Chàng kỹ sư xây dựng nuôi ốc bươu, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm
Phạm Viết Sỹ, sinh năm 1989, ở thôn Văn Minh, xã Thường Nga, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Xuất thân là kỹ sư xây dựng song anh lại ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đầu năm 2020, anh không may bị tai nạn. Sau hơn 3 tháng điều trị ở viện, anh quyết định về quê đào ao thả ốc bươu.
Sau thời gian tìm tòi học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo về kỹ thuật nuôi ốc bươu đen, anh đầu tư hơn 150 triệu đồng thuê 35.000m2, đào 9 ao và mua 150.000 ốc bươu giống ở Thanh Hoá về thả nuôi.
Thời gian đầu khởi nghiệp, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên ốc giống phát triển rất chậm. Không nản lòng, anh lại tìm đến các trang trại lớn làm ăn hiệu quả tại các tỉnh thành khác như Nghệ An, Thanh Hoá để mày mò học hỏi thêm. Bên cạnh đó, anh còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ốc bươu do Hội Nông dân huyện Can Lộc tổ chức để tích lũy thêm kinh nghiệm.
Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó đầu tư, những lứa ốc tiếp theo của anh dần phát triển và sinh trưởng tốt.
Ốc bươu là giống dễ sống, dễ nuôi và ít bị bệnh (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Anh Sỹ cho biết, ốc bươu đen là loại ưa sạch sẽ, chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm; nếu không phòng tránh tốt sẽ rất dễ nhiễm các bệnh như đường ruột, sưng vòi… Vì vậy, trước khi thả giống phải xử lý ao nuôi bằng vôi can xi (Dolemit).
Trong quá trình nuôi cứ 10 ngày lại tiếp tục rải Dolemit 1 lần để xử lý ao nuôi giúp ốc khỏe mạnh, nhanh lớn. Nuôi ốc bươu đen cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều. Thức ăn của ốc bươu đen chủ yếu là bèo cám, bèo hoa dâu, lá sắn, mướp, bầu bí rất rẻ và dễ tìm. Giống ốc bươu chịu nhiệt kém nên mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào hồ, làm mát bằng màng lưới hoặc trồng cây leo phủ bóng.
Mô hình nuôi ốc bươu của anh Sỹ mang thu nhập tốt cho gia đình (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Anh Sỹ cũng chia sẻ thêm, nuôi ốc bươu đen dễ chăm sóc, không mất nhiều công sức, thời gian thu hồi vốn nhanh. Khi ốc đẻ trứng, cần thu gom các tổ trứng cho vào bể riêng, lắp đặt bóng điện và phun nước hàng ngày tạo môi trường ẩm thích hợp cho trứng ốc phát triển, khoảng 20 ngày là bán được.
Nhờ nắm vững các kỹ thuật, hiện nay, gia đình anh đã có 9 hồ nuôi ốc với số lượng hơn 20 vạn con bao gồm cả ốc giống, ốc bố mẹ, ốc thịt. Tùy thời điểm ốc có giá khác nhau nhưng dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg đối với ốc thịt; 3,5-4 triệu đồng/kg đối với ốc giống; 150.000-250.000 đồng/kg ốc bố mẹ; 2-3 triệu đồng/kg trứng ốc.
Dù mới nuôi nhưng 2 năm qua (2020, 2021) đã mang lại nguồn thu nhập 400 triệu đồng cho gia đình anh, trong đó có 150 triệu đồng từ ốc giống còn lại là ốc thương phẩm. Hiện nay, ốc bươu đen là món ăn được người dân ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao nên đầu ra rất dễ. Cũng vì lẽ đó nên thời gian tới anh Sỹ sẽ tiếp tục mở rộng thêm 3 - 5 ao nuôi.
Tương tự như anh Sỹ, chàng trai Cao Hữu Việt (32 tuổi, ở Quảng Bình) từng là hướng dẫn viên du lịch với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, anh đột ngột rẽ hướng, chuyển về quê để nuôi ốc bươu đen. Với số vốn gần 40 triệu đồng, anh làm 8 hồ lót bạt trong vườn nhà (mỗi hồ khoảng 8 m2), mua 4 kg trứng ốc giống mang về ấp thủ công.
Anh Việt cũng thành công với mô hình nuôi ốc bươu (Ảnh: Thanh Niên)
Đến nay, anh đã xây dựng được một trại ốc sinh sản ở Quảng Nam với 20 ao nuôi (khoảng 3.000 m2) và một trại ốc thương phẩm ở Đà Nẵng với 18 ao nuôi. Thị trường tiêu thụ ốc thịt và ốc giống của anh Việt ở nhiều tỉnh, thành như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Bắc Giang... Vào mùa cao điểm, một ngày anh có thể thu khoảng 1,5 kg trứng, bán được khoảng 1,5 triệu đồng. Còn ốc thương phẩm mỗi đợt anh xuất 300 - 400 kg, bán với giá 70.000 - 85.000 đồng/kg. Như vậy, trung bình anh có thể thu lãi ròng 30 - 35 triệu đồng/tháng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.