Năm học 2023 - 2024, TP Hồ Chí Minh dự kiến tăng hơn 35.000 học sinh ở các cấp học. Mặc dù vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho 100% học sinh trên địa bàn, nhưng việc tổ chức hoạt động theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của ngành giáo dục Thành phố dự báo gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm này, ngành giáo dục và các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới với yêu cầu đảm bảo cả về đội ngũ giáo viên lẫn cơ sở vật chất.
Năm học 2023 - 2024, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh đầu cấp với việc thực hiện hoàn toàn theo hình thức trực tuyến; đồng thời thí điểm áp dụng hệ thống bản đồ của ngành giáo dục (GIS) vào công tác tuyển sinh ở ba địa phương gồm: Quận 8, Tân Bình và thành phố Thủ Đức. Đến nay, công tác tuyển sinh đầu cấp tại các địa phương đã cơ bản hoàn tất. Ghi nhận bước đầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình tuyển sinh đã mang lại thuận lợi cho phụ huynh, học sinh và nhà trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tiễn đã phát sinh những khó khăn nhất định.
Có con gái sinh năm 2012, chị Nguyễn Ánh Nhung (thành phố Thủ Đức) thực hiện các bước đăng ký trực tuyến tuyển sinh vào lớp 6 cho con theo hướng dẫn. Sau các bước khai báo thông tin bằng mã định danh cá nhân học sinh, xác nhận nguyện vọng đăng ký trên phần mềm tuyển sinh, chị Nhung nhận được kết quả con được phân tuyến vào lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Trường Thạnh, gần nơi cư trú. Nhận được kết quả tuyển sinh, chị Nhung chỉ cần đến trường một lần duy nhất để xác nhận nhập học cho con.
Chị Nhung chia sẻ, việc thực hiện tuyển sinh hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến đã tạo thuận lợi cho phụ huynh, giảm thời gian đi lại thực hiện hồ sơ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các bước đăng ký trực tuyến phát sinh các vấn đề như: hệ thống bị lỗi do quá tải. Mặt khác, chị còn bỡ ngỡ trong việc thao tác các bước đăng ký trên hệ thống. Quá trình đó, chị được giáo viên trường tiểu học của con hỗ trợ, hướng dẫn.
Từ năm học 2023 - 2024, TP Hồ Chí Minh thực hiện các bước trong quy trình tuyển sinh các lớp đầu cấp hoàn toàn theo hình thức trực tuyến. Theo đó, quy trình tuyển sinh trải qua 3 giai đoạn, với các bước như khai báo thông tin bằng mã định danh của học sinh, rà soát thông tin trên hệ thống và đăng ký tuyển sinh; dựa trên dữ liệu trên hệ thống, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương sẽ phân tuyến học sinh vào các trường và công bố kết quả tuyển sinh. Từ kết quả này, phụ huynh đến trường thực hiện hồ sơ nhập học cho con.
Từ thực tế triển khai cho thấy, việc ứng dụng công nghệ đã tạo thuận lợi cho cả phụ huynh và giảm tải cho trường học trong thực hiện công tác tuyển sinh. Dù đạt được nhiều kết quả tích cực từ việc chuyển đổi hình thức tuyển sinh sang trực tuyến, tuy nhiên, trong triển khai thực tiễn còn có những vấn đề khó khăn cần được giải quyết như hệ thống chưa đáp ứng. Phụ huynh chưa quen với thao tác trên thiết bị công nghệ. Nhà trường còn lúng túng trong việc giải quyết các trường hợp phát sinh trong phân tuyến, một số phụ huynh còn băn khoăn về kết quả phân tuyến.
Mặt khác, dù thực hiện tuyển sinh trên một hệ thống chung của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, nhưng mỗi địa phương lại có kế hoạch tuyển sinh riêng với những yêu cầu, căn cứ để phân tuyến trường học riêng. Vì thế, trong đợt tuyển sinh vừa qua, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng học sinh đăng ký thông tin tuyển sinh nhưng chưa được phân tuyến. Các trường hợp chưa được phân tuyến này vẫn được tiếp tục hỗ trợ giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, nhưng điều này khiến phụ huynh băn khoăn.
Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Nguyễn Trực (Quận 8) dự kiến có 800 học sinh các lớp. Trường được đầu tư xây dựng mới với 30 phòng học, trong đó 18 phòng học được đưa vào sử dụng ngay đầu năm học mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất.
Cô Lê Thị Thu Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường nằm trên địa bàn Phường 1, Quận 8. Thực hiện tuyển sinh theo bản đồ GIS, không bị giới hạn phân tuyến theo địa giới hành chính như trước đây, trường đón nhận rất nhiều học sinh ngoài phường, thậm chí ngoài quận. Trong số 270 học sinh vào lớp 1, phần lớn là học sinh của huyện Bình Chánh. Ghi nhận phản hồi từ thực tế cho thấy, dù còn khó khăn trong triển khai thực hiện do nhiều phụ huynh chưa tiếp cận với công nghệ, nhưng họ hài lòng với việc đổi mới tuyển sinh này do được học ở trường gần nơi cư trú hơn.
Năm nay, ba địa phương tại TP Hồ Chí Minh gồm Quận 8, thành phố Thủ Đức, quận Tân Bình thực hiện thí điểm áp dụng bản đồ số (GIS) của ngành giáo dục để phân tuyến trong tuyển sinh đầu cấp. Tức là thay vì phân tuyến học sinh theo địa bàn phường như trước đây, học sinh sẽ được bố trí học tại trường gần nhà nhất, có thể không theo địa giới hành chính.
Thực tế, số học sinh tại mỗi địa bàn đông và luôn có xu hướng tăng, nhu cầu học tập của học sinh rất đa dạng theo từng loại hình trường, lớp; nhất là nhu cầu theo học trường tiên tiến hội nhập quốc tế, lớp tiếng Anh tăng cường, tích hợp khá lớn trong khi khả năng đáp ứng còn hạn chế. Chỉ tiêu tuyển sinh không đáp ứng nhu cầu, phân bổ vào học ở trường không như mong muốn… là những lý do khiến một số phụ huynh không đồng ý kết quả tuyển sinh. Vì thế, dù theo kế hoạch, công tác tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6) của Thành phố được hoàn tất vào cuối tháng 7, nhưng nhiều quận, huyện phải tiếp tục mở cổng đăng ký xét tuyển cho các trường hợp chưa xác nhận nhập học hoặc chưa được phân tuyến.
Theo ông Dương Văn Dân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 8, quận tiếp nhận số học sinh đầu cấp, nhất là vào lớp 6 cao hơn chỉ tiêu. Việc đổi mới tuyển sinh đã mang lại nhiều thuận lợi cho phụ huynh và nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh được học trường gần nhà hơn. Thực tế, ngoài số học sinh trên địa bàn, quận còn tiếp nhận nhiều học sinh ở khu vực giáp ranh thuộc quận Bình Tân, huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, qua đợt tuyển sinh vừa qua vẫn còn trường hợp học sinh chưa được phân tuyến do phụ huynh thao tác chưa đúng yêu cầu, do lỗi kỹ thuật hoặc học sinh chưa có mã định danh. Bên cạnh đó, Phòng ghi nhận một số trường hợp phụ huynh không đồng ý kết quả tuyển sinh trong đợt 1. Các trường hợp này, Phòng đã hỗ trợ, giải đáp và giải quyết phân tuyến dựa vào nơi cư trú thực tế.
Tương tự, các đơn vị còn lại thực hiện thí điểm tuyển sinh theo bản đồ GIS cũng xảy ra tình trạng phụ huynh không đồng ý với kết quả phân bổ chỗ học. Lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, bản đồ GIS chỉ là một trong những căn cứ để thực hiện sắp xếp chỗ học cho học sinh. Việc phân tuyến còn phụ thuộc nhiều yếu tố như khả năng đáp ứng chỗ học của trường, nhất là ở khu vực tập trung đông dân; loại hình trường, lớp trên địa bàn...
Nhiều ý kiến đề xuất, nếu tiếp tục triển khai tuyển sinh theo bản đồ GIS, bên cạnh căn cứ về khoảng cách, cần có những quy định cụ thể hơn để việc phân tuyến thuận lợi hơn, tránh được tình trạng phụ huynh băn khoăn về kết quả tuyển sinh. Cùng với đó, cần có sự thống nhất về kế hoạch tuyển sinh đầu cấp ở các quận, huyện, như về căn cứ, điều kiện tuyển sinh, phân tuyến (theo hộ khẩu, tạm trú, chỗ ở hiện nay…).
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh chia sẻ, năm nay Thành phố có nhiều đổi mới trong tuyển sinh đầu cấp. Đến nay, 99% học sinh của Thành phố đã được cập nhật dữ liệu trên hệ thống của ngành. Trong năm đầu tiên triển khai, dù có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm và khắc phục trong năm học tới, nhưng việc đổi mới tuyển sinh đầu cấp là một dấu ấn lớn của Thành phố. Hầu hết phụ huynh hài lòng với kết quả tuyển sinh, nhưng cũng có những trường hợp phụ huynh chưa hài lòng với việc phân tuyến trường học của các quận, huyện.
Năm học 2023 - 2024, TP Hồ Chí Minh dự kiến tăng trên 35.000 học sinh các cấp học. Mặc dù Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư, xây dựng trường học, lớp học mới nhưng chưa thể giảm được áp lực về chỗ học.
Năm học 2023 - 2024, dự kiến số trẻ vào lớp 1 ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân lên đến 1.000 học sinh. Tuy nhiên, phường chỉ có Trường Tiểu học Bình Trị Đông A với khả tiếp nhận tối đa 280 học sinh đầu cấp. Vì vậy, trên 700 học sinh lớp 1 tại phường này phải học “nhờ” ở các phường lân cận, đi học xa hơn. Phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, năm học mới có trên 680 học sinh vào lớp 6 nhưng phường chưa có Trường Trung học Cơ sở. 20 năm kể từ khi thành lập quận, học sinh Trung học Cơ sở cư trú tại phường Bình Trị Đông B phải sang các trường ở 4 phường lân cận để học.
Toàn quận Bình Tân tăng gần 8.000 học sinh trong năm học mới 2023 - 2024, trong đó, học sinh lớp 6 tăng cao khiến áp lực tuyển sinh đầu cấp Trung học Cơ sở càng trở nên căng thẳng hơn. Lứa "rồng vàng" với lượng học sinh tăng cao đã được dự báo từ 5 năm trước khi các em vào lớp 1. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cho biết, khi đó bậc Tiểu học rất vất vả để xoay xở được chỗ học cho học sinh, trong điều kiện vừa phải thực hiện chương trình mới. Năm học này, áp lực đó tiếp tục dồn lên đến bậc Trung học Cơ sở. Dù đã tận dụng hết các phòng chức năng để làm phòng học nhưng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận vẫn ở mức 52% ở bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở 30%. Sĩ số học sinh/lớp bậc Tiểu học trung bình 42,3 học sinh/lớp, Trung học Cơ sở 43 học sinh/lớp.
Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, số phòng học được xây dựng, sửa chữa bổ sung hằng năm không thể đáp ứng kịp số học sinh tăng cơ học. Mặt khác, với việc thực hiện cuốn chiếu Chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến trong 5 năm tới, thiếu trường bậc Trung học Cơ sở là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, trong quy hoạch chung, các vị trí xây dựng trường học được ấn định cho từng bậc học, việc điều chỉnh dự án từ xây trường Tiểu học, Mầm non thành trường Trung học Cơ sở khó khăn và kéo dài.
Nhiều năm nay, các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân của huyện Bình Chánh luôn chịu áp lực lớn trong việc giải quyết chỗ học cho học sinh trước tình trạng tăng dân số cơ học ở mức cao do tập trung khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trường lớp được đầu tư xây dựng nhưng không thể theo kịp tốc độ tăng học sinh. Thống kê số học sinh trong độ tuổi đi học cho thấy, ở các xã này đang cần 1.801 phòng học nhưng hiện có chỉ 1.243 phòng. Thực tế đặt ra nhu cầu cấp bách đối với huyện là xây thêm 558 phòng học cho các xã này.
Áp lực về trường, lớp còn xảy ra ở rất nhiều địa phương khác tại TP Hồ Chí Minh. Thành phố Thủ Đức và các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn là những địa phương có số học sinh tăng nhiều nhất, bởi ở đây quá trình đô thị hóa nhanh, dân số cơ học khu vực này tăng cao. Nhu cầu chỗ học tăng cao nhưng rất nhiều dự án xây dựng, mở rộng trường học chậm tiến độ. Khó khăn lớn nhất là do vướng trong công tác giải phóng mặt bằng, hiện quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai; cùng với đó, một số dự án chưa bố trí vốn, chưa duyệt kế hoạch hoặc điều chỉnh dự án.
Trong bối cảnh đó, TP Hồ Chí Minh vẫn luôn nhấn mạnh đến việc bảo đảm chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn. Giải pháp tình thế nhưng trở thành giải pháp chính mà các trường triển khai là tăng sĩ số học sinh/lớp, giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Áp lực về chỗ học lớn nhất vẫn là ở cấp học Tiểu học và Trung học Cơ sở. Bậc Tiểu học có 80% học sinh được học 2 buổi/ngày, nhiều trường có sĩ số trên 45 học sinh/lớp; bậc Trung học Cơ sở hơn 76% học sinh học 2 buổi/ngày. Trong điều kiện đó, đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới là một trong những khó khăn với ngành Giáo dục Thành phố.
Với quy mô 36 phòng học, Trường Trung học Cơ sở Bình Trị Đông B (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 sẽ cơ bản giải quyết chỗ học cho học sinh trên địa bàn phường. Học sinh của phường sẽ thoát cảnh học “nhờ” ở những phường khác như 20 năm nay. Cùng với trường này, quận Bình Tân đã khởi công xây dựng 5 trường học mới, trong đó có 4 trường Tiểu học, một trường Mầm non. Dự kiến, cuối năm 2023 quận sẽ tiếp tục khởi công xây dựng thêm 6 trường Tiểu học. Đưa vào sử dụng 12 công trình trường học vào năm tới sẽ góp phần giảm áp lực về chỗ học ở các trường trên địa bàn cũng như khu vực lân cận. Dù không thể đạt được mức 100% như kỳ vọng nhưng xây thêm trường mới sẽ góp phần tăng tỷ lệ học sinh của quận Bình Tân được học 2 buổi/ngày ở các bậc học lên khoảng 70 - 80%.
“Việc cùng lúc triển khai đến 12 dự án xây dựng trường học cho thấy quyết tâm của lãnh đạo quận trong việc đẩy nhanh tiến độ các công trình lĩnh vực giáo dục. Nếu trước đây các dự án xây dựng trường chỉ được triển khai khi đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, có đất sạch, nay quận có chủ trương “giải phóng tới đâu xây tới đó”. Chỉ cần giải phóng được mặt bằng ở khu vực chính (khu phòng học), quận sẽ triển khai xây dựng, các khu vực khối phụ như nhà ăn, nhà xe, sân chơi…sẽ tiếp tục được giải phóng và xây dựng sau”, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân chia sẻ.
Xây dựng trường, lớp là giải pháp căn cơ để giải quyết chỗ học cho học sinh trong bối cảnh học sinh tăng cao hằng năm. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các dự án trường học gặp khó do thiếu quỹ đất sạch và thiếu vốn đầu tư.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn. Trong đó, Sở tham mưu Thành phố ưu tiên bố trí vốn ngân sách đẩy nhanh các công trình xây dựng trường học, đặc biệt là ở các Quận 7, Quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh để tăng cường chỗ học trước tình hình tăng dân số cơ học. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, Thành phố có một số cơ chế, giải pháp đặc thù ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục hành chính để thu hút các nguồn lực đầu tư vào giáo dục. Hiện nay, nhiều địa phương đang đẩy mạnh triển khai các chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Căn cứ vào dự kiến quy mô dân số độ tuổi đi học và số phòng học hiện có, dự kiến từ nay đến năm 2025, Thành phố cần xây thêm hơn 7.700 phòng học mới. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo đến tháng 12/2022 toàn thành phố đã đạt 294 phòng. Nhưng, tỷ lệ này không đông đều, có quận, huyện đạt rất thấp, thậm chí, ngay cả trong kế hoạch đến năm 2025 nhiều địa phương cũng xác định không thể đạt được chỉ tiêu này.
Trước tình trạng các dự án xây dựng trường học chậm tiến độ, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện phải rà soát, làm tốt công tác dự báo xa, quy hoạch xây dựng trường lớp.
TP Hồ Chí Minh bớt nỗi lo quá tải trường lớp trong năm học mới:
Trước yêu cầu của việc tăng số lượng học sinh khi được đầu tư xây thêm phòng học mới, Trường Tiểu học Nguyễn Trực (Quận 8) tiếp tục thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học. Cô Lê Thị Thu Vân, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, tình trạng này đã diễn ra từ những năm học trước khi hai môn này trở thành môn bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Năm nay, chương trình mới tiếp tục được triển khai đến lớp 4, nhu cầu giáo viên hai môn này càng tăng lên.
Tình trạng thiếu giáo viên môn Lịch sử và Địa lý tại Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) diễn ra từ năm học trước, đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Năm học vừa qua, cả hai khối 6 và 7 của trường chỉ có một giáo viên đứng lớp hai môn. Năm nay, thêm khối lớp 8 triển khai chương trình mới, nhu cầu giáo viên cho môn học này càng tăng lên. Theo thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng nhà trường, năm học trước, trường đăng ký với quận tuyển giáo viên nhưng không có ứng viên đăng ký. Năm học này, trường tiếp tục đăng ký tuyển giáo viên cho hai môn, dự kiến cuối tháng 8 sẽ có kết quả tuyển dụng. Dù không tuyển được giáo viên được đào tạo chính quy dạy hai môn tích hợp (Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý) do lứa sinh viên này chưa ra trường nhưng đội ngũ giáo viên hiện có của trường cơ bản đáp ứng tốt các yêu cầu dạy học theo chương trình mới bởi các thầy, cô đều được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ.
Bước vào năm thứ 2 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở bậc Trung học Phổ thông nhưng Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1) không thể tổ chức dạy học môn Âm nhạc, Mỹ thuật do không có giáo viên. Tương tự, nhiều trường Trung học Phổ thông khác trên địa bàn không thể tổ chức được môn hai môn tự chọn này dù có học sinh đăng ký. Một số trường khác, để tổ chức dạy học các môn nghệ thuật đáp ứng nhu cầu học của học sinh, các trường phải ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên ở ngoài.
Năm học 2023 - 2024, Thành phố có nhu cầu tuyển 4.466 giáo viên các bậc học. Hiện nhiều quận, huyện vẫn đang trong quá trình tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục cho năm học mới.
Tại quận Bình Tân, công tác tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục có kết quả khá tốt khi số ứng viên đăng ký gấp đôi nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, các môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật vẫn trong tình trạng thiếu giáo viên. Số lượng giáo viên hiện có ở các môn này tại quận cũng cơ bản giải quyết được được nhu cầu của các trường trên địa bàn qua hình thức thỉnh giảng, liên kết, ký hợp đồng ngắn hạn... Tương tự, ở bậc Trung học Phổ thông, kết thúc đợt 1 kỳ thi tuyển dụng giáo viên do Sở tổ chức vừa qua cho thấy, mặc dù nguồn tuyển được mở rộng ở nhiều địa phương khác nhưng các môn nghệ thuật vẫn chật vật trong tuyển giáo viên. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật đều có số ứng viên đăng ký thấp hơn chỉ tiêu giáo viên cần tuyển.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh… là những môn học đặc thù và thiếu nhiều giáo viên nhất, ở các bậc học. Bên cạnh thiếu nguồn tuyển do số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm từ các trường đào tạo giáo viên hạn chế, còn có một phần nguyên nhân do chính sách đãi ngộ cho giáo viên hiện chưa thu hút sinh viên ra trường đến với nghề dạy học.
Giải quyết thực trạng này, cùng với việc “đặt hàng” đào tạo từ các trường đại học, ngành giáo dục Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo số giáo viên theo yêu cầu. Ngành huy động giáo viên có trình độ, năng lực phù hợp theo quy định, ở hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở các cấp học dưới lên dạy bậc Trung học Phổ thông; ngoài hình thức thi tuyển, Thành phố bổ sung thêm hình thức ưu tiên xét tuyển với những đối tượng sinh viên xuất sắc, với các trường hợp có kinh nghiệm công tác và trình độ phù hợp với nhu cầu tuyển dụng… Mặt khác, nếu không đủ nguồn nhân sự tại chỗ, các đơn vị có thể liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký hợp đồng ngắn hạn theo quy định; các đơn vị không phân công công tác kiêm nhiệm đối với giáo viên của các môn học còn thiếu giáo viên.
Cùng với nỗ lực tuyển đủ giáo viên đứng lớp, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh phối hợp với các trường đại học trên địa bàn tổ chức đào tạo nâng chuẩn, bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng đội ngũ đứng lớp. Hiện tỷ lệ giáo viên các trường học của Thành phố đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục khá cao. Tính đến cuối năm học 2022 - 2023, bậc Mầm non có 80% giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; bậc Tiểu học có 78,5% giáo viên có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; Trung học Cơ sở có 93,2% giáo viên có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Theo kế hoạch mới được UBND Thành phố phê duyệt, năm học 2023 - 2024, mỗi quận, huyện sẽ phân bổ 30 - 40% giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo tham gia khóa học nâng chuẩn.
Cùng với nâng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, Thành phố chú trọng công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên đề hằng năm cho cán bộ quản lý và giáo viên. Sở phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh hoàn thành các module bồi dưỡng cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học tại Thành phố căn bản được chuẩn hóa thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Dù vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đánh giá trong đội ngũ giáo viên Thành phố vẫn còn tồn tại nhưng hạn chế nhất định, như chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học dẫn đến vẫn chưa kịp thời đổi mới trong thời đại giáo dục hội nhập quốc tế.
Cùng với triển khai các giải pháp nâng chuẩn giáo viên, nhiều năm nay, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh nỗ lực đề xuất, triển khai các chính sách nhằm thu hút, giữ chân giáo viên cho từng cấp học và đối với các vị trí giáo viên những bộ môn thiếu nguồn tuyển dụng nói riêng. Bên cạnh đó, Thành phố đang triển khai nhiều chính sách riêng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên. Trong đó, Thành phố hỗ trợ thêm 25% tiền lương/tháng do tính chất công việc cho cán bộ quản lý, giáo viên Mầm non; với giáo viên Mầm non mới ra trường được hỗ trợ trong ba năm đầu làm việc, năm thứ nhất 100%, năm thứ hai 70%, năm thứ ba 50% lương cơ sở/tháng, từ năm thứ 4 thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành.
Từ hiệu quả của chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, TP Hồ Chí Minh dự kiến tiếp tục xây dựng đề án về chế độ hỗ trợ đối với cấp Tiểu học; những năm tiếp theo sẽ xây dựng chế độ hỗ trợ đối với từng cấp học còn lại.
Học sinh lớp 1 TP Hồ Chí Minh tựu trường năm học mới:
Bài: Thu Hoài
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát - Trường Tiểu học Nguyễn Trực - Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
27/08/2023 06:05