời và xuyên suốt cho khách hàng trên cả môi trường online và cửa hàng - offline.
Ông có kế hoạch “lên sàn” hay không, bởi để thực hiện được những khối lượng việc đồ sộ đó, câu chuyện vốn sẽ rất quan trọng?
Đó là mục tiêu tới năm 2021, 3 năm nữa chúng tôi muốn trở thành doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Xác định đến khi phát triển tới một quy mô hoạt động nhất định, chúng tôi sẽ không thể giữ tiếp mô hình hiện nay.
Chúng tôi kì vọng khi Giovanni niêm yết, sẽ đóng góp vào thị trường chứng khoán một mã chứng khoán với lịch sử hình thành phát triển hay nhất, với chất lượng các chỉ số chứng khoán tốt nhất, với toàn bộ các tiêu chuẩn về sự minh bạch sự cam kết.
Vậy đến lúc đó, Giovanni là nhà sản xuất hay phân phối và những sản phẩm cốt lõi của mình là gì, may mặc hay da, giầy... thưa ông?
Chúng tôi cung cấp đầy đủ các mặt hàng may mặc và phụ kiện da cho nam và nữ, phục vụ các khách hàng trong độ tuổi và mức thu nhập khác nhau. Trong đó, có nhiều mặt hàng được khách hàng tin dùng và có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Có thể kế đến áo sơ mi và áo khoác nam, dây lưng nam, giày và túi cho nam và nữ mang các thương hiệu của tập đoàn là Giovanni Sartoria (thương hiệu thời trang nam phân khúc xa xỉ), Giovanni (trang phục và đồ da nam) và GioGio (thời trang và phụ kiện nữ) ở phân khúc cận xa xỉ, cùng với thương hiệu trẻ Gio Bernini.
Ông nghĩ sao về xu hướng, cơ hội, thách thức và định hướng đầu tư thông minh và hiệu quả của ngành dệt, may, da và giầy Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh và cách mạng 4.0?
Nếu cách đây 10 năm, chúng tôi phải thực hiện các chương trình quảng bá với nhiều độ trễ và nhiều chi phí mới chạm đến được khách hàng tuyến huyện ở các tỉnh, thì hôm nay chỉ thông qua vài câu lệnh và cú click chúng tôi đã có thể tiếp cận ngay.
Nếu cách đây 10 năm, để thấu hiểu nhu cầu của khách hàng chúng tôi phải làm các nghiên cứu về “customer insight” (nôm na là sự thấu hiểu nhu cầu khách hàng, lí do dẫn đến hành vi mua hàng của khách hàng - PV) rắc rối, phức tạp và kém tin cậy thì ngày hôm nay chúng tôi có cơ hội có được các thông tin chuẩn xác về “insight” thậm chí trước cả khi khách hàng biết được họ có nhu cầu đó.
Nói về thách thức, đầu tiên, tôi có thể nhìn thấy, cũng là tính không biên giới, chúng ta biết có những giao dịch cung cấp dịch vụ và sản phẩm ngay tại Việt Nam nhưng hoạt động thanh toán lại ở nước bạn.
Đó là một trong những thách thức lớn, khi mà khách hàng có thể đứng ngay trong cửa hàng của chúng ta nhưng lại được các đơn vị khác phục vụ nếu mình phục vụ không tốt. Thách thức thứ hai là sự gia nhập các thương hiệu ngoại, với phương thức, cách làm, nguồn lực tên tuổi và với nhiều thứ khác. Thách thức thứ ba đến từ các thương hiệu thời trang nhanh, phải bóc tách riêng vì các thương hiệu thời trang nhanh đang làm thay đổi quan điểm tiêu dùng của khách hàng.
Nếu trước đây, khách hàng ở phân khúc trung cấp và cận xa xỉ chỉ có một dải thương hiệu ngắn để lựa chọn, thì hôm nay họ sẵn sàng thử và không ngần ngại khoác lên mình những sản phẩm thời trang thuộc dòng fast fashion. Khiến cho biên về tư duy mua sắm thay đổi hoàn toàn, dẫn đến sự tiến hoá về tư duy mua sắm mà nếu chúng ta không nắm bắt được chúng ta sẽ bị sai lệch và phục vụ nhầm đối tượng.
Xin cám ơn những chia sẻ của ông!