7 lỗi nhiều người thường mắc khi lần đầu mua nhà
2017-03-30 09:52:07
0 Bình luận
Bạn không tìm hiểu kỹ ngôi nhà, hàng xóm xung quanh, không thương lượng các điều khoản...
Mua nhà là một trong những việc lớn quan trọng nhất trong cuộc đời một người. Tuy nhiên, theo moneysense.ca, 80% những người mua nhà lần đầu mong muốn họ được làm lại. Dưới đây là những lỗi mọi người thường mắc khi lần đầu mua nhà, theo liệt kê của website này:
Ảnh: guadareves.com |
1. Trót thích ngôi nhà được sắp xếp
Nhiều người khi bán nhà đã thuê các công ty thiết kế đến bày lại đồ đạc khiến nhà trông đẹp hơn. Họ gỡ hết đồ đạc cũ, xếp vào đó những đồ đạc mới, khiến ngôi nhà trở nên lý tưởng. Các công ty sắp xếp có thể loại bỏ một số đồ cần thiết (lò vi sóng, máy pha cà phê...), sử dụng đồ nội thất không lớn để nhà trông có vẻ rộng thoáng hơn.
Vì thế, bạn đừng yêu thích ngôi nhà với cách bài trí mà bạn vừa nhìn thấy. Hãy hình dung bạn sẽ bày những món đồ mình có và muốn có như thế nào. Hãy kiểm tra đo đạc từng phòng để xem nó có phù hợp với phong cách sống và đồ đạc của bạn, nếu phải sửa chữa để theo ý bạn thì sẽ tốn kém thế nào. Ngoài ra, đừng quên hỏi về những thành phần chính của ngôi nhà. Một cột đèn trang trí ngoài sân có thể dễ loại bỏ nhưng sửa chữa một mái nhà, hay hệ thống điện ngầm, nước ngầm sẽ đắt đỏ và mất thời gian hơn nhiều.
2. Bị phân tâm khi mua bán
Bạn mang theo con nhỏ mỗi lần đi xem nhà. Bọn trẻ không thích việc đi hết nhà này đến nhà khác, khiến việc trải nghiệm của bạn trở nên khó khăn. Đi xem nhà với bọn trẻ có thể khiến bạn bỏ lỡ nhiều điều cần phải tìm hiểu, bạn nhanh chóng chấm dứt hành trình tìm và mặc cả vì mệt mỏi chứ không phải vì tìm thấy ngôi nhà phù hợp. Vì thế tốt nhất, bạn hãy tìm người trông trẻ giúp để tự hai vợ chồng đi xem nhà và bàn bạc với nhau.
3. Tin vào các con số đo đạc trên giấy tờ
Trên bản vẽ căn nhà được ghi là 100m2, không có nghĩa bạn sẽ được ở trên 100m2 đó. Rất nhiều người bán hàng gộp hết cả ban công, hành lang vào tổng diện tích của căn nhà. Để tránh ngạc nhiên về sau, tốt nhất bạn nên cầm theo cái thước dây khi đi xem nhà.
4. Không tìm hiểu về môi trường sống xung quanh
Bạn mua nhà quá xa trung tâm, quá xa nơi làm việc, hết giờ làm, bạn về nhà, và chẳng còn muốn đi đâu vì nhà quá xa, đường đi vắng vẻ, đường ngập nước. Bạn gần như bị cô lập với cộng đồng. Rất nhiều người dù vô cùng yêu thích ngôi nhà của mình nhưng lại quá ngán ngẩm việc đi lại mỗi ngày.
Để tránh điều này hãy nghiên cứu kỹ khu vực bạn định mua, tìm hiểu các dịch vụ tiện ích xung quanh, các dịch vụ ăn uống, các khu vui chơi nếu bạn có con nhỏ...
Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu về những hàng xóm xung quanh để có thể tránh một vài mối nguy hiểm, ví dụ: hàng xóm là người biến thái, hàng xóm hay gây sự...
5. Không làm phép so sánh
Bạn có thể bị mua hớ, không mua được ngôi nhà ưng ý nhất nếu không so sánh vài ba ngôi nhà với nhau. Bạn nên khoanh vùng giá cả, địa điểm những ngôi nhà bạn định mua, sau đó chọn một số ngôi nhà tương tự để tìm ra ngôi nhà tối ưu nhất với mình.
6. Bạn quên rằng mọi thứ đều có thể thương lượng
Tất cả, từ giá cả đến thời gian nhận nhà, các chi tiết nội thất đều có thể thương lượng. Thậm chí việc vay tiền ngân hàng, các khoản thế chấp, lãi suất, các kỳ hạn trả nợ, các chế tài phạt cũng đều có thể thương lượng. Bạn không nhất thiết phải đồng ý ngay với những điều khoản người ta đưa ra cho mình. Hãy thử thương lượng trước và bạn có thể sẽ đạt được kết quả thuận lợi hơn.
7. Bạn không tính hết các khoản phí
Khi mua nhà, bạn không chỉ phải trả mỗi khoản tiền nhà cho người bán. Kèm theo đó là rất nhiều khoản phí như thuế chuyển nhượng nhà đất, chi phí công chứng nếu bạn muốn thế chấp nhà để vay tiền, các chi phí về tiện ích.... Bạn cần tính toán tất cả các phí này sao cho phù hợp với ngân sách của mình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Hoàng Anh/Vnexpress.net