LONGFORM: Một năm thực hiện Nghị quyết 128: Đạt nhiều kỳ tích nhờ bước chuyển hướng chiến lược
Một năm sau bước chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã tăng trưởng, bứt phá ngoạn mục: Từ chỗ GDP giảm sâu vào quý III/2021, sang quý III/2022, GDP tăng trưởng 13,67%, cao nhất tính từ năm 2011. Việt Nam trở thành một số ít nước trên thế giới vừa đạt được tăng trưởng cao, vừa kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chính phủ và các bộ ngành đã không chỉ thực hiện được cam kết và quyết tâm mạnh mẽ "không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế" được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong những ngày cam go, thử thách nhất do dịch bệnh COVID - 19. Hơn thế, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã 2 lần lập kỳ tích: Năm 2021, trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với "kỳ tích vaccine"; năm 2022, GDP có thể tăng trưởng cao vượt kịch bản dự kiến và cao hàng đầu khu vực, đồng thời giữ vững ổn định trên các lĩnh vực.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 1.

Ngày 29/9/2021, Tổng cục Thống kê công bố tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. "Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế lớn nhất của cả nước, mức giảm còn lớn hơn.  Quý III năm 2021, chỉ số GRDP là -24,39%; tính chung 9 tháng đầu năm 2021 là -4,98%. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phồ Hồ Chí Minh nói đây là con số kỷ lục mà xưa giờ chưa từng có.

Đúng một năm sau, ngày 29/9/2022, Tổng cục Thống kê thông báo GDP Quý III tăng trưởng 13,67%, giúp GDP 9 tháng đạt 8,83, lập kỷ lục cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 2.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, những kết quả này không tự nhiên mà có, mà là nỗ lực của cả nước, của các cấp, các ngành, trong đó có của tập thể lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Riêng với ngành, ông nhắc tới việc ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ "liên tục viết thư" cho các Phó Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công Thương để chỉ đạo.

Kết quả, chỉ số công nghiệp tăng 9,6% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn nhiều so với con số 3,9% của cùng kỳ năm 2021 và cũng cao hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, trong đó  2 nhóm ngành tăng cao nhất là công nghiệp chế biến tăng 10,4% và ngành sản xuất điện tăng 7,5%. "Điện tăng 7,5% tương ứng với mức tăng hơn 10% của nền kinh tế, bởi 1% điểm tăng trưởng về điện tương ứng với khoảng 1,4-1,5% điểm tăng trưởng kinh tế, đây là tín hiệu rất đáng mừng và số liệu nói lên tất cả", ông nói.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 3.

Để thúc đẩy xuất khẩu khi các thị trường lớn đang bị tác động mạnh, bị thu hẹp, trong 1 tháng, Thủ tướng đã có 2 cuộc làm việc với các thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao để giải bài toán thị trường, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống mà còn mở rộng ra các thị trường mới. Và điều này đã mang lại kết quả rõ rệt. Xuất nhập khẩu tăng cao ngoạn mục, hàng hóa trong nước dồi dào, cung cầu được cân đối, bảo đảm, nhất là nguyên, nhiên liệu cho sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,79 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021, thặng dư 6,86 tỷ USD, tăng 108%. Một số mặt hàng tăng ấn tượng như tôm tăng 24%, cà phê tăng 37%, gạo 9,3%, hạt điều 14%, nhất là cá tra đạt 1,9 tỷ, tăng 83% và năm nay xuất khẩu thủy sản chắc chắn đạt hơn 10 tỷ USD so với mục tiêu 9 tỷ USD. Đặc biệt, nếu xuất khẩu gỗ tháng 7 chỉ tăng 1,3%, tháng 8 tăng 6,5% thì tới tháng 9 đạt 12,4 tỷ, tăng 11,4%. Theo ông Tiến, chúng ta đã kịp thời đẩy mạnh xuất khẩu viên nén gỗ (dùng đốt lò sưởi) rất hiệu quả khi giá khí đốt tăng cao ở nhiều nơi. Với tốc độ hiện nay, mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD là nằm trong tầm tay.

Đánh giá tình hình cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8% đến 8,2%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. Còn các tổ chức quốc tế đưa ra các con số dự báo có phần khác nhau nhưng đều đồng thuận quan điểm tăng trưởng của Việt Nam có thể cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023 (Moody's, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%).

Theo đánh giá chung, những kết quả, thành tựu trong 1 năm qua giúp củng cố thêm các nền tảng để thực hiện các mục tiêu phát triển tới năm 2025 và các năm tiếp theo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp trực tuyến đầu tiên về chỉ đạo ứng phó với dịch COVID 19 tại trụ sở Chính phủ, 7/5/2021; Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác chống dịch tuyến biên giới Tây Nam tại An Giang, 9/5/21.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức.

Trong báo cáo công bố ngày 21/9, ADB nhận định nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là yếu tố then chốt để Việt Nam phục hồi nhanh chóng. Các cân đối vĩ mô mạnh mẽ, với động lực là sự tăng trưởng nhanh hơn dự kiến của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng nội địa đang giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi vững chắc.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 5.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 6.

Theo các chuyên gia, những thành quả nói trên bắt đầu từ sự chuyển hướng mang tầm chiến lược theo Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thực tế đã chứng minh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 theo kết luận của Trung ương là hết sức đúng đắn, kịp thời, phù hợp, có vai trò, ý nghĩa quyết định với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định hiện các rủi ro, bất ổn đan xen phức tạp buộc nhiều nền kinh tế phải đánh đổi giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Tổ chức Thương mại Thế giới nhận định kinh tế thế giới đang chịu khủng hoảng đa tầng: xung đột Nga-Ukraine; biến đổi khí hậu; hậu quả của dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã luôn chủ động, linh hoạt, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế; điều hành hiệu quả, giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thế giới bất định.


Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 7.

(Trái sang phải, trên xuống dưới): Thủ tưởng Phạm Minh Chính gặp mặt các kiều bào nhân dịp chương trình Xuân Quê hương, 22/1/2022; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự hội nghị WEF 52; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty Saigon Precison (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh - sáng 1/10/2021); Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện phương châm 3 tại chỗ giữa tâm điểm dịch tại TPHCM, 26/6/2021.

Với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết, với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm trong thời gian qua đã đưa nền kinh tế nước ta phục hồi nhanh. Kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của nước ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong đó, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 có ý nghĩa rất quan trọng, xoay chuyển cục diện phát triển kinh tế - xã hội đất nước, TS. Nguyễn Bích Lâm nhận định.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá trong bối cảnh hết sức khó khăn, những kết quả Việt Nam đạt được là điểm sáng trong khu vực và quốc tế, không chỉ các tổ chức tài chính như IMF, WB, ADB mà các hãng thông tấn quốc tế cũng đánh giá cao. Đóng góp vào nỗ lực chung của cả nước, ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, bám sát Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và trọng tâm chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Ngành ngoại giao sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng về tìm kiếm đối tác, thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu, hợp tác kinh tế, vận động, thu hút FDI chất lượng cao, ODA thế hệ mới gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời chú trọng thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khai thác thị trường gần 100 triệu dân và hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài…

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 8.

Chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trực tiếp chứng kiến không khí hồi phục sôi động tại Việt Nam, bà Era Dabla-Norris, trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên, nhận định dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, nhưng trong quá trình phục hồi, Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ. Đó là kết hợp đồng bộ các chính sách, chuyển dịch trọng tâm chính sách kịp thời, từ đó giúp kiềm chế lạm phát tốt, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cao.

"Đây là điều chúng tôi không quan sát được ở các nền kinh tế khác, ví dụ, nhiều nước tăng trưởng tốt nhưng lạm phát rất cao. Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày nhưng với Việt Nam thì chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực, bất chấp các cú sốc bên ngoài. Trong hai thập kỷ qua, điều khiến chúng tôi ngưỡng mộ nhất về đất nước và con người Việt Nam là sự quyết tâm và kiên định với mục tiêu của mình; chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua được đoạn đường gập ghềnh thời gian tới để thực hiện được các mục tiêu trong trung và dài hạn", bà nói.


Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 9.

Theo các chuyên gia, trong 1 năm thực hiện Nghị quyết 128, Việt Nam đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong bối cảnh đất nước có thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi.

Trong xu thế chung của thế giới là tăng trưởng thấp, lạm phát cao, Việt Nam đạt tăng trưởng cao và lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an sinh xã hội được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, hội nhập và đối ngoại được mở rộng, thúc đẩy phù hợp tình hình, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, của toàn xã hội được nâng lên, uy tín của Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế được nâng cao. 

Trong xu thế chung của thế giới là tăng trưởng thấp, lạm phát cao, Việt Nam đạt tăng trưởng cao và lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an sinh xã hội được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, hội nhập và đối ngoại được mở rộng, thúc đẩy phù hợp tình hình, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, của toàn xã hội được nâng lên, uy tín của Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế được nâng cao. 

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 10.

Sáng 1/9, tại Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn–Móng Cái.

Cũng trong vòng 1 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tận dụng tối đa thời gian để chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả những quyết sách, nhiệm vụ, giải pháp lớn: Chương trình phòng chống dịch COVID-19; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, triển khai nhiệm vụ xây dựng quy hoạch; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy các công trình hạ tầng giao thông vận tải chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia; giải quyết các công việc tồn đọng, kéo dài, các dự án yếu kém…; chương trình chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và chương trình chuyển đổi số quốc gia…; giải quyết các vấn đề phát sinh như những tiềm ẩn rủi ro của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…, nỗ lực bảo đảm an sinh qua việc ban hành và triển khai các Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 11.

Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Đồng thời, hết sức quan tâm 3 khâu đột phá chiến lược đã được Đảng xác định gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, nhằm thiết lập các nền tảng phát triển bền vững trong trung và dài hạn, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ rào cản nguồn lực cho phát triển; triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương như Khánh Hòa, Cần Thơ; xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; tổng kết, đánh giá các Nghị quyết của Trung ương về đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kinh tế tập thể…

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan đã rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy bên trong của bộ, cơ quan, dự kiến cắt giảm được 17 tổng cục, hơn 100 cục và tương đương, dù trong thực tế, đây là công việc hết sức khó khăn, rất nhiều rào cản, trở lực.

 Để nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về ổn định kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp, các thị trường vốn, lao động, bất động sản, khoa học công nghệ…; ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP để tháo gỡ "nút thắt" cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Một số công trình hạ tầng quan trọng được đưa vào sử dụng như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn La Sơn - Túy Loan, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận…; trong tháng 09 đã phát động thi đua "120 ngày đêm" thông xe kỹ thuật 04 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, khởi công dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Việc quyết liệt xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã mang lại những kết quả nhìn thấy được: Đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (giai đoạn 2), Sông Hậu 1; tháo gỡ vướng mắc trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án của VEC và VIDIFI, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nhiệt điện Long Phú 1, Ô Môn…

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 12.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát công trình và động viên kỹ sư công nhân đang thi công cao tốc Hạ Long-Móng Cái vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần (26/2/22) (ảnh trên); Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra một gói thầu (huyện Nhà Bè, TPHCM) của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành (ảnh dưới)

Có thể khẳng định, Việt Nam đã bắt kịp và có những khía cạnh đã vượt lên trước về xu thế mở cửa, phục hồi và phát triển; đồng thời không bỏ lỡ xu thế chuyển đổi số, xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số và xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu. 


Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 13.

Với nhiều người, một trong những điều ấn tượng nhất trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong 1 năm qua là hình ảnh Thủ tướng hết sức sâu sát, quyết liệt, thường xuyên xuống tận địa phương, cơ sở, hiện trường để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thúc đẩy, đưa ra các giải pháp đối với các công việc cần giải quyết;  lắng nghe ý kiến người dân, nói đi đôi với làm và làm hiệu quả. Nhiều người nhận xét, trong việc di chuyển tới các địa phương, dường như ông muốn tận dụng tối đa thời gian có thể để làm việc. 

Đi thực tế địa phương không chỉ là câu chuyện "mắt thấy, tai nghe", "trăm nghe không bằng một thấy", như ông nhiều lần nhấn mạnh là phải tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Thủ tướng muốn tới tận nơi để có thêm cảm xúc làm việc. Ông cũng nhiều lần nói với các cấp, các ngành, khi lựa chọn nhân sự cho công việc, phải lựa chọn những người không chỉ có năng lực, trình độ mà còn phải có đam mê, say sưa với công việc, thậm chí phải làm sao để "mỗi ngày đến cơ quan là một ngày vui".

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 14.

(Trái sang phải, trên xuống dưới): Sáng 24/9/22, trong chương trình công tác tại tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát các công trình trọng điểm tại tỉnh Yên Bái; Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái; Thủ tướng Chính phủ cùng Đoàn công tác đến thăm kiểm tra tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty TNHH giầy CHINH LUH Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An (chiều 10/7/21); Thủ tướng đi thị sát công trình và động viên kỹ sư công nhân đang thi công cao tốc Hạ Long-Móng Cái vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần (26/2/22).


Với lãnh đạo các địa phương, ông mong muốn phải "xem việc công như việc của nhà mình". "Trước việc "cháy nhà, chết người" rồi, thì các đồng chí đừng bình chân như vại nữa", ông nói. Tại công trường xây dựng sân bay Long Thành, ông yêu cầu các đơn vị liên quan "phải bám sát công trường, ăn ngủ với công trường, yêu dự án này như con cái thì mới ra có kết quả mỹ mãn được".

Tới thăm một nhà máy đạm yếu kém kéo dài, ông trăn trở khi "đi cả nhà máy không có bông hoa nào mà chỉ có than với bùn". "Tôi có cảm giác các đồng chí chưa yêu nhà máy của mình. Tôi có nói với lãnh đạo nhà máy là phải yêu nhà máy như nhà mình thì mới có cảm xúc, phải đắm đuối với công việc thì mới ra sáng kiến, ra sản phẩm, nhà máy mới hoạt động hiệu quả, mới xanh, sạch, đẹp", ông chia sẻ.

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, "động viên nhau cùng làm, nêu gương cho cấp dưới, làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không hết giờ, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì nhân dân phục vụ, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường".

Xin đưa ra một vài con số gắn với công tác giải ngân đầu tư công để thấy phần nào sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành: Chỉ trong 9 tháng đầu năm, đã ban hành 10 nghị quyết, 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo; tổ chức 3 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác, tiến hành 3 đợt để tiến hành kiểm tra liên tục…


Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 15.

Theo các chuyên gia, kiểm soát dịch bệnh thành công là yếu tố nền tảng quyết định để Việt Nam mở cửa thành công, phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Để làm được điều này, Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là thực hiện thành công chiến lược vaccine và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định

Chính phủ xác định: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, tạo ra những thách thức chưa từng có không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới; không chỉ đối với ngành y tế mà ảnh hưởng đến toàn xã hội; với phương châm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; không có sự an toàn của cá nhân, địa phương nào nếu không có sự an toàn chung của cộng đồng; dịch bệnh chưa được kiểm soát thì không thể có phục hồi và phát triển kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, sáng tạo, trong áp dụng linh hoạt biện pháp chống dịch tại Nghị quyết 30 của Quốc hội, trên cơ sở bám sát thực tiễn, nhận định, dự báo tình hình dịch và dựa vào khoa học.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 16.

(Trái sang phải, trên xuống dưới): Chiều 24/6/21, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Thủ tướng trực tiếp đến nơi sinh sống của người lao động có thu nhập thấp tại TP. Thủ Đức, chiều 25/8/21; Tối 5/6/21, Thủ tướng tham dự lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 tại Hà Nội.

Xác định vaccine là vũ khí quan trọng, ngay cả trước khi Nghị quyết 30 của Quốc hội ra đời, Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo, bằng mọi khả năng để tiếp cận được với vaccine sớm nhất, nhanh nhất, phương châm "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất". Chiến lược vaccine của Chính phủ được triển khai đồng bộ trên các mặt: (i) Quỹ vaccine (từ Trung ương đến địa phương); (ii) Ngoại giao vaccine; (iii) Chiến dịch tiêm chủng mở rộng chưa từng có trong lịch sử, miễn phí cho toàn dân, người dân được tiếp cận công bằng với vaccine. WHO ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn hệ thống chính trị và người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, việc tiêm vaccine dù vẫn chưa đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, nhưng thành quả tiêm vaccine của Việt Nam vẫn là rất ấn tượng. Theo các số liệu thống kê, tính tới cuối tháng 9, cả nước đã tiêm khoảng 260 triệu liều vaccine, số liều sử dụng của Việt Nam đứng thứ 9 thế giới, tiêm nhắc lại đứng thứ 7 thế giới, số liều vaccine trung bình mỗi người dân nhận được đứng thứ 5 thế giới. Điều này càng đáng chú ý với số dân gần 100 triệu người của Việt Nam, so với các nước khác trong tốp 5 có dân số ít hơn nhiều


Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 17.

Cùng với chiến lược vaccine, theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chính phủ đã có các quyết sách chuyển hướng chiến lược phù hợp với từng thời kỳ diễn biến dịch bệnh. Khi chưa có đủ vaccine và thuốc điều trị thì áp dụng các biện pháp hành chính (giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa diện rộng) theo các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ; khi đã có vaccine thì thực hiện chuyển dần sang phòng, chống dịch linh hoạt, chủ động, thích ứng an toàn, hiệu quả, theo các biện pháp chuyên môn, khoa học.

 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát dự báo tình hình dịch bệnh, nắm bắt xu hướng và quyết đoán kịp thời chuyển thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128 với các giải pháp chuyển hướng mang tính chiến lược để cả nước bước sang trạng thái thích ứng với điều kiện "bình thường mới".

Khi dịch COVID-19 được cơ bản kiểm soát và bước vào giai đoạn bình thường mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. 

Mặc dù việc chống dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, nhưng Chính phủ đã mạnh dạn, kiên quyết, nhất là trong những thời điểm dịch bùng phát mạnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nhưng không nóng vội, phát huy trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn xã hội, thẳng thắn phân tích, nhận định những điểm được và chưa được trong chỉ đạo, điều hành của cả Trung ương và địa phương.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 18.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp các nhà sản xuất và cung cấp vaccine tại cuộc phát động tiêm chủng 10/7/21.

Cùng với ngân sách Nhà nước, tính đến ngày 22/9/2022, Quỹ vaccine đã nhận được hơn 10.500 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đã chi hơn 7.672 tỷ đồng. Đến tháng 8/2022, Việt Nam đã vận động được viện trợ nước ngoài gần 120 triệu liều vaccine với trị giá khoảng 800 triệu USD, tương đương 20 nghìn tỷ đồng tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Đến nay, đối phó với một đại dịch chưa có tiền lệ, trong điều kiện phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, lại là nước dân số đông, mật độ dân cư cao, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, với sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và những quyết sách đúng đắn. 

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 19.

Chính phủ nhận định, những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ có tác động lớn tới sự phục hồi và phát triển kinh tế của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế có thể sớm phục hồi và tăng trưởng cũng như khắc phục những tác động đến ngân sách nhà nước, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm, xã hội...

Tính đến cuối tháng 8/2022, Trung ương và các địa phương đã dành gần 87 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 857 nghìn lượt người sử dụng lao động, gần 56 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Báo cáo mới nhất của Chính phủ trình Quốc hội cho biết, đến tháng 5/2022, đã có 51.668 người lao động mang thai, 592.204 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động và 215.602 trẻ em là người thuộc diện F0, F1 được hỗ trợ. Đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho 19.318 trẻ em với tổng kinh phí là 27.833 tỷ đồng. Báo cáo nêu những con số hết sức cụ thể: Có 603 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19; 3.313 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ; 137 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; cùng các hỗ trợ khác bằng tiền và hiện vật cho 15.265 trẻ em.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 20.

Chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, có sự tham dự của đại diện các cơ quan tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Với người dân và doanh nghiệp, tổng giá trị hỗ trợ tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2021 là khoảng 145 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, tiếp tục thực hiện các giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực. Nhưng sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với công tác an sinh xã hội, với đời sống nhân dân không chỉ thể hiện qua những con số thống kê. Tại mọi diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhắc lại quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta: Con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn có ngay các chỉ đạo khẩn trước những sự cố và nguy cơ ảnh hưởng tới đời sống, tính mạng, sức khỏe, an toàn và sinh kế của người dân, như trong các vụ cháy nổ, tai nạn giao thông… hay cơn bão số 4 vừa qua. Không chỉ trong dịch bệnh COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt an toàn, sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 21.

(Trái sang phải, trên xuống dưới): Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát công trình và động viên kỹ sư công nhân đang thi công cao tốc Hạ Long-Móng Cái vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần (26/2/22); Thị sát thực địa dự án cao tốc Bắc Nam tại miền Tây (9/5/2022); Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm người có công tại Thành phố Đà Nẵng (25/7/22); Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thăm và làm việc với Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn có ngay các chỉ đạo khẩn trước những sự cố và nguy cơ ảnh hưởng tới đời sống, tính mạng, sức khỏe, an toàn và sinh kế của người dân, như trong các vụ cháy nổ, tai nạn giao thông… hay cơn bão số 4 vừa qua. Không chỉ trong dịch bệnh COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt an toàn, sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Là người sớm trực tiếp đi vào vùng "tâm bão" số 4 để kiểm tra, đôn đốc các địa phương, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết việc phòng chống bão hiệu quả, trong bão không có thiệt hại về người, không phải do may mắn mà có. Đây là sự nỗ lực, chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, sự chỉ đạo, điều hành kiên quyết, kịp thời, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các cơ quan chức năng. 

Trong chuyển công tác tại Yên Bái, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ ông đã từng ở vùng núi xa xôi, đi học mất 2 tiếng, vì thế phải xây dựng trường nội trú cho các cháu học sinh vùng sâu, vùng xa 

Hay như trong chuyến công tác gần đây tại Yên Bái, Thủ tướng hết sức nhấn mạnh vấn đề phát triển nguồn nhân lực, coi đây là chìa khóa quyết định để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Ông đặc biệt quan tâm vấn đề phát triển hệ thống trường nội trú. Thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của con em đồng bào dân tộc thiểu số, ông nhắc lại tuổi thơ của mình ở một huyện vùng núi, "mỗi ngày chạy bộ 2 giờ để tới trường" để nhắc nhở lãnh đạo địa phương về tầm quan trọng của những ngôi trường nội trú khang trang, sạch đẹp để tạo cơ hội tốt nhất cho các em…

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 23.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, tình hình càng khó khăn, thách thức, càng phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau. Ông nhắc lại nhiều lần quan điểm, nếu giữ vững đoàn kết thì không được nhiều sẽ được ít, không được chỗ này thì được chỗ khác, không được lúc này thì được lúc khác, không được người này thì được người khác, còn mất đoàn kết là mất tất cả. 

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 24.

Cùng với những thành quả đạt được thời gian qua, niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong nước và của cộng đồng quốc tế, của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường. Theo một khảo sát, tỷ lệ người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ vào loại cao nhất thế giới, 96%.

Niềm tin kinh doanh cũng tăng lên khi số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 09 tháng đạt hơn 163 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo, 74,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tích cực trong Quý III; 82,6% doanh nghiệp nhận định lạc quan về tình hình Quý IV; tình hình đơn hàng của doanh nghiệp tiếp tục tích cực trong Quý III và dự kiến trong cả Quý IV.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 25.

(Trái sang phải, trên xuống dưới): Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam ngày 25/8/22; Thủ tướng điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường; Thủ tướng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong chuyến thăm Nhật tháng 11/2021; Thủ tướng tiếp Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergey Lavrov tại Hà Nội ngày 6/7/2022.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, khi tình thế khó khăn, các quyết định của cấp lãnh đạo có giá trị làm chuyển biến tình hình, chuyển biến nhận thức, tạo niềm tin mang tính cách mạng và ý chí quyết tâm để thực hiện. Ông nhắc lại, cuối tháng 9/2021, Ban Thường vụ Thành ủy rất lo lắng vì tăng trưởng âm, chỉ thu ngân sách đạt 74% so với cùng kỳ năm 2020.

"Nhưng những kết quả đạt được đến hôm nay là cực kỳ quan trọng, khá toàn diện, phấn khởi, niềm tin tăng dần và cho chúng ta có thêm sức mạnh để quyết tâm phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu các nhiệm vụ mà đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11 đề ra", ông Nên nhấn mạnh khi nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội Thành phố hơn 1 năm qua. 

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, những thành quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm rất đáng mừng trên cả nước là nhờ sự điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã truyền cảm hứng hành động cho cả hệ thống. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cũng nhấn mạnh những kết quả đạt được có nhiều nguyên nhân, nhưng sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mang ý nghĩa quyết định.

 Trong phương châm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh từ "linh hoạt". Tâm đắc với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong một năm qua, các diễn biến của tình hình thế giới và động thái điều chỉnh chính sách của các nước luôn được theo dõi sát sao để kịp thời có các giải pháp tiền tệ, tài khóa, điều hành giá, giải pháp vĩ mô nhằm ứng phó đồng bộ, phù hợp với tình hình.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 26.

Thủ tướng với các nhà lãnh đạo thế giới trong chuyến thăm tới các nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị để vừa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, vừa tập trung giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, cũng như các biện pháp bảo đảm sức khỏe nhân dân, vừa phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vừa ứng phó với những tình huống mới, bất ngờ, phát sinh, đồng thời góp phần ổn định tâm lý thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 27.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh (ảnh 1-4) và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (ảnh 2-3)

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhắc tới một số ví dụ cho thấy sự điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ. Khi FED tăng lãi suất điều hành, Thủ tướng đã triệu tập ngay các cuộc họp và đã có các thông điệp rất rõ ràng. Hay trong ứng phó cơn bão số 4, Thủ tướng liên tục có những chỉ đạo cả trước, trong và sau bão. Khi phát hiện các vấn đề cung cầu hàng hóa thì Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng chỉ đạo rất kịp thời, thông tin nhanh chóng đến các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Một chuyên gia kinh tế chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ về một ví dụ cho thấy "nghệ thuật" và "kỹ thuật" điều hành của các cơ quan quản lý trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua - trùng với kỳ điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu. Tuy đúng quy định, nhưng việc điều chỉnh một cách máy móc ngay trước kỳ nghỉ kéo dài có thể tác động tâm lý người dân, tạo kỳ vọng lạm phát. Cuối cùng, các cơ quan quản lý quyết định lùi thời điểm điều chỉnh giá tới sau kỳ nghỉ và thực tế sau đó chứng minh rằng điều này là đúng đắn và cần thiết.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 28.

Khẳng định sự tin tưởng ở Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong điều hành  chính sách tiền tệ, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ không chỉ là một khoa học mà là một nghệ thuật. Các nhà quản lý chính sách tiền tệ không những thông minh và khôn ngoan để đưa ra các chính sách phù hợp mà phải có tay nghề và tâm huyết với đất nước để điều hành các chính sách tiền tệ trong một bối cảnh vô cùng phức tạp và khó khăn. Nhìn rộng hơn, ông cho rằng, Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ càng để đưa ra những quyết định phù hợp cho nền kinh tế vĩ mô.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 29.

Từ góc nhìn quốc tế, hãng S&P đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên BB+ với triển vọng "ổn định". Hãng Fitch Ratings xếp hạng BB với  triển vọng "tích cực". Hãng Moody's xếp hạng Ba2 với triển vọng "ổn định". Hãng Nikkei đánh giá Chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam tiếp tục được nâng hạng, xếp thứ 2 thế giới.

Ở khía cạnh khác, theo báo cáo vừa được Brand Finance công bố, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 11% trong năm nay, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD. So với năm 2019, giá trị tuyệt đối thương hiệu Việt Nam tăng 74% - mức tăng nhanh nhất thế giới. Phản ứng linh hoạt trong chống COVID-19, trở thành nơi an toàn và ổn định để các nhà sản xuất dịch chuyển đầu tư là những yếu tố giúp giá trị thương hiệu Việt Nam ghi điểm năm nay.

Tại hội thảo gần đây, ông Alain Cany - chủ tịch EuroCham cho rằng, sau khi những hậu quả nặng nề nhất của đại dịch qua đi, niềm hy vọng lớn lao đã được thắp lên ở Việt Nam. Chính sách chống dịch phù hợp, đầu tư nước ngoài cũng khả quan.

Ông Alan Cany nhắc tới LEGO, một thành viên EuroCham, đang đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Dương để xây dựng nhà máy. Pegatron, nhà cung cấp của Apple, hiện có kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD vào Việt Nam. Foxconn đã cam kết rót 300 triệu USD để nâng cấp cơ sở sản xuất ở Bắc Giang. Samsung sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ năm 2023, còn Apple dự định sẽ sản xuất đồng hồ Apple Watch tại đây.

Một năm thực hiện nghị quyết 128 - Ảnh 30.

Cũng tại sự kiện nói trên, ông Tim Evans - CEO của HSBC, đơn vị tổ chức hội thảo – cho rằng sự phục hồi của Việt nam không chỉ là câu chuyện của "ngày mai trời lại sáng" mà "bây giờ, bình minh đã đến". Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực, tiếp tục đạt thành tích, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP. Việt Nam cũng được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh. Việt Nam, quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, đang tham vọng muốn trở thành một nước phát triển, đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

"Việt Nam đã tự tạo ra "may mắn" cho mình để phục hồi vững chắc. Nền kinh tế lúc này đang có vị thế tốt để nắm bắt các khả năng. Tôi đã từng thấy một bình luận trên LinkedIn rằng "Mỹ được cho là vùng đất của cơ hội, nhưng Việt Nam có những con người tạo ra cơ hội, chính con người mới tạo nên sự khác biệt". Tôi hoàn toàn đồng ý. Điều đó được chứng minh qua cách người Việt Nam thoát khỏi COVID-19 và cùng nhau xây dựng lại nền kinh tế, cũng như vượt qua mọi thăng trầm, vượt qua mọi thử thách trong suốt lịch sử của họ", CEO HSBC nói.

Bài: Hà Lực

Ảnh: Nhật Bắc-Hải Minh-Trần Mạnh-Đình Nam-Đức Tuân

Đồ họa: Dương Tuấn

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ