Tháng 7 - Tháng của tưởng nhớ, tri ân!
Những ngày này, trên khắp mọi miền Tổ quốc, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ, tri ân người có công với cách mạng. Những việc làm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” đang được các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên, liên tục, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị tới những người đã không tiếc máu xương, tuổi xuân, hy sinh cho Tổ quốc.
Lịch hoạt động của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trong tháng 7 này dày đặc. Những điểm đến là các Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh; những cuộc gặp mặt với đại biểu người có công, thương binh, bệnh binh tiêu biểu; tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Ở mỗi điểm đến, mỗi cuộc gặp gỡ đều diễn ra nồng ấm, thân tình thể hiện sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, các cấp, các ngành đối với người có công với cách mạng.
Trong chuyến thăm Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thành kính dâng hương, tưởng niệm, viếng và dự Lễ giỗ các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh tại Côn Đảo, vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Thăm lại nơi từng là “địa ngục trần gian”, ghi dấu những hy sinh anh dũng của nhiều cán bộ, chiến sĩ, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện chính sách chăm lo cho người có công; tăng cường hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là quy tập hài cốt liệt sĩ, tu bổ các nghĩa trang, tổ chức thêm các chuyến về thăm đồng đội xưa và các đợt sinh hoạt chính trị, giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ.
Mong muốn về việc tri ân, chăm lo tốt đời sống cho người có công, thân nhân gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh, trong cuộc gặp mặt với đại biểu, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ tỉnh Nam Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: "Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ quên những người có công với Tổ quốc, với đất nước, luôn dành cho những người có công những tình cảm trân trọng, cao quý, nhân văn. Sự bù đắp dù có nỗ lực bao nhiêu cũng không thể bằng những hy sinh, mất mát to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng”.
Mặc dù khẳng định việc quan tâm, chăm lo người có công luôn được các cấp, ngành cố gắng triển khai tốt nhất nhưng Thủ tướng vẫn cho rằng, cần phải kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần không người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi phù hợp; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, đẩy mạnh phong trào "đền ơn đáp nghĩa"; góp phần bù đắp những mất mát, thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng. Thủ tướng nhắc lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng căn dặn: "Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước... Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế". Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn.
Những trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước càng thêm khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện về vật chất và tinh thần, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.
Đầu tháng 7, tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, không khí khẩn trương chuẩn bị cho chuyến hành quân về nguồn tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, khiến các học viên trẻ không khỏi hồi hộp, lo lắng, nhưng với Thượng sĩ Phạm Quang Tùng, Lớp Công nghệ thông tin 1, Đại đội 155, Tiểu đoàn 1, Học viện Kỹ thuật Quân sự, đây là cơ hội đặc biệt để em cùng các đồng đội được tri ân thế hệ đi trước.
“Hằng ngày, đội tình nguyện chia làm 3 bộ phận chính gồm: Tổ cắt tóc di chuyển giữa các khoa để cắt tóc cho các thương binh; tổ phụ bếp giúp đỡ bếp ăn chuẩn bị và phân phát cơm; phần còn lại chia làm 4 tổ nhỏ đi tới 4 khoa, dọn dẹp, giúp đỡ các bác sĩ, y tá chăm sóc bệnh nhân. Một số buổi trong tuần, cả đội cùng Đoàn thanh niên của trung tâm tham gia cải tạo khu vực nghĩa trang thương binh, cảnh quan môi trường trong và ngoài trung tâm”, Thượng sĩ Phạm Quang Tùng chia sẻ. Với những học viên trẻ, việc được gặp gỡ, trò chuyện, thậm chí là cùng ăn, cùng ngủ với các bác thương, bệnh binh-những người đã từng vào sinh ra tử trên các chiến trường đã cho họ những trải nghiệm thật sâu sắc.
“Trong chuyến tình nguyện này, ban đầu, khi tiếp xúc với các bác thương, bệnh binh, nhiều bác có bệnh lý tâm thần, chúng em cảm thấy e ngại, nhưng dần dần, được cùng trò chuyện với các bác, chúng em đã hiểu hơn những hy sinh, mất mát to lớn của các thế hệ cha anh để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Những câu chuyện về các chiến công, kinh nghiệm chiến đấu, kỷ niệm cùng đồng chí, đồng đội của các bác thật chân thực đã khiến chúng em tự nhận thấy cần phải học tập, rèn luyện để có thể cống hiến cho Tổ quốc nhiều hơn nữa.
Các bác thật sự là những người lính Bộ đội Cụ Hồ trong trái tim chúng em”-những chia sẻ của các học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự cũng phần nào trùng với đánh giá của Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và người có công Long Đất, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Tống Đức Bình khi nhắc đến những thương, bệnh binh đang được trung tâm chăm sóc tại đây, họ thực sự là “những người dù từng ngày, từng giờ phải gồng mình chống đỡ những cơn đau cả trong bữa cơm, trong giấc ngủ, lúc trái nắng trở trời, vết thương xưa tái phát, song, bằng tất cả bản lĩnh, khí phách kiên cường của người lính một thời trận mạc, các thương, bệnh binh đã luôn cố gắng, nỗ lực hết mình khắc phục những đau thương để chiến thắng bệnh tật, thương tật, chiến thắng bản thân giữ vững khí tiết “thương binh tàn nhưng không phế”.
“Chăm sóc các thương, bệnh binh, mỗi người một tính khác nhau, cộng với thương tật nặng, tuổi đời cao, tâm lý cũng không ổn định dễ nổi cáu vì vậy việc chăm sóc thương binh, bệnh binh không chỉ đơn giản là kê đơn, cắt thuốc, mà còn cần đến những "liều thuốc tinh thần. Thấu hiểu điều đó, y tá, bác sĩ, hộ lý tại Trung tâm luôn ân cần trong công tác điều trị cho các thương, bệnh binh và sẵn sàng lắng nghe tâm sự của các bác”. (Bác sĩ ĐOÀN VĂN KIỆN, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên và cải thiện về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”… ngày càng phát triển.
Có được những kết quả ấy, chính là nhờ sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, xã hội. Tại Bộ CHQS tỉnh Bình Dương, theo đồng chí Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Dương, nhằm không ngừng đưa quan điểm của Đảng vào cuộc sống là “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương trên cơ sở các nguồn lực từ sự chăm sóc của Nhà nước, cộng đồng và bản thân các đối tượng tự vươn lên”, với các chủ trương và biện pháp tích cực, hiệu quả, đối với quân đội nói chung, lực lượng vũ trang Bình Dương nói riêng không có gì nhiều hơn là tấm lòng phụng sự nhân dân. Các hoạt động nghĩa tình đến với các gia đình chính sách, các gia đình có công với cách mạng, với người nghèo được các đơn vị tổ chức ngày càng ý nghĩa và thiết thực hơn.
Từ những hoạt động của các cấp, ngành, cũng như toàn thể xã hội, từ những đóng góp bé nhỏ của các học viên, sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đến những quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, cho thấy, công tác chính sách vẫn luôn được thực hiện bằng sự tri ân, tình cảm, trách nhiệm cao nhất.
Dù vẫn còn những thiếu sót, vướng mắc trong việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người có công, thân nhân gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, nhưng không thể phủ nhận rằng, ở mọi cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác chăm lo người có công, tri ân với những mất mát, hy sinh của thế hệ đi trước vẫn đang từng ngày, từng giờ được thực hiện, đặc biệt trong tháng 7 thiêng liêng này.
Đến nay, cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công (NCC). Trong đó, người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 là hơn 9.000 người; người hoạt động cách mạng từ 1-1-1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 là gần 16.500 người; hơn 1,2 triệu liệt sĩ; gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động gần 1.300 người; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh gần 800.000 người; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học hơn 320.000 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày hơn 111.000 người; NCC giúp đỡ cách mạng hơn 4,3 triệu người; thân nhân NCC hơn 500.000 người…
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. Khắp 63 tỉnh, thành phố, địa phương nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ.