Bản tin Hoà Nhập ngày 16/2/2022: Lưu ý mới của Bộ Y tế về việc F0 dùng thuốc hạ sốt tại nhà
Hướng dẫn F0 điều trị tại nhà dùng thuốc hạ sốt, theo Bộ Y tế, nếu là người lớn > 38,5 độ hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
Nếu là trẻ em sốt > 38,5 độ, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 lần.
Ảnh minh hoạ.
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết, sốt cao quá thì cơ thể mệt mỏi do mất nước, mất điện giải... Sốt gây đau đầu, mất ngủ, ăn kém, gây co giật ở trẻ em..., vì thế cần hạ sốt.
Để hạ sốt có thể dùng paracetamol, liều dùng tùy theo lứa tuổi. Về cơ bản thì paracetamol an toàn, nhưng với một số ít người thì paracetamol lại gây độc với gan và khi dùng nhiều có thể gây suy gan. Nếu không dùng được paracetamol thì có thể dùng ibuprofen, hàm lượng 200 hoặc 400mg.
Ngoài dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn, người bệnh cần bù đủ nước và điện giải để cơ thể đỡ mệt mỏi. Điện giải ở đây chủ yếu là kali, natri và clo, tức kali và muối ăn. Hiện có oresol, các gói bổ sung điện giải, nước dừa, nước cháo, chanh muối... là những sản phẩm thông dụng.
Có 54 tỉnh, thành phố trên cả nước cho trẻ mầm non đến trường
Theo Bộ GD&ĐT, tính đến nay đã có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp.
Tính đến nay tất cả các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2/2022.
Cụ thể, thông tin cập nhật đến ngày 14/2/2022: Đối với cấp mầm non, 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp (riêng tỉnh Nam Định, TP Nam Định trẻ mầm non chưa tổ chức). 9 tỉnh, thành phố chưa tổ chức gồm: Hậu Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Phú Yên, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang.
Đối với cấp tiểu học, 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp, gồm: Hưng Yên chỉ tổ chức khối lớp 1; Vĩnh Long chỉ tổ chức khối lớp 5. 4 tỉnh, thành phố chưa tổ chức gồm: Hậu Giang, An Giang, Đà Nẵng, Tiền Giang.
Đối với cấp trung học cơ sở, 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp, riêng TP Hà Nội cho học sinh khối 1 đến 6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành, khối 7 đến 12 các quận nội thành đi học trực tiếp, tỉnh Vĩnh Long học sinh khối 6, 9 đi học trực tiếp.
Cấp trung học phổ thông, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp. Các cơ sở giáo dục đại học: 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.
Việt Nam ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục trong ngày 15/2
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 15/2.
Bản tin dịch COVID-19 ngày 15/2 của Bộ Y tế cho biết có 31.814 ca mắc COVID-19 tại 62 tỉnh, thành, cao nhất từ trước đến nay; Hà Nội gần 4.000 ca; Trong ngày có gần 9.400 bệnh nhân khỏi.
Tính từ 16h ngày 14/02 đến 16h ngày 15/02, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 31.814 ca nhiễm mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 31.787 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.384 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 22.870 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.572.087 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.045 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.564.888 ca, trong đó có 2.239.456 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Dự kiến mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3
Sau 4 tháng thí điểm, 9 tỉnh, thành phố đã đón được 9.000 khách quốc tế.
Sáng 15/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, gắn với từng bước phục hồi kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới phải dựa trên tình hình dịch bệnh của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Được biết, sau 4 tháng thí điểm đón khách quốc tế, 9 tỉnh, thành phố đã đón được 9.000 khách quốc tế. Đến nay, Bộ VHTT&DL đã cho phép tất cả các địa phương đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế.
Cụ thể, các biện pháp để kiểm soát người đi lại được đưa ra khi dịch bùng phát từ năm 2020 đến nay sẽ được dỡ bỏ, cùng với đó là thực hiện nghiêm nhưng giải pháp phòng, chống dịch bệnh như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đặc biệt là thực hiện 5K ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khâu.
Khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Hôm nay, hơn 4.300 công dân Hà Nội lên đường nhập ngũ
Hơn 4.300 công dân Hà Nội lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ Công an nhân dân.
Năm nay, Hà Nội có hơn 4.300 công dân nhập ngũ, trong đó có 3.500 công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và hơn 800 công dân thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân.
Theo thông tin từ Hội đồng Nghĩa vụ quân sự thành phố, 100% công dân trong danh sách chốt quân số nhập ngũ (cả chính thức và dự phòng) đều được tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 theo quy định.
Qua quá trình tuyển chọn, công dân đạt sức khỏe đủ điều kiện nhập ngũ đạt 62,6% so với số công dân đi khám. Một số địa phương có tỷ lệ cao là: Chương Mỹ (80,9%), Thạch Thất (77,9%), Hà Đông (75,9%), Gia Lâm (74,3%), Hoàn Kiếm (71,5%)... Có từ 25 đến 30% công dân có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Nam sinh lớp 6 bị bạn cùng trường đâm tử vong
Trường THCS Phong An (huyện Phong Điền) nơi xảy ra xô xát.
Ngày 15/2, Công an huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế điều tra làm rõ vụ việc ba học sinh ở trên địa bàn xô xát nhau, khiến một nam sinh lớp 6 bị đâm vào bụng tử vong.
Theo thông tin ban đầu, sự việc đau lòng trên xảy ra tại Trường THCS Phong An (huyện Phong Điền). Khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày, giữa nam sinh tên C. (lớp 7) và nam sinh tên H. (lớp 6) có xảy ra xô xát ở khu vực nhà vệ sinh của trường.
Lúc này, nam sinh T.C.Y (bạn học cùng lớp với C.) đến bênh vực C. Trong lúc hai bên xô xát, Y. mang dao rọc giấy ra đâm trúng bụng H.
Sau đó, H. được đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền) cấp cứu. Tuy nhiên, do bị mất nhiều máu, nam học sinh lớp 6 này đã tử vong sau đó khoảng 1 giờ đồng hồ.
Bàn giao cầu Thăng Long và đường vành đai 3 cho Hà Nội quản lý
Cầu Thăng Long - Ảnh internet
Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định giao các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 và mặt cầu đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long (bao gồm phần mặt đường xe chạy tầng 2 cầu Thăng Long trong phạm vi 15 nhịp dàn thép; phần lề bộ hành, lan can, hệ thống hộ lan, hệ thống thoát nước mặt cầu, hệ thống an toàn giao thông; 6 khe co giãn trên phần dầm thép và 4 khe co giãn trên phần đường dẫn hai đầu cầu) cho UBND TP Hà Nội tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì.
Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 TP Hà Nội do Bộ GTVT là chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 5.343 tỉ đồng.
Tuyến Mai Dịch - Nam Thăng Long có chiều dài 4,59 km, điểm đầu tại Km0+130, phía Bắc cầu vượt Mai Dịch, điểm cuối tại Km5+497,72 phía Nam cầu Thăng Long. Vận tốc thiết kế 80 km/h.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.