"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 2.

"Thầy giáo làng" Phùng Văn Trường, xóm Tam Hiệp, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội.

Sau gần 7 năm, chúng tôi trở về "rốn lũ" Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội để gặp lại "thầy giáo làng" Phùng Văn Trường (xóm Tam Hiệp, thôn Nhân Lý) - bị tàn tật phải đi lại bằng xe lăn nhưng để tiếng thơm nức tiếng gần-xa.

Mở đầu câu chuyện, anh Phùng Văn Trường tâm sự, bao năm qua điều anh của thấy hạnh phúc nhất là "đã mang lại sự tự hào cho bố – một người cha – người thầy – một tấm gương lớn xuyên suốt cuộc đời anh".

"Người cha, người mẹ nào cũng tự hào và mong muốn được khoe những đứa con ngoan, học giỏi và được mọi người tôn trọng, nhất là những người con khỏe mạnh, thành đạt. Mặc dù tôi tàn tật nhưng tôi nghĩ mình đã đem lại một chút tự hào đến với bố tôi-người thầy của tôi. Bây giờ mỗi khi ra đường bố tôi không phải xấu hổ vì tôi nữa và đây là niềm hạnh phúc của tôi đã mang lại được cho bố những năm qua.... Noi gương bố, tôi cũng đang ngày ngày cố gắng làm gương cho đứa con trai 7 tuổi, tiền bạc có xu nào tôi muốn dành cho con đi học, để con tôi trưởng thành là người có tri thức", anh Trường bộc bạch.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn vì đám "học trò" của anh. 

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 1.

Ông Mười và bà Năm trêu đùa đứa cháu nội Phùng Thiên Trường Quảng mới được 4 tháng tuổi. (Ảnh chụp năm 2013)

Đầu giờ chiều, đám trẻ trong làng chạy ùa tới căn nhà nhỏ của anh Phùng Văn Trường. Không cần nhắc, từng cháu để gọn cặp một góc, lấy sách vở ra rồi tự giác ngồi vào bàn. Thấy "học sinh" đến, người đàn ông mặc bộ quần áo cũ kĩ xin "khất" chuyện chúng tôi, đẩy chiếc xe lăn bằng đôi tay bị khoèo đi vào khoảng trống hình chữ U được kê bởi 3 chiếc bàn để bắt đầu giờ "lên lớp".

"Thầy giáo làng" Phùng Văn Trường (41 tuổi) đặt đôi tay dưới cằm, cúi mặt xuống bàn, miệng ngậm chặt bút chì. Mẩu bút đưa lên đưa xuống khéo léo theo cử động cổ của anh làm hiện lên những dòng chữ đều đặn trên cuốn vở ôli. Đám trẻ ngừng làm toán chuyển sang viết chính tả. Viết mẫu xong cho hai học sinh lớp 1, anh Trường quay sang hướng dẫn nhóm lớp 2 viết chính tả và lớp 3 làm Toán. Lớp học không đồng đều nhưng trật tự, quy củ…ăm ắp tiếng cười.

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 2.

Là con cả trong một gia đình nghèo có 5 anh em ở thôn Nhân Lý, sinh ra bụ bẫm, khỏe mạnh nhưng đến năm 2 tuổi, chân tay của anh bắt đầu bị teo cơ và yếu dần. Suốt những năm Tiểu học và Trung học, để đến trường học anh phải chống nạng hoặc nhờ người thân hay bạn bè chở đi.

 

Câu chuyện về thầy giáo làng viết chữ bằng miệng, dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo.

Hết lớp 8, đôi tay khoèo hẳn không cầm nắm được thứ gì, chân cũng không thể đi lại được nữa khiến anh phải ngồi xe lăn. Hồi đó, muốn học lớp 9, anh phải tới nơi khác cách nhà 10 km. Nhà nghèo lại không có ai đưa đi, đón về, từ đó anh đành lỡ dở việc học hành, cuộc sống cũng bắt đầu gắn liền với chiếc xe lăn. Mọi giấc mơ của anh đang rực sáng bỗng lịm tắt khiến nhiều người không khỏi xót thương.

Đưa tay khẽ lau vội những giọt nước mắt trực trào, ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn cũ kỹ, người đàn ông 41 tuổi có khuôn mặt bầu bĩnh, hồn hậu, thân hình to cao, bận chiếc áo cũ sờn cổ áo chia sẻ thêm với chúng tôi về những bất hạnh cuộc đời và nỗ lực rèn luyện của mình.

Mặc dù bị tần tật từ nhỏ nhưng bằng nghị lực phi thường của mình anh Phùng Văn Trường (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đã vượt qua và trở thành một "thầy giáo làng" được nhiều người kính trọng.

Anh kể: Năm 2010, khi thấy mình trưởng thành, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, anh nói với bố mẹ xin vượt ao, làm cho gian nhà tạm ở đầu xóm để có thể bán hàng lặt vặt, một phần tự nuôi sống bản thân, phần có người qua lại cho đỡ buồn.

Có quầy hàng, được tiếp xúc với mọi người đến mua "đồng quà tấm bánh" khiến tinh thần anh khá hơn. Nhưng anh cũng nhận ra việc không thể viết chữ cũng là trở ngại lớn vì anh không thể ghi chép lại các mặt hàng…

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 4.

Anh Phùng Văn Trường (Chương Mỹ , Hà Nội) đang viết chữ bằng miệng gửi tặng những người bạn.

Nhiều lúc khách nợ, anh thấy bất lực vì không thể cầm bút ghi sổ được, có người khuyên nên thuê "thư ký" trợ giúp làm anh thấy tự ái. Nhìn mấy đứa cháu con em gái viết chữ xấu và học kém, anh cũng muốn dạy nhưng bản thân còn chẳng cầm nổi bút.

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 7.

"Chẳng nhẽ học mấy năm cũng biết tí chữ mà không viết được thì bực quá", anh dằn vặt và nghĩ thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký có chân để quặp bút việc còn anh đến cả chân cũng không đứng được thì nói gì đến tập viết. Giờ muốn tập viết chữ chỉ còn cách dùng miệng. Nghĩ là làm, anh cắn quyết tâm học viết chữ lại bằng… miệng từ đó.

Hành trình tập viết chữ bằng miệng của anh gặp muôn vàn khó khăn nhưng chưa bao giờ anh có ý định bỏ cuộc. Những ngày mới học viết, anh Trường thấy khó chịu khi phải kẹp bút chì bé tẹo giữa hai hàm răng.

"Lúc đầu, tôi dùng cây bút chì rồi ngậm vào miệng, dùng răng cắn chặt bút và tập viết từng nét một, thậm chí chảy cả máu miệng vì phải cắn chặt bút. Cứ được vài chữ là tôi phải dừng lại nghỉ vì rất mỏi, mắt thì hoa lên vì phải nhìn sát vào trang giấy. 

Cán bút bị hở khiến tôi liên tục chảy nước miếng, nôn ọe. Cổ tôi đau nhức vì không điều khiển được bút đưa lên đưa xuống. Chữ nguệch ngoạc, chán nản, tôi định bỏ cuộc nhưng xem tivi, nghe đài, thấy tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân; thấy trên phim Bao Công có nhân vật cũng viết chữ được bằng miệng…. tôi lại cố gắng", anh Trường bộc bạch.

Chịu khó rèn luyện, chỉ trong vòng một tháng, anh đã làm chủ được chiếc bút bằng miệng và bắt đầu học theo những mẫu chữ trên tivi, tự sáng tạo ra mẫu của riêng mình.

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 6.

Lúc đã chủ động được chữ viết và nhiều người khen đẹp. Thấy các cháu trong họ hàng học yếu, anh bảo với các gia đình cho các cháu đến để anh rèn chữ, luyện toán giúp. Dần dần, gia đình trong các thôn xung quanh cũng đưa con đến nhờ anh kèm cặp. Nhiều năm nay, phụ huynh ở xung quanh thường gửi gắm con mình tới nhà anh học chữ. Hành trình đến với nghề dạy như một cái duyên như vậy.

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 7.

Căn nhà nhỏ của anh Phùng Văn Trường hơn 10 năm nay ngày nào cũng sáng đèn và trở thành không gian học "trong mơ" của nhiều em nhỏ ở vùng quê nghèo trong huyện Chương Mỹ. Lớp học của anh không rộng, anh tận dụng khoảng trống nhỏ chính giữa ngôi nhà cấp 4 của mình, không có bảng đen, phấn trắng, bàn ghế không nhiều, nhưng chưa bao giờ vắng bóng tiếng ê a của lũ trẻ học bài.

Học sinh có thể đến học bất cứ lúc nào và bao lâu tùy thích. Cố lục lại trí nhớ nhưng anh Trường không nhớ được đã "đào tạo", "hướng dẫn" được bao nhiêu lứa học sinh, lúc đông thì có khoảng 20-30 cháu, bình thường thì khoảng hơn 10 cháu, mấy năm gần đây do sức khỏe của anh ngày càng yếu dần đi nên chỉ dạy khoảng một nhóm nhỏ. Các cháu đến lớp của anh có từ lớp 1 đến lớp 5.

Nhắc đến lớp học của mình, "thầy giáo làng" đặc biệt này cho hay, phần lớn cháu tìm đến mình thường có học lực trung bình; không ít em trước khi vào lớp 1 còn được cô giáo khuyên nên đến "bác Trường" luyện chữ trước. Hầu hết, cháu nào đến với lớp học của anh Trường cũng tiến bộ, ngoan ngoãn và chăm chỉ hẳn lên.

Anh Phùng Văn Trường mở lớp dạy học cho các cháu ở nhà miễn phí nhiều năm liền.

Dạy thôi chưa đủ, anh còn thường xuyên động viên, khuyến khích các em nhỏ và yêu mến chúng thực sự bằng cả tấm lòng. Bởi theo anh, thứ quý giá nhất mà con người có được đó là tình thương, cần đánh thức "hạt giống" tốt đẹp đó, giúp cho chúng nảy mầm và ngày càng phát triển.

Chia sẻ về phương pháp dạy học, anh Trường bảo, từ lúc còn nhỏ anh được bố và thầy cô dạy kiến thức môn toán học quan trọng nhất là 4 phép tính "cộng – trừ - nhân – chia", phải làm thật giỏi thì mới áp dụng được vào việc làm toán tốt được. Còn về môn Tiếng Việt thì các cháu phải biết đọc, đọc tốt, nên anh phải yêu cầu các "học sinh" của mình chép nhiều, viết nhiều cho đến khi thành thục và đẹp. Anh cũng hay sưu tầm các bài thơ, bài hát thiếu nhi để đọc cho các cháu viết theo đúng mẫu, đúng chính tả.

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 9.

"Đây là những kiến thức cơ bản nhất tôi thường dạy cho các cháu", anh nói và cho hay, vào những lúc các cháu đi học, ở nhà anh tranh thủ soạn giáo án riêng cho từng cháu vì trong lớp anh dạy có các cháu ở các lớp khác nhau và có nhận thức khác nhau. "Có những cháu bảo 1 nhớ 1 những có những cháu bảo 10 chỉ nhớ được 1 nên tôi phải phân loại ra để dạy cho từng cháu đúng trình độ. Tôi không thể dạy đại trà được vì nếu dạy theo một trình độ thì các bạn yếu không thể tiếp thu được. Tôi cứ duy trì như vậy và thấy rằng các cháu có tiến bộ và ổn hơn", anh Trường chia sẻ.

Chị Phùng Thị Hảo, một phụ huynh gửi gắm con cho "thầy giáo làng" Phùng Văn Trường "đào tạo" chia sẻ, là hàng xóm nên biết được nghị lực vươn lên, thấy anh bệnh tật nhưng vẫn tận tâm hướng dẫn nhiều em nhỏ có được  thành quả nên chị cũng muốn gửi con sang nhờ anh giúp. "Không chỉ dạy các cháu đọc chữ, học toán, thầy Trường còn dạy các cháu kỹ năng sống, biết giúp đỡ bố mẹ, kính trên nhường dưới. Lớp học có nhiều lứa tuổi nhưng anh Trường đều đảm bảo tốt công việc của mình, cháu nào cũng nghe lời. Chúng tôi rất yên tâm khi gửi con, cháu đến thầy Trường", chị Hảo nói.

Nhận được sự tôn trọng của mọi người gọi là "thầy", song anh bảo: "Đừng gọi tôi là thầy! Lớp học của tôi mở ra chỉ là để dạy hay đúng hơn là trông coi bọn trẻ trong xóm để chúng bớt ham chơi, bớt dãi nắng những buổi trưa hè thôi".

Anh tâm niệm: "Chắc đây là cái duyên của tôi. Tôi không được học nhiều, không có bằng cấp nên làm sao có thể mở lớp dạy học được. Tôi chỉ học hỏi các cụ đi trước, mở lớp "bình dân học vụ", người biết thì dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít, người đi trước giúp người đi sau".

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 10.

Giữa mạch câu chuyện, một người phụ nữ nhỏ nhắn xuất hiện, nở nụ cười thân thiện – đó là chị Ngô Thị Hường (vợ anh Trường).

Chị Hường hơn anh Trường 5 tuổi, thương người đàn ông khuyết tật hiền lành, chị chấp nhận vất vả và ngăn cản từ gia đình để về làm vợ anh.

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 13.

Anh Phùng Văn Trường thường chép thơ và những câu nói có ý nghĩa để tặng mọi người xung quanh.

Ngày ấy, chị làm công nhân lò gạch bên bờ sông Bùi. Tính tình hiền lành, thật thà lại chăm chỉ nên có nhiều đám hỏi cưới nhưng chị không ưng đám nào. Nghe được câu chuyện về tinh thần nghị lực của anh Trường, lại được các chị gái của anh "mai mối", cô gái lỡ thì hơn tuổi "thầy giáo làng" viết chữ bằng miệng đem lòng cảm phục và thầm thương trộm nhớ.

Tại cuộc gặp đầu tiên, anh Trường thẳng thắn bảo với chị Hường: "Muốn làm vợ anh, em phải chấp nhận 3 điều kiện thì chuyện mới thành được. Điều thứ nhất: "Cuộc đời anh rất khổ, có chân, có tay nhưng không sử dụng được, em có chấp nhận được không?!". Điều thứ hai: "Lấy vợ, lấy chồng ai cũng mong muốn có con có cái, nhưng trời có thể sẽ không cho anh". Điều ba thứ ba: "Không phải ai nên vợ, nên chồng là sẽ sống đến đầu bạc răng long, mà anh lại tật bệnh thế này, gia đình chỉ có thể bền vững khi vợ trước nhất là phải thương, thương anh mà trọng trọng, chứ không phải là thương hại". "Em cứ suy nghĩ kĩ, đồng ý thì ta gặp lại nhau".

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 14.

Nghe anh Trường nói vậy, các chị gái kêu anh gàn, người ta đồng ý gặp rồi thì phải có thời gian tìm hiểu, chưa gì nói vậy, chắc gì người ta ưng nữa.

Nói đến đây, chị Hường bộc bạch: "Lúc đó thấy anh Trường nói vậy, càng suy nghĩ tôi càng thấy thương hơn, muốn bù đắp lại những bất hạnh anh ấy đã trải qua. Tôi cũng thêm vững tin hơn vào tình yêu, lựa chọn của mình. Và chị bắt đầu yêu anh nhiều hơn".

Thế nhưng, niềm vui "ngắn chẳng tày gang", khi biết chị đem lòng yêu "thầy giáo làng" tàn tật, gia đình chị, đặc biệt là bố chị kịch liệt phản đối.

Biết chuyện, anh Trường chủ động viết 2 lá thư dài gửi bố chị Hường để trình bày, tâm sự và xin phép mời gia đình xuống chơi nhà. "Lá thư đầu tôi mời gia đình cô ấy xuống chơi và lá thư thứ 2 tôi nói rõ nếu gia đình không đồng ý thì cháu cũng không dám theo đuổi Hường". Kiên trì, chân thành cùng với tình yêu của chị Hường cuối cùng đã được đền đáp khi bố chị Hường đồng ý cho anh Trường lên chơi nhà.

"Ngày 2/6/2012, khi các chị tôi đưa tôi lên nhà cô ấy, bố cô ấy hỏi cô ấy có đồng ý lấy tôi không. Hường nói đồng ý lấy tôi vì thương yêu, muốn giúp đỡ tôi và bố cô ấy đã đồng ý", anh Trường rơm rớm nước mắt kể lại khoảnh khắc anh không bao giờ quên.

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 15.

Anh Trường bảo mình may mắn lắm vì ông trời đã se duyên cho một người vợ yêu thương và quan tâm mình chân thành, thật lòng.

Rồi như một giấc mơ, không lâu sau vợ chồng anh có tin vui. Đứa con trai sinh ra vợ chồng anh đặt tên là Phùng Thiên Trường Quảng như một lời cảm tạ ông trời đồng thời mang theo mong ước của anh chị về đứa con sau này biết vươn lên, sống tốt và giúp đỡ người khác.

 

 

Gia đình nhỏ của anh Phùng Văn Trường.

Cũng từ đây người "thầy giáo làng" viết chữ bằng miệng như được tiếp thêm sức lực để tiếp tục chiến đấu với căn bệnh teo cơ quái ác. Anh luôn tâm niệm một câu nói như lẽ sống của mình: "Cuộc sống không hi vọng là cuộc sống vô nghĩa". Với anh, bé Trường Quảng là niềm hi vọng, là mầm sống để anh gửi gắm những ước mơ, hoài bão của cuộc đời mình.

"Tiền bạc có xu nào tôi muốn dành cho con đi học, để nó trưởng thành là người có tri thức. Sống đến giờ phút này, tôi mãn nguyện với cuộc đời của mình! Dù trời phật có đón đi tôi cũng không hối tiếc điều gì, cứ mỉm cười mà đi thôi!", anh Trường tâm sự.

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 17.

Anh Phùng Văn Trường luôn đau đáu việc lo cho con trai của mình.

Nói về tâm nguyện của mình, anh Trường chia sẻ, gần đây, sức khỏe của anh ngày một yếu dần, anh không thể tự lên xuống xe lăn, dạy học đều đặn như trước được nữa. Do vậy, ước nguyện cuối cùng của anh là được hiến tặng giác mạc cho y học để mang lại những kỳ tích và hi vọng cho những bệnh nhân khác.

"Là người tàn tật, nhưng còn một hơi thở tôi cũng cố gắng để là người có ích cho xã hội, làm được một công việc để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Hơn nữa, việc kèm các cháu học cũng mang lại cho tôi biết bao niềm vui trong cuộc sống. Thân thể tôi như cái áo rách, nếu còn mảnh vải nào lành lặn, tôi muốn lấy nó vá cho người có cái áo rách hơn để che chở cho người ta trong ngày đông giá rét", anh Trường tâm sự.

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 18.

Suốt nhiều năm liền dạy học, "thầy giáo làng" Phùng Văn Trường không lấy một đồng tiền công. Chỉ đến khi các phụ huynh học sinh dúi vào tận tay, bảo là chút chi phí trả tiền điện tiền nước, tiển mua sữa cho con, anh Trường mới nhận 70-100 nghìn đồng/học sinh/tháng.

Đến năm 2014, "thầy giáo làng" viết chữ bằng miệng được mời tham gia chương trình "Điều ước thứ 7" của Đài Truyền hình Việt Nam. Tại đây, anh đã nói về mơ ước được mở một tủ sách cho các cháu trong vùng có sách để đọc, mở mang kiến thức. Ước mơ này của anh nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Một thư viện sách nhỏ ngay trong ngôi nhà của anh Phùng Văn Trường phục vụ người dân có nhu cầu đọc sách miễn phí.

Có tủ sách, ngôi nhà của anh trở thành "ngôi nhà cộng đồng" vừa ở, vừa dạy học, vừa là thư viện cho các cháu trong vùng đến đọc và mượn sách mang về, hoàn toàn miễn phí.

Đến đầu năm 2018, với sự giúp sức của một mạnh thường quân, thư viện nhỏ của Trường mở rộng hơn và có tên là "Chào thế giới" (Hallo World) với hàng nghìn đầu sách. Có thư viện, có lớp học, có bọn trẻ làm niềm vui, anh Trường đã đinh ninh mình sẽ sống như vậy đến cuối đời.

Thế nhưng căn bệnh của anh ngày càng trầm trọng, những năm gần đây nhiều khi anh không thể ngồi được lên chiếc xe lăn. Bàn ghế trong lớp học cũng từng được xếp gọn lại một chỗ, không còn tiếng ê a của đám "học sinh".

"Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học" - Ảnh 20.

"Đó là những ngày tôi đau buồn nhất, vì bệnh tật nên không thể tiếp tục. Những lúc đó các cháu lại đến đọc sách, kể chuyện vui động viên khiến tôi phấn chấn hơn, có động lực vượt qua bệnh tật thêm một lần nữa", anh Trường nói và tâm sự, anh sẽ tiếp tục công việc đến khi nào sức khỏe không thể cho phép và "hết duyên thì sẽ đóng cửa".

Còn một "tâm niệm cuối đời" của anh nữa đó là anh đang ấp ủ xây dựng một quỹ khuyến học và mong muốn kể từ năm học 2020-2021 này trở đi mỗi khi kết thúc năm học sẽ tặng cho một số cháu đứng đầu các lớp tiểu học ở xã vài ba quyền sách với một chút tiền nhỏ, nhằm động viên các cháu và gầy dựng được trong quê hương có được nhiều quỹ như vậy đến với các thế hệ tương lai.

"Là người tàn tật, nhưng còn một hơi thở tôi cũng cố gắng để là người có ích cho xã hội, làm được một công việc để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Hơn nữa, việc kèm các cháu học cũng mang lại cho tôi biết bao niềm vui trong cuộc sống", anh Trường tâm sự trước khi chúng tôi ra về.

Trong nhiều năm qua, anh Phùng Văn Trường (Chương Mỹ, Hà Nội) nhận được nhiều Bằng khen và Giấy khen của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng ở địa phương.