Cuốn Nhật ký chiến trường và câu chuyện xúc động về tình cha con

Trong căn nhà ấm cúng ở thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương), ngồi bên chồng và mẹ ruột – cụ Nguyễn Thị Lục (năm nay 83 tuổi), bà Nguyễn Thị Hoa xúc động nghẹn ngào khi đọc những dòng nhắn gửi trong cuốn Nhật ký chiến tranh mà cha bà – liệt sĩ Nguyễn Quang Số để lại. Cuốn nhật ký đã được anh Lê Tiến Dũng (ở thành phố Vinh), thành viên nhóm Thiện nguyện tìm mộ, di dời hài cốt liệt sĩ in ra và trao tận tay bà – cô con gái duy nhất của người đã hy sinh.

Dẫu chỉ là di vật in ra từ bản chụp phim, nhưng với bà Hoa đó là món quà vô giá của người cha thân yêu đã hy sinh từ hơn nửa thế kỷ trước, nay bất ngờ trở về bên bà như một giấc mơ. Những giọt nước mắt của sự tủi thân, của nỗi nhớ thương và cả niềm hạnh phúc khi được nhận di vật của cha cứ thế tuôn rơi trên gương mặt phúc hậu của người phụ nữ nay cũng đã lên chức bà.

Anh Lê Tiến Dũng- người đã kết nối và tìm thân nhân liệt sĩ Nguyễn Quang Số.
Anh Lê Tiến Dũng- người đã kết nối và tìm thân nhân liệt sĩ Nguyễn Quang Số.

Bà Hoa nghẹn ngào chia sẻ: Tôi sẽ không bao giờ quên buổi tối hôm ấy (tối 25/3/2024) khi vợ chồng tôi đang ngồi xem ti vi thì nhận được cuộc gọi của con trai nói người cháu họ của gia đình nhắn có thông tin về cuốn sổ nhật ký của cha (liệt sĩ Nguyễn Quang Số – PV) được đăng trên trang facebook của anh Lê Tiến Dũng với nội dung tìm thân nhân liệt sĩ và được một trang Đồng Hương Thanh Chương chia sẻ lại. Ngay trong đêm, tôi đã kết nối với anh Dũng và được anh chuyển cho file chụp nhật ký của cha qua mạng để đọc trước.

“Khi tôi mở ra ngay tại trang bìa đề “Nhật ký chiến tranh, tập 1, Thanh Chương. Gửi cho em tôi: Nguyễn Quang Đồng, thôn Nha Giáp, xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương” kèm chữ ký của cha, người tôi run lên và tôi chắc chắn đó là nhật ký của cha mình. Bởi Nguyễn Quang Đồng là tên chú ruột của tôi (em trai liệt sĩ Nguyễn Quang Số – PV), địa chỉ ghi trên Nhật ký chính là quê tôi. Tôi đã thức gần như nguyên đêm để đọc từng trang nhật ký của cha, đọc chừng nào nước mắt rơi chừng đó. Khi chạm đến tiếng gọi tha thiết “Hoa con!”, trái tim tôi như thắt lại, thấy thương nhớ cha vô cùng…” – bà Hoa nghẹn ngào bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Hoa cùng mẹ (cụ Nguyễn Thị Lục) nâng niu cuốn nhật ký của cha.
Bà Nguyễn Thị Hoa cùng mẹ (cụ Nguyễn Thị Lục) nâng niu cuốn nhật ký của cha.

Theo hồi ức của cụ Nguyễn Thị Lục – vợ liệt sĩ Nguyễn Quang Số thì ông sinh năm 1941 (hồ sơ nhập ngũ ghi sinh năm 1944). Trước khi được lệnh vào miền Nam chiến đấu ngày 31/10/1967, liệt sĩ Nguyễn Quang Số có thời gian đi học ở Phú Thọ, lúc này, bà Lục cũng rời quê nhà Thanh Chương theo chồng vào đây, làm công nhân xí nghiệp gạch ngói. Con gái họ được sinh ra ở Phú Thọ. Tên con gái Nguyễn Thị Hoa là do ông đặt – một bông hoa kết tinh từ tình yêu của hai vợ chồng. Khi liệt sĩ Nguyễn Quang Số nhận lệnh vào chiến trường miền Nam, con gái của họ mới một tuổi. Từ khi hành quân vào chiến trường, ông chưa một lần được gặp lại con, nhưng tình yêu thương của người cha dành cho cô con gái nhỏ được thể hiện qua những trang nhật ký đong đầy cảm xúc.

Trong trang nhật ký đề ngày 19/9/1968, liệt sĩ Nguyễn Quang Số tâm sự: “Ba đã sống rất mãnh liệt! Ba không quản ngại gian khổ bao giờ. Ba đã sống theo tâm hồn, ước mơ của Ba... Dù ai ngăn cản Ba cũng quyết tâm gạt ra để đi tới mục đích… Một điều ước mơ lớn nhất của Ba đạt được là trở thành đảng viên Cộng sản và kiên quyết sống đúng như người đảng viên Cộng sản chân chính. Chính vì vậy ở bộ đội Đảng phân cho Ba làm quản lý tiểu đoàn ở ngoài Bắc mà Ba đã kiên quyết xin vào tuyến đầu miền Nam để thử thách với gian khổ và ác liệt. Ba đi như vậy vì Ba nghĩ không có lúc nào đáng sống hơn giai đoạn đánh Mỹ này – mà muốn thử lửa thì phải đi ra tiền tuyến. Nếu không sau này ân hận. Sống trong giai đoạn lịch sử mà mình lại không lăn vào trung tâm của bão táp cách mạng thì thật không phải con người biết yêu lịch sử dân tộc…”.

Trang nhật ký liệt sĩ Nguyễn Quang Số viết cho con gái.
Trang nhật ký liệt sĩ Nguyễn Quang Số viết cho con gái.

Theo giấy báo tử, liệt sĩ Nguyễn Quang Số hy sinh ở mặt trận phía Nam vào ngày 26/2/1969, nhưng mãi tới năm 1971 gia đình mới nhận được giấy báo tử của ông. Những năm tháng chiến đấu, ông chỉ ghé thăm quê nhà Thanh Chương 1 lần khoảng 1 tiếng đồng hồ, nhưng chỉ gặp người thân vì vợ con ông lúc này đang ở Phú Thọ. Ngoài ra, ông còn gửi 1 lá thư ghi vắn tắt vài dòng thông báo đơn vị đang trên đường hành quân qua Tây Nguyên. Có lẽ, dự cảm được mình không thể trở về “Nếu Ba có hy sinh, đây là lời trăn trối cuối cùng của Ba”, liệt sĩ Nguyễn Quang Số đã dành 4 trang trong Nhật ký để bộc bạch, tâm sự với cô con gái của mình về nghĩa vụ của thanh niên với đồng bào, Tổ quốc, về truyền thống của gia đình: “Ba cần phải tô thắm truyền thống của gia đình… Ba muốn sau này con sẽ tự hào với quyển lý lịch của con – có ba đi đánh Mỹ. Ba muốn mẹ con cũng có quyền tự hào như bao người vợ khác mà không bao giờ phải ân hận về Ba… Ba muốn được đi cùng đất nước, phải là đi bộ theo miền Tây Trường Sơn. Chính vì vậy mà Ba đã xông pha vào nơi gian khổ, ác liệt nhất”. Những dòng cuối viết cho con, với cả tấm lòng của người cha, liệt sĩ Nguyễn Quang Số dặn dò: “Hoa con! nhớ lấy con nhé, đừng phụ lòng Ba con nhé. Lớn lên con sẽ đi học, đừng vội lấy chồng… Lớn lên, con hãy trở thành đảng viên Cộng sản chân chính! Chúc con nên người! Hôn con!”.

Bà Nguyễn Thị Hoa xúc động khi đọc nhật ký của cha viết cho mình.
Bà Nguyễn Thị Hoa xúc động khi đọc nhật ký của cha viết cho mình.

Cha hy sinh, sau một thời gian, mẹ đi bước nữa, có thêm 3 người em, tuổi thơ của bà Nguyễn Thị Hoa trải qua nhiều thiệt thòi, vất vả. Học hết cấp 3 bà đi làm công nhân rồi về mở một tiệm sách nhỏ để mưu sinh. May mắn bà được chồng là ông Nguyễn Văn Phú trước đây làm ở đội chiếu bóng sau này là Trung tâm Văn hóa thông tin và Truyền thông huyện Thanh Chương (nay đã nghỉ hưu) thương yêu, bù đắp, con cái trưởng thành.

“Cha nhập ngũ và hy sinh khi tôi đang còn nhỏ nên tôi không có ký ức gì về cha, cuốn nhật ký trở về sau 56 năm lưu lạc đã giúp vợ chồng tôi, các con tôi hình dung trọn vẹn cha, ông mình đã sống, chiến đấu, hy sinh như thế nào? Tình cảm của ông dành cho gia đình, người thân ra sao… Từng trang nhật ký sưởi ấm trái tim, an ủi, vỗ về niềm thương, nỗi nhớ và cả sự tủi hờn suốt bao nhiêu năm qua của tôi. Dù những lời căn dặn của cha mãi đến hôm nay tôi mới được đọc, nhưng suốt cuộc đời tôi luôn tâm niệm, mình là con liệt sĩ phải sống tốt, sống có ích để xứng đáng với sự hy sinh của cha…”- bà Hoa bộc bạch.

Để những trang nhật ký quý giá của liệt sĩ Nguyễn Quang Số đến được tay bà Nguyễn Thị Hoa và những người thân trong gia đình, là nhờ tấm lòng tri ân, nỗ lực tìm kiếm, kết nối của những người “nối nhịp cầu” ký ức. Đầu tiên là kỹ sư Lâm Hồng Tiên, SN 1975 ở Hà Nội – hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam – người đã tìm thấy bản chụp cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số và những thông tin liên quan đến hoàn cảnh hy sinh của liệt sĩ trong kho tư liệu đồ sộ về chiến tranh Việt Nam được lưu trữ trên website của Đại học Kỹ thuật Texas, Hoa Kỳ. Theo đó: Sáng 26/2/1969, bộ đội đặc công Việt Nam tấn công góc Tây Bắc căn cứ Củ Chi (Đồng Dù), là căn cứ của Sư đoàn 25 Mỹ trú đóng. Sau trận đánh, tại một khu hầm ngầm ở phía Đông Nam căn cứ Đồng Dù, quân Mỹ thu giữ một số giấy tờ thể hiện phiên hiệu Tiểu đoàn 3 đặc công Miền. Cụ thể: Một sổ ghi chép, thời gian ghi từ 30/12/1967 đến 7/10/1968 của đồng chí Nguyễn Quang Số, quản lý đơn vị D3 B16 Đoàn 129 (tức Tiểu đoàn 3 Phòng đặc công Miền).

Anh Tiên đã đăng tải những thông tin liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Quang Số lên trang kyvatkhangchien.com và kết nối chuyển tư liệu cho anh Lê Tiến Dũng (ở thành phố Vinh) – một người cũng rất tâm huyết trong việc tìm kiếm, kết nối các thông tin về liệt sĩ. Rất nhanh chóng thông qua cán bộ chính sách và mạng xã hội anh Dũng đã tìm thấy thông tin về thân nhân và liên hệ với con gái liệt sĩ là bà Nguyễn Thị Hoa hiện đang sống ở thị trấn Dùng (Thanh Chương).

Thông tin liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Quang Số trên trang kyvatkhangchien.com
Thông tin liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Quang Số trên trang kyvatkhangchien.com

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số ấn tượng ngay từ trang bìa với nét chữ bay bổng, ghi chép cẩn thận, sạch sẽ dù trong hoàn cảnh mưa bom, bão đạn. Có những trang nhật ký ghi lại cảm xúc dọc đường hành quân, những gian khổ trong kháng chiến và lời thề quyết tâm đánh giặc. Nhiều trang ghi chép lại những lời căn dặn và hình ảnh Bác Hồ, các bài thơ cách mạng của các tác giả nổi tiếng (Tố Hữu, Giang Nam…) và có cả bài thơ “Đợi anh về” của nhà thơ Xô Viết Xi-mô-nốp: “Em ơi đợi anh về/Đợi anh hoài em nhé… tan giặc bước đường quê/anh của em lại về…” được liệt sĩ chép tặng người vợ yêu thương nơi hậu phương là bà Nguyễn Thị Lục.

Đặc biệt, liệt sĩ Nguyễn Quang Số đã dành những tình cảm yêu quý, trân trọng khi viết về thủ trưởng, về những người đồng chí, đồng đội cùng chiến hào với mình. Ví như trong trang nhật ký đêm 22/8/1968 ở núi rừng Tây Ninh, người lính ấy đã viết: “Chưa bao giờ anh em hành quân lại mang nặng như lần này… Thương anh em quá! Thương yêu đồng đội không chỉ nói bằng mồm hay chỉ ghi vào nhật ký được, mà phải thể hiện trên công tác phục vụ của mình. Thế thì từ nay lấy tinh thần của một chiến sỹ hậu cần, lấy tư cách của một đảng viên Cộng sản toàn tâm, toàn ý phục vụ anh em…”. Khi nhắc về Đại đội trưởng Nguyễn Thanh Lam quê ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, người đồng hương Nghệ An Nguyễn Quang Số cảm nhận: “Anh Lam nóng tính nhưng mộc mạc, chân thành, có lòng thương yêu giai cấp, đồng đội sâu sắc. Tác phong dứt khoát, khẩn trương, nếp sống phóng khoáng, quả là nhà chỉ huy quân sự…”. Ông cũng trải qua những cảm xúc “bùi ngùi, thương tiếc, xúc động” trước sự ra đi của của thủ trưởng Lễ – Tiểu đoàn trưởng D8, B16,129: “nếu có tinh thần tiến công cách mạng đến cùng, thì đêm khuya kia thủ trưởng không lần mò, lặn lội chui vào đồn địch. Nghe đến đây, tôi chảy nước mắt. Tôi nguyện noi theo Thủ trưởng, làm theo Thủ trưởng kính yêu…”!

Anh Lê Tiến Dũng trao cuốn nhật ký cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Quang Số.
Anh Lê Tiến Dũng trao cuốn nhật ký cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Quang Số.

Suốt dọc đường hành quân, liệt sĩ Nguyễn Quang Số cũng trải lòng về nỗi nhớ thầy mẹ, nhớ vợ con, về nỗi xúc động khó tả “vui mừng mà bùi ngùi” khi được tranh thủ về qua nhà gặp người thân thể hiện trong trang Nhật ký đề ngày 27/8/1968: “em Đồng ra cổng đón, rồi mẹ, rồi ông… Em Đồng lớn quá, mẹ đã già đi nhiều, ông thì hai mắt đã loà… mình cố nén nhưng nước mắt cứ trào ra…”.

Bịn rịn lưu luyến là thế nhưng người lính ấy vẫn đặt tinh thần, ý thức kỷ luật lên trên hết: “Kim đồng hồ chạy nhanh quá, bao nhiêu chú bác anh em bà con thân thích chưa được gặp, nhưng 5h đã hành quân, tinh thần kỷ luật thôi thúc mình cắt tất cả những gì quyến luyến để đạp xe ra đi… Đến bây giờ nghĩ đến một tiếng đồng hồ quý giá ấy mà sung sướng”. Một lần khác trên đường hành quân, được dừng chân ở đất Nghệ An, được nghe giọng nói thân thuộc của quê hương, người lính xa quê xúc động bùi ngùi: Tôi đã về huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An… Nơi đây phần lớn là người Hưng Nguyên lên khai phá miền Tây. Xúc động biết bao, mấy năm trời, nay tôi lại nghe tiếng hoàn toàn Nghệ An…”.

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số.
Cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số.

Trong cuốn nhật ký của mình, khi tâm sự với người thân, liệt sĩ Nguyễn Quang Số luôn xác định tâm thế về sự hy sinh một cách bình thản. Các trang nhật ký viết cho thầy mẹ, cho vợ, cho cô con gái nhỏ của liệt sĩ Nguyễn Quang Số đề ngày 19/9/1968, sau khi ông trải qua “một giấc mơ vô cùng lý thú. Trong những ngày ốm đau, hình ảnh thầy mẹ, vợ con và em Đồng lúc nào cũng hiện lên trước mắt… Từ đó cho đến sáng, mình không thể nào ngủ được…”. Ông nhắn gửi thầy mẹ: “Nếu như con có hy sinh thì trước lúc vĩnh biệt thầy mẹ, con gửi lời nhắn thầy mẹ biết: Con của thầy mẹ rất xứng đáng.

Ông cũng gửi lời dặn dò đến vợ mình là bà Nguyễn Thị Lục: “Lục em! mấy hôm nay anh nghĩ về em, càng nghĩ càng thương em tha thiết!Nếu như trong cuộc vật lộn với kẻ thù tàn ác, dã man mà anh có hy sinh thì đây là lời dặn dò trước lúc vĩnh biệt em… Em cứ mạnh dạn tìm một người để sớm tối đi về cùng em… Hãy làm tròn nghĩa vụ của một người mẹ hiền đối với con Hoa của chúng ta. Tuy nhiên con sẽ ở với ông bà của nó, nhưng hãy theo dõi bước trưởng thành của con cho đến khi con nên người. Hãy kể về đời anh cho con nghe, giáo dục con…”.

PV Báo Nghệ An trao đổi với anh Lê Tiến Dũng.
PV Báo Nghệ An trao đổi với anh Lê Tiến Dũng.

Tâm nguyện lớn nhất của liệt sĩ Nguyễn Quang Số trước lúc hy sinh là mong cô con gái nhỏ của mình sẽ được nuôi dạy nên người. Và dù trải qua vất vả nhưng “bông hoa nhỏ” của liệt sĩ Nguyễn Quang Số đã trưởng thành, sống lương thiện, bình thường mà không tầm thường.

Nâng niu trên tay cuốn nhật ký của cha, mắt ngấn lệ, bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ rằng, trước giờ, bà luôn canh cánh trong lòng bởi chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ nhưng gia đình vẫn chưa tìm thấy phần mộ của ông đem về an táng tại quê nhà. Thế nhưng, việc tìm được cuốn nhật ký của người đã khuất là niềm an ủi lớn lao, thắp lên hy vọng đối với bà và người thân “như một sợi dây kết nối hiện tại và quá khứ, như linh hồn cha tôi đang về đoàn tụ cùng gia đình”…