Không có nhiều lợi thế về phát triển công nghiệp, thương
mại, lãnh đạo Quảng Nam từ lâu đã xác định phát triển du lịch là một hướng đi tốt
để vừa phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường.
Điểm sáng
Là một tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, Quảng Nam sở hữu
hai di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, cùng với
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Quảng Nam còn là vùng đất có bề dày và tính đa dạng về
văn hóa do sớm có sự giao lưu, tiếp biến giữa các nền văn hóa Chăm, Ấn Độ, Nhật
Bản, Trung Quốc và một số nước phương Tây. Sự đa dạng ấy còn được thể
hiện qua bản sắc văn hóa của 4 tộc người bản địa cư trú ở vùng miền núi. Bên cạnh
tài nguyên tự nhiên về biển, đảo, sông, hồ, núi rừng với những giá trị đa dạng
sinh học đã được ghi nhận; nền tảng văn hóa này là tiền đề quan trọng để tỉnh
Quảng Nam phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đời
sống của người dân.
Quảng Nam còn có lợi thế là điểm kết nối giữa 2 địa
phương của Hành trình Di sản miền Trung: Huế-Quảng Nam- Đà Nẵng, một tuyến điểm
du lịch nổi bật, hút khách nhất trong vài năm trở lại đây.
Thời gian qua, doanh thu từ du lịch cũng như từ những dịch
vụ hỗ trợ đã thực sự cải thiện cuộc sống của người dân Quảng Nam nói riêng và
làm tươi sáng diện mạo kinh tế-xã hội của địa phương nói chung. Không chỉ khai
thác di sản Hội An, Mỹ Sơn, ngày càng nhiều điểm đến du lịch của Quảng Nam được
đưa vào quy hoạch, đầu tư và quảng bá để làm du lịch như Triêm Tây, Mỹ Sơn, Trà
Nhiêu...
Trong 5 năm gần đây 2009-2014, Quảng Nam tiếp tục nhận được
nhiều dự án hỗ trợ phát triển du lịch, dựa vào khai thác văn hóa địa
phương để phát triển du lịch bền vững, qua đó cải thiện sinh kế cho cư dân khu
vực nông thôn, miền núi. Đó là những trợ giúp về xây dựng chiến lược, phát triển
loại hình du lịch cộng đồng, xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển sản
phẩm thủ công mỹ nghệ… Tiêu biểu là các dự án tài trợ thông qua các tổ chức
UNESCO, ILO, FIDR như: “Xây dựng chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm
phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam”, “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện
sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam”, “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu”.
Từ những dự án bảo tồn hiệu quả, tỉnh Quảng Nam đã
giữ được diện mạo của hai di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền
tháp Mỹ Sơn. Cũng thông qua tài trợ của chính phủ Đan Mạch, Khu dự trữ sinh quyển
Cù Lao Chàm mới được quản lý và phát huy tốt như hiện nay. Đồng thời, chiến lược
phát triển du lịch Quảng Nam trở nên rõ ràng hơn nhờ sự giúp sức của các tổ chức
quốc tế, đặc biệt là UNESCO.
Sản phẩm thủ công địa phương được xây dựng thương hiệu và
tiếp cận thị trường. Người dân ở nông thôn, miền núi bắt đầu hưởng lợi từ du
lịch thông qua mô hình du lịch cộng đồng tại Zara, Bhờ Hồông, Đhrồông, Mỹ Sơn,
Trà Nhiêu, Triêm Tây… Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Quảng Nam tăng hơn 12 lần
trong giai đoạn 1999 - 2014, từ hơn 300.000 lượt khách vào năm 1999 lên hơn
3.680.000 lượt khách năm 2014.
Quảng Nam cũng nhận được nhiều giải thưởng về du lịch và môi trường, tiêu biểu năm 2013, Tạp chí du lịch nổi tiếng Conde Nast Traveler của Mỹ bình chọn Hội An là điểm du lịch yêu thích thứ hai ở Châu Á (sau thành phố Kyoto - Nhật Bản), Tạp chí Huffington Post (Mỹ) cũng giới thiệu Hội An là 1 trong 7 điểm đến đặc sắc và thu hút khách du lịch nhất khi tới Việt Nam, Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat) bình chọn Hội An là thành phố cảnh quan châu Á...
Thách thức giữa bảo tồn và phát triển
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, phát triển du lịch
cũng có thể mang lại nhiều tác động tiêu cực cả về kinh tế, văn hóa, và môi trường
cho Quảng Nam nếu không có sự quản lý đúng đắn.
Với một tỉnh có khoảng 350 di tích các loại cùng những
giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đặc biệt là hai di sản văn hóa thế giới
vốn nhạy cảm với biến đổi khí hậu như Mỹ Sơn và Hội An, công tác bảo tồn văn
hóa trong những năm đến còn rất nhiều khó khăn.
Qua các dự án hỗ trợ về phát triển du lịch của các tổ chức
quốc tế, bước đầu đã mang lại cho du lịch Quảng Nam một số kết quả tích cực. Hiện
nay người dân xứ Quảng được đánh giá là “biết” làm du lịch nhất Việt Nam. Không
có chặt chém, tệ nạn, không chèo kéo, chụp giật. Lúc nào cũng thân thiện, hiền
hòa và mến khách.
Quảng Nam nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các dự án của
UNESCO, ILO, EU về đào tạo nghề du lịch cho người dân nhưng những dự án này sau
khi kết thúc chưa được tổng kết, rút kinh nghiệm và định hướng phát huy hiệu quả
trong những năm tiếp theo. Do đó, nguồn nhân lực làm du lịch của Quảng Nam vẫn
là một trong những điểm khó. Trừ Hội An với bề dày làm du lịch lâu năm, những địa
danh, điểm đến du lịch mới đưa vào khai thác như làng dân tộc Cơ tu, Triêm
Tây…người dân bản địa mới bắt đầu làm quen với nghề du lịch, dịch vụ.
“Khi người dân bắt đầu chập chững quen với cung cách phục
vụ rồi thì dự án rút đi. Không được tiếp tục đầu tư, định hướng và đào tạo nên
nhiều điểm du lịch đã dần bị mai một”, ông Nguyễn Dzũng, Giám đốc hãng lữ hành
Rose Travel nhận xét.
Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng và quản lý quy hoạch, thương hiệu, sản phẩm, nhân lực… của ngành du lịch Quảng Nam còn yếu. Hội An đang là điểm đến hút khách số 1 trong Hành trình Di sản miền Trung (gồm Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam), tuy nhiên, chính đô thị cổ này cũng đang phải đối diện với những vấn đề không dễ giải quyết như sụt lở ở Cửa Đại, sự xuống cấp của những ngôi nhà cổ đã tồn tại hàng trăm năm…
Lượng khách đông và đều mang lại nguồn thu ổn định
cho Hội An. Song nếu lượng khách đến quá đông sẽ ảnh hưởng tới chất lượng
dịch vụ cũng như tác động tiêu cực tới an ninh, môi trường của đô thị cổ này.
Phát triển du lịch một cách bền vững và chuyên nghiệp
đang là một thách thức lớn của tỉnh Quảng Nam trong bài toán về bảo tồn văn hóa
và bảo vệ môi trường mà lớn nhất là tìm ra phương án bảo tồn những di sản văn
hóa vật thể và phi vật thể của tiền nhân để lại, đồng thời duy trì tính đa dạng
văn hóa hiện có của các dân tộc và bảo vệ môi trường trong giai đoạn bước đầu
phát triển kinh tế tại địa phương.
Đặc biệt, việc lựa chọn giữa phục vụ số đông và phục vụ có chọn lọc cũng đang là bài toán đòi hỏi tư duy năng lực quản lý cũng như kiến thức quản trị kinh tế du lịch và quyết định sự tăng trưởng hay thụt lùi của du lịch Quảng Nam trong tương lai.