Bản tin Hòa Nhập 18/7/2021: Người dân đổ xô mua máy thở ô xy cho gia đình
Thêm 16 tỉnh thành phía Nam giãn cách theo chỉ thị 16 từ 0h ngày 19/7
Thêm 16 tỉnh thành khác áp dụng Chỉ thị 16 trong 14 ngày, trước 0 giờ ngày 19/7 (Ảnh : Thanhnien)
Ngày 17/7 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý về việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với 16 tỉnh, thành phía Nam trong 14 ngày, từ 0h ngày 19/7 về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch tại một số địa phương.
Theo đó, ngoài 3 tỉnh, thành đang áp dụng chỉ thị 16 là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, sẽ có thêm 16 tỉnh, thành giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.
Đối với tỉnh, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày có văn bản này, căn cứ diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn, chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền trước khi quyết định việc tiếp tục thực hiện thời gian giãn cách như đã quyết định hoặc kéo dài thời gian giãn cách như các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế.
Đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng.
Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ thị 16, đồng thời kiên quyết không để "chặt ngoài, lỏng trong"; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên và yêu cầu về giãn cách, không để xảy ra tụ tập đông người.
Song song đó, quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, đặc biệt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đảm bảo tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các địa phương khác; chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng chống dịch; không để thừa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông...
Trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do chủng virus mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường... với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K.
Thủ tướng nhấn mạnh: việc thực hiện chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.
TP. Hồ Chí Minh: Người dân đổ xô mua máy tạo oxy để dự phòng chữa bệnh COVID-19 tại nhà
Máy đo nồng độ oxy trong máu, đo nhịp tin cũng đang trở nên hot khi có nhiều người mua.
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, trước thông tin dịch bệnh diễn biến phức tạp và F0 có thể được cách ly tại nhà, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh có điều kiện đã đổ xô tìm mua máy tạo oxy để dùng. Trước nhu cầu vượt xa nguồn cung, giá mặt hàng này đang tăng cao gấp 2-3 lần so với 2 tuần trước đó.
Cụ thể, một máy tạo oxy “Made in China” có giá bán trước đây khoảng 8 triệu đồng thì tuần trước đã "đội" lên 11 triệu đồng và ngày 17/7 được niêm yết với giá 24 triệu đồng. Thậm chí, có máy đã tăng giá lên gấp 4 lần so với giá ban đầu nhưng cũng không còn hàng và đều phải đợi 7 – 10 ngày mới có hàng sau khi đặt cọc.
Vừa liên hệ hỏi mua máy tạo oxy tại Công ty An Sinh Medica, chị Thu Ngân (phường Tân Thuận, Quận 7) cho biết nhân viên bán hàng giới thiệu dòng sản phẩm của hãng Mekics (Hàn Quốc) có giá dao động từ 135 - 385 triệu đồng/máy, với các loại máy của Đức có giá từ 39 - 50 triệu đồng/máy, còn máy của Trung Quốc có giá từ 8 triệu đồng/máy… và phải chờ 1-2 tuần, thậm chí 3 tuần mới có hàng.
Đại diện Công ty An Sinh Medical cho biết, khi F0 điều trị tại nhà thì có thể cần đến máy thở, bởi theo các chuyên gia y tế, tất cả máy thở chuyên dụng đều có thể sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 từ nhẹ đến nặng và có thể sử dụng được ở mọi nơi từ gia đình, bệnh viện đến trên xe cứu thương.
“Hiện tại TP Hồ Chí Minh, nhiều gia đình có điều kiện đã tự trang bị máy thở để dự phòng khi nhập viện do tình trạng thiếu máy hoặc phải điều trị tại nhà. Không ít gia đình đã trang bị cả một phòng ICU tại nhà với giá cả tỷ đồng”, vị đại diện này cho biết thêm.
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không nên làm điều này, bởi "các bệnh nhân mắc COVID-19 cần được điều trị chuyên biệt và không đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế. Các bệnh viện đảm bảo không thiếu oxy, máy thở trong điều trị COVID-19. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã dự trù các tình huống xấu để không bị động”.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, oxy y tế và máy thở vẫn không thể thiếu trong điều trị bệnh nhân COVID-19, do đó Sở đã làm việc với các đơn vị cung ứng oxy từ sớm theo nhiều tình huống. Do đó, đến thời điểm hiện nay, oxy y tế không thiếu và trong những ngày tới, khi tình huống kém may hơn xảy ra, oxy dùng trong y tế vẫn đảm bảo không thiếu.
Hà Nội dừng toàn bộ hoạt động vận tải khách đến các tỉnh phía Nam
kể từ 0 giờ ngày 18/7/2021, tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ từ Hà Nội đến 37 tỉnh/thành phố và ngược lại.
Trước việc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía nam, tối 17/7, Sở GTVT Hà Nội đã phát đi thông báo, dừng toàn bộ hoạt động chở khách đi và đến các tỉnh phía nam. Phạm vi được áp dụng từ Thừa Thiên Huế trở vào.
Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 18/7/2021, tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ từ Hà Nội đến 37 tỉnh/thành phố và ngược lại, trong số này có cả 14 tỉnh/thành phố đã tạm dừng hoạt động trước đó vào 7/7.
37 tỉnh, thành này bao gồm: Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh thành phía Nam bắt đầu tư Thừa Thiên Huế trở vào.
Yêu cầu tạm dừng hoạt động này không áp dụng với xe khách chở chuyên gia,cán bộ, công nhân viên, người lao động của các cơ quan, khu công nghiệp khu chế xuất.
Đối với 3 tỉnh phía Bắc là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, đã có thông báo dừng hoạt động vận tải khách công cộng đến Hà Nội của các địa phương này, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị vận tải, khai thác bến xe nghiêm túc chấp hành cho đến khi có thông báo mới.
Hoạt động vận tải hành khách từ Hà Nội đi và đến các địa phương trên chỉ được phép trở lại nếu sau 14 ngày liên tiếp không ghi nhận ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng hoặc đến khi có thông báo mới của cơ quan có chức năng.
Hà Nội yêu cầu các đơn vị vận tải, khai thác bến xe nghiêm túc chấp hành cho đến khi có thông báoĐmới.
Hà Nội: Đề xuất xét nghiệm tài xế, nhân viên soát vé xe buýt
CDC Hà Nội đề xuất xét nghiệm toàn bộ tài xế, nhân viên bán vé xe buýt (ẢNh: congly)
Theo đại diện CDC Hà Nội cho biết, chùm ca nhiễm liên quan đến Tổng Công ty vận tải Hà Nội hiện đã có 9 ca nhiễm, trong đó 2 người ở Tổng Công ty Vận tải Hà Nội là T.T.M.H (mẹ của nhân viên Ngân hàng Vietinbank) và T.T.D. (nhà ở Vạn Phúc, Hà Nội - là F1 của bệnh nhân T.T.M.H.).
Bệnh nhân T.T.D., nữ, sinh năm 1987, địa chỉ Vạn Phúc, Hà Đông làm việc cùng mẹ bệnh nhân T.T.M.H tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội.
Ban đầu, thông tin cho rằng, chùm ca này nhiễm liên quan đến Ngân hàng Vietinbank nhưng đến nay xác định không phải, vì các trường hợp liên quan tại ngân hàng đều có kết quả âm tính SARS-CoV-2.
Để chủ động chống dịch, Hà Nội cũng đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho 10.000 đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm:
- Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh cư trú trên địa bàn các quận, huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
- Người làm dịch vụ vận tải, lái xe/phụ xe đường dài, nhân viên bán vé, người làm việc thường xuyên tại một số bến xe lớn của thành phố hoặc lái tàu, nhân viên phục vụ, kiểm soát trên tàu hoặc nhà ga.
- Tiểu thương, người thường xuyên làm việc tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
- Người làm dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.