Cho trẻ học hè: Lợi hay hại?
2016-07-13 09:39:09
0 Bình luận
Việc ép trẻ học nhiều trong mấy tháng hè đã trở nên “lợi bất cập hại”, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ.
Hè là dịp để trẻ em nghỉ ngơi sau những ngày tháng học tập vất vả và căng thẳng. Thế nhưng hiện nay, trẻ em đang phải đối mặt với áp lực học kỳ thứ 3. Đặc biệt là tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, trẻ con đi học thêm ngày càng gia tăng.
Sau đây là ý kiến của các phụ huynh nói về lý do cho con học hè:
“Tại vì mắt nó đang cận, mới đây tăng lên độ nữa nên không dám ép nó học. Cho nên cho học thêm thứ 2, với thứ 4 thứ 6, còn thứ 7 và chủ nhật thì học thêm tiếng Anh”.
“Tối ngày làm kiếm tiền để cho con đi học thêm đó. Một tháng cũng phải hai triệu mấy. không đi thì nó bị yếu”.
“Như con chị thì chị vận động viên cho đi học. Tại vì chị đi làm cả ngày lại xa nữa, chị đến tận nhà gặp cô thầy để đóng tiền cho con học. Một phần là để dạy và một phần có người quản lý con cho mình”.
Đó là những ý kiến của phụ huynh khi chúng tôi hỏi về việc cho con đi học thêm vào những ngày hè như thế nào. Với lý do nhằm củng cố, nâng cao kiến thức cho con, vừa giúp chúng tránh xa trò chơi điện tử và các tệ nạn xã hội, lại giải quyết được vấn đề trông trẻ, phụ huynh thường ép các con vào những lớp học thêm gần như cả tuần. Thực tế cũng có thể thấy, từ nhu cầu đó của phụ huynh mà ngay khi năm học vừa kết thúc, các lớp học thêm lại rầm rộ khai giảng. Ngay cả trẻ mầm non chuẩn bị vào lớp 1 cũng bị đưa vào các trung tâm để luyện viết chữ đẹp, làm Toán, học Tiếng Việt. Không chỉ đưa con đến các trung tâm học thêm, mà một số phụ huynh còn thuê gia sư đến nhà để dạy kèm con.
Mong mỏi của phụ huynh là cho con đi học. Thế nhưng, trẻ nghĩ gì về việc học hè?
“Em thì cũng có lúc cũng không thích học hè nhưng mà học hè thì để cho mình học giỏi hơn”.
“Hè là phải cho đi chơi, chừng nào tháng 7 tháng 8 thì mới phải đi học”.
“Em học cũng được mà không học cũng không sao. Thích đi chơi hơn, học bóng bàn, đi bơi”.
Qua khảo sát của chúng tôi cho thấy, trẻ con hiện nay đi học hè chỉ để đối phó, để làm vui lòng người lớn, là để trở thành những đứa con ngoan vâng lời bố mẹ.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chuyên gia cũng nhận định, việc ép trẻ học hè sẽ khiến các cháu giảm hứng thú, xuất hiện tâm lý sợ học, chán học. Từ đó, trẻ không còn cảm nhận niềm vui đi học, giảm hứng khởi, dẫn đến thiếu sự sáng tạo. Trẻ cũng có thể đẩy mình vào thế căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, sợ hãi với những áp lực học tập.
Theo Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, phụ huynh vẫn có thể cho con đi học hè để tiếp tục công việc hằng ngày mà không cần ở nhà quản lý con. Song, không phải học trước kiến thức như hiện nay, mà là cho bé học kỹ năng, học năng khiếu, học thể thao để tăng cường sức khỏe.
Theo ông Hiếu, việc học hè có thể chia làm 3 giai đoạn như sau: “Giai đoạn thứ nhất, là chúng ta để 5 – 7 ngày trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn. Sau đó chúng ta cho trẻ tham gia các hoạt động vừa học vừa chơi, có thể cho về quê, hoặc tham gia học kỹ năng, năng khiếu tại nhà văn hóa. Giai đoạn 3 là trước khi bước vào năm học mới thì cho trẻ ôn lại những kiến thức cũ”.
Các bậc cha mẹ nên xây dựng một kế hoạch nghỉ hè hoàn hảo, không gây áp lực cho trẻ. Trước khi cho con học hè, các phụ huynh nên tham khảo và tôn trọng quyết định của con, đồng thời có sự tìm hiểu và tư vấn từ các chuyên gia, để định hướng cho trẻ học tập một cách hiệu quả nhất giúp trẻ phát triển tốt về thể chất và tinh thần, chuẩn bị cho một năm học mới tràn đầy năng lượng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo vov