Cô bé “ma quái” trong những bức ảnh xưa của Nga
Sự xuất hiện có phần ma quái của bé gái này nằm trong khoảng 20 tấm ảnh cũ chụp các địa danh nổi tiếng của TP Krasnoyarsk, miền Trung nước Nga.
Các tấm ảnh được tin là có từ thời của Sa hoàng cuối cùng, Nicholas đệ Nhị, khoảng 100 năm trước.
Rất nhiều tấm được sử dụng làm bưu thiếp và áp-phích nhưng hầu như không ai chú ý đến một bé gái có vẻ xuất thân từ tầng lớp thượng lưu với gương mặt không biểu lộ cảm xúc nào. Trong phần lớn các bức ảnh, cô bé không đóng vai trò gì rõ rệt, chỉ đứng cạnh rất nhiều trẻ em có tầng lớp thấp khác, hoặc ở trên mái nhà đằng trước một cây cầu đường sắt nổi tiếng ở TP Krasnoyarsk.
Cho đến ngày nay, khi sử dụng công nghệ phóng to những bức ảnh trên, bé gái này mới hiện lên rõ nét.
Ông Ilya Kuklinsky, nghiên cứu viên cao cấp tại bảo tàng Krasnoyarsk, tiết lộ: “Nhờ sử dụng các thiết bị hiện đại mà chúng tôi mới có thể phát hiện ra cô bé. Khi nhìn các tấm ảnh cũ, bạn không thể nào nhìn thấy vì cô bé khá nhỏ nhắn. Khi chúng tôi tiến hành quét độ phân giải cao và phóng to, chúng tôi mới có thể nhìn rõ được cô bé cùng với các chi tiết trên quần áo và kiểu tóc. Khá kì lạ khi trước đây không ai để ý thấy cô bé này mặc dù những bức ảnh được sử dụng làm hình minh họa rất rộng rãi”.
Ảnh: Siberian Times
Cô bé luôn tạo dáng 1 kiểu và không bao giờ cười
Hiện tại, bảo tàng khu vực Krasnoyarsk đang thực hiện một cuộc điều tra nhằm tìm ra nhân thân của cô bé khoảng 8 đến 10 tuổi này.
“Cô bé có thay đổi giày, vớ, và chúng ta có thể thấy vài điểm khác biệt trên váy nhưng cô bé luôn luôn chỉ có 1 kiểu tạo dáng và không bao giờ cười. Việc cô bé thay đồ khiến tôi nghĩ tới chuyện những bức ảnh này không được chụp cùng 1 ngày mà là trong 1 khoảng thời gian. Nhưng mục đích là gì?”, ông Kuklinsky băn khoăn.
Các nhà sử học địa phương ước tính những tấm ảnh được chụp trong khoảng từ năm 1906 đến 1908. Mặc dù đã tìm kiếm các tài liệu và hồ sơ lưu trữ, họ vẫn không thể tìm ra danh tính bé gái trên và cả người đã chụp các bức ảnh. Nhiều bức có in 3 chữ cái F.E.A nhưng lại không khớp với bất kì nhiếp ảnh gia nào.
Các chuyên gia tại bảo tàng tin rằng những bức hình này được chụp bởi một thợ ảnh nghiệp dư khi nhiếp ảnh rất phổ biến thời đó. Anh Kuklinsky cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng cô bé này có thể là con gái hay cháu gái của người chụp nhưng điều này không chắc chắn vì chúng tôi không biết tên người đó. Chúng tôi đặt tên cho tập ảnh này là “Cô gái bóng ma”. Tôi nghĩ chúng tôi phải cố giải mã bí ẩn này vì giờ cô bé đã gần như là thương hiệu của Krasnoyarsk”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.