Chế độ khi nghỉ ốm trong thời gian chờ chấm dứt HĐLĐ
Sau đó từ ngày 30/3/2018 cho đến ngày 13/5/2018, người lao động không đi làm mà xin nghỉ ốm (có nộp giấy nghỉ việc hưởng chế độ BHXH nhưng thiếu mất 3 ngày từ ngày 26-28/4/2018).
Công ty đã ra quyết định chấm dứt HĐLĐ, chốt sổ BHXH cho người lao động nhưng chưa thanh toán trợ cấp thôi việc do người lao động không thực hiện đủ thời gian báo trước.
Đến ngày 6/6/2018, người lao động nộp sổ khám bệnh, trong đó có ý kiến của bác sỹ là cho nghỉ ngơi 3 ngày từ ngày 26/4-28/4/2018, có đóng dấu phòng khám bệnh đa khoa của bệnh viện, không có giấy nghỉ việc hưởng chế độ BHXH.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, bà Bùi Thị Minh Châu, Công ty CP Cảng Đoạn Xá hỏi, trong trường hợp này, Công ty có phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động không? Với trường hợp là 3 ngày ghi trong sổ khám bệnh không được tính vào thời gian báo trước do không đủ điều kiện hưởng BHXH thì người lao động có phải bồi thường cho Công ty 3 ngày do vi phạm thời hạn báo trước không?
Về vấn đề này, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 37 của Bộ luật Lao động thì người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Khoản 1, 2 Điều 43 của Bộ luật Lao động quy định người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Tại Điều 48 của Bộ luật Lao động, khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Khoản 1, Điều 25 Luật BHXH quy định, người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế thì đủ điều kiện được hưởng chế độ ốm đau;
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 26 của Luật BHXH, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các Điểm a, b, c, d và h Khoản 1, Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần; trường hợp làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
Khoản 1, Điều 29 Luật BHXH quy định, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm theo quy định tại Điều 29 của Luật BHXH.
Căn cứ các quy định nêu trên và đối chiếu với nội dung đề nghị của bà Bùi Thị Minh Châu thì trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, đã báo trước 45 ngày cho Công ty. Trong thời gian báo trước, người lao động xin nghỉ ốm và nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe thì Công ty căn cứ quy định tại Điều 25, 26 và Điều 29 của Luật BHXH để đối chiếu, trường hợp chứng minh được người lao động vi phạm quy định về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì người lao động phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 43 của Bộ luật Lao động.
Trường hợp người lao động chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật thì Công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động nêu trên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.