'Đồ đệ, hậu duệ' thâu tóm đất công
Một loạt vụ khiếu kiện đền bù đất đai phức tạp như tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), hay vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) thâu tóm các khu đất vàng tại Đà Nẵng được các đại biểu (ĐB) điểm lại.
Nhiều khu đất công tại TP.HCM đang bị sử dụng lãng phí, sai mục đích
Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội (QH), Gia Lai Đinh Duy Vượt nêu những bức xúc, bất bình, thậm chí phẫn nộ của người dân khi nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là đất vàng, đất bạc rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) bạch tuộc, không đầu tư cho sản xuất mà chăm chăm vào sang nhượng dự án hoặc phân lô bán nền và nhiều hình thức khác làm thất thu lớn ngân sách nhà nước. “Nhiều DN có dấu hiệu là sân sau của một số quan chức cùng cộng sinh thâu tóm, chiếm đoạt bằng nhiều thủ đoạn, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất”, ĐB Vượt bày tỏ lo ngại và đề nghị cần sự vào cuộc của cơ quan thanh kiểm tra T.Ư, nếu không sẽ khó giải quyết đến nơi đến chốn, đặc biệt dây mơ rễ má, hậu duệ, đồ đệ và lợi ích nhóm.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng cử tri phấn khởi với kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn tâm tư, trăn trở trước tình trạng lãng phí, thất thoát ngân sách lớn của nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản. Tình trạng giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án lớn nhưng chưa thu tiền sử dụng đất gây thất thoát cho ngân sách, đất để hoang nhiều năm không triển khai gây lãng phí, trong khi đó nhân dân không có đất sản xuất. Tình trạng dự án treo còn xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ chọn đất vàng để chuyển nhượng, mua bán trục lợi cá nhân, còn nhà nước bị thất thoát lớn.
ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) bổ sung, vấn đề tài sản công rất nhức nhối, xảy ra nhiều vụ việc nổi cộm. Nhiều địa phương, cơ quan, DN nhà nước buông lỏng quản lý để hoang, sử dụng sai mục đích các khu đất có giá trị. Bán, cho thuê nhiều nhà đất công không đúng đối tượng, giá thành quá thấp gây thất thoát, lãng phí lớn. Đặc biệt, tình trạng định giá tài sản công không đúng trong cổ phần hóa DN nhà nước. Triển khai dự án chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư xảy ra ở nhiều nơi. ĐB Lượng đề nghị phải ưu tiên sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, công khai minh bạch kết quả thanh tra kiểm toán. Giám sát việc thu chi ngân sách, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là tại các cơ quan, đơn vị, lĩnh vực có nguy cơ thất thoát, lãng phí tham nhũng; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm, việc bao che tiếp tay lợi ích nhóm.
Vấn đề đất công bước sang phiên thảo luận buổi chiều tiếp tục nóng hơn. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH, nhận định nhiều năm qua, đất công và cả nhà đất công sản là vấn đề nhức nhối. Nhiều vụ việc nhập nhèm biến đất công thành đất tư, mua bán đất công với giá rẻ bị phanh phui ở một số địa phương trong thời gian gần đây đã chứng minh điều này. “Các chuyên gia đã cho rằng đây là một tệ nạn và đưa ra dẫn chứng, có những DN đang trên bờ vực phá sản nhưng được cơ chế, nhờ mối quan hệ thân hữu với chính quyền và người có chức quyền nên được cấp cho mảnh đất mà không cần thông qua đấu giá hay phương thức, quy trình theo quy định. Nhờ vậy, DN này lại phất lên và hậu quả là ngân sách bị thất thoát rất lớn”, ĐB Cương nêu.
ĐB tỉnh Ninh Thuận đặc biệt lo ngại về vấn đề dự án BT (đổi đất lấy công trình) đang diễn ra ở nhiều địa phương khiến một lượng đất không nhỏ, trong đó có đất công ở vị trí đắc địa lần lượt rơi vào tay DN. “Lẽ ra các dự án đổi đất này phải mang lại những công trình giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân như bệnh viện, trường học hay những công trình phục vụ cộng đồng. Nhưng thật đáng tiếc, hàng trăm, hàng nghìn héc ta đất vàng, đất kim cương của nhà nước và của cả người dân bị thu hồi, giải tỏa chỉ để đổi lấy trụ sở, trung tâm hội nghị, thậm chí là cổng chào hay tượng đài”, ông Cương nêu. Từ đó, ông đề nghị QH, Chính phủ tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tiến tới ngăn chặn nguy cơ và hậu quả mang lại từ đất.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, một trong những điểm nóng khiếu kiện đền bù đất đai phức tạp
Ảnh: Ngọc Dương
|
Đề nghị tổng kiểm tra đất công trên toàn quốc
Trao đổi thêm với Thanh Niên bên lề cuộc họp QH, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) cho rằng không chỉ ở Đà Nẵng, TP.HCM, tình trạng phân lô bán nền của DN cũng diễn ra cả ở Hà Nội. Bằng chứng cứ khi nào di dời chỗ nọ, chỗ kia là DN nhảy vào xây chung cư cao tầng. “Rõ ràng có tình trạng đền bù cho người dân giá quá thấp, xây chung cư, làm văn phòng giá cao ngất ngưởng dẫn đến khiếu kiện, mâu thuẫn trong xã hội”, ĐB Nghĩa đặt vấn đề.
Bình luận thêm ý kiến của ĐB Đinh Duy Vượt về dấu hiệu có bóng dáng quan chức đằng sau những DN thâu tóm đất công, theo ĐB Nghĩa, mỗi dự án đều có quy trình, quyết định bởi tập thể. Có “sân sau” hay không, cần thanh tra, công an vào cuộc; nhưng có tình trạng bất bình thường là thiếu minh bạch trong công khai dự án, ít đấu thầu. “Tôi đặt dấu hỏi về việc đó vì những khu đất vàng không phải ai cũng mua được. Do đó, Chính phủ phải rà soát lại nguồn thu từ đất, nhà nước được bao nhiêu, DN được bao nhiêu. Tôi là ĐBQH nhưng tôi cũng không biết. Tôi chưa đánh giá đằng sau đó có thể có biểu hiện bất minh của cơ quan công quyền, nhưng ở ta, những khu đắc địa đều có sự hiện diện của DN lớn. Chính phủ, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra T.Ư, các cơ quan tư pháp nên vào cuộc, xem nhà nước được gì, DN được gì và đặc biệt nhân dân bị di dời được gì”, ĐB Nghĩa đề nghị.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương nhận định, với chính sách quy định giá đất hằng năm mà các tỉnh công bố chỉ bằng 10 - 20% giá thị trường, rồi chính quyền đứng ra thu hồi đất giao cho DN, DN lại làm hạ tầng, thậm chí có những nơi chẳng cần làm gì đã lập bản đồ phân nền bán ra với giá cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, khiến cho người dân uất ức thì việc đi khiếu kiện khắp nơi như thời gian qua là điều dễ hiểu. Vì vậy, ông Cương cho rằng không thể kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng nghìn
mét vuông đất, dù chỉ là đất ruộng hay đất không thể canh tác được, mà người dân vẫn không mua nổi một suất đất hay một căn hộ chung cư của chính dự án để sinh sống. “Việc thu hồi đất vì mục đích KT-XH, nhất là thu hồi đất để giao cho DN cần phải thay đổi từ cơ chế lẫn quy định pháp luật, theo hướng DN phải tự thỏa thuận với người dân theo giá thị trường. Chính quyền không thu hồi đất thay cho DN và trước khi phê duyệt dự án phải lấy ý kiến của người dân, chứ đừng để tình trạng như ở một số nơi đến khi thu hồi đất người dân vẫn không biết là có dự án”, ông Cương kiến nghị.
ĐB Đinh Duy Vượt phân tích thêm với Thanh Niên, hiện nay nhiều vụ việc liên quan tới đất đai tại các địa phương đã được người dân nói, đã biết, lãnh đạo địa phương cũng biết nhưng việc xử lý còn rất chậm. Vì vậy, ông Vượt cho rằng Chính phủ cần tập trung nguồn lực, giải pháp để thực hiện một cuộc tổng kiểm tra, thanh tra toàn bộ đất đai trên cả nước, đặc biệt là những khu đất vàng, những khu đô thị. Nếu không thì sẽ không thể giải quyết một cách căn cơ, đến nơi đến chốn vì các mối quan hệ dây mơ rễ má, hậu duệ, đồ đệ, lợi ích nhóm, cánh hẩu tại địa phương rất phức tạp. Quan trọng hơn, các cơ quan T.Ư từ Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ khi đã phát hiện sai phạm thì cần có biện pháp xử lý quyết liệt, thậm chí truy tố theo quy định của pháp luật.
Cử tri lo lắng về đạo đức xã hội Hiện thực cuộc sống trong thời gian gần đây xảy ra những câu chuyện động trời và khó tin. Những hành vi mất nhân tính như than củi tre làm thuốc trị ung thư, cà phê trộn pin, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, bảo mẫu bạo hành dã man trẻ em trong các trường mầm non. Tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong bệnh viện, các vụ thảm án giết nhiều người gây chấn động dư luận và còn nhiều câu chuyện buồn khác. Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn nói trên có nhiều nhưng cốt yếu nhất là sự xuống cấp của đạo đức, sự buông lỏng kỷ cương phép nước. Cử tri kiến nghị QH, Chính phủ cần có giải pháp cứng rắn, mạnh tay trừng trị, ngăn chặn những hành vi mất nhân tính như trên càng nhanh càng tốt. ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) Tiêu Phong - Lê Hiệp |
Thất thoát đất đai, tài sản diễn ra phức tạp Đoàn giám sát của QH trong báo cáo gửi đến các ĐB vào hôm qua về “kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DN nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2016” cũng nhận định tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp. Cụ thể, trong quản lý, sử dụng đất của các DNNN, còn trường hợp chưa kê khai đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích, để đất bị lấn, chiếm. Ví dụ, đối với đất đai thuộc quản lý của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, còn 367,38 ha (2,51% tổng diện tích đất) chưa kê khai đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 3,03 ha không đưa vào sử dụng; 0,7 ha để bị lấn, chiếm. Trong khi đó, việc quản lý sử dụng đất đai thuộc quản lý của các DNNN trực thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư còn tệ hơn. Theo đó còn 206 ha chưa kê khai đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 31.112 ha (6,51%) sử dụng không đúng mục đích; 185 ha chưa đưa vào sử dụng; 51.901 ha (10,86%) để bị lấn, chiếm. Bên cạnh đó, tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ, nặng tính bao cấp nên việc hạch toán và theo dõi tài sản không kịp thời và đầy đủ. Còn có trường hợp để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện phức tạp trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi khi thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương. Đoàn giám sát của QH cho rằng, các địa phương chịu trách nhiệm quản lý DNNN do địa phương thành lập, đồng thời tham gia quản lý về đất đai trên địa bàn đã được giao cho DNNN sử dụng. Tuy nhiên, việc quản lý đất đai ở một số nơi còn buông lỏng; nhiều diện tích đất được sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp. Việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của DN, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của DN sau cổ phần hóa đối với những lô, thửa đất có vị trí đắc địa, có giá trị thị trường cao còn bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội để một số tổ chức, cá nhân liên quan trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Đoàn giám sát đề nghị tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN; nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp xác định giá trị DN không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước; chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Bên cạnh đó, xây dựng chế tài xử lý đối với các trường hợp không hoặc chậm thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Báo cáo QH về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc để xảy ra tồn tại, hạn chế và các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN, đồng thời làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu. Vũ Hân - Tiêu Phong |
ANH VŨ - LÊ HIỆP - VŨ HÂN
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.