ADB tái khẳng định sự hỗ trợ mạnh mẽ với Việt Nam
Ngày 30/3 tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao đã hội kiến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm ba ngày tới Hà Nội, trong đó hai bên đã thảo luận về sự phát triển kinh tế gần đây của Việt Nam và sự hỗ trợ tiếp tục của ADB. Ông Nakao cũng gặp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng và sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia-Lào-Việt Nam lần thứ 10.
Ông Nakao ca ngợi chính phủ vì đã lãnh đạo nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2017 – mức cao nhất kể từ năm 2007. Việt Nam đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh và giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2017, nhờ đó giảm tỷ lệ nợ công trên GDP.
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam
sẽ vượt 7% trong năm 2018, với động lực là tăng trưởng xuất khẩu nhanh, tăng
tiêu dùng nội địa, và hoạt động đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài. Trong khi đó, lạm phát được dự báo vẫn vào khoảng 3,5% trong năm
nay, do mức giá lương thực và chi phí vận tải trong nước tương đối ổn định làm
giảm tác động của việc tăng mạnh cầu nội địa và cho vay ngân hàng lên lạm phát.
“Điều quan trọng là cần tiếp tục tiến hành cải tổ cơ cấu để nâng cao năng suất
và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng cần được tăng cường bằng
việc xử lý nợ xấu và thắt chặt giám sát. Hoạt động thoái vốn doanh nghiệp nhà
nước cần được đẩy nhanh, song song với tăng cường quản trị doanh nghiệp”, ông
Nakao phát biểu.
Tại Việt Nam, ADB sẽ cố gắng để mang lại
giá trị gia tăng lớn hơn bằng cách tích cực lồng ghép đổi mới và công nghệ và
hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm nước ở nông trại để thúc đẩy nông
nghiệp thân thiện với khí hậu; tích hợp các mạng lưới đường sắt đô thị và xe
buýt; mở rộng quản lý ngập lụt và nước thải đô thị thích ứng biến đổi khí hậu;
sử dụng các phân tích dựa trên trí tuệ nhân tạo để cải thiện các dịch vụ công
đô thị; và sử dụng phân tích tín dụng được định hướng bởi công nghệ giúp thúc
đẩy phổ cập tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, ADB sẽ tăng cường hỗ trợ cho phát triển
khu vực tư nhân tại Việt Nam, sử dụng cả nguồn tài trợ có và không có sự bảo
lãnh của chính phủ: Hỗ trợ cải cách các doanh nghiệp nhà nước, như Tập đoàn
Điện lực Việt Nam, thông qua các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh. Với việc tăng
cường các bảng cân đối kế toán và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước,
những doanh nghiệp này sẽ có khả năng thu hút nguồn vốn thương mại nhiều
hơn; tiếp tục cung cấp các dịch vụ tư vấn giao dịch và hỗ trợ chuẩn bị các dự
án được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư, trong những lĩnh vực như
đường vành đai, đường cao tốc và chuyển đổi rác thành năng lượng; mở rộng
các hoạt động không có sự bảo lãnh của chính phủ để bao trùm những lĩnh vực mới
như nông nghiệp, y tế và giáo dục. Năm 2017, ADB đã cho một ngân hàng tư nhân
vay 100 triệu USD để hỗ trợ phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp siêu
nhỏ, nhỏ và vừa, và cho một công ty vay 100 triệu USD trong dự án chuyển đổi
rác thành năng lượng.
Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của ADB vào năm 1966. Từ khi khôi phục hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993, hỗ trợ của ADB cho Việt Nam đã đạt con số 15,4 tỷ USD vốn vay, 310,6 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật, và 329,5 triệu USD viện trợ không hoàn lại.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.