Chăm sóc y tế, đảm bảo quyền học tập cho trẻ bị ảnh hưởng bởi AIDS

2017-01-13 14:46:10 0 Bình luận
Việt Nam đã phát hiện trường hợp trẻ nhiễm HIV cách đây hơn 20 năm (năm 1994) và cũng đã trải qua hơn 10 năm thực hiện mở rộng chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho trẻ (từ năm 2004).

Tặng quà cho bệnh nhân AIDS tại Trung tâm Linh Xuân (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Trong công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cho trẻ tại cộng đồng và gia đình, Việt Nam luôn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao. Nhưng đến nay, vẫn còn đó những khó khăn cần khắc phục để đảm bảo cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có cuộc sống bình thường như bao trẻ em khác.

Chẩn đoán sớm cho trẻ dưới 18 tháng tuổi

Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết tính đến ngày 30/6/2016, toàn quốc có 345 cơ sở điều trị HIV/AIDS cho trẻ em, trong đó có 70 cơ sở tuyến tỉnh và 275 cơ sở tuyến huyện. Tại tuyến huyện là lồng ghép điều trị cho trẻ em và người lớn nhiễm HIV.

Việc điều trị cho trẻ nhiễm HIV ở Việt Nam trong những năm qua đã có hiệu quả tốt. So với năm 2009, đến nay số trẻ em nhiễm HIV được điều trị ARV tăng gấp 2,5 lần. Từ năm 2007 đến nay, hàng năm tỷ lệ duy trì sau điều trị ARV sau 12 tháng ở trẻ em đều đạt trên 80%.

Chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi là một chương trình hiệu quả giúp trẻ được điều trị ARV sớm. Trước đây, tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV chỉ được xác định tình trạng nhiễm HIV khi đủ 18 tháng tuổi.

Hiện nay, việc chẩn đoán sớm bằng xét nghiệm khuyếch đại gen-PCR, phát hiện ADN của HIV cho phép phát hiện trẻ nhiễm HIV ngay trong thời kỳ sơ sinh. Từ khi triển khai chương trình này, nhiều trẻ đã được phát hiện HIV ngay khi 4-6 tuần tuổi.

Việc chẩn đoán sớm HIV giúp giải tỏa tâm lý cho gia đình trẻ; đưa trẻ nhiễm HIV vào chương trình điều trị kịp thời, hạn chế đáng kể tình trạng tử vong, giảm chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đặc biệt, khi trẻ được điều trị sớm sẽ làm giảm tải lượng vi rút, hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm cho các trẻ khác trong cộng đồng.

Để thực hiện kỹ thuật này, các cán bộ tại cơ sở điều trị HIV/AIDS cho trẻ em của 63 tỉnh, thành phố đã được tập huấn và có thể lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ. Việc lấy mẫu được thực hiện ở cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS và xét nghiệm được thực hiện tại Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Trẻ được lấy máu ở gót chân hoặc ngón chân, ngón tay tùy theo cân nặng của trẻ. Máu được lấy vào tấm bìa cứng chuyên dụng, được phơi khô tự nhiên và gửi đến cơ sở thực hiện xét nghiệm trong điều kiện nhiệt độ thông thường, không cần bảo quản lạnh.

Với phương pháp lấy mẫu ít gây đau, dễ thực hiện, có thể thực hiện khi trẻ mới 4-6 tuần tuổi thì đây thực sự là phương pháp thu hút được nhiều sự quan tâm của gia đình trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Nhờ vậy, hàng năm có khoảng 110-120 trẻ phát hiện có HIV dương tính khi thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp này.

Song song với việc chăm sóc trẻ tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS, trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV cũng được quan tâm chăm sóc khi sống cùng gia đình và trong cộng đồng, tại các cơ sở bảo trợ.

Các nhóm đồng đẳng viên (những người nhiễm HIV) đã giúp liên hệ giữa gia đình trẻ với các phòng khám ngoại trú HIV để thúc đẩy chẩn đoán sớm, hướng dẫn làm thủ tục từ thời điểm chẩn đoán nhiễm HIV cho đến lúc bắt đầu chăm sóc và hỗ trợ duy trì, tuân thủ điều trị ARV. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã có quyết định về việc hướng dẫn chăm sóc trẻ tại gia đình và cộng đồng.

Cần điều chỉnh chính sách

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ qua nghiên cứu “Rà soát các chính sách hiện hành về trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV” do Cục thực hiện cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống trong chính sách. Cụ thể, nhiều trẻ sinh sống trong gia đình có bố, mẹ hoặc người thân nhiễm HIV/AIDS chưa được xét nghiệm định kỳ phát hiện HIV do kinh tế khó khăn, thiếu phương tiện đi lại hoặc chưa nhận thức hết về sự cần thiết phải tiến hành xét nghiệm để phòng ngừa và phát hiện sớm lây nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách phòng ngừa HIV đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV như trẻ em sử dụng ma túy, trẻ sống trong các cơ sở trợ giúp, trẻ là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy...

Ngoài ra, hiện nay, một số phòng khám điều trị ngoại trú (OPC) hoạt động bằng nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hiện đang thuộc các trung tâm y tế dự phòng không có chức năng khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV thì không được thanh toán bảo hiểm y tế. Vì vậy, khi các dự án hỗ trợ của quốc tế chấm dứt thì người nhiễm HIV điều trị tại các phòng khám này không được bảo hiểm y tế chi trả.

Phó Cục trưởng Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh đa phần trẻ nhiễm HIV thường sống trong các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc trang trải các khoản học phí và các khoản đóng góp khác là một trong những khó khăn lớn đối với gia đình của trẻ. Chính sách hiện nay chỉ cho phép những trẻ nhiễm HIV thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo được miễn giảm học phí.

Trong khi đó, cơ chế bình xét hộ nghèo tại cộng đồng cùng với tâm lý e ngại bị kỳ thị lại chính là rào cản khiến nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, gia đình bị hạn chế năng lực tham gia, đóng góp ý kiến, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Tương tự như chính sách miễn giảm học phí, cơ chế bình xét hộ nghèo đang làm hạn chế cơ hội cho trẻ nhiễm HIV thuộc diện nghèo được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng và các quyền lợi đi kèm (như: thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ đồ dùng học tập).

Hỗ trợ tối đa cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho biết giai đoạn 2016-2020, Cục sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bám sát chương trình hành động quốc gia để tiếp tục và mở rộng dịch vụ chăm sóc điều trị cho trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; đồng thời kiện toàn hệ thống điều trị HIV/AIDS theo hướng đảm bảo sự bền vững của chương trình.

Cục Phòng chống HIV/AIDS sẽ hỗ trợ tối đa cho trẻ nhiễm HIV và phơi nhiễm với HIV để được quản lý, duy trì điều trị bằng ARV, theo dõi điều trị ARV ở các cơ sở y tế một cách thuận tiện nhất. Cục phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục mở rộng dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV cho trẻ nhiễm tại tuyến huyện, xã, phường; thực hiện tốt chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để tăng tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sống khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, Cục sẽ mở rộng chương trình xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, sử dụng các phác đồ hiệu quả cho dự phòng lây truyền mẹ con để đạt được và duy trì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới 5%; mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế và thanh toán các dịch vụ chăm sóc cho trẻ nhiễm HIV và phơi nhiễm với HIV thông qua bảo hiểm y tế; huy động nguồn lực địa phương, hỗ trợ trẻ nhiễm HIV và trẻ phơi nhiễm với HIV...

Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội đề xuất để đảm bảo quyền của trẻ em bị nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, Việt Nam cần tiến hành rà soát các dịch vụ khám và điều trị HIV được bảo hiểm y tế hỗ trợ, trong đó xem xét đưa thuốc kháng HIV, thuốc bổ trợ và một số xét nghiệm vào danh mục chi trả bởi bảo hiểm y tế; cần có cơ chế cho phép người nhiễm HIV được thanh toán bảo hiểm y tế tại tất cả các phòng khám điều trị ngoại trú.

Đồng thời, Việt Nam cần đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa các ngành trong công tác rà soát trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về trẻ nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giữa ba ngành chức năng (y tế-lao động thương binh và xã hội-giáo dục); tăng cường tập huấn kỹ năng cho cán bộ làm công tác trợ giúp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; có chính sách hỗ trợ nhóm cộng tác viên của mô hình kết nối dịch vụ trợ giúp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

CSGT Lào Cai dùng 'mắt thần' đặc biệt đối phó xe phóng ẩu

Quá trình làm nhiệm vụ, Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai đã dùng "mắt thần" phát hiện, ghi hình hàng loạt tài xế ô tô lái xe chạy quá tốc độ.
2024-11-25 11:03:24

VPBankS khẳng định vị thế số 1 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Hai giải thưởng Top 1 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành Dịch vụ tài chính khối Doanh nghiệp vừa và Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam khối Doanh nghiệp là kết quả của sự nỗ lực chung của cả tập thể hơn 500 nhân sự của VPBankS.
2024-11-25 10:21:02

Từ chiến trường đến thương trường

Trong số những doanh nghiệp làm ăn giỏi trên địa bàn Hà Nội, có một doanh nghiệp khá đặc biệt. Ðó là Công ty Bao bì 27-7 Hà Nội, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp của những người thương binh và các đối tượng chính sách, do Tổng giám đốc là một thương binh năng động "chèo lái".
2024-11-25 09:47:14

Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh

Tối 23/11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
2024-11-24 07:35:00

Phát hiện, xử lý nhiều thanh niên tụ tập gây rối trật tự công cộng

Công an thị xã Sa Pa đã kịp thời phát hiện, xử lý nhóm thanh thiếu niên có hành vi tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự.
2024-11-23 13:52:22

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00
Đang tải...