Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo hàng nghìn tỷ
Các đối tượng liên tục làm "Tờ trình", "Thông báo", đơn "Đề nghị" xin được “khai thác kho báu”, “tiếp nhận di sản”.
Theo Bộ Công an, điển hình có thể kể đến như: Công ty cổ phần Quốc tế Hồ Tràm, Công ty cổ phần Di sản quốc tế Hồ Tràm, do Nguyễn Quốc Long, Lê Nguyên Thành (còn tự xưng là Chủ tịch Hội đoàn xử lý di sản quốc tế) là thành viên sáng lập, đại diện pháp luật (các đối tượng đã có tiền án, tiền sự); Công ty cổ phần CT Toàn cầu giác mạc 13579 do Văn Hùng Tính là Tổng Giám đốc; Công ty cổ phần Đầu tư Nam Hải Thái Bình Dương do Trần Minh Phương là Tổng Giám đốc; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư PHM do Nguyễn Hoàng Ngân là Giám đốc; Công ty cổ phần Quốc tế An sinh toàn cầu phát; Công ty Đông Đô miền Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn tài chính toàn cầu DONA do Trần Lê Thu Thảo làm đại diện pháp luật... Một số cá nhân có liên quan như: Nguyễn Thị Thúy Chiêu, Lê Thị Thu Liễu, Lê Quang Ngọc, Lý Ngọc Thắng có dấu hiệu lừa đảo...
Các đối tượng thành lập các doanh nghiệp nhưng không có hoạt động sản xuất kinh doanh; tự xưng các tổ chức (không có cơ sở pháp lý), không đúng quy định của pháp luật; phần lớn các cá nhân tham gia vào hoạt động lừa đảo này đều có tiền án, tiền sự về tội lừa đảo, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, không có nghề nghiệp, nơi cư trú rõ ràng. Qua xác minh, đa phần các đối tượng đều không có mặt tại nơi cư trú theo địa chỉ trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Các cá nhân, doanh nghiệp này đã nhiều lần trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp trong nước lập các bộ hồ sơ gửi tới các cơ quan Trung ương đề nghị xem xét, giải quyết cho tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khai thác “kho báu”...
Hoạt động mang dấu hiệu lừa đảo này đã được Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần; một số đối tượng đã bị Công an các địa phương khởi tố, điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc phối hợp với các ban, ngành để xử lý theo quy định của pháp luật (thu hồi giấy phép), yêu cầu viết cam kết không thực hiện các hoạt động tương tự.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cá nhân, doanh nghiệp nêu trên vẫn tiếp tục hoạt động, lập và sử dụng nhiều pháp nhân mới, tự xưng là người của các tổ chức mới (không có thật) như “Tổ chức hậu cần mật”, “Di sản Triều Nguyễn”, “Hội đoàn xử lý di sản tài chính thế giới”, “Tập đoàn JESC”... để soạn thảo các “Tờ trình”, “Thông báo” và “Đề nghị” gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương đề xuất xin được “khai thác kho báu”, “tiếp nhận di sản”; chào mời các cá nhân, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, góp vốn, gây thiệt hại kinh tế cho các cá nhân, doanh nghiệp và làm ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan Nhà nước khi liên tục phải tiếp nhận, xử lý các hồ sơ “không có thật” do các đối tượng gửi đến.
Bộ Công an đề nghị các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong cả nước cần hết sức cảnh giác với các thủ đoạn của các đối tượng, tránh để bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...: (1) Thành lập doanh nghiệp nhưng không có hoạt động sản xuất kinh doanh; trực tiếp hoặc thông qua các cá nhân, doanh nghiệp trong nước lập các bộ hồ sơ gửi tới các cơ quan của Đảng, Chính phủ đề nghị xem xét, giải quyết cho tiếp nhận, giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khai thác kho báu... có sử dụng giấy tờ giả mạo của các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn như hối phiếu/trái phiếu quốc tế, điện chuyển tiền (SWIFT-MT103), chứng từ bảo lãnh, chứng nhận sở hữu tài sản, di sản thừa kế có giá trị hàng triệu đến hàng ngàn tỷ USD, EUR...; thậm chí sử dụng các văn bản tiếp nhận đơn, thư, phiếu giải quyết văn bản của các cơ quan nhà nước để lấy mẫu dấu, chữ ký và làm văn bản giả mạo để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. (2) Tìm cách tiếp cận các cán bộ lão thành, lãnh đạo các cấp để gây sức ép tới các bộ, ngành, địa phương xử lý hồ sơ, tiếp nhận đơn thư, tạo uy tín cho bản thân. (3) Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, doanh nghiệp trong nước để tiếp cận, tạo niềm tin và đề nghị ký kết hợp đồng hợp tác hoặc tham gia vào việc lập hồ sơ để đăng ký tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài, khai thác “kho báu”, “di sản, tài sản thừa kế”; mập mờ, che dấu thông tin trong việc mua – bán các loại tiền xu lưu niệm có màu vàng, bạc của các quốc gia, các loại thẻ được tự giới thiệu có tính chất như thẻ tín dụng ngân hàng... (4) Móc nối với các cá nhân là người nước ngoài, Việt kiều tự xưng là “chuyên gia”, người đại diện cho các tổ chức, quỹ tài chính quốc tế, xét duyệt dự án, tìm kiếm “kho báu”, sở hữu tiền và tài sản trôi nổi của các quốc gia khác tại Việt Nam... hoặc tự nhận là người của lãnh đạo các ban, bộ, ngành đang giữ các thông tin, tài liệu liên quan đến “dự án”, “kho báu”, “di sản, tài sản thừa kế”... Từ đó, các đối tượng đề nghị các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tiếp nhận/vay vốn phải tạm ứng, chi trả các “chi phí cho chuyên gia xét duyệt hồ sơ”, “chi phí tìm kiếm kho báu”, “chi phí làm thủ tục tiếp nhận di sản, tài sản thừa kế”, “chi phí ngoại giao, bôi trơn”, “chi phí xem hồ sơ, nguồn tiền”... rồi chiếm đoạt tài sản./. |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.