Chất lượng đào tạo tiến sĩ đến đâu?
2016-10-28 15:52:23
0 Bình luận
Chất lượng đào tạo tiến sĩ đến đâu?, thực tế công tác đào tạo tiến sĩ ở các trường, cơ sở đào tạo hiện đang diễn ra như thế nào là các câu hỏi được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh- kinh nghiệm thực tế Việt Nam và Vương quốc Anh” do Đại học Đà Nẵng vừa tổ chức.
Cần giảm bớt cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. (ảnh minh họa) |
Vẫn còn nhiều tiến sĩ “giấy”
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, toàn quốc đang triển khai đào tạo 971 ngành tiến sĩ tại 158 cơ sở đào tạo, trong đó có: 114 trường đại học, 42 Viện nghiên cứu, 1 Công ty cổ phần thuộc Bộ Công thương và 1 Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học quốc gia Hà Nội với quy mô là hơn 13.500 nghiên cứu sinh.
Một số cơ sở đào tạo hiện nay còn chạy theo số lượng, tỷ lệ nghiên cứu sinh/người hướng dẫn cao, chưa kiểm soát được số lượng nghiên cứu sinh thực tế mỗi người hướng dẫn là bao nhiêu, đó là chia sẻ của TS. Đào Hiền Chi, chuyên viên Vụ Giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo.
“Tại một số đơn vị, việc tổ chức đào tạo các học phần bổ sung và các học phần của chương trình tiến sĩ chủ yếu triển khai vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc vào các buổi tối trong tuần.Vì lơ là việc tổ chức định kỳ cho nghiên cứu sinh để báo cáo kết quả nghiên cứu theo tiến độ và quản lý nghiên cứu sinh còn lỏng lẻo, nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo” – bà Chi cho biết.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, thực tế việc hội đồng chuyên môn các cấp vẫn còn hiện tượng nể nang, dễ dãi về học thuật. Ở một số trường hợp vẫn còn hiện tượng đạo văn nên dẫn đến chất lượng của người tốt nghiệp không tương xứng với học vị được cấp, gây nghi ngờ trong xã hội về công tác đào tạo tiến sĩ. Bên cạnh đó, nhận thức xã hội về việc học tiến sĩ vì nhu cầu ngoài hàn lâm cao; học vị tiến sĩ được coi là tiêu chuẩn để cất nhắc và bổ nhiệm các chức vụ quản lý của công chức ở nhiều cơ quan. Ngoài ra, có thể nói, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm lạc hậu, thư viện nghèo nàn, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tiến sĩ ở một số nơi hiện nay.
Trong khi đó, theo TS. Giang Thị Kim Liên, Phó Trưởng Ban Đào tạo thuộc Đại học Đà Nẵng, hiện nay việc phản biện độc lập thường khiến nghiên cứu sinh mất nhiều thời gian do theo quy định là luận án chuyển đến cho giáo sư đọc trong 45 ngày, nhưng nhiều giáo sư quá bận nên kéo dài thời gian gây mất thời gian cho các nghiên cứu sinh.
Phải giảm bớt những cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo TS. Đào Hiền Chi, chuyên viên Vụ Giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì muốn nâng cao chất lượng phải giảm bớt những cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cụ thể, trong năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dừng tuyển sinh đối với 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo tiến sĩ, đồng thời đưa ra cảnh báo đối với 38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo khác do thiếu giảng viên cơ hữu. Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ đối với 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo sau khi các cơ sở này không khắc phục được tình trạng thiếu giảng viên. Từ năm 2012 đến nay, Bộ cũng siết chặt hơn việc thẩm định hồ sơ, luận án thông qua việc sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo đưa yêu cầu thẩm định luận án… Bà Chi cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế để tạo điều kiện và khuyến khích các cơ sở đào tạo mời các nhà khoa học nước ngoài tham gia đào tạo tiến sĩ trong nước. Đồng thời cần sửa đổi, bổ sung các điều kiện liên quan đến xác định chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ (đào tạo tinh hoa, đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng), mở ngành đào tạo tiến sĩ, tổ chức đào tạo và cấp bằng theo hướng áp dụng các chuẩn khu vực và quốc tế đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh việc rà soát, quản lý trong đào tạo tiến sĩ. Ngoài việc công bố bắt buộc 3 công trình khoa học trên các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành, các đơn vị đào tạo tiến sĩ phải có đủ phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu với trang thiết bị cần thiết bảo đảm để nghiên cứu sinh có thể triển khai thực hiện đề tài luận án; có chỗ làm việc dành riêng cho người hướng dẫn và nghiên cứu sinh. Thư viện của trường phải có đủ nguồn thông tin tư liệu và phương tiện để nghiên cứu sinh tìm hiểu, tra cứu khi thực hiện đề tài luận án, viết luận án như sách, giáo trình, tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Thư viện điện tử có thể liên kết với các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực, cùng chuyên ngành đào tạo trong và ngoài nước. Có website của cơ sở đào tạo được cập nhật thường xuyên, công bố công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục, công khai thu chi tài chính...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo baodansinh.vn