Bản tin Hòa Nhập ngày 6/12/2021: 70% cha mẹ ở TP.HCM chưa đồng ý học sinh lớp 1 đến trường

2021-12-06 07:16:46 0 Bình luận
Việt Nam không cho phép thực hiện các chuyến bay đến từ 10 nước châu Phi, bao gồm cả chuyến bay hỗ trợ. Đây là đề nghị của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) trước lo ngại của biến chủng Omicron.

Tất cả các chuyến bay đến từ một số quốc gia đã xuất hiện Omicron sẽ phải tuân thủ quy định xét nghiệm nghiêm ngặt.

Cụ thể, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao các bộ, ngành tăng cường công tác kiểm soát biến chủng Omicron. 

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể này.

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ từ 10 quốc gia châu Phi gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia đến Việt Nam; cấm nhập cảnh đối với hành khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 30 ngày trước khi vào Việt Nam.

Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Y tế để có hướng dẫn cụ thể về kiểm soát y tế đối với hành khách đến từ một số quốc gia đã xuất hiện Omicron như Hàn Quốc, Nhật Bản; kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác cách ly y tế, đảm bảo 100% hành khách quốc tế đến từ các quốc gia đã xuất hiện biến chủng Omicron phải cách ly y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Hỗ trợ 1.000 tấn gạo cho mỗi tỉnh bị ảnh hưởng do mưa lũ

Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ gạo khẩn cấp cho 3 tỉnh bị thiệt hại nặng nề vì mưa lũ.

Chiều 5/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với 8 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do mưa lũ; chia sẻ với những khó khăn, vất vả, mất mát mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố đã trải qua trong những ngày qua.

Thời gian vừa qua tình hình mưa lũ đã diễn ra và gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hoa màu... tại 8 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Chính phủ đã chỉ đạo và cử tổ công tác vào các tỉnh trong khu vực để cùng địa phương phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ; đồng thời Thủ tướng có Công điện chỉ đạo về việc này.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ xử lý ngay những đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Theo đó, hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo.

Việt Nam nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi

Ảnh minh họa.

Sáng 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tiếp tục thúc đẩy việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh.

Theo lãnh đạo Chính phủ, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai quyết liệt chiến lược vaccine và đạt nhiều kết quả tốt, nhưng trước những diễn biến mới của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, cần có đánh giá toàn diện và triển khai bài bản, khoa học, kịp thời hơn nữa việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh.

Phấn đấu chậm nhất trong tháng 12 cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát lại các nhóm chưa tiêm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đạt mục tiêu này. Đồng thời, cơ quan chức năng phải có lộ trình triển khai tích cực, hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12-18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên và các nhóm tuyến đầu.

"Nếu cần thiết thì tăng cường lực lượng chi viện, hỗ trợ các địa phương trong tiêm chủng như đã làm trước đó", Thủ tướng nói, yêu cầu nghiên cứu, sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung liên quan tới vaccine, trong đó có khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.

Nhiều lao động tại Hồ Chí Minh gặp khó vì thiếu chỗ gửi trẻ

Nhiều công nhân ở TP HCM gặp khó trong việc tìm chỗ gửi con khi đi làm trở lại. 

Theo thông tin đăng tải trên Báo Pháp luật Việt Nam, hiện nay các nhà máy, khu công nghiệp đã hoạt động nhưng nhiều công nhân vẫn chưa thể đi làm trở lại vì gặp khó trong việc gửi con.

Mặc dù công ty đã gọi đi làm trở lại với mức lương và đãi ngộ khá tốt so với thời điểm khó khăn hiện nay nhưng hơn tuần nay chị Lê Thị Hòa, công nhân Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức vẫn khất lần, chưa đi làm lại được vì chưa tìm được chỗ gửi trẻ.

Chị Hòa cũng có tìm đến vài chỗ. Nơi sạch sẽ, thoáng mát, người giữ trẻ có tâm thì đã quá tải, không cách nào đăng kí được. Còn có những nơi có chỗ nhưng điều kiện vệ sinh kém, ẩm thấp, lo sợ an toàn cho con nên tôi cũng không dám gửi.

Còn chị Lê Thị An, ngụ đường Phạm Văn Đồng, Thủ Đức thì cho biết, do không tìm được điểm gửi trẻ, chị đành phải nghỉ làm ở nhà chăm 2 con nhỏ cho chồng đi làm. Vì thế chị nghĩ ra cách “linh động” nhận giữ luôn con cái công nhân trong khu nhà trọ để có thu nhập trang trải cuộc sống. Với mỗi trẻ, chị nhận 500 ngàn/tuần bao gồm cả ăn 2 bữa.

Một số gia đình công nhân có con lớn thì chọn cách bất đắc dĩ để con phải “tự lập” sớm, ở nhà trông nhau để cha mẹ đi làm. Như gia đình chị Nguyễn Thị Thu ở Mỹ Phước, Bình Dương. Cả hai vợ chồng đều làm tại các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn huyện. Sau thời gian giãn cách, họ phải trở lại làm việc, nhưng hai con nhỏ, một bé năm nay vào lớp 1, một bé lên lớp 4, đều đang học online.

“Chúng tôi rất mong được hỗ trợ phương án nào đó để gửi được con, có thể nhanh chóng được quay lại làm việc, ổn định cuộc sống”, anh Trần Văn Tuấn, công nhân Khu công nghiệp Tân Bình chia sẻ.

TP.HCM: Hơn 70% phụ huynh không cho con em lớp 1 đi học trực tiếp

Phụ huynh lớp 1 ở TP.HCM học trực tuyến cùng con - Ảnh: GIA HUY

Theo kết quả khảo sát của ngành GD-ĐT TP.HCM đối với phụ huynh lớp 1 về việc cho con em đi học trực tiếp theo chủ trương thí điểm mở cửa trường học của UBND TP.HCM, chỉ có 29,82% phụ huynh đồng thuận việc này.

Theo đó, TP.HCM có 121.759/131.244 phụ huynh lớp 1 tham gia đợt khảo sát trên. Kết quả có 36.316 phụ huynh (29,82%) đồng ý cho con em đến trường học trực tiếp; số còn lại không đồng ý cho con em đi học trực tiếp, chiếm tỉ lệ hơn 70%.

Cụ thể, có rất nhiều trường tiểu học ở nội thành TP chỉ có hơn 10 phụ huynh học sinh lớp 1 đồng ý cho con em đi học như: Trường tiểu học Trần Quang Diệu, quận 3: có 13 phụ huynh đồng ý, Trường tiểu học Trần Văn Đang: 17 phụ huynh đồng ý, Trường Bến Cảng, quận 4: 13 phụ huynh đồng ý, Trường Điện Biên, quận 10: 15 phụ huynh đồng ý,…

Đáng chú ý là có những trường không có phụ huynh nào đồng ý cho con em đi học trực tiếp, đó là một trường tư thục ở quận 3 và một trường tư thục ở quận 6.

Không những thế, ngay ở địa bàn các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ… vốn được xem là những địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt thì phụ huynh vẫn không đồng thuận khi cho con em đi học. 

Dịch COVID-19 gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam khoảng 37 tỉ USD

Ông Nguyễn Thành Phong, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho rằng dịch COVID-19 gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam trong năm 2020-2021 khoảng 847.000 tỉ đồng, tương đương 37 tỉ USD - Ảnh: NAM TRẦN

Tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, được tổ chức hôm nay 5/12, thảo luận biện pháp để giúp Việt Nam khắc phục và phát triển kinh tế bền vững, ông Nguyễn Thành Phong, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho rằng cần phải lượng hóa thiệt hại kinh tế mất đi do đại dịch. 

Theo ông Phong, nếu giả định năm 2020-2021 không có đại dịch thì GDP của nền kinh tế Việt Nam tăng 7%, nhưng năm 2020, GDP tăng 2,91% và năm 2021 dự kiến tăng chỉ 2,5%.

Như vậy tính toán năm 2020, giá trị thiệt khoảng 160.00 tỉ đồng và năm 2021 là 346.000 tỉ đồng. Tính cả hai năm 2020-2021 cộng lại, số thiệt hại về mặt giá trị kinh tế khoảng 507.000 tỉ đồng theo giá năm 2010. Còn tính theo giá hiện hành, con số này lên tới 847.000 tỉ đồng, tương đương 37 tỉ USD. 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, hôm nay (18/9) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII tổ chức Hội nghị lần thứ 10 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
2024-09-19 16:02:36

Hà Giang: CSGT đến tận trường phổ biến luật ATGT cho học sinh

Để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra, đặc biệt là đối với các em học sinh, Đội 2 Phòng CSGT Công tỉnh Hà Giang phối hợp với Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Hà Giang tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông đường bộ cho các em học sinh trong trường.
2024-09-19 15:04:52

Chính sách ưu đãi đối với Doanh nghiệp của thương binh và NKT: Những bất cập cần giải quyết

Hiện nay, Việt Nam các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật còn thiếu đồng bộ và bất cập. Nhìn chung, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi trên của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống.
2024-09-19 10:50:25

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong đêm 18/9, gây gió mạnh, sóng lớn ven biển và đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Để chủ động ứng phó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
2024-09-19 10:25:26

Nghĩa tình thủy chung của Bộ đội Cụ Hồ với bạn bè quốc tế

Truyền thống nghĩa tình thủy chung quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ có cội nguồn sâu xa từ truyền thống nhân nghĩa yêu thương của người Việt Nam “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”.
2024-09-19 10:07:15

Văn bản Phúc đáp của Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc Phòng

Ngày 30/7/2024, Tạp chí điện tử Hòa nhập nhận được Đơn đề nghị ghi ngày 23/7/2024 của cựu chiến binh (CCB) Trương Công Ninh (Sinh năm 1954), đối tượng hưởng trợ cấp chất độc hóa học dioxin; hiện đang ngụ tại số nhà 18 đường Trương Đăng Quỹ, tổ dân phố Đông Trung, thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
2024-09-18 18:57:28
Đang tải...