"Đi tìm sự thật vẫn là mục đích tối thượng của người làm báo. Vấn đề là sự thật không dễ tìm và nó đòi hỏi nhà báo phải có những kỹ năng đặc biệt, phải biết dừng lại, đào sâu phân tích, tìm hiểu trước khi chạy theo những thị hiếu nhất thời… Tìm hiểu cho đến cùng sự thật chính là nhân văn."

Để có góc nhìn rõ hơn về những thách thức của các tòa soạn báo chí trước yêu cầu đổi mới và phát triển-giữ vững tiêu chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn trong bối cảnh hiện nay, cũng như vai trò, trách nhiệm đạo đức của người làm báo trước các vấn đề xã hội, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phóng viên: Thưa Cục trưởng, với tư cách là người đứng đầu một cơ quan quản lý, ông có thể đánh giá chung về sự phát triển của báo chí Việt Nam trước xu hướng chiếm lĩnh của những phương tiện, nền tảng truyền thông khác hiện nay. Thách thức đặt ra đối với báo chí để theo kịp thị hiếu, nhu cầu của độc giả?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Chúng ta đang ở trong thời đại mà tất cả mọi người đều có thể tham gia vào không gian truyền thông, ai cũng có thể là nguồn phát thông tin. Tiện lợi của truyền thông gắn liền với công nghệ mang lại nhiều cơ hội cho người dùng và lợi ích cho xã hội. Kể cả những người đang làm báo cũng được tiếp cận với nguồn thông tin vô cùng phong phú này.

Cơ quan báo chí không còn “một mình một chợ”, là nguồn phát thông tin duy nhất nữa. Thậm chí nói một cách rõ ràng hơn, nhiều khi cơ quan báo chí chưa chắc đã hiểu vấn đề mình nói bằng những cá nhân hoặc tổ chức trong xã hội mà tất cả mọi người đều có quyền lên tiếng trên một không gian truyền thông chung.

Tất nhiên đi kèm với đó là thách thức. Thách thức lớn nhất là cơ quan báo chí phải định vị lại mình. Chúng ta cần có cách tiếp cận khác để tồn tại và phát triển. Cách tiếp cận dựa trên giá trị cốt lõi của báo chí. Giá trị cốt lõi của báo chí ngày xưa bao gồm rất nhiều tiêu chí như thông tin nhanh, chính xác, nhân văn... Nhưng bây giờ vai trò thông tin nhanh thì mạng xã hội và các phương thức truyền thông khác ít nhiều đã lấn lướt. Vậy báo chí phải tập trung vào chất lượng thông tin, giá trị của thông điệp, của những góc nhìn. Quan trọng nhất là cung cấp cho người đọc phương pháp tiếp cận để hiểu những gì diễn ra chung quanh mình, biết phân biệt đúng sai, phải trái, cái gì nên bảo vệ...

Thách thức lớn nhất là cơ quan báo chí phải định vị lại mình.

Thách thức lớn nhất là cơ quan báo chí phải định vị lại mình.

Ở đây chúng ta vẫn gặp lại giá trị phổ quát của báo chí, đó là hướng tới tính nhân văn và mang lại những giá trị nhân văn cho xã hội. Cho dù thời buổi nào, công nghệ phát triển đến đâu thì nhân văn vẫn là giá trị cốt lõi.

Nếu như nền báo chí nói chung và mỗi một cơ quan báo chí nói riêng có một cách tiếp cận dựa trên giá trị cốt lõi ấy, tin vào nó và biết cách bảo vệ thì vẫn có cơ hội phát triển. Lúc đó, những lợi ích của công nghệ lại là lợi thế để đẩy một thông điệp nhân văn, một bài báo tốt, một sản phẩm báo chí có trách nhiệm xã hội được lan tỏa rộng hơn, mạnh hơn. Chúng ta tận dụng được lợi thế của công nghệ để hỗ trợ cho việc làm báo tử tế, thay vì cho rằng do công nghệ mà báo chí bị “lép vế” trước những nguồn thông tin khác.

Việc chúng ta “lép vế” trước nguồn thông tin khác có thể có hai lý do, một là chúng ta chưa lên mạng, chưa ứng dụng công nghệ để làm báo; thứ hai là những điều chúng ta nói không có giá trị gia tăng nhiều với xã hội và người ta không cảm thấy cần đọc báo, và khi đó rõ ràng người ta sẽ tìm đến với phương thức truyền thông khác.

Phóng viên: Như hiện tại, theo đánh giá của ông thì các cơ quan báo chí của Việt Nam có định vị được vị trí của họ trong biển cả mênh mông các phương tiện và nền tảng thông tin hay không? Có những tờ báo vì lý do phục vụ nhu cầu của độc giả, đã trở thành tầm thường hóa, “lá cải hóa”. Một mặt thì phía cơ quan quản lý nhìn thấy báo chí không có cơ hội đi lên, nhưng một mặt thì các tờ báo đó lại thỏa mãn với mục tiêu của mình, thu hút người đọc để quảng cáo. Như thế có phải là họ đang tự hạ thấp mình không? Cơ quan quản lý định hướng như thế nào cho những hiện tượng như thế?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Đầu tiên nhìn bức tranh rộng thì rõ ràng phải thừa nhận Việt Nam có đặc thù là có nền báo chí cách mạng, được sự quan tâm đặc biệt của hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, xã hội. Vai trò của cơ quan báo chí nói chung rất quan trọng, và nền báo chí cách mạng không thể không tìm được hướng đi đúng cho mình. Thực tế, những người làm báo, những cơ quan báo chí lớn vẫn đang thực hiện hướng đi đúng đắn.

Còn ở vế kia, đúng là trước sự phát triển của công nghệ, người đọc báo bị chi phối bởi rất nhiều nguồn thông tin được “đẩy” đến cho họ bởi các “thuật toán” (Algorithm). Người đọc nhiều khi cũng không biết tại sao lại xuất hiện những thông tin “nhảm nhí” trên thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng, smart TV…) của mình như vậy.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí nói về thực tại của các cơ quan báo chí trong thời đại phát triển công nghệ.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí nói về thực tại của các cơ quan báo chí trong thời đại phát triển công nghệ.

Hiện nay, thế mạnh chạy theo hay là kiểm soát thói quen người dùng không nằm trong tay các cơ quan báo chí mà là các nền tảng công nghệ, chủ yếu của nước ngoài.

Vấn đề là thói quen người đọc thay đổi tác động ngược trở lại, cơ quan báo chí ít nhiều bị choáng ngợp trước sự chi phối của công nghệ, phải tìm cách mới để thu hút người đọc. Cơ quan báo chí sống bằng quảng cáo, phải dựa vào số lượng người đọc nên nhiều lúc bị sa đà vào phương pháp viết tin, chọn đề tài, giật tít “câu view”.

Rõ ràng chúng ta thấy đó là xu hướng lệch chuẩn và tầm thường hóa một phần thông tin trên báo chí. Những thông tin bị chi phối bởi thị hiếu nhất thời trên mạng xã hội, sau đó được khuếch đại, lan tỏa, chỉ làm mất thời gian mà không mang lại năng lượng tích cực cho người đọc.

Việc đi tìm view như vậy thực chất lại làm cho cơ quan báo chí đánh mất độc giả. Vì không biết ai là người đọc, rồi người đọc đó có đánh giá thông tin ấy tốt hay không, hay chẳng qua họ đọc mình như thể đọc một suối thông tin hoàn toàn vô thức, không có gì đọng lại. Có một số cơ quan báo chí bị sa vào tình trạng đó.

Thêm một nguyên nhân nữa là có sự tác động qua lại giữa cơ quan báo chí và công ty truyền thông khi hợp tác liên kết sản xuất nội dung, hoặc những công ty sở hữu trang thông tin điện tử. Rõ ràng có những lúc công ty truyền thông chi phối sự lựa chọn đề tài của báo chí, ảnh hưởng đến nội dung định hướng của cơ quan báo chí.

Thời gian qua, thông qua công tác kiểm tra, xử lý, các cơ quan quản lý đều đã phát hiện, chấn chỉnh hiện tượng này, và đến thời điểm này có thể nói thông điệp về việc phải chấm dứt câu view lệch chuẩn là đã rất rõ ràng.

Phóng viên: Ông vừa nhắc đến thuật toán, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc đọc tâm lý “khách hàng” để hiện thông tin đến người đọc. Cái đó đôi khi được gọi là “trend”, và như một cơn say, việc làm báo được ngụy trang dưới cơn say nghề nghiệp vượt qua ranh giới đạo đức và quy chuẩn, khiến báo chí ít tính nhân văn đi không?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Thật ra câu hỏi cũng chính là câu trả lời. Chúng ta đang sống trong thời buổi mà mọi thứ được tung lên không gian mạng một cách quá dễ dãi, bất cẩn. Có thể có những người ngẫu nhiên đưa một bản tin, một clip hoặc câu chuyện đau thương lên mạng, không với một “ý đồ” gì, nhưng sau đó nó được khuếch đại, chia sẻ vượt tầm kiểm soát.

Và đáng lo ngại là báo chí cũng tham gia vào việc làm lan tỏa những thông tin nhất thời như vậy.

Ông Lâm nhấn mạnh các cơ quan báo chí phải tỉnh táo và thận trọng trước thời buổi không gian mạng quá “mở”.

Ông Lâm nhấn mạnh các cơ quan báo chí phải tỉnh táo và thận trọng trước thời buổi không gian mạng quá “mở”.

Đến nay, đối với một số vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là liên quan đến trẻ em, những câu chuyện đau thương như mấy vụ tự tử vừa rồi thì nhận thức chung của nhiều cơ quan báo chí là đã phân biệt rõ ranh giới giữa trách nhiệm thông tin đầy đủ và việc kiểm soát hậu quả của thông tin tác động tới người trong cuộc và xã hội.

Hiện nay nhiều tòa soạn đã ý thức được việc này và kiểm soát chặt. Trước đây có những việc phải có định hướng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý mới điều chỉnh thì bây giờ nhận thức đã rõ hơn, có những việc vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và cần phải lên án, cần phải chấm dứt.

Phóng viên: Vâng, với những nhà báo giỏi nghề thì có lẽ họ luôn biết ranh giới giữa đưa tin sự thật và tính nhân văn, họ có những quy tắc riêng, hoặc đủ nhạy cảm trong những tình huống mô tả nỗi đau, sự yếm thế, hoặc sai lầm của người khác. Tuy nhiên , với một nền báo chí chuyên nghiệp thì phải quy định rõ ràng chứ không phải chỉ trông chờ vào“cảm giác” của cá nhân hay là nhận thức của một tòa soạn. Vậy cơ quan quản lý đã có quy định như thế hay chưa?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Nếu phải để nhà nước đứng ra quy định những việc đó một cách quá chi tiết để báo chí làm theo thì thật ra đó là điều đáng buồn cho nghề báo. Những người làm báo lâu năm chắc chắn đã tự đề ra và giữ được cho mình một số giới hạn, thậm chí có những quy tắc tự áp dụng trong chính bản thân mỗi người.

Bác Hồ từng nói đơn giản rằng viết báo đầu tiên phải xác định viết cho ai và viết để làm gì. Người “thư ký của thời đại” thì mục đích khi viết báo phải rõ ràng, chứ không phải kể câu chuyện một cách hoàn toàn vô trách nhiệm mà nhân danh vì đó là sự thật. Từ đó dẫn đến những tổn thất ngoài ý muốn, như vậy là vi phạm nguyên tắc của nghề - đó là tính nhân văn.

Theo tôi vấn đề này nên tiếp cận dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp.

Không phải mọi thứ đều luật hóa được, luật chỉ ra những hành vi bị cấm, tức là luật là “được và không được”, còn đạo đức ở chừng mực nào đó là “nên và không nên”. Đạo đức là “luật pháp nội tâm” để mình biết làm những gì nên làm, những ranh giới không được phép vượt qua.

Chỉ có điều chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi thứ dễ dàng được phơi bày và lan tỏa trên không gian mạng, cho nên làm báo thời buổi này không phải chỉ có ý thức đạo đức hay nguyên tắc mơ hồ, mà đi kèm theo hành trang nghề nghiệp sẽ còn là một số kiến thức, kỹ năng cụ thể để không sơ sẩy.

Phóng viên: Phải chăng, nếu để đánh mất niềm tin của công chúng thì báo chí cũng sẽ ngày càng khó tiếp cận sự thật hơn? Nhà báo cần phải làm gì để có được sự tin cậy của bạn đọc - những người vừa là đối tượng phản ánh và tiếp nhận thông tin?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Tôi nghĩ làm báo ngày càng khó, đây là một thách thức rất lớn với các trường đào tạo phóng viên báo chí. Làm báo càng ngày càng đòi hỏi phải có trải nghiệm sống thực sự trong một xã hội mà các luồng tư tưởng càng ngày càng đa chiều đan xen, con người càng ngày càng tự do trong suy nghĩ và trong biểu đạt, chưa nói đến việc có nhiều cách thức biểu đạt, không cần đến cơ quan báo chí. Tất nhiên người làm báo phải là bộ lọc thẩm thấu tất cả những vấn đề của xã hội, sau đó biết cách chắt lọc ra câu chuyện hữu ích. Niềm tin của công chúng giờ đây không dễ có được, nếu như họ thấy người làm báo không thực sự “đổ mồ hôi” để mang đến những thông tin, góc nhìn thật sự có giá trị.

Thật ra trong cuộc sống không có đề tài nào là không đáng để quan tâm, chẳng qua cách khai thác nó bị tầm thường hóa đi thôi. Người đọc luôn khát khao góc nhìn của một nhà báo có kinh nghiệm để nói câu chuyện từ một góc khác.

Cho nên chính sự thiếu vắng của những góc nhìn độc đáo và trải nghiệm thật sự của người viết làm cho báo chí có lúc mất giá trị, mà mất giá trị là mất vai trò của mình trên mạng lưới thông tin và mất đi sự tin cậy của bạn đọc.

Phóng viên: Trở lại vai trò của báo chí ở góc độ phải giữ được tính nhân văn, ông có nhận định như thế nào về tính nhân văn báo chí, nó được thể hiện ở những khía cạnh nào?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Chữ “nhân văn” rộng, nếu nêu ra mà không chỉ con đường đi đến đấy thì nó trở thành khẩu hiệu. Có ai thừa nhận là mình không nhân văn đâu. Theo tôi, có một số kỹ năng và những cảm xúc cơ bản dẫn hướng cho người làm báo.

Thứ nhất, người làm báo có lòng trắc ẩn trước những vấn đề nhân sinh xã hội, thân phận con người.

Thứ hai, mọi ý kiến dù to nhỏ đều có giá trị và đáng được lắng nghe, nhà báo phải nhìn câu chuyện dưới nhiều góc độ.

Thứ ba là nếu như bây giờ nhà báo lại giao cho mình một nhiệm vụ bất khả thi là cái gì cũng phải nhận diện rõ đúng sai để kết luận hai năm rõ mười, hoặc phản ánh một kết luận của cơ quan có thẩm quyền đã có sự rõ ràng, thì ở khía cạnh nhân văn, chúng ta phải đặt ra câu hỏi là câu chuyện đúng sai đó có ý nghĩa gì.

Phóng viên bật khóc trước cảnh tang thương vụ sạt lở đất tại Trà Leng. (Ảnh: Cổng Thông tin Chính phủ)

Phóng viên bật khóc trước cảnh tang thương vụ sạt lở đất tại Trà Leng. (Ảnh: Cổng Thông tin Chính phủ)

Một bài báo tốt là sau khi đọc xong người đọc tự đặt câu hỏi, suy nghĩ vượt ra ngoài tầm sự việc cụ thể. Nó giúp người ta chiêm nghiệm thêm những vấn đề, khía cạnh khác. Khi đó, cái nhân văn của người viết phải chuyển thành nhân văn của người đọc, thông điệp nhân văn phải lan tỏa và có giá trị tác động tích cực đến người đọc.

Tôi tin tưởng một số tố chất mà nhà báo nên có, dĩ nhiên theo thời gian, việc giữ được những tố chất, cảm xúc nghề nghiệp không hề dễ, vì bản thân ta cũng thay đổi, chai sạn đi.

Khi một nhà báo đã có chút tên tuổi thì không thể viết linh tinh, không thể chạy theo số lượng bài vở chỉ vì mưu sinh, mà việc viết lách sẽ lâu hơn, vì cần thời gian để chiêm nghiệm và hạ bút viết ra.

Guồng làm báo hiện nay đòi hỏi năng suất, view cao, chấm KPI làm cho người làm báo không còn thời gian để nghĩ và thậm chí phải chấp nhận sự đánh đổi giữa hiệu suất mà tòa soạn mong muốn với điều thật sự mình muốn. Điều này nếu kéo dài sẽ làm cho nhà báo làm việc một cách máy móc và tăng dần độ bàng quan, vô cảm. Như vậy sẽ là điều đáng tiếc đối với người làm nghề và là lỗi của tòa soạn.

Phóng viên: Liệu có một con đường hay kim chỉ nam nào cho người làm báo luôn muốn đào sâu tìm hiểu sự thật nhưng lại không sai lệch đích đến cho vấn đề nhân văn không? Chúng ta đang nói về bảo vệ những quyền con người nhưng có những vấn đề lớn hơn của một đất nước, ví dụ như bảo vệ nền kinh tế, khoa học, y tế... tránh khỏi những “tổn thất ngoài mong muốn” do đôi khi từ những sai sót nhất thời... Có sự giúp đỡ nào từ cơ quan quản lý để nhà báo và các cơ quan báo chí nhận ra?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Đi tìm sự thật vẫn là mục đích tối thượng của người làm báo. Vấn đề là sự thật nếu dễ tìm như thế thì ai cũng làm được. Người làm báo đi tìm sự thật đòi hỏi phải có những kỹ năng đặc biệt, phải biết dừng lại, đào sâu phân tích, tìm hiểu. Tìm hiểu cho đến cùng sự thật chính là nhân văn.

Trước sự chi phối, tác động bởi nhiều nguồn thông tin, nhà báo có thể bị những định kiến trước khi tìm hiểu sự việc, và quá trình đi tìm sự thật nếu không cẩn thận thì sẽ sa vào việc tìm cách chứng minh định kiến của mình là đúng. Điều đó rất nguy hiểm. Có hai vấn đề, một là khả năng bị chi phối bởi quan điểm của người chung quanh và sau đó trở thành quan điểm của mình, hoặc là theo một luồng quan điểm nào đấy đang lấn lướt, việc đi ngược lại là một rủi ro không phải nhà báo nào cũng đủ bản lĩnh vượt qua. Thứ hai, nhà báo kể câu chuyện đến mức nào để đạt được mục tiêu mang lại cái tốt cho xã hội, điều chỉnh cái sai mà không gây ra những tổn thất ngoài ý muốn.

Hiện nay xu hướng viết theo kiểu “chọc ngoáy” hoặc dùng những từ xách mé, quy chụp, hoặc giật tít, dùng nhiều từ ngữ mang màu sắc cảm tính… làm bi kịch hóa nhiều chuyện.

Có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, công dân viết đơn gửi đến cơ quan quản lý phàn nàn về một số bài báo, cơ quan báo chí. Không chỉ họ phàn nàn về viết đúng hay sai sự thật mà vì báo (hoặc tạp chí) dùng những từ ngữ ác ý quy chụp tội danh, như thể muốn đưa họ vào tù. Điều đó đặt ra câu hỏi tại sao người làm báo lại tự trao cho mình sứ mạng của quan tòa, báo chí trở thành cơ quan điều tra kết luận đúng sai? Như vậy mình đã vượt quá chức phận.

Tôi lấy thí dụ hai năm trải qua đại dịch Covid-19 vừa rồi, cả nước đau thương chồng chất, doanh nghiệp chịu tác động nặng nề. Trong lúc này, Đảng và Chính phủ chỉ đạo khôi phục kinh tế, phải truyền được năng lượng tích cực, niềm tin, hoặc tham gia giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp. Báo chí nên phản ánh dòng chảy chính của xã hội, dòng chảy tích cực là đi lên, với tỷ lệ tăng trưởng GDP ở mức cao trên thế giới, với một khả năng chống chịu và vượt qua nhiều khó khăn. Chứ không phải là nhìn đâu cũng thấy sai phạm để rồi phán xét hay đổ lỗi. Điều này làm cho xã hội bị rối lên, ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Khi vấn đề bị đẩy nóng quá mức trên phương tiện truyền thông, cơ quan thẩm quyền cũng chịu tác động, họ không phải lúc nào cũng có đủ thời gian và sự bình tĩnh, độc lập để tìm hiểu cặn kẽ sự việc để xử lý đúng người đúng việc. Điều này dẫn đến nguy hiểm ở chỗ đôi lúc có những quyết định mang tính dân túy để thỏa mãn bức xúc của công chúng.

Phóng viên: Theo ông, với những quy định hiện nay trong Luật Báo chí và quy tắc đạo đức của Hội Nhà báo, nếu có những vi phạm thì hành lang pháp lý đã đủ chế tài xử lý chưa?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Về luật và những quy định đạo đức nghề nghiệp do Hội Nhà báo ban hành là đủ rồi. Bây giờ chỉ là làm.

Ở nước ta có Ban Tuyên giáo trung ương là cơ quan chỉ đạo, Bộ Thông tin Truyền thông là cơ quan quản lý và Hội Nhà báo là tổ chức nghề nghiệp, là diễn đàn sinh hoạt nghề nghiệp, có chức năng kết luận những vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Hội có quy định 10 điều về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, trong đó có cả 1 điều đã được cụ thể hóa thêm bằng văn bản rõ ràng.  

Chúng tôi trông chờ Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra hướng dẫn cụ thể thêm để hòa nhập với chuẩn mực chung báo chí thế giới về phương diện đạo đức nghề nghiệp.

Có những vụ việc không chỉ dừng lại ở đào tạo, hướng dẫn mà phải xử lý, để nhìn thấy mà tránh. Bởi nếu hằng ngày hằng giờ thấy biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp đầy rẫy trên mặt báo nhưng nhiều người coi là bình thường, thì điều đó sẽ dẫn đến hệ quả xấu.

Xử lý là biện pháp cuối cùng nhưng nếu không xử lý thì không ai biết đó là sai. Nếu biết sai mà không làm gì thì ai cũng không biết điểm dừng. Điều đó từ hội nghề nghiệp đến cơ quan báo chí đều cần lưu tâm. Một tòa soạn chuyên nghiệp phải có bộ quy tắc nghề nghiệp riêng.

Nói về nền báo chí nhân văn thì không thể cơ quan quản lý phải đi làm mọi việc chấn chỉnh đạo đức. Hội Nhà báo là tổ chức phù hợp nhất để làm điều này.

Phóng viên: Ông có kinh nghiệm gì từ quản lý báo chí của thế giới trong việc giám sát và định hướng cho những tiêu chí hoạt động của nghề báo với mục tiêu hiện đại và tính chất nhân văn?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Tôi quan sát thấy nhiều báo điện tử nước ngoài có cái hay là đọc báo phải trả tiền. Đọc một thứ mình trả tiền sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn. Người phục vụ mình biết tại sao họ phục vụ, và họ cho mình cái mình cần, chứ không phải lôi  mình vào một dòng chảy thông tin bất tận.

Thí dụ app của tờ tạp chí kinh tế của Anh, 1 năm thu hơn 8 triệu đồng cho 1 thuê  bao, nhưng một ngày chỉ cho đọc 8-10 bài, không cần mình đọc nhiều. Nhưng có bài đầu tư công sức, chi phí sản xuất lên tới 150 nghìn USD/bài.

Vấn đề tôi muốn nói ở đây là, khó đòi hỏi nền báo chí phải làm đủ mọi thứ nếu nguồn lực hạn chế. Nhà nước trước vẫn đầu tư cho báo chí một phần, còn hiện nay cái chính là báo chí thiếu nguồn lực từ sự đóng góp của người đọc. Người đọc hiện nay đọc báo điện tử mất thói quen trả tiền để mua báo. Khi mối quan hệ trách nhiệm giữa người đọc với cơ quan báo chí mất đi mà chúng ta vẫn phải bảo đảm mọi thứ thì đó là câu chuyện khó. Không thể phục vụ tốt nếu độc giả không cam kết trả tiền. Đây là thách thức lớn.

Nhiều báo in giờ giảm lượng phát hành nhưng chưa dám bước sang cuộc chơi mới, đề nghị bạn đọc khi đọc báo điện tử trả tiền. Thực tế một số tòa soạn thử nghiệm phiên bản điện tử có thu phí đều chưa mấy khả quan.

Báo Nhân Dân được đưa lên Pressreader để phục vụ bạn đọc.

Báo Nhân Dân được đưa lên Pressreader để phục vụ bạn đọc.

Về mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức, nếu bỏ một vế, có thể hô khẩu hiệu báo chí phải có trách nhiệm xã hội nhưng phải hỏi xã hội có trách nhiệm ngược lại để báo chí phục vụ mình tốt hơn không.

Cũng có một số báo thực hiện mô hình kinh doanh nội dung đi kèm thương mại điện tử, hoạt động mang doanh thu ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện truyền thông, thu tiền tài trợ.  Đây là bài toán kinh doanh nhưng hiện chưa thấy tòa soạn nào dám mạnh dạn nói đây là tương lai của chúng tôi. Nhà nước không thể làm thay cơ quan báo chí, còn báo chí không có nguồn lực dự trữ, chỉ đủ cân đối.

Như vậy, để hoàn thành bức tranh về trách nhiệm xã hội, tính hiện đại và chuyên nghiệp, nhân văn của báo chí lại thiếu mảnh ghép cuối cùng quan trọng, đó là trách nhiệm từ phía bạn đọc.

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn Cục trưởng về cuộc trao đổi.

Thực hiện: HỒNG MINH
Ảnh:THÀNH ĐẠT
Trình bày: NGỌC DIỆP