Ký ức về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của cử tri 95 tuổi – Mega Story

Ký ức về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của cử tri 95 tuổi

Chiếc lưng còng gập hẳn xuống khiến ông Phạm Văn Ca đi lại vô cùng khó khăn. Từ căn phòng nhỏ trên gác ba tập thể 23B Hàng Tre, ông vừa đi vừa dừng nghỉ đến 3 lần mới ra đến điểm bầu cử số 2 tại trường mẫu giáo Chim non (42 Hàng Tre). Quãng đường chỉ vài chục mét những cũng khiến ông thấm mệt.

Mặc dù vậy, ông vẫn thường xuyên ra đó để tìm hiểu thông tin về các ứng cử viên, trao đổi, thảo luận với các cử tri trong khu vực.

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng những người ở cùng khu phố chưa một lần nào thấy ông bỏ lỡ cơ hội cầm lá phiếu trên tay…

“Ngày Tết độc lập đầu tiên”

Mái tóc bạc phơ, ông Ca lần giở lại cuốn sổ nhật ký, nơi lưu giữ các bức ảnh gia đình và những vần thơ ông sáng tác trong không khí hân hoan của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946.

Sinh ra trong một gia đình nông dân thuần túy nhưng ông Ca sớm giác ngộ Cách mạng. Ông đi vận động quần chúng nhân dân, làm công tác thiếu nhi, dân vận, tuyên huấn, bất cứ việc gì được cấp trên giao phó.

“Tôi tham gia Cách mạng từ năm 1945, đến năm 1946 thì tôi vừa tròn 18 tuổi, là cử tri trẻ nhất ở điểm bầu cử huyện lỵ Kim Anh, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc,”

“Tôi tham gia Cách mạng từ năm 1945, đến năm 1946 thì tôi vừa tròn 18 tuổi, là cử tri trẻ nhất ở điểm bầu cử huyện lỵ Kim Anh, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc,” ông bồi hồi nhớ lại.

Lúc đó, thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám đã đập tan xiềng xích của chế độ thực dân. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù, sự kiện Vua Bảo Ðại thoái vị có ý nghĩa chính quyền Cách mạng đã được thừa nhận, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rằng Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người xứng đáng lãnh đạo đất nước, đặc biệt Tổng tuyển cử sẽ bảo đảm tính hợp pháp, tính chính thống của bộ máy nhà nước.

“Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, dân ta sẽ được tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước… Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do.” Đó là lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên Báo cứu quốc số ra ngày 5/1/1946. Lời hiệu triệu ấy đã khiến ngày bầu cử trở thành một ngày hội non sông.

Đối với ông Ca và người dân Việt Nam, cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó là năm đầu tiên đất nước giành được độc lập, tự do. Người dân Việt Nam, trút bỏ ách nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước, được lựa chọn những người tài đức, gánh vác sự nghiệp non sông. Cuộc Tổng tuyển cử 1946 thực sự đã mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.

Là một thanh niên tham gia Cách mạng, lại được lựa chọn vào tiểu ban bầu cử, chàng trai Phạm Văn Ca hăng hái trang trí cờ hoa ở khu vực bầu cử, căng băng rôn, biểu ngữ… để chuẩn bị cho thời khắc quan trọng ngày 6/1/1946.

Ông kể rằng mình mang hết tâm huyết chuẩn bị cho việc bầu cử được thành công. Ông xung phong làm tất cả mọi việc từ niêm yết danh sách cử tri đến làm các panô, áp phích, xếp hàng cho các cháu thiếu nhi hô khẩu hiệu “Hoan hô Quốc hội.”

“Chúng tôi thời kỳ đó khao khát tự do, khao khát độc lập. Thế nên, chúng tôi coi ngày bầu cử như là ngày Tết độc lập. Từ sáng sớm, mọi người đều chọn một bộ quần áo thật chỉnh tề, dù ngày ấy còn thiếu ăn thiếu mặc, rồi chúng tôi nô nức gọi nhau đi bầu cử,” ông Phạm Văn Ca nhớ lại.

Chúng tôi thời kỳ đó khao khát tự do, khao khát độc lập.

Cử tri Phạm Văn Ca

Cầm lá phiếu trên tay mà ai nấy rưng rưng xúc động. Người dân Việt Nam đã sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp hơn 80 năm, oằn lưng dưới xiềng xích nô lệ, lầm than vì sưu cao, thuế nặng. Nỗi đau xót và niềm tự hào ngày hôm ấy, có lẽ thế hệ ngày nay khó mà hình dung ra được.

“Cuộc Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng long trời lở đất, chấn động địa cầu, đưa đất nước chúng ta từ một nước nô dịch, nghèo nàn lạc hậu trở thành một nước tự do. Chúng tôi sung sướng, hạnh phúc vô cùng,” ông Ca mỉm cười mà ánh mắt long lanh.

Đã ở tuổi 95, tai nghe không còn rõ, nhưng ông vẫn nhớ như in quang cảnh và diễn biến cuộc bầu cử. Ông kể rành rọt tên của các ứng cử viên đắc cử: Ông Lê Huy Vân, xuất thân trong một gia đình Nho học, đồng tác giả hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946; ông Lê Tư Thực là một nhân sỹ trí thức và ông Lê Đình Thiệp là một chiến sỹ hoạt động Cách mạng.

“Đúng 7 giờ sáng hòm phiếu mới mở mà chúng tôi có mặt ở điểm bầu cử từ 6 giờ. Một cụ cao tuổi nhất lên bỏ phiếu trước tiên, rồi đến tôi là cử tri trẻ nhất được bỏ phiếu thứ hai, ngay sau cụ,” ông kể.

Sau này, ông đã ghi lại sự xúc động ấy qua các câu thơ:

“Từ ngày Cách mạng thành công

Nhân dân phấn khởi một lòng dựng xây

Xây nền dân chủ bấy nay

Mỗi ngày một vững, mỗi ngày tiến lên.”

Kỳ vọng vào thế hệ trẻ

Ông Ca chưa từng bỏ lỡ cơ hội đi bầu cử trong suốt nhiều năm qua. Khi đất nước ở trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ (giai đoạn trước 1975), cũng có các cuộc bầu cử nhưng niềm vui dường như không được trọn vẹn, không khí hân hoan cũng bị hạn chế bởi bom đạn và hoàn cảnh đất nước bị chia cắt.

Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xoá bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Từ đây, Cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất.

“Tôi tin tưởng rằng các bạn thanh niên bây giờ có sức bật lớn, có tình yêu và tâm huyết lớn với đất nước. Hãy tham gia xây dựng Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên mạnh giàu, đúng với nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.”

Vào ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức đi bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Sau này, ông Ca về công tác tại Bộ Thuỷ lợi. Từ năm 1979, ông làm việc tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Chương Dương, phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm)… Ngoài ra, ông còn sinh hoạt trong Câu lạc bộ thơ Sống Vui, đến nay câu lạc bộ đã ra mắt được 20 tập thơ chung. Trong thời gian đó, nhiều lần ông giữ vai trò trưởng tiểu ban bầu cử ở địa phương.

“Kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi vui lắm, không khí lại sôi nổi như ngày bầu cử năm 1946. Ngày đó, mọi người nói với nhau rằng hòa bình thì ăn cháo cũng sung sướng,” ông chia sẻ.

Ông Ca có 4 người con. Gia đình ông hiện nay có 3 thế hệ cùng đi bầu cử, đó là một niềm tự hào. Ông luôn nhắc các con phải ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước.

“Tôi bảo các con dù bận mấy cũng phải nghiên cứu thật kỹ chương trình hành động, cân nhắc để chọn ra người tài đức, đó là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi công dân,” ông nói.

Ông rất tâm huyết và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, họ sẽ là những người chủ tương lai của đất nước, sẽ có trách nhiệm bầu ra những người có đức có tài, đưa đất nước tiến lên.

“Tôi tin tưởng rằng các bạn thanh niên bây giờ có sức bật lớn, có tình yêu và tâm huyết lớn với đất nước. Hãy tham gia xây dựng Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên mạnh giàu, đúng với nghị quyết Đại hội XIII của Đảng,” ông nói.

Đây là lần thứ 15 ông Ca được bỏ những lá phiếu bầu của mình để chọn ra những người tài đức vẹn toàn cho đất nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tuy nhiên, ông Ca cũng bày tỏ lo ngại trước thực tế nhiều bạn trẻ ngày nay không mặn mà theo dõi bầu cử, không hăng hái nhiệt huyết như thế hệ của ông khi xưa.

Ông cho rằng lớp trẻ rất may mắn, hạnh phúc khi được sống trong một đất nước hòa bình, khác với khi xưa nên họ thấy việc bầu cử là một nhiệm vụ, chứ không phải là một niềm hạnh phúc, niềm tự hào. Ông trăn trở và viết mấy vần thơ để khích lệ lớp người trẻ như sau:

“Chúc mừng các bạn trẻ hôm nay

Lá phiếu đầu tiên được cầm tay

Đi bầu quốc hội khoá 15

Đất nước mạnh giàu góp dựng xây.”

Năm nay, cuộc bầu cử toàn dân diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngày nào ông cũng theo dõi tin tức trên truyền hình và đọc báo Hà Nội Mới.

“Tôi thấy lãnh đạo Nhà nước khuyến khích tiếp xúc cử tri qua hình thức trực tuyến, tôi rất tán thành. Bởi cách thức này phù hợp với hoàn cảnh, quan trọng là người dân bầu ra được người có đức có tài. Danh sách ứng cử viên có rất nhiều người trẻ, có tài năng, có học vị cao và tôi rất tin tưởng rằng họ có đủ sức để làm nhiệm vụ mà nhân dân giao phó,” ông nói.

Người Đảng viên lão thành mấy hôm nay lại thấy đau xương khớp, nhưng ông vẫn chăm chú theo dõi tiến trình cuộc bầu cử. Mắt đã mờ nên ông chỉ đọc báo được một lúc, lại phải nghỉ.

Đã qua 14 kỳ tổng tuyển cử, chưa một lần bỏ lỡ cơ hội bỏ lá phiếu tín nhiệm vào hòm phiếu, ông Ca vẫn háo hức mong chờ đến ngày Chủ nhật (23/5/2021) để lại ăn vận chỉnh tề, cùng con cháu ra điểm bầu cử, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của công dân một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ./.

Minh Thu - Minh Sơn - Hoàng Hiếu
Minh Thu – Minh Sơn – Hoàng Hiếu

(Vietnam+)