Với vị trí là địa bàn chiến lược đặc biệt trọng yếu về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước, sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc khu vực Tam giác phát triển Lào-Việt Nam-Campuchia; có diện tích tự nhiên là 54.508 km2 (16,5% diện tích cả nước), dân số trên 5,9 triệu người (chiếm 5,1% dân số cả nước); phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, phía Nam giáp các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, phía Tây giáp với các tỉnh Attapeu (Lào) và Ratanakiri và Mondulkiri (Campuchia).
Tây Nguyên có hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ và là đầu nguồn của 4 con sông lớn gồm sông Sê San, sông Srepok, sông Ba và sông Đồng Nai, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, cung cấp nước ngọt cho khu vực hạ du của các địa phương thuộc hai vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.
Tây Nguyên có nhiều lợi thế như có 3,2 triệu đất rừng (21% cả nước), 1 triệu ha đất đỏ bazan, 1,8 triệu ha đất đỏ vàng; hệ sinh thái đa dạng; khí hậu điều hòa. Vùng có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời); giàu khoáng sản và là trung tâm sản xuất bauxite.
Tây Nguyên cũng là vùng sản xuất lớn cây công nghiệp lớn (cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, điều…); có nhiều loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh; có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đạt nhiều kết quả khá toàn diện
Mặc dù có nhiều tiểm năng và lợi thế, song về mặt kinh tế và phát triển, Tây Nguyên lại có xuất phát điểm thấp, điều kiện khó khăn như kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao; trình độ dân trí thấp và chậm được cải thiện; tình hình di dân tự do diễn biến phức tạp; cơ sở hạ tầng thiếu và yếu; đồng bào dân tộc thiểu số thiếu việc làm, không có đất sản xuất; an ninh, quốc phòng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…
Vì vậy, để hỗ trợ Vùng Tây Nguyên vượt qua những khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 18/01/2002 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 với mục tiêu “Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết một lòng cùng với cả nước xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa-xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh; tiến tới xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế động lực.”
Sau đó Bộ Chính trị khóa XI ban hành Kết luận số 12 ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020, trong đó khẳng định “Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; vừa phát huy ý chí tự lực tự cường, khai thác nội lực tại chỗ, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và đầu tư tương xứng của Nhà nước về chính sách, nguồn lực và sự liên kết, hỗ trợ kịp thời các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.”
Kết quả, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận 12-NQ/TW, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ.
Công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%) và cao nhất trong 6 vùng kinh tế-xã hội. Đóng góp của khu vực công nghiệp tăng từ 11,58% năm 2002 lên 17,98% năm 2020. Công nghiệp tập trung vào thủy điện, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, khai khoáng.
Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn (càphê, cao su, chè, tiêu, bông, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy), nhiều mặt hàng chiến tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2002-2020 đạt 5,5%, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong các vùng kinh tế-xã hội.
Dịch vụ, du lịch phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái-văn hóa có sức hấp dẫn. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ giai đoạn 2002-2020 đạt 9,8%, cao nhất trong các vùng; quy mô giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2020 đạt 121,7 nghìn tỷ đồng, gấp 13,7 lần năm 2002.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng gần 2 lần, từ 1,4 tỷ USD năm 2010 lên 2,47 tỷ USD năm 2020. Tốc tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2002-2020 đạt 19%/năm, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất các vùng.
Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; hệ thống giáo dục, đào tạo được đầu tư đồng bộ; mạng lưới y tế được củng cố (từ năm 2010 đến 2020, số bệnh viện tăng từ 75 lên 90, có trạm y tế ở tất cả các xã, phương, số giường bệnh tăng từ 8.647 lên 14.742).
Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được chú trọng. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 82,8% năm 2010 lên 96,7% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá (từ 18,5% năm 2016 xuống 11% năm 2020); các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Làm tốt công tác dân tộc, nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo.
Các di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được chú trọng. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 82,8% năm 2010 lên 96,7% năm 2020.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá (từ 18,5% năm 2016 xuống 11% năm 2020); các chương trình MTQG được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Làm tốt công tác dân tộc, nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo.
Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
Phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua nhưng trong quá trình phát triển, vùng Tây Nguyên còn tồn tại khó khăn, hạn chế, như phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng thấp; Phát triển văn hóa-xã hội còn nhiều bất cập, nhiều di sản văn hoá dân tộc vùng Tây Nguyên đang đứng trước nhiều thách thức; Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức; An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy cơ mất ổn định…
Phát biểu tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên, tổ chức ngày 1/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phát triển xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược; phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Về mục tiêu, Thủ tướng gợi ý Tây Nguyên cần phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó hình thành một số sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc tế; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó hạ tầng giao thông là nền tảng quan trọng; là điểm đến đặc sắc thu hút khách du lịch; hệ sinh thái được bảo tồn, an ninh nguồn nước được đảm bảo; an ninh chính trị ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.
Về một số định hướng, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Thứ hai, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng. Thứ ba, phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường.
Thứ tư, phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; quan tâm vấn đề dân tộc, tôn giáo, làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.
Thứ năm, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền. Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.
Thứ sáu, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bằng các biện pháp khác nhau, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực nhà nước và tư nhân, nguồn lực trong nước và ngoài nước… trên cơ sở trọng tâm, trọng điểm.
Trên cơ sở báo cáo tổng kết, các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư-cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết-tiếp thu đối đa để hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW, hoàn thiện dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị, huy động tối đa trí tuệ tập thể, tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kế hoạch./.