Bản tin Hòa nhập ngày 22/10/2021: 19 Doanh nghiệp kêu cứu Thủ tướng vì tỉnh vẫn quy định khó
Từ nay đến đầu năm 2022, Tiền Giang có 3 giai đoạn khôi phục sản xuất thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Mới đây, 19 doanh nghiệp FDI đang sử dụng gần 70.000 lao động tại Tiền Giang gửi thư cầu cứu Thủ tướng vì cho rằng Tiền Giang vẫn làm khó doanh nghiệp.
Theo đơn phản ánh của các doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ, đầu tháng 10/2021, nhiều tỉnh thành phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, người lao động các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại. Riêng tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất "3 tại chỗ" làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Theo ông Trường - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, giai đoạn này đã xảy ra tình trạng bùng phát dịch ở một số khu công nghiệp, có gần 10 doanh nghiệp bị với trên 1.000 F0. Lúc này, UBND tỉnh đã có chủ trương ngừng sản xuất kinh doanh để ban hành tiêu chí tạm thời phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến ngày 5/8, phương án "3 tại chỗ" tiếp tục thực hiện cho đến nay. Hiện có 76/186 doanh nghiệp tham gia thực hiện phương án này.
Khởi tố Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn
Ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Chiều 21/10, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về hành vi "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", ông Tuấn được cho tại ngoại.
Theo điều tra ban đầu, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn cùng một số cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan có vi phạm trong đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế khiến tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng công tác khám chữa bệnh.
Chỉ cần khai báo y tế, quét mã QR khi đi du lịch nội địa nếu tiêm đủ liều vaccine
Mỗi cơ sở lưu trú phải đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 hàng ngày để kết nối với hệ thống an toàn COVID-19 quốc gia và có kế hoạch phòng, chống dịch, phương án xử lý khi có trường hợp mắc bệnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có hướng dẫn tạm thời thực hiện nghị quyết 128 trong lĩnh vực du lịch.
Theo đó, du khách chỉ phải xét nghiệm COVID-19 khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa phương cấp 3, cấp 4 hoặc vùng phong tỏa. Khách là người cư trú tại địa phương không áp dụng xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm COVID-19 nếu cần bằng RT-PCR có giá trị trong vòng 72 giờ.
Du khách phải tuân thủ 5K, khai báo y tế hoặc quét mã QR, ngoài ra cần thực hiện đầy đủ quy định về an toàn phòng chống dịch và nội quy của cơ sở kinh doanh du lịch.
Các cơ sở kinh doanh du lịch có các quy định theo từng địa bàn cấp độ, đáp ứng quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế.
Trường học TP.HCM lên kế hoạch nhập học cho trẻ đã tiêm vaccine
Các trường sẽ gửi thư ngỏ đến từng phụ huynh, đề nghị đăng ký tiêm tại quê cho con nếu địa phương chấp thuận.
Các trường THCS, THPT đang lên danh sách học sinh 12 đến 17 tuổi, thu thập phiếu đồng ý của phụ huynh, sẵn sàng khi thành phố triển khai tiêm chủng cho trẻ.
Chiều 21/10, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó THPT Nguyễn Hữu Huân cho biết, trường đã nộp danh sách 2.039 học sinh đăng ký tiêm vaccine về Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức. Việc này được thực theo yêu cầu chung của ngành giáo dục là lấy ý kiến của phụ huynh, học sinh, thống kê các em từ 12 đến 17 tuổi để tiêm vaccine khi có kế hoạch.
Thông tin thu thập gồm địa chỉ nơi ở mới nhất, số điện thoại liên hệ, bệnh lý... phân loại theo từng phường, quận. Học sinh có bệnh nền được lọc thành danh sách riêng để cơ quan y tế dễ theo dõi và quyết định tiêm ở bệnh viện hay điểm công cộng.
Ngoài ra, trường cũng tập hợp phiếu đồng ý tiêm chủng có chữ ký của phụ huynh hoặc người giám hộ. "Có 4 phụ huynh chưa đồng ý tiêm vaccine, 19 phụ huynh đồng ý nhưng vẫn e ngại khi chưa rõ loại vaccine được sử dụng", ông Bình cho biết.
Bến xe TP HCM vắng khách sau ngày mở lại
Xe khách xếp hàng dài chờ khách tại Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, chiều 21/10.
Nhiều địa phương chưa mở lại xe khách với TP.HCM, quy định phòng dịch không thống nhất khiến các chuyến xe từ Bến xe Miền Đông, Miền Tây đi các tỉnh thưa thớt khách sau 9 ngày hoạt động lại.
Lãnh đạo Bến xe Miền Đông cho biết việc mở lại vận tải hành khách liên tỉnh giúp người dân đi lại thuận tiện, doanh nghiệp dần khôi phục hoạt động. Tuy nhiên, sau hơn một tuần các tuyến xe mở lại, bến vẫn vắng khách. Trước đó, từ lúc thí điểm mở các tuyến xe hôm 13 đến 20/10, mỗi ngày tại bến bình quân có 25 ôtô xuất bến, với 8 khách mỗi chuyến. "Mức này chưa lấp đầy số chỗ, dù các xe chỉ chạy tối đa 50% công suất", đại diện Bến xe Miền Đông nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.